samedi 12 décembre 2015

''Quách chủ tịch'', người thân tín của Giang Trạch Dân đã biến mất !

Tỉ phú Quách Quảng Xương (Guo Guangchang), chủ tịch tập đoàn Phục Tinh (Fosun).

Nhật báo Le Monde trong hai bài viết mang tựa đề « Quách chủ tịch đã biến mất », và « Truy tìm cổ đông Trung Quốc của Club Med » cho biết cụ thể về vụ « mất tích » bí ẩn của tỉ phú nổi tiếng Quách Quảng Xương, chủ tập đoàn Phục Tinh và là người thân tín của cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân.

Điện thoại ông không còn reo nữa. Quách Quảng Xương (Guo Guangchang) được trông thấy lần cuối tại phi trường Thượng Hải, khi bước xuống một chiếc máy bay xuất phát từ Hồng Kông, và tạp chí Tài Kinh vốn rất thông thạo tin tức cho rằng ông được công an áp giải…


Việc tập đoàn Phục Tinh (Fosun) chính thức công nhận đã « mất liên lạc » với ông chủ tịch đủ để tạo ra một cơn động đất chứng khoán, dẫn đến việc tạm ngưng giao dịch các công ty chính của tập đoàn, gây thiệt hại khoảng 2,9 tỉ đô la. Bởi vì Quách Quảng Xương không phải là một nhân vật bình thường. Ở tuổi 48, nhà tỉ phú là một trong những doanh nhân đặc biệt nhất và năng động nhất Trung Quốc.

Từ hai bàn tay trắng, cha mẹ là nông dân, Quách Quảng Xương đã xây dựng được cả một cơ đồ trong lãnh vực dịch vụ và du lịch, vào cái thời mà đất nước chỉ quan tâm đến các nhà máy. Ông đã tạo dư luận trong những năm gần đây khi ngắp nghé và rốt cuộc nắm được Club Med sang trọng của Pháp hay Xiếc Mặt Trời của Canada.

Tay chân thân tín của Giang Trạch Dân

Đôi khi được mệnh danh là « Warren Buffet » Trung Quốc, Quách Quảng Xương, người tỉnh Chiết Giang trong thập niên 80 theo học ở đại học Phục Đán (Fudan), Thượng Hải, trước khi lao vào kinh doanh tại đại đô thị này. Ông liên tiếp đầu tư vào các ngành luyện kim, dược phẩm, bảo hiểm…

Cái tên Quách Quảng Xương đã xuất hiện hồi mùa hè này trong vụ án Vương Tống Nam (Wang Zongnan), chủ tịch tập đoàn quốc doanh Bright Food về nông sản thực phẩm, cổ đông chính của nhà sản xuất ngũ cốc Anh Weetabix. Ông Vương bị lãnh án 18 năm tù vì tham nhũng và biển thủ. Tòa án nêu ra vụ Phục Tinh nhượng lại cho cha mẹ của Vương Tống Nam hai biệt thự gần Thượng Hải năm 2003 với giá 2,1 triệu nhân dân tệ (300.000 euro), thấp hơn giá thị trường thời đó 2,7 lần. Phục Tinh đến tháng 8/2015 biện minh rằng đó là cái giá bình thường vào lúc thị trường địa ốc sụt giá thê thảm.

Quách Quảng Xương nổi tiếng là thân thiết với chính quyền Thượng Hải, giang sơn của phe cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân. Ông Tập Cận Bình qua chiến dịch chống tham nhũng muốn triệt hạ mạng lưới của nhà cựu lãnh đạo vẫn còn đầy uy lực trong bóng tối. Phó thị trưởng Thượng Hải đồng thời là giám đốc khu mậu dịch tự do mới thành lập, ông Ngải Bảo Tuấn (Ai Baojun) cũng đang bị điều tra vì « vi phạm kỷ luật nghiêm trọng », đồng nghĩa với tội tham nhũng.

Điều gì đã xảy đến cho « Quách chủ tịch » ? Giả thiết hợp lý nhất là ông đã bị bắt. Ông chủ tập đoàn Phục Tinh có điều kém may mắn: là người thân cận « phe Thượng Hải » của cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân. Và như vậy, là một nhân vật cần phải hạ gục.

Trong truyền thống Trung Hoa xưa nay, việc thanh toán nhau ở thượng đỉnh quyền lực thường được một đám mây mù bao phủ, như mây trên đỉnh Hoàng Sơn (Huangshan) – phong cảnh ưa thích của các họa sĩ và thi sĩ. Những đám mây chỉ được vén lên để cho thấy một chi tiết còn kinh khiếp hơn là tổng thể bức tranh.

Một biểu tượng bị tấn công

Khi đánh vào Quách Quảng Xương, Bắc Kinh không chỉ tấn công vào một nhà lãnh đạo cao cấp mà là một biểu tượng : đó là lớp người thành đạt mới của Trung Quốc. Thế hệ doanh nhân trong lãnh vực tư nhân đã được thành hình trong thập niên 90, bên ngoài các tập đoàn quốc doanh ; như các nhà sáng lập Geely (xe hơi), Alibaba (internet), Sany (xây dựng), Hoa Vi (tức Huawei, viễn thông) hay Lenovo (tin học). Họ thăng tiến nhờ thân cận với lãnh đạo địa phương.

Tất cả những ông chủ này đều giao du mật thiết với đảng Cộng sản, nhưng cũng chứng tỏ sự nhanh nhạy và khả năng chinh phục thế giới với các sản phẩm và nhãn hiệu riêng của mình, đưa Trung Quốc ra khỏi vị trí làm gia công cho phương Tây. Họ có lợi thế tương lai trong tăng trưởng của Trung Quốc hơn là các tập đoàn quốc doanh đang cứ phải chật vật tái cấu trúc. Điển hình nhất là Phục Tinh, hiện thân của một Trung Quốc đang chuyển mình sang lãnh vực dịch vụ và xã hội tiêu dùng, biên giới mới của đất nước.

Tất cả những điều đó, Tập Cận Bình đều biết. Ông ta chỉ muốn thuần hóa những con rồng nhỏ mà theo ông là quá độc lập, để chứng tỏ rằng trong chủ nghĩa tư bản theo kiểu Trung Hoa, Nhà nước vẫn là Thượng đế toàn năng. Theo tác giả Philippe Escande của Le Monde, tuy nhiên khi làm như vậy, ông Tập cũng có nguy cơ bộc lộ những hạn chế của mình.

Cũng trên Le Monde, tác giả Harold Thibault nói thêm, trong hệ thống tư pháp Trung Quốc, đã xảy ra những trường hợp những doanh nhân tự dưng « mất tích » trong thời gian « hỗ trợ » chính quyền về một vụ việc liên quan đến quan chức nào đó. Hồi giữa tháng Năm, Phan Hạo Văn (Mike Poon), chủ tịch một quỹ đầu tư vừa mới trở thành cổ đông của phi trường Toulouse-Blagnac (Pháp) cũng đã « bốc hơi » để « hỗ trợ » các nhà điều tra trong một vụ tham nhũng ở tập đoàn hàng không Nam Phương (China Southern). Ông Phan Hạo Văn chỉ mới « tái xuất giang hồ » vào tháng 11 tại Hồng Kông.

Một số thành viên biệt đội Thần Phong thời Đệ nhị Thế chiến.
« Kamikaze », biệt đội Thần Phong của Nhật nay bị dùng theo nghĩa xấu

Cũng liên quan đến châu Á, Le Courrier International trích dịch một bài báo của tờ Tokyo Shimbun về việc báo chí phương Tây hay sử dụng từ « kamikaze » để chỉ những tên khủng bố tự sát Hồi giáo, khiến các cựu chiến binh cảm tử Nhật bất bình.

« Kamikaze » có nghĩa là « Thần Phong », tên chính thức là « Kamikaze Tokubetsu Kogekitai » (gốc chữ Hán là « Thần Phong Đặc biệt Công kích Đội », gọi tắt là « Tokko » tức « đặc công »). « Thần Phong » là trận bão thần kỳ đã nhiều lần đẩy lùi quân Mông Cổ xâm lược hồi thế kỷ thứ 13, tạo nên niềm tin quần đảo này được thần linh bảo vệ. Đội cảm tử Thần Phong trong trận chiến Thái Bình Dương chuyên đâm nhào máy bay xuống tàu địch, khi quân Nhật không còn phương tiện chiến đấu nào hữu hiệu hơn.

Trong các vụ tấn công ngày 11 tháng Chín, bọn khủng bố Hồi giáo đã cướp máy bay dân dụng để đâm thẳng vào tòa tháp đôi World Trade Center. Báo chí Mỹ lập tức sử dụng từ « kamikaze » để chỉ những kẻ khủng bố tự sát, ví vụ tấn công trên đất Mỹ này là một « Trân Châu cảng thứ hai » (khi quân Nhật đột ngột tiến công vào Hạm đội Mỹ tháng 12/1941).

Sau đó liên tục xảy ra nhiều vụ khủng bố tự sát không chỉ ở Trung Đông, mà cả ở Luân Đôn (tháng 7/2005) chẳng hạn. Từ « kamikaze » bắt đầu được báo chí tiếng Pháp dùng theo các báo tiếng Anh. Nhưng các cảm tử quân Nhật còn sống rất bất mãn khi bọn khủng bố sát hại mù quáng thường dân lại được gán cho cái tên gắn liền với họ. Shoji Tsuchida, cựu thành viên biệt đội Thần Phong của Không quân Nhật nói : « Vào thời đó, chúng tôi muốn hy sinh vì Tổ quốc, nhưng mục tiêu của chúng tôi luôn là quân đội địch ».

Tổng thống Putin thăm một đơn vị xe tăng ngày 25/11/2015.
Nếu Putin sa lầy ở Syria…

Nhìn sang nước Nga, khi huy động các phương tiện không quân và hải quân ấn tượng, không kích hàng loạt…nhưng hơn hai tháng sau khi can thiệp quân sự vào Syria, Matxcơva vẫn chưa thay đổi được tình hình. Tuần báo L’Express cho rằng một câu hỏi đã được đặt ra đối với điện Kremli : liệu bóng ma của lò lửa Afghanistan có thể tái hiện ?

Tờ báo cho biết, nhìn từ Matxcơva, cuộc chiến mang dáng vẻ của một siêu phẩm Hollywood. Từ khi không quân Nga vào cuộc hôm 30/9, màn ảnh truyền hình bão hòa với những cảnh phi cơ xuất kích, những quả bom rải thảm xuống Raqqa, sào huyệt của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Syria, các hình ảnh vệ tinh cho thấy những mục tiêu khủng bố bị phá hủy.

Chương trình thời sự lúc 20 giờ có mặt các nhà báo hàng đầu tường thuật trực tiếp tại căn cứ không quân ở Lattaquié, ở cảng Tartous hay trên các chiến hạm. Với khoảng 100 vụ oanh kích mỗi ngày, Nga đã tiến hành 7.000 phi vụ thả bom trong mười tuần lễ. Đến đầu tháng 10, khán giả truyền hình Nga sững sờ trước cảnh 26 hỏa tiễn hành trình 3M14Kalibr bắn đi từ lúc rạng đông từ biển Caspienne. Thông điệp rất mạnh mẽ và rõ ràng : Gấu Nga đã quay lại và đang giương móng vuốt.

Tuy nhiên tình hình tại chỗ không đơn giản. Một máy bay dân dụng chở 224 người bị rơi xuống sa mạc Sinai hôm 31/10, do IS đánh bom. Đến ngày 24/11, một chiếc Sukhoi-24 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ với lý do xâm phạm không phận trong 17 giây đồng hồ, dẫn đến khủng hoảng chính trị Nga-Thổ.

Liệu Nga có thể sa lầy tại Syria như ở chiến trường Afghanistan (1979-1989) hay không ? Một khi chưa triển khai bộ binh, nguy cơ này hãy còn thấp, theo chuyên gia Isabelle Facon của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược. Còn theo chuyên gia quân sự Pavel Baev ở Oslo, vụ chiếc Sukhoi-24 cho thấy các rủi ro chưa được đánh giá đầy đủ, và các chính khách đã không tham khảo nghiêm túc giới quân sự trước khi tiến đánh Syria. Căn cứ không quân Lattaquié nhỏ bé đã bị bão hòa, và con đường dài 75 km từ cảng Tartous đến căn cứ này dễ thành mồi ngon cho các vụ khủng bố tự sát. Chưa kể việc phối hợp với hai đồng minh là chính quyền Damas và Teheran cũng không dễ dàng, theo chuyên gia Julien Nocetti của IFRI.

Áp-phích tranh cử của ứng viên đảng cánh hữu và cực hữu Pháp.
Đảng cực hữu : Mối nguy đe dọa nước Pháp

Nguy cơ đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) lên nắm quyền ở một số vùng ở nước Pháp sau kỳ bầu cử cấp vùng ở vòng hai sẽ diễn ra vào ngày mai, là chủ đề chính được các nhật báo cũng như tuần báo Pháp báo động.

Nhật báo cánh hữu Le Figaro nhận xét « Đảng Xã hội tỏ ra kích động vào cuối chiến dịch tranh cử ». Tờ báo dẫn chứng sau các bình luận gây tranh cãi của ông Claude Bartolone - ứng viên đảng Xã hội ở Paris và vùng phụ cận về đến lượt Thủ tướng Manuel Valls hôm qua khẳng định nếu đảng Mặt trận Quốc gia tham chính có thể dẫn đến một « cuộc nội chiến ».

Le Monde dẫn người đọc đến « Những vùng đất mới của Mặt trận Quốc gia ». Trong số sáu triệu người Pháp bầu cho FN trong vòng một, có nhiều người cho đến nay chưa bao giờ bỏ phiếu cho đảng cực hữu. Lo sợ cho tương lai, cảm giác bị bỏ rơi, không chấp nhận khác biệt…sự bất an khiến một bộ phận người Pháp quay sang với FN.

L’Humanité cho rằng: « Bầu cử khu vực. Vụ lừa đảo lớn của Le Pen và đồng sự ». Theo tờ báo cộng sản, FN chỉ muốn nắm quyền ở địa phương để làm đòn bẩy cho kỳ bầu cử tổng thống 2017 và thử nghiệm chủ trương cắt giảm dịch vụ công, lãnh vực văn hóa và hoạt động của các hiệp hội. Libération cảnh cáo trong hàng tựa « Đợi đến thứ Hai thì sẽ quá muộn ». Chận đứng đà tiến của đảng Mặt trận Quốc gia và tình trạng Trái Đất bị hâm nóng, tờ báo cánh tả cho rằng cuối tuần này, nước Pháp đang ở chân tường.

Riêng La Croix tìm đến với « Ngôi nhà của các vận động viên Pháp ». Phóng viên tờ báo đã dành hẳn một ngày tại Viện Thể thao Quốc gia, nơi huấn luyện 600 lực sĩ đỉnh cao.

Về phía các tuần báo, L’Express chạy tựa « Ngõ cụt », đăng ảnh Tổng thống François Hollande và Thủ tướng Manuel Valls đang bàn bạc với vẻ trầm tư. L’Obs cũng nhận định « Mặt trận Quốc gia ở ngưỡng cửa quyền lực » và nhấn mạnh « Tất cả phải thay đổi trước khi quá muộn ! ». Tựa trang nhất của Le Point là « Thế nào, nước Pháp có ổn không ? », bên trong là bài phân tích của nhiều chuyên gia phân tích quan hệ giữa mối đe dọa khủng bố, kinh tê sa sút và sự lên ngôi của phe dân túy.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20151212-quach-chu-tich-nguoi-than-tin-cua-giang-trach-dan-da-bien-mat 

Bài viết liên quan
Chủ tịch tập đoàn Phục Tinh Trung Quốc « mất tích », cổ phiếu bị treo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.