Đại bản doanh của tập đoàn Phục Tinh (Fosun International) tại Thượng Hải, ngày 14/12/2015. |
Thông tín viên Le Monde ở Thượng Hải trong số báo đề ngày hôm nay viết về « Cuộc chiến tranh giữa các phe phái để giành những lãnh vực hàng đầu trong nền kinh tế Trung Quốc ». Tác giả nhấn mạnh, chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình thật ra là cuộc chiến đấu giành quyền kiểm soát các tập đoàn.
Mới
hồi tháng 3/2015, Thường Tiểu Binh (Chang Xiaobing) còn khoe khoang về
cuộc sống thanh đạm của mình. Là Chủ tịch China Unicom, công ty điện
thoại lớn thứ nhì Trung Quốc, ông ta khẳng định lương tháng chỉ có 8.000
nhân dân tệ, khoảng hơn 1.100 euro.
Đến tháng 8/2015, ông lên nắm
quyền China Telecom, tuy chỉ đứng hàng thứ ba nhưng có vai trò chủ đạo
đối với các đường điện thoại bàn. Rồi hôm Chủ nhật 27/12, Ủy ban Kỷ luật
Trung ương Đảng loan báo ông Thường bị bắt vì « nghi ngờ vi phạm kỷ luật đảng nghiêm trọng » - tức tham nhũng. Và không có gì thêm nữa, ngoài việc ông từ chức hôm 30/11.
Do
không có thông tin chính thức, các nhà quan sát đành phải suy đoán, tìm
cách ráp lại những mảnh puzzle của các vụ thay đổi lãnh đạo doanh
nghiệp. Bức tranh ráp nối toàn cảnh cho thấy đây là việc thanh trừng
chính trị hàng loạt, núp dưới danh nghĩa chiến dịch chống tham nhũng
được đưa ra từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền uy tối thượng cách đây ba
năm.
Một bức thư của một tổ chức đánh giá tín dụng đăng trên mạng
tố cáo China Unicom hồi năm 2011 đã bán rẻ một tòa nhà kinh doanh ở phía
tây Bắc Kinh cho một công ty do những người thân cận của tướng Quách Bá
Hùng (Guo Boxiong) kiểm soát. Tướng Quách Bá Hùng vốn là Phó chủ tịch
Quân ủy Trung ương, có nghĩa là nhân vật số hai của quân đội Trung Quốc,
nay đã bị thất sủng. Lá thư tố cáo vẫn còn trên net, chứng tỏ có « mùi »
chính trị, trong một đất nước vốn kiểm duyệt gắt gao.
Tướng Quách Bá Hùng (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Úc Stephen Smith. |
Nhiều « mãnh hổ » phải gặm hờn trong cũi sắt
Tướng
Quách Bá Hùng có tiếng là thân cận với cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân –
nhân vật số một Trung Quốc từ 1989 đến 2002 và vẫn tiếp tục có ảnh hưởng
lớn qua việc giựt dây sau hậu trường trong thời kỳ của người kế nhiệm
là ông Hồ Cẩm Đào. Tập Cận Bình hiện đang tháo gỡ các mạng lưới của ông
Giang, năm nay 89 tuổi, sức khỏe đang yếu dần. Tập đoàn China Unicom mà
Thường Tiểu Binh lãnh đạo trong suốt 11 năm qua, vẫn được coi là thành
trì của phe Giang Trạch Dân.
Con trai ông Giang Trạch Dân là Giang
Miên Hằng (Jiang Mianheng) cũng có ảnh hưởng ngầm tại công ty tiền thân
của China Unicom trong giai đoạn tái cấu trúc giữa thập niên 90, thông
qua các công ty đặt tại Thượng Hải. Giang Miên Hằng cũng đột ngột từ bỏ
chức vụ trong ban lãnh đạo chi nhánh Thượng Hải của Viện Hàn lâm Khoa
học Trung Quốc vào tháng Giêng năm 2015, không hề nêu lý do.
Để khép lại năm 2015, Tập Cận Bình đã kêu gọi các ủy viên Bộ Chính trị « giáo dục nghiêm khắc con cái và các thành viên trong gia đình cũng như nhân viên, chỉnh đốn lại hành vi trong thời gian tới ».
Tân Hoa Xã nêu ví dụ việc bắt giam nhiều « mãnh hổ », không chỉ tướng
Quách Bá Hùng mà cả Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang), Lệnh Kế Hoạch (Ling
Jihua).
Chu Vĩnh Khang từng làm mưa làm gió tại bộ máy an ninh,
tình báo, công an Trung Quốc cho đến cuối năm 2012. Phe cánh của ông Chu
cũng ngự trị tại các tập đoàn dầu lửa Trung Quốc PetroChina và Sinopec,
mà nay nhiều cán bộ đã bị bắt giữ. Còn Lệnh Kế Hoạch nắm chức Chánh văn
phòng Trung ương Đảng thời Hồ Cẩm Đào, có người con trai tử nạn trong
chiếc xe Ferrari với hai cô gái ăn mặc hở hang hồi tháng 3/2012, thống
trị nhóm bị báo chí chính thức gọi là « băng đảng Sơn Tây ».
Vương Kiện Lâm, người giàu nhất Trung Quốc nhìn nhận người thân Tập Cận Bình có nắm cổ phần. |
Doanh nhân không thể không dựa vào quan chức
Theo
Le Monde, mối dây liên kết giữa doanh nhân và quan chức là đặc thù của
việc làm ăn tại Trung Quốc : cần phải thiết lập quan hệ với các lãnh đạo
đảng mới có thể thành công. Bản thân ông Vương Kiện Lâm (Wang Jianlin),
người giàu nhất Trung Quốc hồi tháng 10/2015 đã nhìn nhận anh vợ của
Tập Cận Bình nắm những phần vốn trong đế chế địa ốc Vạn Đạt (Wanda) của
ông Vương.
Cuộc chiến giữa các phe phái chưa thấy dịu bớt, trong
khi đến năm 2017 sẽ diễn ra Đại hội Đảng. Đây là dịp để thay thế một số
ủy viên thường trực Bộ Chính trị và chuẩn bị người kế vị Tập Cận Bình
năm năm sau đó – nếu truyền thống lâu nay vẫn được duy trì.
Bối
cảnh hỗn loạn này được diễn đạt trong những đòn đánh vào giới kinh tế,
như vụ nhà sáng lập tập đoàn tư nhân Phục Tinh (Fosun), người mua lại
công ty du lịch Club Med của Pháp, tự dưng mất tích trong bốn ngày 10
đến 13/12.
Người ta vẫn chưa biết được ông Quách Quảng Xương (Guo
Guangchang) chỉ bị thẩm vấn trong khuôn khổ cuộc điều tra về Phó Thị
trưởng Thượng Hải Ngải Bảo Tuấn (Ai Baojun) – từng làm nên cơ nghiệp ở
tập đoàn luyện kim Baosteel, một thành trì khác của phe Giang Trạch Dân –
hay không. Hay là ông lại theo chân Vương Tông Nam (Wang Zongnan), chủ
tập đoàn Bright Foods đã bị kết án 18 năm tù, tuy ông đã tái xuất hiện
trong một tấm hình đăng trên mạng xã hội, cho thấy đang ăn tối tại New
York.
Tiểu Bắc Lộ, "Africatown" ở Quảng Châu. |
« Africa town » tại Quảng Châu
Cũng về Trung Quốc, phụ trang Le Monde đăng phóng sự ảnh mô tả « Một Quảng Châu đen ».
Đó là Tiểu Bắc Lộ (Xiaobeilu), một khu phố ở Quảng Châu từ những năm
2000 trở thành nơi đóng đô của hàng ngàn nhà buôn sỉ và những thương
nhân chuyên môi giới, thương lượng để đưa hàng hóa Trung Quốc sang châu
Phi.
Nếu các thành phố lớn trên thế giới đều có « Chinatown », thì riêng Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông lại có thể hãnh diện là sở hữu không chỉ một, mà đến hai « Africatown ».
Toàn bộ khu phố đều phục vụ cho các nhà buôn sỉ Phi châu, và cũng là
đại bản doanh của các nhà môi giới chủ yếu là người Nigeria, làm trung
gian giữa các nhà máy Trung Quốc và người mua hàng đến từ châu Phi.
Tấp
nập nhất là Tiểu Bắc Lộ, với những tòa nhà mặt tiền lắp kính, đầy những
cửa hàng trưng bày đủ loại sản phẩm. Vải vóc, dụng cụ điện tử gia đình,
tóc giả…tha hồ mặc cả hợp đồng. Những con đường kế cận tràn ngập những
quán ăn, nhà hàng halal và văn phòng du lịch. Khu phố này tiêu biểu cho
quan hệ thương mại được Bắc Kinh dệt nên với lục địa đen.
Gỗ rừng ở Ratanakiri được đưa sang Lào. |
Cam Bốt : Mafia gỗ dựa thế Hun Sen để làm giàu
Cũng tại châu Á, đặc phái viên Le Monde tại Phnom Penh trong bài viết « Ở Cam Bốt, mafia gỗ thỏa sức làm giàu »,
đã tố cáo các doanh nhân thân cận với Thủ tướng Hun Sen đã biến nhiều
khu rừng nhiệt đới thành những súc gỗ mà không hề bị trừng phạt.
Nạn
dịch phá rừng tại Cam Bốt diễn ra với tốc độ nhanh chóng nhất toàn cầu.
Các doanh nhân thân thiết với ông Hun Sen, nắm quyền từ ba chục năm
qua, đã cho đốn hạ nhiều khu rừng, biến những thân cây cẩm lai thành gỗ
xẻ. Họ bất chấp những loại gỗ quý cần được bảo vệ, để phục vụ cho nhu
cầu của giới nhà giàu Trung Quốc muốn có bàn ghế, giường tủ bằng cẩm
lai, gỗ trắc, gỗ sưa.
Một nhà đấu tranh sinh thái trong nhiều
tháng trời đã theo dõi một nhóm thợ rừng ngang nhiên hoạt động tại một
trong những khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất Cam Bốt là Virachey, ở tỉnh
Rattanakiri, nơi có hệ động thực vật độc đáo. Ông núp trong những bụi
cây, ghi hình lại những chiếc xe tải, tìm ra các hóa đơn…và lần đến được
xuất xứ của nơi đặt hàng gỗ xẻ, đó là một tập đoàn của doanh nhân Try
Pheap, có giấy phép khai thác của Nhà nước.
Theo nhà hoạt động
này, vấn nạn của Cam Bốt là nạn xói mòn đất canh tác và nạn khai thác
rừng bất hợp pháp. Về mặt chính thức, rừng nhiệt đới tại các khu bảo tồn
được bảo vệ. Nhưng trên thực tế, chính quyền địa phương cũng như các xã
trưởng thường nhắm mắt trước đồng tiền. Kiểm lâm thì yếu thế so với
quân đội vốn tham gia vào việc buôn gỗ, và « bảo kê » cho các lán trại
thợ rừng.
Một cây gỗ quý có thể được bán với giá đến nửa triệu đô
la. Gỗ trầm hương được xuất qua đường Lào và Việt Nam để sang thị trường
Trung Quốc, nơi giá một chiếc giường bằng gỗ trầm hương có thể lên đến
một triệu đô la !
Tác giả bài viết kết luận, để giải thích sự sụp
đổ của đế quốc Angkor trong thế kỷ 15, các nhà nghiên cứu nêu ra nhân tố
khí hậu mà người Khmer thời đó không có khả năng đối phó. Còn vào đầu
thế kỷ 21, vương quốc nhỏ bé ở châu Á thừa biết thách thức đang phải đối
mặt.
Abdelhamid Abaaoud và Salah Abdeslam |
Những kẻ khủng bố Paris trên đường chạy trốn
Hôm
nay ngày đầu năm dương lịch, Le Monde là tờ báo duy nhất trong làng báo
Paris có mặt vì phát hành từ chiều hôm trước. Tựa chính của số báo đầu
năm được dành cho « Các vụ tấn công ngày 13 tháng 11 : Chuyện kể về cuộc chạy trốn của bọn khủng bố ».
Le
Monde trong số trước đã mô tả lại toàn cảnh các các vụ khủng bố sự kiện
xảy ra hôm 13/11/2015 tại Paris, thông qua việc nghiên cứu 6.000 biên
bản của cảnh sát, nay tiếp tục bài cuối : « Khủng bố : Chạy trốn và truy lùng ».
Tờ
báo cho biết sau các vụ khủng bố đêm thứ Sáu 13/11, số phận của Salah
Abdeslam và Abdelhamid Abaaoud đã tách rời hẳn nhau. Abdeslam tìm cách
bỏ trốn ngay khỏi Paris, thì Abdelhamid lại muốn tiến hành thêm những vụ
tấn công mới.
Sáng hôm sau, 14/11, một thông cáo của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) khoe khoang « tám người anh em mang đai chất nổ » đã
tiến hành tấn công hàng loạt ở Stade de France, nhà hát Bataclan và tại
các quận 10,11 và 18 của Paris. Có điều, đêm hôm ấy chỉ có bảy kẻ khủng
bố tự sát đã kích hoạt đai chất nổ và chết ngay tại chỗ, còn tại quận
18 không hề xảy ra vụ nào cả.
Liệu Abdeslam, tên khủng bố tự sát thứ tám, đã thay đổi ý định vào phút chót, hay đai chất nổ của hắn bị trục trặc ?
Một
bất ngờ khác nữa là trong vụ cảnh sát tấn công vào Saint-Denis, bọn
khủng bố không bị chết vì 5.000 phát đạn do đặc nhiệm RAID bắn ra, mà
người thì bị chết ngạt dưới đống đổ nát, kẻ khác do sức công phá của đai
chất nổ mang trên người.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.