Hôm qua 7/10 cơ quan thẩm định tài chính Fitch đã hạ điểm tín nhiệm của Tây Ban Nha xuống hai nấc, và Ý xuống một nấc. Lý do đưa ra là khủng hoảng nợ tại khu vực đồng euro đã trầm trọng hơn, và nguy cơ thiếu hụt ngân sách của hai quốc gia này.
Điểm tín nhiệm của Ý từ AA- nay thành A+, còn Tây Ban Nha từ AA+ còn AA-. Đây là hai nước bị ảnh hưởng trực tiếp của cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro. Theo nhận định của Fitch, thì việc áp dụng một giải pháp tổng thể và đáng tin cậy cho cuộc khủng hoảng này là khá nhạy cảm trên phương diện chính trị cũng như kỹ thuật, và cần có thời gian.
Trước đó Ý cũng đã bị hai cơ quan thẩm định tài chính quan trọng khác đánh sụt điểm. Moody’s xếp nước Ý ở hạng A2 (giảm ba nấc) và Standard & Poor’s xếp hạng A (giảm một nấc). Fitch cho biết có thể hạ tiếp trong trung hạn, tuy nhìn nhận Ý là một trong những thành viên chủ chổt của khu vực euro, và vẫn có khả năng thanh toán.
Còn tại Tây Ban Nha, tuy chính phủ đã áp dụng một loạt các biện pháp khắc khổ để làm giảm thâm hụt, nhưng nợ công chủ yếu là của các địa phương. Theo cơ quan thẩm định tài chính Fitch, thì nợ của Tây Ban Nha thuộc loại cao nhất thế giới, chiếm đến 91% tổng sản phẩm nội địa.
Thông tín viên RFI tại Madrid, François Musseau nhận định :
« Đây là một tin xấu cho chính phủ Zapatero, vốn vừa mới đưa ra quy định cấm mọi thâm hụt ngân sách, được ghi vào Hiến pháp và có hiệu lực từ năm 2020.
Chính quyền cho rằng biện pháp gương mẫu này sẽ giúp Tây Ban Nha tránh được những cơn bão tài chính mới. Thế nhưng cơ quan Fitch lại ít tín nhiệm hơn, và như vậy nước này đã sụt mất hai mức, từ AA+ còn AA-. Nguyên nhân là do cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro nói chung và trong trường hợp của Tây Ban Nha, còn do tỉ lệ thất nghiệp quá cao, khoảng 20%. Fitch cũng nêu ra nguy cơ thâm hụt ngân sách, liên quan đến việc chính quyền các địa phương nước này có quyền tự trị rất lớn.
Sự kiện tăng trưởng năm tới chắc chắn sẽ ít hơn tỉ lệ đã loan báo cũng đã ảnh hưởng đến quyết định của cơ quan thẩm định tài chính trên. Madrid cho là có thể đạt tỉ lệ tăng trưởng 1,3%, trong khi các cơ quan khác như Golman Sachs lại dự đoán Tây Ban Nha sẽ bị suy thoái.
Cụ thể hơn, thị trường cho rằng Tây Ban Nha sẽ không giảm được thâm thủng ngân sách như đã hứa, và cũng không thể tái cấp vốn cho các ngân hàng. Đã có 17 tỉ euro được bơm vào, nhưng còn cần thêm đến 30 tỉ euro nữa. Và với việc bị đánh sụt hạng tín nhiệm, từ nay những ngờ vực về khả năng Tây Ban Nha giữ được những cam kết của mình có thể còn tăng cao ».
Bài đăng : Thứ bảy 08 Tháng Mười 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 08 Tháng Mười 2011