jeudi 18 avril 2019

Nhà thờ Đức Bà, ký ức Paris sẽ hồi sinh

Quang cảnh Nhà thờ Đức Bà Paris sau trận hỏa hoạn. Ảnh chụp ngày 16/04/2019.

Chiều nay 17/04/2019 đúng 18 giờ 50, giờ mà ngọn lửa bắt đầu bốc lên ở Nhà thờ Đức Bà Paris hôm thứ Hai 15/4, chuông của tất cả các giáo đường trên nước Pháp đồng loạt đổ để tỏ tình tương thân tương ái đối với « Trái tim nước Pháp », « Thánh đường mẹ của các giáo đường ».

Người dân Paris lẫn du khách đều sững sờ chứng kiến ngôi giáo đường nguy nga nhất thủ đô, đã tồn tại trên 850 năm bốc cháy dữ dội. Tối hôm đó, những chiếc « bateau mouche », tàu chở khách tham quan dọc theo sông Seine, vẫn còn phát bài giới thiệu thường lệ, trong đó có Nhà thờ Đức Bà. Một công trình tồn tại hơn tám thế kỷ, đã chứng kiến bao nhiêu thăng trầm của lịch sử nước Pháp.

Hơn 850 năm lịch sử

Năm 1455, thánh nữ Jeanne d’Arc được minh oan tại Nhà thờ Đức Bà Paris. Hơn ba thế kỷ sau, hoàng đế Napoléon Đệ nhất chọn Vương cung Thánh đường Paris là nơi làm lễ đăng quang. Ngày 26/08/1944, tướng De Gaulle sau khi diễu hành mừng thủ đô Paris được giải phóng khỏi phát-xít Đức, đã đến Nhà thờ Đức Bà dự thánh lễ. 

Dưới thời Đệ tam, Đệ tứ và Đệ ngũ Cộng hòa, các buổi lễ trang trọng cũng được tổ chức tại đây để mừng chiến thắng, như với các thống chế Foch, Joffre, Leclerc, De Lattre De Tassigny. Tang lễ của các tổng thống Charles De Gaulle, George Pompidou, François Mitterrand đều diễn ra tại Nhà thờ Đức Bà.

Những chiếc chuông nổi tiếng của Nhà thờ Đức Bà từng ngân vang để tưởng niệm các nạn nhân chuyến bay 447 Air France Rio-Paris (2009), nạn nhân vụ khủng bố đẫm máu ở Paris ngày 15/11/2015…

Được bắt đầu xây dựng từ năm 1163, lúc đó Paris mới có 50.000 dân, và đến hai thế kỷ sau mới hoàn thành, Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre-Dame de Paris) đã tránh được số phận của nhiều nhà thờ thời Trung Cổ. Đứng vững suốt tám thế kỷ qua, nhưng đại nạn lại xảy ra vào thế kỷ 21 với vụ hỏa hoạn ngày 15/4 ! 

Nhà thờ Đức Bà Paris trong nghệ thuật

Không chỉ có giá trị về kiến trúc và lịch sử, Nhà thờ Đức Bà Paris còn đi vào tâm thức mọi người qua văn chương, điện ảnh…mà nổi tiếng nhất là tác phẩm « Thằng gù ở Nhà thờ Đức Bà » của văn hào Victor Hugo, được dịch ra nhiều thứ tiếng. Từ tiểu thuyết này, đã có ít nhất 10 bộ phim truyện và 5 phim truyền hình ra đời. Bộ phim xưa nhất là « La Esmeralda » của Alice Guy và Victorin Jasset ra mắt từ năm 1905. Bộ phiem được biết đến nhiều nhất là « Notre-Dame de Paris » của Jean Delannoy năm 1956 với các diễn viên nổi tiếng Gina Lollobrigida và Anthony Quinn. Hãng phim Disney cũng làm phim hoạt hình « Thằng gù ở Nhà thờ Đức Bà », trình chiếu năm 1996.

Nhà thờ Đức Bà Paris là bối cảnh của rất nhiều bộ phim, trong đó có thể kể « Nửa đêm ở Paris » của Woody Allen, « Định mệnh tuyệt vời của Amélie Poulain » của Jean-Pierre Jeunet…

Nhiều vở múa ba-lê về Nhà thờ Đức Bà Paris như vở « La Esmeralda » của Jules Perrot từ năm 1844 có nhiều phiên bản khác nhau, đặc biệt tại Nga, « Notre Dame de Paris » của Roland Petit năm 1965…Nhưng thành công nhất là vở nhạc kịch « Notre Dame de Paris » năm 1998 của Luc Plamondon và Richard Cocciante, đã được trình diễn tại hơn 20 quốc gia bằng 9 thứ tiếng, đến tháng Giêng này đã được 5.000 buổi. 

Trong hội họa, nổi tiếng nhất là tác phẩm « Lễ tấn phong của Napoléon » có kích thước 10 x 6 mét, do họa sĩ của hoàng đế Napoléon Đệ nhất là Jacques-Louis David thực hiện từ năm 1805 đến 1807. Các danh họa Marc Chagall, Maurice Utrillo cũng thường dùng Nhà thờ Đức Bà Paris cùng với dòng sông Seine cuộn chảy bên cạnh làm bối cảnh. 

Trong tác phẩm sơn dầu độc đáo « Nữ thần Tự Do dẫn dắt nhân dân » của họa sĩ trường phái lãng mạn Eugève Delacroix về cuộc cách mạng tháng 7/1830, người ta cũng nhìn thấy hai ngọn tháp của Nhà thờ Đức Bà Paris phía sau. Thậm chí một số trò chơi video gần đây cũng đặt Nhà thờ Đức Bà Paris vào vai trò trung tâm.

Hồi sinh từ tro tàn ?

Đối với Công giáo, các thánh tích lưu giữ tại đây là vô giá. May mắn là đã cứu được vòng mão gai của Chúa Giêsu, khi bị quân La Mã đóng đinh trên thập tự giá ; chiếc áo của thánh Louis, và một chiếc đinh trên thánh giá. Tượng con gà bằng đồng đặt chót vót trên tháp nhọn của nhà thờ, ngỡ rằng đã bị nung chảy khi tháp bị sụp đổ, đã tìm lại được trong đống đổ nát hôm qua. Tuy nhiên các thánh tích bên trong của nữ thánh Geneviève và thánh Denis, hai vị thánh bảo hộ Paris, không rõ có còn giữ được hay không. 

Trong cảnh hoang tàn hôm nay, liệu có thể hồi sinh Nhà thờ Đức Bà Paris ? Gaël Hamon, người sáng lập Art Graphique & Patrimoine, khi trả lời AFP khẳng định nước Pháp có đủ kỹ năng để phục hồi Nhà thờ Đức Bà như cũ. Các kiến trúc sư, đội ngũ nghệ nhân đẽo đá, làm mái vòm, thợ mộc của Pháp có thể tái tạo các phần đã bị hư hại của thánh đường, bên cạnh đó là sự giúp sức của công nghệ mới. Tuy nhiên các công trình khác có thể bị ảnh hưởng, vì những người thợ tay nghề cao phải tập trung cho Nhà thờ Đức Bà Paris. Dự kiến phải tuyển mộ thêm 100 thợ chế tác đá, 150 thợ mộc và 200 thợ làm mái.

Một câu hỏi khác là có nên phục dựng y như cũ, hay sử dụng các vật liệu bền vững hơn như bê-tông ở thánh đường Reims, kim loại như Chartres hay Saint Denis ? Đây là chủ đề đang được bàn cãi, cũng như thời gian tái thiết được tổng thống Emmanuel Macron đề ra là 5 năm cho kịp với Thế vận hội Paris 2024. Có người cho rằng phải mất 15 đến 20 năm. Nếu đặt ra thời hạn 5 năm – hai năm để dọn dẹp mặt bằng, lập danh sách những hạng mục và chọn đơn vị thi công, và ba năm để tiến hành công việc – thì buộc lòng phải từ bỏ việc phục dựng khung nhà thờ bằng gỗ sồi y như thời xưa.

Một tỉ euro để trùng tu

« Trái tim nước Pháp » bốc cháy, nhưng du khách vẫn tiếp tục tìm đến. Jean-François Rial, giám đốc công ty Voyageurs du Monde nhận xét : « Điểm chung của vụ hỏa hoạn Nhà thờ Đức Bà Paris với các vụ khủng bố năm 2015 là nỗi xúc động to lớn mà sự kiện gây ra. Tuy nhiên điểm khác biệt lớn lao là nếu khủng bố khiến du khách e sợ không dám đến Pháp, thì vụ hỏa hoạn này lại có tác động ngược lại ». Ngay từ buổi tối xảy ra vụ cháy cho đến nay, đông đảo người tìm đến để ngắm nhìn Nhà thờ Đức Bà Paris sau trận hỏa hoạn, để cầu nguyện, tiếc thương cho một di sản mỗi năm có ít nhất 13 triệu người đến tham quan. 

Vụ hỏa hoạn xảy ra ngay trong Tuần Thánh khiến người Công giáo bàng hoàng. Hôm nay lẽ ra tất cả các linh mục ở Paris sẽ tề tựu về Nhà thờ Đức Bà để nhận dầu thánh như mọi năm. Nhưng lễ bắt đầu Tuần Thánh phải diễn ra ở nhà thờ Saint Sulpice, Sainte Eustache, và lễ Phục Sinh cũng thế. 

Do Nhà thờ Đức Bà Paris được coi là công sản, Nhà nước Pháp chịu trách nhiệm trùng tu, mỗi năm chỉ có thể dành ngân sách eo hẹp là 2 triệu euro cho di tích nổi tiếng này, vì còn nhiều công trình khác phải duy tu. Kiến trúc sư Jean-Michel Wilmotte ước tính chi phí tái thiết Nhà thờ Đức Bà sẽ vượt quá 1 tỉ euro. Những món tiền do các gia tộc giàu có và các công ty tư nhân hứa tặng cho đến hôm nay 17/04/2019 đã lên đến gần 900 triệu euro, chưa kể hiện vật. 

Tranh cãi vẫn chưa chấm dứt khi đặt vấn đề coi Nhà thờ Đức Bà là « báu vật quốc gia » để giảm thuế đến 90% đối với những món tiền đóng góp. Trước dư luận, gia đình tỉ phú Pinault sau khi tuyên bố tặng 100 triệu euro đã từ chối việc được giảm thuế. Hôm nay thủ tướng Edouard Philippe loan báo sẽ trình một dự luật mang tên « Nhà thờ Đức Bà » liên quan đến việc giảm thuế cho các đóng góp và khởi động cuộc thi quốc tế để phục chế tháp nhọn của công trình.

Paris không có Nhà thờ Đức Bà ? Đó là điều khó tưởng tượng đối với người dân và đặc biệt là du khách đến với thủ đô nước Pháp. Được UNESCO đưa vào danh sách di sản nhân loại từ năm 1991, Nhà thờ Đức Bà địa điểm được thăm viếng nhiều nhất Paris, hơn cả tháp Eiffel. 

Nhất là ở bên kia bờ Đại Tây Dương – người Mỹ rất quen thuộc với hình tượng Quasimodo nhờ ấn tượng sâu sắc từ vở nhạc kịch « Notre Dame de Paris », và có truyền thống hào phóng với các di sản. Món đóng góp đầu tiên của người nước ngoài đến từ Hoa Kỳ : ông Henry Kravis, đồng sáng lập quỹ đầu tư Mỹ KKR và vợ là Marie-Josée Kravis « đau buồn vì vụ hỏa hoạn », đã tặng ngay 10 triệu đô la lúc nghe tin Nhà thờ Đức Bà Paris đang bốc cháy. 

http://vi.rfi.fr/phap/20190417-nha-tho-duc-ba-ky-uc-paris-se-hoi-sinh

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.