vendredi 5 mars 2021

Mai Bá Kiếm - Dốt hay nói chữ !


Bộ Giáo dục & Đào tạo ra Quyết định “Ban hành Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Hàn, tiếng Đức hệ 10 năm thí điểm” bằng tiếng Việt mà toàn dân Việt và cả báo chí Việt đều hiểu lầm rằng : Tiếng Hàn và tiếng Đức sẽ là môn học bắt buộc !

Sau đó, “thông ngôn” Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, phải dịch từ “bắt buộc” trong Quyết định ra nghĩa “không bắt buộc” khi thực hiện quyết định này. Bộ Dạy Học viết văn bản bằng tiếng mẹ đẻ rồi phải nhờ thông ngôn dịch chữ Quốc ngữ ra tiếng Việt thì dân mới hiểu ! Xin lỗi chịu hết nổi !

Báo chí đăng rằng : “Ông Nguyễn Xuân Thành cho hay từ “bắt buộc” xuất hiện trong quyết định này không có nghĩa Tiếng Hàn sẽ trở thành môn học bắt buộc, mà từ này dùng để bổ ngữ giải nghĩa cho cụm “Ngoại ngữ 1”. Bởi theo quy định, “ngoại ngữ 1” là bắt buộc.

Nếu trường phổ thông nào có đủ điều kiện dạy tiếng Hàn là ngoại ngữ 1 và học sinh tự nguyện lựa chọn tiếng Hàn thay cho tiếng Anh để học, thì sẽ đăng ký về số lượng học sinh, điều kiện đảm bảo chất lượng rồi mới bắt đầu dạy”.

Tôi không phải là thông ngôn tiếng Việt, nhưng tôi nói một cách dễ hiểu, đến nay Bộ Giáo dục cho phép 7 thứ tiếng (Anh, Pháp, Nga, Trung, Nhật, Hàn, Đức) vào cái rổ “ngoại ngữ 1”, giống như rổ tiền tệ quốc tế có 5 loại đồng : USD, Euro, Bảng, Yen, Tệ !

Thông ngôn Thành càng giải thích càng tối nghĩa : "Bởi theo quy định, “ngoại ngữ 1” là bắt buộc". Nhưng, học sinh không phải học cùng lúc 7 ngoại ngữ này, mà có toàn quyền chọn 1/7 ngoại ngữ đó làm môn “bắt buộc”.

Rắc rối hơn, bảy ngoại ngữ cho học sinh tự chọn thì không được gọi chung là “các môn tự chọn”, mà chỉ có một ngoại ngữ đã chọn rồi mới là "môn bắt buộc" !

Bởi vì, trước đó Bộ đã lỡ tay quy định “ngoại ngữ 2” là môn tự chọn. Nhưng “ngoại ngữ 2” không phải là mấy trăm thứ tiếng trên thế giới còn lại, trừ 7 thứ tiếng trong “ngoại ngữ 1”. Trớ trêu thay, “ngoại ngữ 2” còn ít thứ tiếng hơn “ngoại ngữ 1”. Nghĩa là, sau khi chọn một ngoại ngữ làm môn bắt buộc, học sinh sẽ chọn 1 trong 6 ngoại ngữ còn lại làm “ngoại ngữ 2” là môn tự chọn.

“Ngoại ngữ 2 là “đầu thừa, đuôi thẹo” của “ngoại ngữ 1”.

Tiếng Việt của Bộ Giáo dục viết ra phải được “thông ngôn tiếng Việt” dịch lại thì dân mới hiểu lơ mơ, thì không hy vọng gì các em giỏi tiếng Việt, nói chi đến giỏi 7 thứ tiếng “ngoại ngữ 1”.

MAI BÁ KIẾM 05.03.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.