« Cứ như là đưa tang »
Cùng lúc đó, vào 14 giờ, giám đốc CNN là Tom Johnson, gọi
điện cho phóng viên ảnh người Mỹ gốc Hoa (sinh tại Hồng Kông – TM) là Lưu Hương
Thành (Liu Heung Shing) làm việc cho
hãng tin AP, bảo đến Kremli vào 18 giờ 30. Chỉ khi đến nơi ông này mới nhận ra
ý nghĩa của thời điểm. Lưu Hương Thành ngạc nhiên khi thấy ông là phóng viên
ảnh duy nhất của Mỹ trong phòng họp, dấu hiệu cho thấy vị trí danh dự của Hoa
Kỳ tại Matxcơva.
Mikhail Gorbatchev ký văn bản từ chức. |
Vào 19 giờ, Gorbatchev bắt đầu phát biểu, « một cách rất ủ dột » - theo ông
Lưu. « Cứ như là đưa đám »
- Claire Shipman của CNN nói với Conor O’Clery.
Lưu Hương Thành được KGB cảnh báo là không có quyền chụp ảnh
trong lúc đang ghi hình. Ông kể: « Nhưng
tôi đang chứng kiến trực tiếp hồi kết của cuộc cách mạng bôn-sê-vich, và tôi tự
nhủ, cần phải chụp được giây phút vị Tổng thống kết thúc bài diễn
văn ! ». Đúng vào giây phút quan trọng ấy, ông bấm máy, trong khi
anh nhân viên KGB tức giận « đấm tôi
một cú vào lưng ».
Cờ Liên bang Xô viết, ngày cuối cùng trên điện Kremli. |
Vốn đã từng đeo bám sự kiện Thiên An Môn, Lưu Hương Thành
không hề bối rối. Ông phóng ra khỏi điện Kremli để gởi đi bức ảnh quý giá đã
giúp ông đoạt giải Pulitzer sau đó. « Tôi
chạy trên tấm thảm đỏ, ngang qua các đồng nghiệp. Những người này hiểu rằng họ
đã bị lỡ một giây phút Lịch sử, bèn ra dấu lăng mạ tôi ». Khi đi ra
bằng ngõ tháp Chúa Cứu Thế, ông Lưu chỉ đủ thời gian nhìn thấy lá cờ đỏ có hình
búa liềm bị hạ xuống trong đêm, trong khi lá cờ ba màu trắng-xanh-đỏ của Nga
được kéo lên trên đỉnh vòm điện Kremli. Liên Xô không còn nữa !
Liên Xô đã biến mất một cách không kèn không trống. Đã trở
thành một chiếc vỏ rỗng không mang lại được điều gì. Người dân lo kiếm sống,
tìm mua thực phẩm trong những cửa hàng trống rỗng, chẳng quan tâm mấy đến cái
chết của Liên bang Xô viết.
Công dân Ukraina bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý tách khỏi Liên Xô, tháng 12/1991. |
Piotr Tcheremuchkine, phóng viên hãng thông tấn Tass vào
thời đó, nhớ lại « một ngày hết sức
bình thường ». « Chúng tôi chẳng thấy sự kiện này có ý nghĩa gì đặc
biệt, vì có vẻ như không còn lối thoát nào khác sau vụ đảo chính và sự xuất
hiện của Eltsine, vốn đang chuẩn bị xây dựng nên một Nhà nước mới ».
Tại Nikolaev, một vùng sâu ở miền nam Ukraina, một sự dửng
dưng tương tự cũng bao trùm trong ngày hôm ấy, theo như Nadia, một người
Ukraina phụ trách một căng-tin xô-viết. Suốt cả ngày, Nadia nghĩ đến « những phong bì phải lo cho viên chức
này khác trong dịp Noël », « trước nạn tham nhũng đang ngự trị ở hạ tầng của bộ
máy ». Gorbatchev và « phu
nhân Raissa đã gieo hỗn loạn » không hề được người phụ nữ này quan
tâm : « Chúng tôi hy vọng một
Ukraina độc lập sẽ mang lại điều gì đó tốt đẹp hơn… »
Một thiếu nữ Litva ngồi lên tượng Lênin bị lật đổ ở Vilnius tháng 9/1991. |
Tác động sau khi Liên Xô tan rã
Sau khi phát biểu và trả lời phỏng vấn CNN, Gorbatchev quay
lại văn phòng để trao lại các va-li mật mã nguyên tử cho Eltsine. Nhưng vào
phút chót, Tổng thống Nga cho biết không muốn vào phòng ông Gorbatchev, đề nghị
« một địa điểm trung gian »
là sảnh Katerina.
Bị hạ nhục, người hùng của perestroika đã từ chối. Rốt cuộc
Bộ trưởng Quốc phòng Evgueni Chapochnikov sau khi hội ý với Gorbatchev đã quyết
định gởi cho Eltsine tất cả những văn bản đã ký, rồi đích thân xách các va-li
đến.
Chuyển đổi quyền lực xong xuôi. Không còn ai gọi điện thoại
đến cho vị cựu Tổng thống bị bỏ rơi. Khao khát trả thù, Eltsine không hề nhẹ
tay. Theo Iakovlev, ông Gorbatchev đã nhiều lần « rưng rưng nước mắt » trong những giờ phút cô độc ấy.
Mikhail Gorbatchev và Boris Eltsine |
Tuy vậy, điều đáng chú ý là khi liên bang toàn trị sụp đổ,
bạo lực đã không diễn ra. Cho dù đôi bên đều có những hành động hẹp hòi, nhưng
cả Gorbatchev lẫn Eltsine đều khá kềm chế, từ chối cầu viện đến sức mạnh, trong
bối cảnh quân đội đang giận dữ trước sự phân chia quyền lực đất nước. Đây không
phải là chuyện nhỏ, nếu so sánh với Nam Tư cũ đã bị chìm vào ngọn lửa chiến
tranh. Con quái vật xô-viết nguy hiểm, nhưng cái chết của nó lại mang tính hòa
bình.
« Dù sao đi nữa người
ta đã tin như thế, nhưng cuộc chiến gần đây tại Ukraina đã thay đổi viễn
cảnh » - Andrei
Gratchev nhận xét. Ông có lý khi nói về cuộc xung đột hiện nay «là một tác động về sau » của việc
Liên Xô bị sụp đổ. Một bằng chứng cho thấy rằng ngày 25 tháng 12 « vẫn chưa kết thúc ».
Gratchev nói : « Cũng giống như
một ngọn sóng thần đã lại trùm lên nước Nga và các láng giềng, hai mươi ba năm
sau đó ».
Một người dân Baku dùng búa đục chân dung Lênin ra khỏi một bức tường, tháng 9/1991. |
Trong hơn hai mươi năm, các lãnh đạo Nga không sử dụng đến
vũ lực vì tận đáy lòng, họ tin rằng các láng giềng Liên Xô cũ vẫn trong vòng
kiềm tỏa của mình, rồi các nước này sẽ quay lại thôi. Chỉ khi thấy rõ rằng,
Gruzia năm 2008 rồi đến Ukraina năm 2014 đều tìm cách hướng về khối NATO, thì « việc dùng sức mạnh được cho là cần
thiết », theo Gratchev. Họ quên rằng những nước này phải « chạy trốn » về phía phương
Tây vì cảm thấy chủ quyền quốc gia đang gặp nguy hiểm trước Putin.
Gratchev nói thêm, về cơ bản nước Nga khá giống như « nhân vật chính trong bộ phim Mỹ
« Một ngày không kết thúc » (Groundog Day) bị buộc phải liên tục sống
lại những sự kiện của cùng một ngày ». Nga tái hiện hồi kết của Liên
Xô, vực dậy những cuộc xung đột trong quá khứ « và nay là chiến tranh lạnh ».
« Hồi tưởng lại
ngày hôm ấy thật là nản, vì chúng tôi ngỡ rằng đã vĩnh viễn lật sang trang mới nhưng
lại không phải như vậy. Cả phương Tây lẫn Nga đều không có khả năng tạo ra được
một lối thoát chung bền vững cho chiến tranh lạnh. Đó là sai lầm chung của
chúng ta ».
Mời đọc lại:
Mời đọc lại:
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.