mardi 9 avril 2019

Gián điệp Nga hoành hành tại Thụy Sĩ


Nằm trong loạt bài điều tra về cung cách nước Nga thời ông Putin mở rộng mạng lưới gây ảnh hưởng ra thế giới, bài viết cuối của Le Monde mang tựa đề « Những nụ hôn từ Genève », dựa theo tựa tập thứ năm bộ tiểu thuyết gián điệp về James Bond của nhà văn Anh Ian Fleming « Những nụ hôn từ nước Nga ». Bài báo nói về hoạt động của các điệp viên Nga dưới vỏ bọc ngoại giao ở Thụy Sĩ.
Hacker hoạt động ngay trên thực địa

Evgueni Serebriakov là chỉ huy phó đơn vị 26165 của tình báo quân đội Nga (GRU), mũi nhọn về gián điệp mạng, vũ khí ưa thích của điện Kremlin. Thay vì dán chặt vào máy tính, nhân viên tình báo này tích cực hoạt động trên thực địa với tư cách nhà ngoại giao. Luôn đi đôi với một điệp viên khác là Alexei Morenets, cả hai không ngần ngại du hành khắp nơi từ Brazil, Hoa Kỳ đến Malaysia với tên tuổi thật.

Ngày 19/09/2016, Serebriakov và Morenets có mặt tại Lausanne, trong một khách sạn lớn, nơi lưu trú của nhiều thành viên tham dự hội nghị Cơ quan chống doping quốc tế (AMA). Vào thời điểm đó, Nga đang bị chỉ trích gay gắt về doping. Một báo cáo điều tra của luật gia Canada Richard McLaren đã gây tiếng vang lớn, ngoài ra còn một báo cáo khác sắp công bố về việc tổ chức doping trong bóng đá Nga. Nhiệm vụ của hai điệp viên là tiếp cận với địch thủ - AMA - để xâm nhập vào hệ thống.

Do không tấn công được từ xa vì được bảo vệ nghiêm ngặt, tin tặc đôi khi phải đến tận nơi, lợi dụng sự yếu kém về an ninh của hệ thống wifi tại các khách sạn, trung tâm hội nghị. Con mồi của hai điệp viên Nga hôm đó là một viên chức của Trung tâm đạo đức thể thao Canada (CCES), một tổ chức cứng rắn với Nga. Serebriakov và Morenets đã cài được nhiều loại virus : Gamefish, X-agent, X-tunnel, Remcomsvc…vào máy tính xách tay của viên chức này. Nhờ đó họ xâm nhập được vào máy chủ của CCES ở Canada, khoảng 100 tài liệu mật liên quan đến báo cáo McLaren bị lọt vào tay GRU.

Hình ảnh hai gián điệp Nga được ghi lại gần nơi cựu điện viên Skripal bị đầu độc tại Salisbury, Anh quốc.
Đánh cắp các tài liệu tố cáo Nga doping và đầu độc

Đến tháng 3/2017, Serebriakov quay lại Lausanne nhân một hội nghị chuyên đề của AMA tại Swiss Tech Convention Center, một trong những trung tâm high-tech lớn nhất thế giới. 

Trước gần 700 chuyên gia chống doping tham dự, luật gia Richard McLaren cho biết cụ thể cách thức gian lận của Nga trong Thế vận hội mùa đông Sotchi năm 2014. Những mẫu nước tiểu dương tính biến mất trong phòng thí nghiệm qua một lỗ đục trên tường từ văn phòng tình báo Nga bên cạnh, và bị thay thế bằng mẫu nước tiểu « sạch ».

« Ngựa quen đường cũ », cặp Serebriakov & Morenets lại ở cùng khách sạn với các thành viên và xâm nhập bằng wifi. Nhưng lần này, tư pháp Thụy Sĩ đã tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự đối với họ, còn một nhân vật thứ ba là nhà ngoại giao Nga tại Thụy Sĩ đã kịp cao chạy xa bay. 

Tuy nhiên không phải ở Thụy Sĩ, mà tại Hà Lan, cặp điệp viên trên đã phải dừng bước. Hôm 13/04/2018 ở La Haye, tình báo Hà Lan bắt quả tang Serebriakov & Morenets cùng với hai đồng nghiệp trong một chiếc xe hơi chứa đầy các thiết bị tấn công tin học, đậu trước trụ sở Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OIAC theo tiếng Pháp, OPCW theo tiếng Anh). OIAC thảo luận về vũ khí hóa học ở Syria, nơi mà Nga đóng vai trò trung tâm. Tổ chức này cũng dự kiến bàn về vụ cựu điệp viên GRU Serguei Skripal bị đầu độc ở Salisbury (Anh).

Ngoại giao đoàn Nga tại Thụy Sĩ đầy gián điệp

Vụ bắt giữ này là kết quả sự phối hợp giữa tình báo nhiều nước phương Tây. Các thiết bị tịch thu cho thấy GRU định xâm nhập phòng thí nghiệm liên bang Spiez - nơi OIAC và AMA thường sử dụng - và nhiều bằng chứng khác. Báo cáo năm 2018 của cơ quan tình báo Thụy Sĩ (SRC) nhấn mạnh có đến 1/4, thậm chí 1/3 ngoại giao đoàn Nga tại nước này là gián điệp.

Tình báo Nga hoành hành cho đến nỗi chính quyền Thụy Sĩ vốn luôn trung lập đã phải lên tiếng. Trong Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis chỉ trích thẳng thừng đồng nhiệm Serguei Lavrov, mà không hề dành vài phút cho công thức ngoại giao. Ông Cassis cũng gởi giám đốc tình báo SRC đến Matxcơva để nói chuyện tay đôi với các đồng nhiệm Nga.

Ngoài việc dỡ bỏ tư cách miễn trừ ngoại giao của cặp Serebriakov & Morenets, triệu tập đại sứ Nga, Thụy Sĩ trong năm 2018 còn từ chối đề nghị cấp quy chế ngoại giao đến năm lần – một sự kiện hiếm hoi. Tuy vậy Thụy Sĩ vẫn duy trì đối thoại với Nga. Đất nước nhỏ bé này khó thể vừa truy lùng các nhà ngoại giao giả mạo, lại vừa là trung tâm thương thuyết quốc tế. Chỉ riêng tại Genève, đã có gần 29.000 nhà ngoại giao và viên chức quốc tế đăng ký – một cộng đồng chi ra đến 6 tỉ quan Thụy Sĩ (5,34 tỉ euro) – và mỗi ngày đều có sự kiện diễn ra.

Tàu Audacia đang đặt đường ống Nord Stream 2 ngoài khơi đảo Rügen, Đức, 07/11/2018.
Chiến lược lobby của Nga cho Nord Stream 2 tại Đức

Cũng liên quan đến Nga, đặc phái viên Le Figaro tại Đức ghi nhận về « Nord Stream 2 : Đường ống dẫn khí Nga và hệ thống lobby ở Đức ». Dự án giúp tập đoàn Gazprom của Nga vận chuyển khí đốt sang châu Âu mà không cần đi qua lãnh thổ Ukraina vẫn đang tiến triển, nhưng tiếp tục gây chia rẽ các nước châu Âu đồng thời khiến Hoa Kỳ tức giận.

Nord Stream 2 là hai đường ống dẫn khí chạy song song với Nord Stream 1 dưới đáy biển Baltic, giúp Gazprom tăng sản lượng khí đốt bán cho châu Âu thêm 55 tỉ mét khối mỗi năm. Dự án khổng lồ 8 tỉ euro do Gazprom góp phân nửa vốn, còn lại là năm công ty châu Âu. Theo người phụ trách truyền thông của Nord Stream 2, dự án này rất hiệu quả về kinh tế và tôn trọng môi trường hơn đường ống chạy qua Ukraina. 

Tuy nhiên nhà báo Jens Hovsgaard của Đan Mạch trong cuốn sách « Khí đốt, tiền bạc và lòng tham : Đức đã gây nguy hiểm cho tương lai châu Âu như thế nào » tố cáo các áp lực chính trị, cũng như việc Gazprom dùng tiền để dập tắt những chỉ trích. Chẳng hạn một chuyên gia Thụy Điển sau khi phê phán Nord Stream 2 đã được Nga tài trợ nghiên cứu, và thế là những đả kích chấm dứt. Matthias Warnig, giám đốc Nord Stream 1, cựu nhân viên tình báo Đông Đức nhận xét đó là « phương pháp cây gậy và củ cà rốt thường dùng của KGB ».
 
Tại Đức, người Nga huy động các phương tiện quy mô để bênh vực dự án, có hẳn chiến lược lobby địa phương và cấp quốc gia. Lợi dụng cảm tình sẵn có với Nga ở khu vực Đông Đức cũ, Gazprom tác động vào chính quyền bang Mecklenburg-Vorpommern (Mecklembourg-Poméranie-Occidentale). Cựu thủ tướng Gerhard Schröider, sau khi thất cử năm 2005 đã trở thành chủ tịch hội đồng quản trị Nord Stream 2, và nhờ mối quan hệ rộng lớn có sẵn, ông đã mở cánh cửa nước Đức cho dự án. 

Thủ tướng Angela Merkel vốn thực dụng, đã bị thuyết phục trong lúc bà vừa quyết định ngưng sử dụng năng lượng nguyên tử. Trong nhiều năm liên tục bà luôn khẳng định Nord Stream 2 « là một dự án kinh tế », nhưng nay trước căng thẳng tăng cao giữa Nga và phương Tây, bị cô lập tại châu Âu, bị các nước kể cả Pháp chỉ trích, bà Merkel rốt cuộc đã nhìn nhận tầm vóc « chính trị » của công trình này.

Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc tại Bruxelles ngày 09/04/2019.
Thượng đỉnh EU-Trung Quốc : Bắc Kinh dịu giọng vì đang khốn đốn với Mỹ

Về quan hệ Liên hiệp Châu Âu – Trung Quốc, hội nghị thượng đỉnh tại Bruxelles hôm nay 09/04/2019, được dự báo gay gắt hơn những lần trước. Les Echos nhận định đây là một thượng đỉnh « trên căn bản đối địch ngày càng rõ ».

Châu Âu đòi hỏi cải cách các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để tránh cạnh tranh bất chính của Trung Quốc (trợ cấp trá hình, cưỡng bức chuyển giao công nghệ…). Đồng thời nhanh chóng hoàn tất thỏa ước đầu tư để tạo điều kiện cho các công ty châu Âu tại Hoa lục. Về yêu sách thứ nhất, châu Âu trông cậy vào lời đe dọa của Mỹ để thúc ép Bắc Kinh chấp nhận một cuộc chơi bình đẳng hơn.

Ngay trước khi đến Bruxelles, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cố gắng cải chính là không muốn chia rẽ châu Âu với dự án « Con đường tơ lụa mới ». Theo Les Echos, đang khốn đốn vì cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, Trung Quốc không muốn mở thêm một mặt trận mới với châu Âu.

Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahou và phu nhân bỏ phiếu tại Jerusalem ngày 09/04/2019.
Bầu cử Israel tập trung cho chủ đề an ninh 

Cải cách thuế khóa ở Pháp và cuộc bầu cử ở Israel là hai chủ đề chính của các báo Pháp hôm nay. Le Figaro chạy tít « Tranh luận toàn quốc : Thủ tướng Edouard Philippe tuyên bố tình trạng khẩn cấp về thuế khóa ». Les Echos dùng câu nói của ông Philippe làm tựa đề « Chúng ta phải trả lời về tình trạng sưu cao thuế nặng ».

« Bầu cử Israel : Bibi hoặc không Bibi », đó là tựa lớn của Libération. Le Monde nhận xét « Israel : Khẩu hiệu tranh cử quá lố của ông Netanyahou », còn La Croix ghi nhận « Israel, cuộc bầu cử tập trung cho chủ đề an ninh ».Các ứng cử viên đã bỏ qua các chủ đề như bất bình đẳng xã hội hay tiến trình hòa bình. Trong trường hợp chiến tranh, các chuyên gia ước lượng mỗi ngày Hezbollah sẽ bắn sang đất Israel hàng ngàn hỏa tiễn. Người Do Thái cảm thấy mối đe dọa đến từ khắp nơi : Hamas, Iran…dưới nhiều dạng thức khác nhau, từ tấn công bằng dao, bằng xe hơi gài chất nổ cho đến súng trường, hỏa tiễn tầm xa…

Đương kim thủ tướng Benjamin Netanyahou (thường được gọi bằng biệt danh « Bibi ») có nhiều triển vọng nhất, cho dù đang gặp rắc rối với tư pháp trên ba hồ sơ « gian lận, lạm dụng tín nhiệm và tham nhũng », mà theo ông là do giới tinh hoa muốn quấy nhiễu. 

Le Figaro nói về « Mười ba năm cầm quyền đã làm thay đổi Israel ». Kinh tế tăng trưởng thường xuyên, tỉ lệ thất nghiệp dưới 4%, đất nước trở thành quốc gia start-up với trên 6.000 công ty khởi nghiệp, dỡ bỏ tối đa những giới hạn về các khu định cư…Le Figaro cho rằng dù kết quả bầu cử hôm nay như thế nào đi nữa, ông Netanyahou vẫn gây dấu ấn sâu đậm trong lịch sử Nhà nước Do Thái.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190409-gian-diep-nga-hoanh-hanh-tai-thuy-si

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.