mardi 20 septembre 2016

Việt Nam: Những ghi nhận xung quanh phiên tòa bà Cấn Thị Thêu

Bà Cấn Thị Thêu trong phiên tòa ngày 20/09/2016 tại Hà Nội.
MỘT BẢN ÁN ÁP ĐẶT TỪ TRƯỚC

(LS Võ An Đôn) Sáng nay 20/9/2016, Tòa án nhân dân quận Đống Đa mở phiên tòa xét xử chị Cấn Thị Thêu, phạm tội “Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 Bộ luật hình sự.

Mặc dù chị Cấn Thị Thêu kêu oan từ đầu đến cuối và cả bốn luật sư cố gắn hết sức bào chữa cho chị Thêu được vô tội, nhưng Hội đồng xét xử không nghe mà vẫn xử phạt chị Thêu 20 tháng tù giam.


Hình ảnh chị Cấn Thị Thêu hai tay bị còng nhưng bước ra tòa rất hiên ngang, không chịu khuất phục trước sức mạnh của quyền lực nhà nước đã làm những người dự phiên tòa phải kính nể.
Cuối phiên tòa chị Thêu nhờ tôi gửi lời cảm ơn đến tất cả bà con dân oan và bạn bè khắp nơi đến tòa đồng hành cùng chị sáng nay !

PHIÊN TOÀ BÀ CẤN THỊ THÊU

(LS Lê Văn Luân) Phiên tòa sáng nay, do tòa án gần nhà nên tôi đi bộ, mới bước vào cổng ngõ dẫn vào toà là vòng 1 an ninh, công an rất đông và kiểm tra kỹ giấy tờ của tôi.

Được một người mặc cảnh phục đưa vào đến cổng tòa, thì lại một vòng an ninh dày đặc nữa và cũng kiểm tra lần nữa các giấy tờ của tôi. Đến gần phòng xử lại một vòng an ninh nữa, có máy quét kim loại cầm tay, phải gửi mọi đồ đạc ở ngoài, nếu dùng laptop thì tòa chuẩn bị sẵn cho.

Vào tòa, chỉ có hai nhân chứng, rất đông người lạ dự mà hầu như không có "dân", còn các nhân chứng khác đều vắng mặt. Hai nhân chứng có mặt tại tòa này rất tài tình khi họ khai bán hàng ở đó, trước một đám đông tới 50 người đi khiếu kiện trước trụ sở Bộ TNMT số 79 Nguyễn Chí Thanh, mà lại nhìn duy nhất được bà Thêu ở đó (???). Và khi tôi hỏi vặn thì "lâu rồi tôi không nhớ", nhưng lại nhớ được dòng chữ trên tấm giấy, màu áo bà Thêu mặc, nhớ được chiếc áo chống nắng bên ngoài của bà Thêu. 

Và việc công an "mời" hai người này về trụ sở cùng bà Thêu để làm việc về việc "bắt quả tang" đối với bà Thêu của công an tại phường Láng Hạ ngày hôm đó hai người này không nhớ gì, trong khi rõ ràng đã ký vào biên bản được lập vào buổi tối cùng ngày (?). Hai người này cũng khai, việc xáo trộn của đám đông đi khiếu kiện trước trụ sở tiếp dân chỉ bắt đầu xảy ra khi lực lượng an ninh (thường phục) tiến hành bắt người, chứ trước đó vẫn rất ổn định và bình thường, mọi hoạt động trật tự vẫn diễn ra trên vỉa hè (phù hợp bản video được công chiếu tại phiên tòa).

Tiếp tục, việc sử dụng camera số 12 của Vincom (chếch phía đối diện) mà họ nói rằng có góc quay hướng ra nơi xảy ra sự việc sáng ngày 08.04.2016 lại không được thu thập hợp pháp theo Bộ luật Tố tụng hình sự nhưng vẫn được cơ quan điều tra và viện kiểm sát dùng làm một căn cứ buộc tội đối với bà Thêu, và tại phiên tòa cũng không sử dụng để trình chiếu video clip này. Điều này đã bị các luật sư yêu cầu bác bỏ.

Riêng đối với chiếc camera của an ninh quận Đống Đa được sử dụng để làm chứng cứ cũng không quay được cảnh tắc đường do hành vi của nhóm người đi khiếu kiện gây ra. Không chỉ rõ được ở vị trí nào, và hậu quả từ việc này.

Và điểm mấu chốt của vụ án nằm ở chiếc xe bus mà lực lượng an ninh đã chuẩn bị từ trước để dùng nó và dừng đỗ tại gần cửa trụ sở tiếp dân Bộ TNMT nhằm bắt người dân lên đó để đưa về nhiều nơi khác nhau. Có một lời khai đó là xe số 25, và tôi đã tra cứu lịch trình thì xe này không có lộ trình qua Nguyễn Chí Thanh, và vì vậy, nó không được sử dụng để lưu thông, nên theo biên bản hiện trường, một nhóm người (khoảng hơn 10 người, theo lời khai các nhân chứng tại phiên toà) đã nằm trước chiếc đầu xe bus số 25 này là để chặn không cho lực lượng an ninh bắt người khiếu kiện và đưa đi. 

Thời gian nằm tại lề đường chỉ từ 00 giây đến 06 giây (tức rất ngắn), lại nằm tại góc khuất trước đầu chiếc xe bus dừng chắn đường, nên hành vi của nhóm người này, vốn không thể quy chỉ cho bà Thêu, sẽ không thể ảnh hưởng gì đến tình trạng giao thông. Nhưng tuyệt nhiên, mấu chốt này của vụ án hoàn toàn bị bỏ qua bởi các cơ quan tố tụng và cố tình lảng tránh nó.

Bà Thêu đi khiếu kiện 9 năm, tại nhiều nơi, đã bị đưa lên xe bus nhiều lần, lần này bà Thêu đi một mình (tôi hỏi để xác định các tình tiết tại tòa), đến nơi tiếp dân ở 79 Nguyễn Chí Thanh để khiếu nại theo giấy thông báo của Văn phòng chính phủ. Ở đấy đã có nhiều người trước đó, và theo phản ánh của Tổng cục Biển và Hải đảo cũng như tổ phó dân phố ở đây xác nhận rằng việc khiếu kiện thường xuyên diễn ra, rất đông người, có lúc tới hơn 200 người, nên không phải là tình trạng hoặc sự kiện đột biến hay khác thường gì.

Việc đối đáp, tranh luận được diễn ra bình thường, nhưng đại diện Viện Kiểm sát cứ "bảo lưu quan điểm và bác đối đáp của luật sư" một cách chung chung.

Bà Thêu rất tỉnh táo, tinh thần ổn định, sức khoẻ tốt, vững vàng. Trước khi ra xe cô cười và cảm ơn các luật sư, vì cô biết trước và đã chuẩn bị tâm lý sẵn cho điều đó.

Tuyên án: 20 tháng tù giam.



Dân oan tại Hà Nội phản đối phiên tòa.

TẠI ĐỒN CÔNG AN QUANG TRUNG

(Đặng Bích Phượng) Hóa ra hôm nay, nhà em cũng được vào đồn công an Quang Trung.

Số là nhà em cùng em Nguyễn Thúy Hạnh vào Hà Đông tầm 3h30. Vừa tới nơi, đã thấy đang nhốn nháo ngay trước cửa đồn. Mấy thằng an đang quây đánh thằng Tri Dung Nguyen. Nhà em lập tức dừng lại, bỏ xe đó để nhảy vào cùng mọi người "cứu". Cái cảnh giằng co hỗn loạn và bạo lực đó, luôn khiến tim nhà em đập thình thịch, chân tay run bắn vì tức giận.

Tức thì phải chửi. Mẹ kiếp cái lũ to như con tịnh, lại hung dữ như loài thú, cứ xông vào những người dân đi đòi công lý để mà đàn áp. Cứ yên được một lúc, lại thấy người vón lại một cục với những tiếng kêu la, những màn vật lột. Lại xông vào giải cứu nhau, ầm ĩ và huyên náo. Tay nhà em yếu, túm vào lũ chúng nó như gãi ghẻ. Thấy một thằng cầm cái mũ của nhà em (chả hiểu tại sao lại trong tay nó), nhà em giằng lại: mũ của tao!

Đến lần huyên náo thứ ba, mới biết con bé Nam Phương và một đứa nào đó bị bắt vào trong đồn. Mọi người đang đứng hỏi nhau đầu đuôi câu chuyện, thì một bầy từ trong túa ra, đuổi mọi người đi. Nhà em ko đi, bảo tại sao phải đi, biển cấm đâu? Thế là một gã già già, khoát tay ra lệnh cho tay chân, chỉ nhà em: bắt lấy đối tượng này!

- Bắt đi!

Thế là chúng bu lại. Nhưng nhà em bảo không cần, để nhà em tự đi. Một thằng trẻ ranh dắt cái xe đạp điện của nhà em đi trước, còn nhà em lạch bạch đi theo sau.

Vào trong đồn, mấy tay đi ra hỏi:

- Chị này vào đây làm gì?
- Thằng này nó bắt tôi vào đây, chứ tôi vào cái nơi ô uế này làm gì?
- Đẹp như khách sạn thế này mà bảo ô uế?
- Với tôi thì chốn này là nơi ô uế.

Mấy đứa bảo nhà em vào một gian phòng, thấy con bé NP đang ngồi ôm đầu. Nghe nói chúng lôi con bé vào đây thô bạo lắm.

Đang cơn điên giận, nhà em chửi khá nhiều. Có hai cô gái cứ nhòm nhòm chúng em. Khi nhà em bảo bây giờ thiên hạ toàn gọi công an bằng thằng, bằng bọn. Rồi công an bây giờ ko đi bắt trộm cướp, mà toàn đi đánh bắt dân thôi. Các cô ấy cãi: cũng tùy người thôi.

Tùy cái gì ? Thấy đồng đội làm bậy mà ko lên tiếng thì khác gì?

Nhà em đoán trong lúc bị bọn chúng dồn đuổi, chẳng ai biết chúng nó bắt nhà em vào đồn, thế là bốc máy gọi cho mấy đứa, bảo chị đang ở trong đồn rồi nhé.

Ngồi được một chốc thì mấy đứa bảo nhà em sang phòng bên, để chúng nó làm việc với con bé NP. Sang phòng bên, lại bị đuổi ra ngoài. Một tay ngạc nhiên nhìn nhà em:

- Chị này vào đây làm gì?                   
- Ơ hay, chả các anh bắt tôi vào đây hay sao?

Thế là đứa bảo nhà em vào phòng, đứa bảo nhà em đi ra. Nhà em hỏi: thế ai là lãnh đạo? Nếu đủ bằng chứng khởi tố, bỏ tù thì làm luôn cho ra ngô ra khoai đi.

Rốt cục, cái thằng cha ban đầu ngạc nhiên nhìn nhà em ấy, bảo chị đi về đi.

Nhà em chả nói chả rằng, dắt xe ra cổng. Cái thằng ban nãy hùng hổ dắt xe nhà em vào, nhìn nhà em nhăn răng cười. Nhà em bảo mày hư lắm, cười gì?

Mấy thằng em nghe tin bà Bích bị bắt vào đồn, quay trở lại đã thấy bà Bích đang ngồi khơi khơi trên con xe đạp điện. Qué hiểu thế nào mà bắt vào xong lại đuổi ra?

Lúc này anh chị em và bà con dân oan còn trụ lại quanh đó chừng 30 người, chờ cho đến khi cả ba người bị bắt cuối cùng ra khỏi đồn mới ra về.

Kết thúc một ngày đi dự phiên tòa xử công khai, và đi đón người đi dự bị bắt vào đồn công an. Cứ thế này cho đến bao giờ?

(Ảnh Facebook)
VÀI SUY NGHĨ SAU PHIÊN TÒA XÉT XỬ BÀ CẤN THỊ THÊU

(Trang Nhung Nguyen) Bị khép vào tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 Bộ Luật Hình sự 1999 (hiện có hiệu lực thi hành) là điều có thể thấy trước đối với bà Cấn Thị Thêu, nhất là khi bà đã bị xử phạt hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng (mà cụ thể là 4 lần, vào 30/9/15, 23/10/15; 19/1/16 và 6/4/16, theo An ninh Thủ Đô (*)).

Ở đây tôi không bàn tới việc bà bị xử phạt hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng 4 lần đó là đúng hay sai vì tôi không biết cụ thể như thế nào (khả năng lớn là sai vì chính quyền này như thế nào thì khỏi phải nói), mà chỉ nêu vấn đề về hậu quả pháp lý có thể dự báo đối với người tiếp tục thực hiện các hành vi mà-chính-quyền-xem-là gây rối trật tự công cộng.

Theo khoản 1, Điều 245 Bộ Luật Hình sự, "Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm." 

Riêng việc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này đã là điều mà bà Cấn Thị Thêu và những người hỗ trợ bà, nhất là những người hỗ trợ pháp lý (nếu có) cần lưu ý làm sao để bà tránh bị khép vào tội gây rối trật tự công cộng. Nhưng có lẽ bà và những người hỗ trợ bà (nếu có) đã không lưu ý hoặc đơn giản là không bận tâm tới điều này và chấp nhận mọi hậu quả pháp lý có thể có.

Ở một phương diện nào đấy, có thể nói bà Cấn Thị Thêu là một anh hùng. Hùng tính là cần thiết trong một cuộc đấu tranh, nhưng ngoài hùng tính, một cuộc đấu tranh cần nhiều phẩm tính khác nữa, như sự cẩn trọng trong suy tính về hiệu quả của những hành động được lựa chọn và những phương cách đấu tranh được lựa chọn. Tôi hy vọng những người dân oan đấu tranh khác sẽ có những hành động và những phương cách tốt hơn, để có đi xa hơn trong một cuộc đấu tranh dài hơi và đầy gian khó.


HRW: Việt Nam cần hủy bỏ mọi cáo buộc và phóng thích nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai
Nên thương lượng với những người biểu tình đòi đất thay vì bỏ tù họ

(New York, ngày 18 tháng Chín năm 2016) – Hôm nay Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng chính quyền Việt Nam cần hủy bỏ mọi cáo buộc đối với một nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai đang sắp phải hầu tòa vì đã thực hiện các quyền của mình một cách ôn hòa, và trả tự do vô điều kiện cho bà. Vào ngày 20 tháng Chín năm 2016, một tòa án ở Hà Nội sẽ mở phiên tòa xử Cấn Thị Thêu về hành vi “gây rối trật tự công cộng” theo điều 245 bộ luật hình sự vì bà cùng với một số người khác đã tiến hành biểu tình ôn hòa phản đối trưng thu đất đai.

“Mâu thuẫn giữa nông dân và chính quyền trong việc trưng thu đất đai đã trở thành một vấn nạn nghiêm trọng ở Việt Nam trong những năm gần đây,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Chính quyền nên cải cách luật đất đai và cơ chế đền bù, thay vì trừng phạt những người dân bị mất đất.”

Ngày mồng 10 tháng Sáu, chính quyền Hà Nội bắt giữ Cấn Thị Thêu, 54 tuổi, và cáo buộc bà về hành vi “gây rối trật tự công cộng” sau khi bà cùng nhiều người dân phường Dương Nội mang biểu ngữ đến các cơ quan chính phủ ở Hà Nội để khiếu nại về việc trưng thu đất. Bà cũng bị cáo buộc đã kích động người dân phường Dương Nội tẩy chay cuộc bầu cử quốc gia hồi tháng Năm. Sau khi bị bắt, Cấn Thị Thêu đã tuyệt thực hơn 10 ngày.

Hơn một thập kỷ trước, vào tháng Sáu năm 2006, chính quyền địa phương quyết định trưng thu đất nông nghiệp ở phường Dương Nội thuộc quận Hà Đông và chuyển đổi khu vực này thành đất đô thị. Hàng trăm hộ gia đình đã biểu tình phản đối sự thiếu minh bạch trong quá trình trưng thu và đền bù không thỏa đáng cho những gia đình bị mất sinh kế. Chính quyền chỉ có những nỗ lực không đáng kể trong việc thương lượng với người dân địa phương và giải quyết khiếu nại của họ. Vào tháng Tư năm 2014, chính quyền đã sử dụng vũ lực để giải tỏa đất và đánh đập dã man nhiều người phản đối việc giải tỏa.

Bà Cấn Thị Thêu bị bắt ngay tại hiện trường vì chụp ảnh và quay phim quá trình cưỡng chế. Bà bị cáo buộc về tội “chống người thi hành công vụ” theo điều 257 của bộ luật hình sự. Chồng bà, ông Trịnh Bá Khiêm cũng bị bắt và cáo buộc về cùng tội danh nói trên. Tháng Chín năm 2014, cả hai đều bị kết án. Cấn Thị Thêu bị xử 15 tháng tù giam và Trịnh Bá Khiêm 18 tháng (sau đó giảm xuống 14 tháng). Tháng Sáu năm 2015, vào thời điểm Trịnh Bá Khiêm thi hành xong bản án, hàng chục nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai và blogger đã đến Trại giam Số 6 ở tỉnh Nghệ An để chào đón ông. Nhóm này đã bị nhiều người đàn ông mặc thường phục tấn công. Người con trai út của bà Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư, bị thương nặng. Tháng Bảy năm 2015, bà Cấn Thị Thêu thi hành xong bản án tại Trại giam Số 5 ở tỉnh Thanh Hóa.
    
Sau khi ra tù, Cấn Thị Thêu tiếp tục vận động cho các vấn đề về đất đai và môi trường. Bà tham gia các cuộc biểu tình đòi trả tự do cho luật sư nhân quyền nổi tiếng Nguyễn Văn Đài và cộng sự Lê Thu Hà, yêu cầu chính phủ hủy bỏ điều 88 của bộ luật hình sự có nội dung hình sự hóa các hành vi phê phán chính quyền một cách ôn hòa. Bà tham gia biểu tình phản đối công an bạo hành và tham gia tuyệt thực để ủng hộ tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức.

“Khi Đảng Cộng sản Việt Nam cần sự ủng hộ của nông dân, đảng kêu gọi ‘người cày có ruộng,” ông Adams nói. “Nhưng giờ đây đảng lại bỏ tù những người cổ vũ đúng khẩu hiệu đó.”

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.