lundi 12 septembre 2016

Ngày 11/9 làm thay đổi diện mạo thế kỷ 21 (2)


World Trade Center sụp đổ, 11/09/2001.

Sai lầm của Mỹ như vậy đã nhân đôi tại Afghanistan. Đó là không đòi hỏi Pakistan tảo thanh ngay lập tức những vùng bộ tộc còn đầy các tay súng Taliban và quân Ả Rập quốc tế, và lao vào một cuộc chiến thứ hai không cần thiết là tái thiết theo kiểu « thuộc địa ».

Nhưng chiến thắng đầu tiên tại Afghanistan tháng 12/2011 vẫn chưa đủ đối với những người tân bảo thủ thân cận tổng thống Bush. Họ đòi phải chứng tỏ sức mạnh Mỹ một cách hiển hách hơn nữa. Cần phải chinh phục một vùng đất lớn hơn cái đất nước mà họ coi là xứ sở chăn cừu lạc hậu. Họ chọn Irak của Saddam Hussein.


Điều này trái ngược với chính sách của ông Bush cha – dù ca khúc khải hoàn với việc giải phóng Koweit tháng 3/1991, nhưng vẫn để nhà độc tài Bagdad cai trị tiếp, nhằm duy trì đối trọng trước các giáo chủ Iran. Đây cũng là đã nhầm lẫn kẻ thù, vì Saddam cả đời lo truy lùng phe Hồi giáo.

Lính cứu hỏa New York đến dự lễ tưởng niệm ngày 11/09/2016.
Trong bài diễn văn đọc ngày 20/01/2002, ông George W.Bush gây ngạc nhiên khi bổ sung Iran vào « trục tội ác », cùng với Irak và Bắc Triều Tiên trước đó, trong khi Teheran đã từng giúp Mỹ đánh Taliban. Khi chĩa mũi dùi vào đại cường Shia ở Trung Đông một cách không cần thiết, người Mỹ mất đi sự hỗ trợ lẽ ra rất thiết thực khi tiến quân vào Irak từ ngày 20/03/2003. Năm 2004, Mỹ từ chối « áp-phe lớn » mà Iran đề nghị trên tất cả cả chủ đề chiến lược chung. Cần phải đợi đến tháng 3/2009, khi tân tổng thống Barack Obama chìa ra cành ô-liu cho Iran.

Chiến tranh là một nghệ thuật phải thực hiện tất cả. Việc liên quân Anh-Mỹ tràn vào Irak – mà đồng minh Pháp đã công khai ngăn cản – không nhất thiết là thất bại. Nhưng Washington đã lầm trong việc chọn lựa tân thống đốc cho vùng đất Lưỡng Hà chiếm đóng. Người ta bổ nhiệm ông Paul Bremer, một chuyên gia ngân hàng dễ mến của Wall Street, người không nói được một tiếng Ả Rập nào ! Ông này cho giải thể quân đội Irak và đảng Baas (phụ trách hòa giải tư pháp tại các khu phố), có nghĩa là hai cột trụ của chính quyền Irak.

Bị quẳng ra đường, bị sỉ nhục một cách không cần thiết, các quân nhân Irak lao vào cuộc kháng chiến chống Mỹ chiếm đóng. Sau này, các chiến thắng quân sự của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) năm 2014 (chiếm được Mossoul) được giải thích bằng sự hiện diện của các tướng lĩnh thời Saddam Hussein trong bộ tham mưu IS.

Siêu cường Mỹ bị thách thức.
Người Mỹ tin rằng dân chủ thông qua phổ thông đầu phiếu sẽ giải quyết được tất cả. Không hề. Cử tri bỏ phiếu theo sắc tộc và hệ phái (người Kurdistan bầu cho người Kurdistan, Shia cho Shia, Sunni bầu cho Sunni), sự chia rẽ trong xã hội tăng lên. Tiếp theo sự hỗn quân hỗn quan của thời kỳ đầu chiếm đóng, là cuộc nội chiến Sunni-Shia, kể từ năm 2006.

Vì đại đa số dân Irak theo hệ phái Shia, nên một thành viên của đảng tôn giáo mới Dawa lên nắm quyền. Thủ tướng từ năm 2006 đến 2014, ông Nouri Al Maliki đã đối xử tệ hại với người Sunni nước mình cho đến nỗi dân cư miền tây bắc đất nước thà gieo mình vào vòng tay của tổ chức Nhà nước Hồi giáo, hơn là đối mặt với sự bất công của chính quyền trung ương Bagdad.

Năm 2010, Barack Obama quyết định rút quân Mỹ khỏi Irak. Tại Hoa Kỳ, cuộc chiến đã trở nên rất mất lòng dân. Được tung ra với cái cớ sai lạc là « vũ khí hủy diệt hàng loạt » của Saddam, chỉ mang lại đau khổ cho người dân Irak và thu hút quân thánh chiến trên toàn thế giới, nhân lên tình cảm chống Mỹ trong thế giới Hồi giáo Ả Rập.

(Tôi tên là Bagdad
Tôi đã gục ngã
Dưới lằn đạn xe bọc thép...)

Việc rút lui quá sớm (trong đó chính quyền Irak cũng chịu chung trách nhiệm) là một sai lầm chiến lược cũng nặng nề như việc đem quân vào nước này năm 2003. Khi ta là cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, thì không thể tự cho phép tạo ra sự hỗn loạn ở rất xa bờ đại dương, rồi tháo lui, khi nhiệm vụ xây dựng nên một « Đại Trung Đông dân chủ » tỏ ra khó khăn hơn dự kiến.

Tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Praha tháng 11/2002, cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac đã cảnh báo ông Bush, trong một cuộc gặp riêng tay đôi – chỉ có cố vấn thân cận nhất của mỗi bên là Condi Rice và Maurice Gourdault-Montagne : « Đừng sang Irak, George ! Anh lao vào một cuộc chiến dài 30 năm, anh sẽ làm bắn tung khắp nơi nhiều Ben Laden nhỏ, và tạo thành một trục Shia đi ngược lại với các lợi ích chiến lược của mình ! »

Ông Bush không hề nghe theo. Than ôi, dự báo của Chirac đã hoàn toàn trở thành sự thật. Trục Shia đã được hình thành: Teheran-Bagdad-Damas-Beyrouth. Không thể nói là họ thân thiết với người Mỹ cho lắm…

Mời đọc lại: 



Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.