Một năm đã qua đi với rất nhiều biến động trên thế
giới cũng như tại Việt Nam. Trong ngày cuối năm dương lịch 2015, RFI
Việt ngữ đã đề nghị tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một nhà quan sát thời cuộc
sắc sảo ở Saigon, thử đưa ra những dự báo về chính trường năm tới.
RFI : Thân
chào nhà bình luận Phạm Chí Dũng. Thưa anh, bước sang năm mới và vào
thời điểm sắp diễn ra Đại hội Đảng lần thứ 12, hiện đang có nhiều đồn
đoán khác nhau. Anh dự đoán như thế nào về ban lãnh đạo mới và chính
trường Việt Nam trong năm 2016 ?
Nhà bình luận Phạm Chí Dũng
: Theo tôi, quan điểm chính trị và diễn biến chính trường Việt Nam
trong năm 2016 sẽ được quyết định bởi hai yếu tố chủ quan và khách quan.
Yếu
tố chủ quan là nhân sự chủ chốt tại Đại hội 12. Yếu tố này có thể chiếm
khoảng 40%, khác nhiều với Đại hội 11 với khoảng 80%. Các yếu tố khách
quan là kinh tế, đối ngoại, dân chủ & nhân quyền tác động khoảng 60%
đến quan điểm chính trị và diễn biến chính trường Việt Nam trong năm
2016.
Trong thực tế, rất khó đoán định về dàn nhân sự chủ chốt
Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ trong
Bộ Chính trị, do tồn tại quá nhiều kịch bản nhân sự cho Đại hội 12. Và
các kịch bản này lại thay đổi thường xuyên, thậm chí đến phút chót trước
khi bỏ phiếu.
Tuy nhiên, khả năng lớn hơn là Đại hội 12 sẽ kết
thúc mà không một thế lực chính trị nào giành ưu thế vượt trội. Do vậy,
kịch bản có khả năng lớn nhất là các phe chính trị thỏa hiệp với nhau để
đưa ra những nhân vật có tính trung lập, ít phụ thuộc phe phái.
RFI : Vậy những ai có thể được đưa vào các vị trí trong « tứ trụ », theo anh ?
Ngoài vị trí Chủ tịch Quốc hội vẫn không được xem là quan yếu, ba vị trí còn lại là tâm điểm tranh giành.
Tôi cho rằng hai vị trí Tổng bí thư và Thủ tướng sẽ do những người có xu hướng trung lập đảm trách. Vị trí Chủ tịch nước có thể thuộc về một phe nào đó.
Dự đoán về vị trí Tổng bí thư thì khó hơn. Thú thật là
song song với việc phân tích, tôi phải sử dụng thêm phương pháp dự cảm
như một cách « nhìn » hướng về nhân vật Tổng bí thư. Phương pháp này
mang lại kết quả là Tổng bí thư tại Đại hội 12 là người cao khoảng 1,74 -
1,75 mét, khá đẫy đà, mặc áo trắng. Có hai người dường như phù hợp với
dự cảm của tôi, trong đó ông Trần Đại Quang có xác suất phù hợp là 80%,
còn ông Nguyễn Thiện Nhân chỉ phù hợp 20%.
Kết hợp phân tích và dự
cảm cá nhân, tôi cho rằng ông Trần Đại Quang có nhiều cơ hội nhất để
trở thành Tổng bí thư. Nhưng cũng phải nói thẳng là nếu ông Quang trở
thành Tổng bí thư, tôi hơi lo ngại về xu hướng công an trị sẽ phổ biến
hơn ở Việt Nam. Nếu xu hướng này quá phổ biến, nó sẽ dẫn xã hội Việt Nam
vào một cuộc « tắm máu ». Vì thế, trách nhiệm lịch sử của ông Trần Đại
Quang là hết sức nặng nề.
RFI : Phương
pháp dự cảm của anh khá độc đáo, tạm gọi là « gieo quẻ đầu năm » trong
bối cảnh luôn thiếu vắng minh bạch thông tin…Giả sử những tiên liệu về
nhân sự là đúng, theo anh sau Đại hội 12, chính trường Việt Nam sẽ như
thế nào ?
Sau Đại hội 12, diễn biến chính trường sẽ
tiếp tục xung đột lợi ích và tranh giành quyền lực nặng nề hơn nhiều so
với thời gian trước Đại hội. Những xung đột này diễn ra trong cả năm
2016.
Năm 2016 cũng bắt đầu động thái tản quyền và xu hướng cát cứ
ở địa phương. Một số ủy viên cũ và mới của Bộ Chính trị sẽ tìm cách gia
tăng ảnh hưởng cát cứ và quyền lực cá nhân của họ tại một số địa
phương.
Đến cuối 2016 xuất hiện khá nhiều dấu hiệu tách đảng Cộng
sản. Cùng lúc đó xuất hiện đảng đối lập nhưng chưa được chính quyền công
nhận.
RFI : Về mặt kinh tế, liệu có gì sáng sủa hơn năm 2015 hay không ?
Kinh
tế năm 2016 ở vào giai đoạn tiền khủng hoảng và tác động nặng nề đến
chính trị, bao gồm các vấn đề nan giải như nợ xấu và nợ công không xử lý
được mà lại càng tăng. Ngân sách rất tồi tệ, một số ngân hàng chính
thức phá sản (thực ra ngân hàng đã phá sản từ cuối năm 2014 như các Ngân
hàng Xây Dựng, Đại Dương, GP không đủ khả năng chi trả). Trong khi viện
trợ quốc tế và vay mượn từ nước ngoài bị các đối tác cắt giảm mạnh…
Việt
Nam bắt buộc phải trả 16 tỉ USD nợ đến hạn trong hai năm 2015-2016.
Kinh tế xấu gây phản ứng xã hội dữ dội hơn năm 2015. Phản ứng xã hội lan
rộng, dẫn tới biểu tình và xung đột, tạo ra xu hướng dân chủ hóa không
thể đảo ngược.
Chính quyền do đó bắt đầu phải thực hiện « cải cách
thể chế »: giảm vai trò doanh nghiệp nhà nước, giảm độc quyền doanh
nghiệp nhà nước, tăng vai trò doanh nghiệp tư nhân.
Cuộc bầu cử
Quốc hội tháng 5/2016 sẽ phải tăng tỉ lệ đại biểu chuyên trách, độc lập,
không đảng, giảm đại biểu kiêm nhiệm. Có thể có đột biến về quyền lực
tăng lên của Quốc hội trong năm 2016.
RFI : Còn về tình hình dân chủ và nhân quyền thì sao, thưa anh ?
Ba,
bốn tháng sau Đại hội 12, tức vào khoảng giữa năm 2016, Việt Nam bắt
đầu bước vào lộ trình dân chủ từng bước, gần tương tự kịch bản Miến Điện
từ năm 2011, bất chấp Tổng bí thư và các chức vụ khác trong « tứ trụ »
là ai.
Tại thời điểm cuối năm 2015, xu thế diễn biến của chính
trường Việt Nam theo kịch bản Miến Điện vào khoảng 15%. Trong năm 2016,
xu thế này có thể đạt tới 30-35%.
Do đó, độ mở dân chủ ở Việt Nam
trong năm 2016 sẽ lớn hơn năm 2015. Vài lĩnh vực có thể mở đột biến.
Chính quyền bắt đầu thừa nhận xã hội dân sự. Bắt đầu lộ trình thả tù
chính trị. Bắt đầu lộ trình thực hiện công đoàn độc lập. Bắt đầu chuẩn
bị ban hành Luật lập hội và có thể cả Luật biểu tình.
RFI : Anh có vẻ khá lạc quan…
Tôi
cho rằng tình hình dân chủ, nhân quyền có thể lạc quan, nhưng vấn đề
đối ngoại thì không lạc quan lắm. Trung Quốc có khả năng gây hấn như năm
2014. Khu vực gây hấn tại Biển Đông và có thể cả biên giới phía Bắc với
mức độ và quy mô lớn hơn năm 2014. Do đó Mỹ sẽ can thiệp mạnh hơn về
quân sự và chính trị. Vai trò của Mỹ ở Việt Nam sẽ gia tăng, kéo theo xu
thế ngả về Mỹ hơn của Việt Nam.
Tất cả những vấn đề mà tôi dự báo
chỉ là của riêng cá nhân tôi. Có thể một số dư luận sẽ cho là tôi quá
lạc quan về tình hình dân chủ - nhân quyền trong năm 2016. Nhưng tôi xin
nhắc lại, đây cũng chỉ là những phân tích và cảm nhận riêng của tôi.
RFI : Xin
chân thành cảm ơn tiến sĩ Phạm Chí Dũng đã vui lòng dành cho chúng tôi
cuộc phỏng vấn, với những dự đoán khá táo bạo trong ngày cuối năm dương
lịch 2015.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.