TỔNG QUÁT
1. Vaccine Moderna:
Ngày Thứ Năm 05/08/2021. Tổng giám đốc của công ty Moderna, Tiến sĩ Stephan Hoge thông báo liều thứ 3 tăng cường (của thuốc Moderna) có thể sẽ cần thiết để giữ an toàn cho chúng ta trong mùa đông ở Bắc bán cầu (nguyên văn: “We believe a dose three of a booster will likely be necessary to keep us as safe as possible through the winter season in the Northern Hemisphere”).
Theo dữ liệu chính thức do công ty Moderna công bố, sau khi tiêm chích vaccine Moderna liều thứ 2, hiệu quả bảo vệ đạt được 93% và kéo dài ít nhất trong 6 tháng.
2. Vaccine Pfizer:
Sáng Thứ Tư 28/07/2021, Tiến sĩ Mikael Dolsten, Trưởng nhóm nghiên cứu, phát triển toàn cầu của công ty Pfizer tuyên bố: Khi sự bảo vệ bắt đầu suy yếu sau 6 tháng tiêm chích.
Việc tiêm chích liều thứ 3 được ước tính tăng cường tiềm năng kháng thể trung hòa ở những người tham gia nghiên cứu lên đến 100 lần sau khi tiêm chích liều thứ 3 so với trước đó (nguyên văn: “Receiving a third dose more than six months after vaccination, when protection may be beginning to wane, was estimated to potentially boost the neutralizing antibody titers in participants in this study to up to 100 times higher post-dose three compared to pre-dose three”). Công ty Pfizer đã xác nhận rằng hiệu quả bảo vệ sau khi tiêm chích 2 liều vaccine Pfizer là 91.3% và kéo dài trong 6 tháng, sau đó giảm dần.
3. Vaccine Johnson & Johson:
Cho đến nay (08/08/2021) có khoảng 14 triệu người Hoa Kỳ đã tiêm chích 1 liều vaccine Covid-19 của công ty Johnson & Johnson. Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng, vaccine Covid 19 của Johnson & Johnson có hiệu quả 66.3% và chỉ cần tiêm chích 1 liều (so với 2 liều của Moderna và Pfizer).
Hiện nay Covid-19 có nhiều biến chủng mới, vì thế, những người đã sử dụng vaccine Johnson & Johnson lo ngại rằng dụng vaccine Johnson & Johnson không có đủ khả năng bảo vệ có thể để chống lại các biến chủng mới (so với vaccine được chế tạo theo công nghệ mRNA).
Nhưng qua cuộc nghiên cứu của Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess tại Boston – Hoa Kỳ (Beth Israel Deaconess Medical Center in Boston) được công bố trên Tạp chí Y học New England (New England Journal of Medicine) có kết luận rằng vaccine Johnson & Johnson có khả năng chống lại biến thể Delta và có phản ứng miễn dịch kéo dài đến 8 tháng.
4. Vaccine Astra Zeneca:
Vaccine Astra Zeneca có hiệu quả bảo vệ là 76% (sau khi tiêm chích liều thứ 1), nếu được tiêm chích liều thứ 2 trong khoảng thời gian từ 4 đến 12 tuần (sau liều thứ 1), hiệu quả vaccine Astra Zeneca sẽ lên đến 82%. Một nghiên cứu trên 25 ngàn nhân viên y tế đã tiêm chích vaccine Astra Zeneca tại Anh Quốc có kết luận rằng khả năng hiệu quả bảo vệ của vaccine này có thể kéo dài đến 7 tháng (sau liều thứ 2).
HIỆU QUẢ CỦA VIỆC TIÊM CHÍCH 2 LIỀU VACCINE
Dựa theo nghiên cứu của Báo cáo hàng tuần về bệnh tật và tử vong (Morbidity and Mortality Weekly Report - MMWR), được thực hiện từ tháng 02/2021 đến tháng 04/2021 đã đưa ra kết luận rằng:
- Nhóm người lớn từ 65 đến 74 tuổi, nếu đã tiêm chích 2 liều vaccine Moderna hoặc Pfizer có hiệu quả ngăn ngừa nhập viện đến 96%, và vaccine Johnson & Johnson có hiệu quả 84%.
- Nhóm người lớn từ 75 tuổi trở lên, hiệu quả chống nhập viện là 96% đối với Moderna, 91% đối với Pfizer, và 85% đối với Johnson & Johnson.
Một nghiên cứu khác của Cơ quan Y tế Công cộng Vương Quốc Anh (Public Health England) và Cơ quan Sức khoẽ Quốc gia (National Health Service) có kết quả là:
- Hai liều vaccine Astra Zeneca có hiệu quả 92% ngăn ngừa nhập viện do biến thể Delta, và có hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa tử vong.
- Nghiên cứu này cho thấy: nếu 1 liều vaccine Astra Zeneca chỉ có hiệu quả 71% ngăn ngừa nhập viện.
- Trong nghiên cứu này, cũng chỉ ra rằng: hai liều vaccine Pfizer có hiệu quả 96% ngăn ngừa nhập viện.
- Nghiên cứu này không nói đến vaccine Moderna.
Như vậy, cả 2 nghiên cứu của 2 nhóm khoa học có uy tín từ 2 quốc gia khác nhau (Hoa Kỳ và Anh Quốc), đều có kết luận khá tương đồng về hiệu quả rất cao của việc tiêm chích 2 liều vaccine. Kết luận này rất đáng để chúng ta suy nghĩ nên tiêm chích 1 liều hay 2 liều vaccine đúng theo khuyến cáo và hướng dẫn CDC Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác.
TIÊM CHÍCH KẾT HỢP 2 LOẠI VACCINE KHÁC NHAU
1. Việc sử dụng kết hợp 2 loại vaccine có công nghệ chế tạo khác nhau trên cùng một cơ thể là ý tưởng cho rằng sẽ làm tăng hiệu quả bảo vệ của vaccine.
2. Việc sử dụng kết hợp 2 loại vaccine có cùng công nghệ chế tạo (như Moderna và Pfizer) trên cùng một cơ thể, đến nay, vẫn chưa được các nhà khoa học thử nghiệm.
3. Tại Hoa Kỳ, Cơ Quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) vẫn chưa có bất cứ cảnh báo nào về việc kết hợp hai loại vaccine khác nhau để phòng ngừa Covid 19.
4. Tại Tây Ban Nha, Uỷ ban Đạo đức Sinh học (Spain's Bioethics Committee) đã yêu cầu người dân tiêm chích vaccine theo công nghệ mRNA cho liều thứ 2 nếu liều thứ 1 đã sử dụng vaccine Astra Zeneca.
5. Tại Canada, Hội đồng Cố vấn Quốc gia về Tiêm chủng (Canada's National Advisory Committee on Immunisation - NACI) đã khuyên người dân sử dụng vaccine chế tạo theo công nghệ mRNA cho lần tiêm chích thứ 2 (nếu đã tiêm chích liều 1 bằng vaccine Astra Zeneca).
6. Tại Đức, bà Angela Merkel ở tuổi 66, Thủ tướng, đã tiêm chích liều 2 là vaccine Moderna sau khi tiêm chích liều 1 bằng vaccine Astra Zeneca.
7. Một nghiên cứu của Trường đại học Oxford (Anh Quốc) cho biết rằng nếu sử dụng kết hợp giữa vaccine Astra Zeneca và Pfizer thì tác dụng phụ sau khi tiêm chích liều thứ 2 có biểu hiện rõ ràng hơn, thậm chí nặng hơn: (i) sau liều AstraZeneca thứ hai, khoảng 10% số người tham gia cho biết bị ớn lạnh; (ii) nếu liều 1 là Astra Zeneca, liều 2 là Pfizer, con số đó đã tăng lên 40%; (iii) nếu liều 1 là Pfizer và liều 2 là Pfizer, khoảng 25% bị ớn lạnh; (iv) nếu liều 1 là Pfizer và liều 2 là AstraZeneca đã tăng nó lên 45%.
8. Cho đến ngày 08/08/2021, chưa có bất cứ một công bố rõ ràng nào về hiệu quả chính xác của việc tiêm chủng kết hợp. Một số báo cáo sớm cho thấy rẳng nếu tiêm chích kết hợp 2 loại vaccine khác nhau trên một cơ thể sự phát triển của các kháng thể trung hoà (Neutralising Antibodies) SARS-COV-2 gia tăng gần 40 lần và các tế bào miễn dịch đặc hiệu (Specific Immune Cells) SARS-COV-2 nhiều hơn 4 lần so với những cơ thể chỉ tiêm chích 1 liều Astra Zeneca.
9. Việc kết hợp các loại vaccine với nhau từ lâu đã được áp dụng, không có gì mới. Thí dụ như vaccine DTP (Bạch hầu/Diphtheria, Uốn ván/Tetanus, và Ho gà/Pertussis) đã được sử dụng tiêm chích cho bé sơ sinh và trẻ em từ năm 1948. Tuy nhiên, vaccine DTP gây nhiều tai biến, đến giữa những năm 1980, tại Hoa Kỳ các công ty chế tạo vaccine DTP bị kiện tụng vì lý do an toàn, do đó, các công ty này không tiếp tục sản suất vaccine DRP nữa; Và cũng chính từ các vụ kiện về yếu tố an toàn của vaccine, các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã ban hành Đạo Luật Quốc gia về Thương Tích vaccine cho Trẻ em (the US National Childhood Vaccine Injury Act) vào năm 1986. Sau khi ban hành Luật này, các công ty sản suất vaccine chế tạo vaccine DtaP, được FDA cho phép sử dụng năm 1991, đây là phiên bản ít độc hơn của vaccine DTP trước đó, vì có hàm lượng độc tố Bạch hầu và Ho gà thấp hơn. Vacine DTaP được chỉ định sử dụng cho người từ 10 tuổi đến 64 tuổi.
NGHIÊN CỨU VỀ VACCINE COVID 19 LIỀU THỨ 3
Nghiên cứu của Trường Đại Học Johns Hopkins (Hoa Kỳ):
Giám đốc nhóm nghiên cứu của Trường Dại học Johns Hopkins, Giáo sư Thomas Pozefsky tuyên bố rằng: “Phát hiện của chúng tôi cho thấy rằng một phần ba số người tham gia có mức kháng thể âm tính và tất cả những người có mức kháng thể dương tính thấp trước khi tiêm nhắc lại đều tăng phản ứng miễn dịch của họ sau liều vắc-xin thứ ba,” (nguyên văn: “Our findings revealed that a third of the participants who had negative antibody levels and all who had low positive levels before the booster increased their immune response after a third vaccine dose”)
Cuộc nghiên cứu này được Trường Đại học Johns Hopkins thực hiện từ ngày 20 tháng 03 năm 2021 đến ngày 10 tháng 05 năm 2021. Nhóm vaccine được thực hiện bao gồm: vaccine Moderna, vaccine Pfizer và vaccine Johnson & Johnson. Đối tượng nghiên cứu là những bệnh nhân được ghép tạng, đang được sử dụng ức chế miễn dịch để chống lại việc đào thải các cơ quan đã cấy ghép trên cơ thể của họ.
Nghiên cứu tại Trường Đại học Yale (Hoa Kỳ):
Sự kết hợp 2 loại vaccine (thí dụ như liều 1 của Pfizer, liều 2 của Moderna để hoàn thành chuỗi 2 liều theo công nghệ mRNA; Hoặc liều 1 của Astra Zeneca, liều 2 sử dụng Moderna hoặc Pfizer) đã được sử dụng ở Châu Âu và một vài quốc gia khác (do gặp khó khăn trong việc cung cấp vaccine). Theo thông tin từ Trường Đại học Yale, hiện nay Viện Nghiên cứu Sức khoẽ Quốc gia Hoa Kỳ (National Institutes of Health - NIH) đang tài trợ cho công trình nghiên cứu về hiệu quả bảo vệ của việc kết hợp 2 loại vaccine Covid 19 khác nhau, kết quả của công trình nghiên cứu này sẽ được công bố sớm.
Theo Tiến sĩ Albert Shaw, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Đại học Yale, cho rằng: mặc dù kháng thể được kích hoạt khi tiêm chích vaccine Covid 19, nhưng theo thời gian sẽ suy yếu. Nhưng ông lạc quan và tin tưởng rằng, cho dù kháng thể suy yếu, nhưng trí nhớ miễn dịch vẫn còn tồn tại, do đó, khi có virus xâm nhập lại, trí nhớ miễn dịch này sẽ hoạt động mạnh mẽ để tái tạo kháng thể.
MỘT SỐ TÁ DƯỢC/CHẤT BỔ TRỢ SỬ DỤNG TRONG VACCINE (ADJUVANTS)
1. Trong qui trình chế tạo vaccine, tuỳ theo công nghệ mà mỗi công ty có sử dụng chất tá dược để tăng hiệu quả hoặc tuổi thọ của vaccine. Kỹ thuật này đã được các công ty sử dụng rất nhiều năm trước đây và áp dụng kỹ thuật này vào công nghệ chế tạo vaccine.
Một số vaccine phổ biến mà chúng ta đã và đang sử dụng có áp dụng kỹ thuật này, thí dụ: vaccine Bệnh than (Anthrax), vaccine DtaP (Bạch hầu/Diphtheria, Uốn ván/ Tetanus, and Ho gà/acellular Pertussis), vaccine Viêm não Nhật Bản (Japanese encephalitis), vaccine Viêm gan A, vaccine Viêm gan B, vaccine Bệnh dời leo (Shingles)…
2. Tuỳ theo tính chất, công nghệ chế tạo vaccine mà các công ty bào chế sẽ sử dụng loại tá dược khác nhau. Nhôm (Aluminum) là một trong những kim loại được sử dụng như là một tá dược trong công nghệ chế tạo vaccine từ những năm 1930.
Ngoài kim loại nhôm, hiện nay còn có rất nhiều loại/ nhóm tá dược khác được sử dụng trong công nghệ chế tạo vaccine như: AS04, MF59, AS01B, CpG1018…
3. Tại Hoa Kỳ, cơ quan CDC và FDA có trách nhiệm giám sát chặt chẽ tính an toàn của các loại/ nhóm tá dược. Mặc khác, các viện nghiên cứu độc lập, các công ty sản suất (cạnh tranh) luôn luôn có những nghiên cứu phản biện vì thế tính an toàn của những loại/ nhóm tá dược rất cao và được điều chỉnh hoặc thay đổi nhanh chóng nếu có bất cứ các tại hại, nguy hiểm nào xãy ra.
4. Hiện nay (đến ngày 18/08/2021), các loại vaccine Covid 19 được FDA cho phép sử dụng khẩn cấp tại Hoa Kỳ của các công ty Moderna, Pfizer. Johnson & Johnson đều không sử dụng tá dược. Mặc dù hiệu quả bảo vệ của các loại vaccine này rất cao, nhưng theo thời gian, hiệu quả bảo vệ bị giảm dần (có thể không có tá dược để gia tăng tuổi thọ của vaccine?). Qua một nghiên cứu cho thấy hiệu quả bảo vệ của vaccine Pfizer bị giảm dần sau 6 đến 8 tháng kể từ mốc thời gian tiêm chích liều thứ 2. Chính vì hiệu quả giảm dần, mà các công ty chế tạo vaccine đề nghị cần tiêm chích liều thứ 3.
Theo AP News ngày 16/03/2021, Tiến sĩ Christopher Gill, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và là Giáo sư tại Boston University School of Public Health xác nhận rằng vaccine Astra Zeneca và vaccine Sputnik V cũng không sử dụng tá dược.
5. Trong bài viết “Hiểu biết căn bản về vaccine”, tôi có đề cập đến Công ty Novavax (Hoa Kỳ), đang chế tạo vaccine Covid 19 theo công nghệ Tiểu đơn vị (Subunit), trong giai đoạn 3 thử nghiệm. Novavax đã sử dụng tá dược để tăng hiệu quả bảo vệ của vaccine. Công ty Novavax thông báo rằng, nếu thử nghiệm thành công, vaccine của họ sẽ có hiệu quả bảo vệ lâu dài trong nhiều năm (vì có tá dược bổ xung).
KẾT LUẬN
Từ các góc nhìn khác nhau của công ty sản suất vaccine, của chính phủ các quốc gia và của các nhà khoa học, tạm thời, chúng ta có 3 khuyến cáo như sau:
1. Các công ty chế tạo vaccine khuyến cáo nên tiêm chích liều vaccine thứ 3;
2. Hầu hết chính phủ của các quốc gia trên thế giới, cho đến ngày 18/08/2021, chưa khuyến khích tiêm chích vaccine liều thứ 3 cho dân chúng.
Tại Do Thái, chính phủ áp dụng biện pháp tiêm chích liều thứ 3 cho người dân trên 60 tuổi và sẽ tiến hành tiêm chích đại trà liều vaccine thứ 3.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, sau một thời gian dài tiếp cận và sử dụng vaccine Covid 19 của China, ông Fahrettin Koca, Bộ trưởng Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ đã khuyến khích người dân có thể sử dụng vaccine Pfizer để tiêm chích liều vaccine thứ 3 nhằm tăng cường hiệu quả bảo vệ của thuốc từ tháng 07/2021.
Tại Hoa Kỳ, ngày 13/08/2021 FDA khuyến khích tiêm liều vaccine thứ 3 cho những người trên 70 tuổi có bệnh nền hoặc những người thay/ghép cơ quan nội tạng.
Ngảy 18/08/2021, FDA và CDC Hoa Kỳ khuyến khích mọi người bắt đầu tiêm chích vaccine liều thứ 3 vào ngày 20/09/2021 (nếu đã tiêm chích liều thứ 2 sau 8 tháng).
3. Các nhà khoa học vẫn cân nhắc, thận trọng và đang tiếp tục nghiên cứu về lợi ích khi tiêm chích vaccine liều thứ 3.
Từ những khuyến cáo trên, chúng ta có thể nhận xét rằng:
- Khuyến cáo của các công ty chế tạo vaccine (nên tiêm chích liều thứ 3 và sử dụng cùng một loại vaccine cho các liều tiêm chích) có thể vì lợi ích của dân chúng (dựa vào các nghiên cứu khoa học riêng của các công ty); Mặc khác, khuyến cáo này cũng có thể vì lợi ích của công ty chế tạo vaccine;
- Sự chậm chạp của chính phủ có thể vì muốn có thêm cơ sở khoa học (chứng minh lợi ích khi tiêm chích liều thứ 3 một cách rõ ràng); Hoặc cũng có thể vì mục đích chính trị (tỉ lệ dân chúng chưa tiêm chích vaccine còn rất cao, vì thế nếu chính phủ cho phép tiêm chích liều thứ 3, người dân chưa tiêm chích vaccine có thể nghi ngờ hiệu quả bảo vệ của vaccine vì vậy khó có thể khuyến khích họ tiêm chích vaccine); Hoặc cũng có thể vì mục đích công bằng trong quyền tiếp cận vaccine của dân chúng;
- Riêng các nhà khoa học, cho đến nay vẫn chưa biết rõ được ảnh hưởng lâu dài của vaccine Covid 19 bởi các loại vaccine này được sử dụng cho con người chưa quá 2 năm (kể cả thời gian thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1), vì thế, các nhà khoa học còn cân nhắc và tiếp tục nghiên cứu.
Tôi nghe một câu chuyện vui, do một đồng nghiệp kể về việc thử nghiệm vaccine Covid 19:
Ở một quốc gia nọ, có một gia đình Khỉ, gồm: Bố, Mẹ và 2 con. Từ khi dịch bệnh Covid 19 xãy ra, hàng ngày, hai chú Khỉ con vẫn vui đùa, ăn, ngủ thoải mái; Riêng Khỉ Bố và Mẹ lo âu, buồn bã, mất ăn, mất ngủ. Khi hai chú Khỉ con thắc mắc, Khỉ Bố và Mẹ giải thích: dịch bệnh Covid 19 đã xuất hiện, rồi đây gia đình ta sẽ trở thành vật thí nghiệm cho việc chế tạo vaccine mới, tương lai gia đình chúng ta rất mờ mịt, không biết rồi sẽ như thế nào?
Nghe xong, hai chú Khỉ con vẫn nhe răng tiếp tục vui đùa và bảo với Khỉ Bố Mẹ rằng: Bố Mẹ cứ yên tâm, họ không cần gia đình chúng ta để thử nghiệm đâu, vì họ đã sử dụng con người để làm vật thí nghiệm cho vaccine mới rồi!
Tóm lại: tiêm chích vaccine Covid 19 là một việc làm rất cần thiết, nó không chỉ giúp bảo vệ cá nhân bạn mà nó còn giúp bảo vệ người thân, gia đình của bạn và bảo vệ cả cộng đồng xung quanh. Tuy nhiên, để quyết định tiêm chích vaccine liều thứ 3 hay không, chúng ta cần dựa vào kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học. Riêng về mặc đạo đức, nếu giành quyền tiêm chích vaccine khi chưa cần thiết, như vậy, chúng ta đã vô tình tước đoạt mạng sống của người khác vì họ không có cơ hội tiêm chích vaccine.
BS LÊ CÔNG TRỨ 18/08/2021 (Tác giả gởi cho trang Thụy My)
Tham khảo:
https://www.astrazeneca.com/media-centre/press-releases/2021/covid-19-vaccine-astrazeneca-confirms-protection-against-severe-disease-hospitalisation-and-death-in-the-primary-analysis-of-phase-iii-trials.html
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.