Thượng nghị sĩ Barack Obama lúc ra tranh cử lần đầu và bà Hillary Clinton chuẩn bị cho cuộc tranh luận ở Nam Carolina. Ảnh tư liệu chụp ngày 26/04/2007. |
Về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Le Figaro hôm nay 22/09/2016 quan tâm đến việc « Ông Obama tiến hành cuộc chiến giùm cho bà Clinton ». Coi việc đánh bại Donald Trump như chuyện riêng của mình, tổng thống Barack Obama lao thẳng vào cuộc chiến.
Kể
từ tháng 10 cho đến tận kỳ bầu cử ngày 8/11, ông Barack Obama dự kiến
dành một đến hai ngày mỗi tuần để hỗ trợ cho bà Hillary Clinton. Sự tham
gia tích cực chưa từng thấy này của một đương kim tổng thống, cho thấy
tính chất đặc thù của cuộc song đấu với Donald Trump, và mối nghi ngờ
ngày càng tăng của phe Dân Chủ về cơ hội chiến thắng của ứng cử viên
đảng mình.
Ông Obama sẽ đi vận động tại nhiều tiểu bang quan trọng
– Ohio, Iowa, Pennsylvania, Bắc Carolina, Florida – những nơi mà ông đã
thắng cử năm 2008. Không chỉ lên sân khấu, tổng thống Mỹ còn trả lời
phỏng vấn trên nhiều đài truyền hình và truyền thanh, tham gia các mạng
xã hội và các cuộc quyên góp. Thậm chí ông còn sẵn sàng xuất hiện trong
các clip quảng cáo của bà Clinton.
Tổng thống Obama được tỉ lệ ủng
hộ 52-56%, cao hơn ba người tiền nhiệm vào lúc sắp rời Nhà Trắng. Tỉ lệ
này còn lên đến 65% nơi giới trẻ 18-29 tuổi, 66% đối với công dân Mỹ
gốc gác từ những nước khác, và nhất là người Mỹ da đen : 91%. Bà Clinton
không có được ưu thế tương tự đối với ba loại cử tri trên.
Ông
Obama coi việc vận động cho bà Clinton như việc riêng của mình. Theo Le
Figaro, ông kinh hãi trước nhân vật Donald Trump, một người hoàn toàn
phản nghĩa với thái độ điềm tĩnh, khả năng hòa giải và sự thận trọng cần
có nơi một tổng thống Hoa Kỳ. « Ông Trump không đáp ứng được bất kỳ tiêu chí nào » - Obama đã tuyên bố như vậy hôm 13/9.
Ứng cử viên Donald Trump tại Pennsylvania ngày 22/09/2016. |
Đắc cử, Donald Trump sẽ phá ngay những gì Obama đã làm
Donald
Trump loan báo, những hành động đầu tiên sau khi trở thành tổng thống,
ngoài việc ra lệnh trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp, sẽ tập
trung vào việc hủy bỏ hầu hết các nghị định do Barack Obama ban hành.
Stephen Moore, một trong những cố vấn của ông Trump đã nói với tờ New Yorker : « Chúng tôi đã lên danh sách khoảng 25 nghị định mà ông Trump sẽ ký ngay ngày đầu nhậm chức ».
Có thể kể : việc không thực hiện Hiệp định Khí hậu Paris COP21, tái
thúc đẩy dự án đường ống dẫn dầu Keystone, ngưng chương trình tiếp nhận
người tị nạn Syria, gỡ bỏ những hạn chế về việc mua súng…
Ngoài
những vấn đề cụ thể này, Le Figaro cho rằng ông Obama còn cảm thấy một
phần trách nhiệm về sự nổi lên của nhân vật Donald Trump. Ứng viên Cộng
Hòa được sự ủng hộ của giai cấp trung lưu người da trắng, bất bình vì bị
nghèo đi và vốn không bao giờ chấp nhận một tổng thống da màu.
Trong lễ hội hàng năm Black Caucus dành cho các dân biểu da đen hôm 13/9, Obama tuyên bố : «
Tôi coi là sỉ nhục đối với cá nhân tôi và những gì tôi để lại, nếu cộng
đồng người Mỹ da đen mất cảnh giác và không đi bầu kỳ này. Tên tôi
không có ghi trên lá phiếu, nhưng những tiến bộ mà chúng ta đã đạt được,
sự khoan dung, nền dân chủ và công lý nằm trong đó ». Tại Temple University hôm thứ Hai 19/9, tổng thống Mỹ kêu gọi các thanh niên: « Tôi cần các bạn. Vắng mặt không phải là một lựa chọn, chỉ làm lợi cho ông Trump mà thôi ».
Cũng về chủ đề này, Le Monde nói về « Những nhân vật Cộng Hòa trong đó có ông George Bush cha, phản đối lại Donald Trump » : cựu tổng thống Mỹ sẵn sàng bỏ phiếu cho ứng cử viên Dân Chủ Hillary Clinton.
Tổng thống Pháp François Hollande tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc ngày 20/09/2016. |
Syria : Hollande kêu gọi thống thiết, Obama im lặng
Ngược
lại với sự hăng hái của tổng thống Mỹ trong cuộc vận động giùm cho bà
Clinton, Le Monde than thở trước hình ảnh tương phản « Syria : Lời kêu gọi của ông Hollande, sự im lặng của ông Obama ».
Tờ báo nhận xét, tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, hai nguyên thủ Mỹ và Pháp
bất lực trước cuộc chiến tranh này, có thái độ khác biệt hẳn.
Cả
hai đều đang ở giai đoạn cuối của nhiệm kỳ, nhưng hai bài diễn văn rất
tương phản. Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong suốt 50 phút (thay vì 10
phút mỗi người) chỉ nói vài lời về Syria, nhấn mạnh « một chiến thắng quân sự là bất khả, cần phải tiếp tục công việc ngoại giao tuy khó khăn ».
Còn tổng thống Pháp đưa ra lời kêu gọi thống thiết, để « thảm kịch này không tiếp tục là nỗi xấu hổ cho cộng đồng quốc tế ».
Nhưng đó chỉ là lời nói, còn chính đồng nhiệm Mỹ mới có sức mạnh để tạo
áp lực thực sự lên những nước đang hỗ trợ cho chế độ Damas, mà trước
hết là Nga, để áp đặt ngưng bắn, đưa viện trợ nhân đạo đến nơi – những
điều kiện tiên quyết nhằm tái thương lượng.
Đám tang giám mục Chu Duy Phương diễn ra trong lúc cha Thiệu Chúc Mẫn phải đi "du lịch". |
Vatican công nhận một giám mục thuộc Giáo hội « ngầm » ở Trung Quốc
Nhìn sang châu Á, nhật báo công giáo La Croix cho biết « Giáo hội La Mã chính thức công nhận một giám mục tại Trung Quốc ».
Tòa Thánh hôm qua đã nhìn nhận linh mục Phêrô Thiệu Chúc Mẫn (Shao
Zhumin) là giám mục Ôn Châu (Wenzhou), trong khi tuần trước ngài đã bị
chính quyền ngăn trở không cho làm lễ tang cho người tiền nhiệm.
Đây
là lần đầu tiên Vatican chính thức công nhận một giám mục tại Hoa lục,
kể từ khi Đức giáo hoàng Benedicto thứ 16 mời bốn giám mục Trung Quốc
đến dự Hội nghị giám mục năm 2005. Sự kiện này được loan báo ở câu cuối
trong thông cáo ngắn của Tòa Thánh về việc giám mục Ôn Châu là đức cha
Vinh Sơn Chu Duy Phương (Zhu Weifang) qua đời hôm 7/9 ở tuổi 88.
Xuất
thân từ « giáo hội ngầm », cha Phêrô Thiệu Chúc Mẫn cùng trở thành giám
mục với cha Vinh Sơn Chu Duy Phương năm 2007, vào thời điểm quan hệ Bắc
Kinh- Vatican đang khá tốt đẹp. Việc tấn phong cả hai nhằm mục đích tạo
điều kiện hợp nhất giữa hai cộng đồng giáo hữu « chính thức » và « bí
mật », nhưng thời đó Bắc Kinh không chịu nhìn nhận giám mục Thiệu Chúc
Mẫn.
Hôm 13/9 lúc cử hành lễ tang cho giám mục Chu Duy Phương, cha
Thiệu Chúc Mẫn còn bị chính quyền cưỡng bức đưa đi thật xa. Về mặt
chính thức, ngài đang « đi du lịch » để « thưởng thức sự hùng vĩ và vẻ đẹp của Tạo hóa » ở một vùng đất hẻo lánh, nhưng theo AsiaNews, ngài đã bị bắt giữ.
Dân biểu Chu Khải mừng chiến thắng trong kỳ bầu cử Quốc hội ngày 05/09/2016. |
Chống mafia địa ốc, tân dân biểu Hồng Kông bị dọa giết
Tại Hồng Kông, La Croix chú ý đến Chu Khải (Eddie Chu) « Dân biểu trẻ tuổi bị đe dọa đến tính mạng ».
Lần đầu tiên được bầu vào Quốc hội đầu tháng Chín, ông Chu Khải đã bị
dọa giết vì đấu tranh chống tham nhũng và bảo vệ môi trường.
Dân
biểu 38 tuổi nằm trong số năm tân dân biểu « nổi loạn » đã đắc cử với số
phiếu thuộc loại kỷ lục là 80.000. Từ nhiều năm qua, Chu Khải tích cực
đấu tranh tại các vùng nông thôn, nằm xa khỏi khu kinh doanh Victoria
hay khu thương mại sang trọng Kowloon. Ông bảo vệ cho những tiểu chủ
chống lại các nhà đầu cơ địa ốc, vận động chống việc phá hủy những ngôi
nhà truyền thống là di sản của Hồng Kông, chùa Phật giáo hay đền thủy
thần, và những nông dân hãy còn sống bằng nghề trồng trọt.
Đất đai
Hồng Kông đang bị giành giật bởi nhiều tổ chức mafia địa phương cũng
như từ Hoa lục. Những tháng gần đây, Chu Khải đã tố cáo một thế lực mạnh
mẽ muốn chiếm lấy khu vực Wang Chau để xây lên các khu dân cư gần biên
giới Trung Quốc, và hôm qua ông cáo buộc các quan chức cấu kết với giới
mafia. Liên tục nhận được những lời đe dọa sẽ bị giết chết, mỗi ngày ông
đều phải thay đổi chỗ ở, và việc bắt giữ sáu nghi can mới đây không có
nghĩa là mối đe dọa đã chấm dứt.
Thép thừa ế quá nhiều, Trung Quốc bán phá giá. |
Trung Quốc và nạn sản xuất thừa thép
Trên lãnh vực kinh tế, Le Monde quan tâm đến « Việc sáp nhập trong lãnh vực thép ở Trung Quốc »
: hai tập đoàn Bảo Cương (Baosteel) và Vũ Hán (Wuhan Steel) được nhập
làm một, trở thành tập đoàn đứng thứ nhì thế giới về thép. Bắc Kinh cũng
muốn giảm bớt tình trạng sản xuất thừa hiện nay.
Bảo Cương ở
Thượng Hải sản xuất thép cao cấp, đặc biệt cho lãnh vực xe hơi, là một
trong những tập đoàn thép hiếm hoi làm ăn có lãi tại Trung Quốc, sẽ nuốt
chửng Wisco tức Wuhan Iron and Steel Corporation (Vũ Hán Cương Thiết) –
hiện đang gặp khó khăn nghiêm trọng.
Vụ sáp nhập này diễn ra
trong lúc Bắc Kinh đang bị áp lực từ các đối tác thương mại, đòi thực
hiện kế hoạch giảm bớt tình trạng sản xuất thép quá thừa thãi. Trong hội
nghị G20 ở Hàng Châu vừa qua, chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude
Junker đã đe dọa : « Tấn công vào nạn sản xuất thừa một cách nghiêm
túc sẽ là một thử nghiệm, trong lúc Châu Âu đang xem xét việc xử lý
Trung Quốc qua các cuộc điều tra chống phá giá và trợ giá ».
Biểu tình phản đối đình chỉ công tác các giảng viên đại học tại Ankara, 22/09/2016. |
Thổ Nhĩ Kỳ hậu đảo chính : Mùa khai trường vắng bóng giáo viên
Nhìn sang Thổ Nhĩ Kỳ, La Croix nhận định « Một mùa khai trường chịu ảnh hưởng của nạn đàn áp ».
Từ khi ban hành tình trạng khẩn cấp hôm 18/7, hàng ngàn công chức đã bị
đình chỉ công tác hay bị sa thải. Riêng trong ngành giáo dục, sau vụ
đảo chính hụt đã có đến 27.715 giáo viên bị mất việc, 9.465 người khác
bị đình chỉ không cho đi dạy.
Thông tín viên của tờ báo tại
Istanbul kể ra trường hợp ông H. đã bị mất việc mà không một lời giải
thích. Theo ông, có lẽ là do cuối năm ngoái đã tham gia một cuộc biểu
tình chống các hành động của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại các khu vực
Kurdistan, vì những người khác cũng cùng chung số phận. Tư pháp lý lịch
hoàn toàn trong sạch, chưa bao giờ sai phạm trong công việc, ông đã gõ
đủ mọi cánh cửa. Tất cả những gì người ta có thể nói với ông là: « Hãy cám ơn Thượng Đế, không bị bắt bỏ tù là may rồi ! »
Còn
nữ giáo viên C.A. thì bị đình chỉ, lương bị cắt hết một phần ba, hộ
chiếu bị tịch thu. Bà băn khoăn lo cho học sinh, ai sẽ dạy các em ? Bộ
Giáo dục loan báo sẽ tuyển 10.000 giáo viên mới, nhưng Ali Basoglu thuộc
nghiệp đoàn Egitim-Sen đặt câu hỏi : « Đó là những ai ? Họ có chịu tiến trình tuyển lựa và đào tạo thông thường dành cho các thầy cô giáo hay không ? »
Cảnh sát Pháp canh gác lối vào "rừng" Calais của người nhập cư, 21/09/2016. |
Nhập cư, cực hữu… : Tựa chính báo Pháp
Trang nhất Le Figaro hôm nay đăng ảnh những người lính Hungary đang canh gác tại biên giới Croatia, chạy tựa « Châu Âu lại đua nhau dựng lên các biên giới ». Cuộc
tranh luận về kiểm soát luồng di dân buộc phải đặt ra với lục địa này,
và đè nặng lên các cuộc bầu cử sắp tới. Tờ báo kể ra : thủ tướng Anh
Theresa May nêu lên « nghĩa vụ quản lý các biên giới », Đức
quyết định gia hạn kiểm soát nhập cư, « chốt chặn » Thổ Nhĩ Kỳ đang còn
lơ lửng. Trong khi đó việc phân bổ số người nhập cư tại các vùng là vấn
đề tế nhị, và ở Pháp, bức tường dựng lên để cô lập « rừng Calais » cũng
đang là đề tài bị chỉ trích.
Trên lãnh vực chính trị nước Pháp, Le Monde chú ý đến cuộc bầu cử sơ bộ của cánh hữu, chạy tựa « Hai tháng để quyết định các tranh cãi về ý tưởng ». Các
cuộc bỏ phiếu ngày 20 và 27/11 tới sẽ là dịp cho đảng Những người Cộng
Hòa (Les Républicains) làm rõ ra đường hướng chính trị và tư tưởng của
đảng này.
Libération lo lắng trước « Ảnh hưởng của cực hữu »
đủ mọi giới đang tràn ngập internet và tham gia vào các cuộc tranh luận
công khai. Mỗi xu hướng đều có trang web riêng để phổ biến, và việc cực
đoan hóa này tỏ ra ra thuận lợi cho ứng viên của đảng cực hữu Mặt trận
Quốc gia.
Nhìn rộng ra thế giới trên lãnh vực kinh tế, La Croix đặt câu hỏi « Toàn cầu hóa trong tương lai sẽ như thế nào ? ». Trong lúc thương mại quốc tế có những trục trặc, những người phản đối tự do mậu dịch ngày càng nhiều.
Nhật báo kinh tế Les Echos cho biết « Ô nhiễm từ xe hơi : Ngành thuế Pháp vào cuộc ».
Chính phủ sẽ tiến hành những xét nghiệm mới trên các loại xe nghi ngờ
gây ô nhiễm. Từ năm 2008, số tiền thuế được miễn khi mua xe hơi mới dựa
trên lượng khí carbonic thải ra, trong khi theo những xét nghiệm gần đây
thì số khí thải trong thực tế nhiều hơn so với lý thuyết.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.