dimanche 9 octobre 2022

Putin và nước Nga, ai chịu trách nhiệm về cuộc xâm lăng Ukraina ?


Đăng ngày:

Le Monde hôm nay chạy tựa « Điện : Các kịch bản cảnh báo cho mùa đông ». Le Figaro nói về « Khí đốt, điện: Những lý do thực sự của việc tăng giá ». Les Echos lo âu « Năng lượng : Chi phí nặng thêm cho các gia đình và cho Nhà nước ». Libération chơi chữ « Giá năng lượng, một gáo nước ấm » thay vì dùng chữ « gáo nước lạnh » vì chính phủ đã hạn chế mức tăng tối đa là 15 %. Riêng La Croix đăng ảnh trang nhất các chiến binh Ukraina trên xe tăng và chạy tựa « Hy vọng quay trở lại với Ukraina ». Ở trang trong các báo, bên cạnh vấn đề năng lượng, tình hình Ukraina vẫn là đề tài được chú ý nhất.

Không có Mỹ hỗ trợ, cuộc phản công của Ukraina khó thành công

Trước hết, Le Monde cho biết « Phía sau cuộc phản công của quân đội Ukraina là sự ủng hộ lớn lao của Hoa Kỳ ». Không chỉ chuyển giao vũ khí và huấn luyện binh sĩ, Mỹ còn chia sẻ với Ukraina thông tin tình báo. Chính tổng thống Volodymyr Zelensky đã công nhận « Chúng tôi không thể tái chiếm những vùng đất này nếu không có sự giúp đỡ của Hoa Kỳ ».


Từ ngày 24/02, Washington đã viện trợ 14,5 tỉ đô la thiết bị quân sự, trong đó 12,5 tỉ lấy trực tiếp từ kho vũ khí của quân đội Mỹ. Để so sánh, ngân sách quốc phòng hàng năm của Ukraina chỉ khoảng 5 tỉ đô la. Chỉ riêng Hoa Kỳ đã chiếm đến 70 % viện trợ quân sự cho Kiev, thứ nhì là Ba Lan rồi đến Anh, Pháp đứng thứ 11. Mỹ đã cung cấp cho Ukraina trang bị đủ cho cả một quân đội. Có thể kể : hơn 40.000 hỏa tiễn chống tăng vác vai (trong đó có 8.500 Javelin), 126 đại bác M777 loại 155 ly, 1.400 drone cảm tử (Switchblade và Phoenix Ghost), 20 trực thăng (Mi-17), 1.400 hỏa tiễn phòng không (Stinger), 8 giàn hỏa tiễn địa-không (Nasams), hàng mấy trăm chiếc xe bọc thép (M113, Humvee) …

Không chỉ số lượng mà còn là chất lượng, chẳng hạn 16 giàn phóng rốc-kết đa nòng Himars đã làm thay đổi hẳn bộ mặt chiến trường. Đạn pháo Mỹ cũng giúp đối phó với hỏa lực khủng khiếp của quân Nga. Từ 15.000-20.000 thiết bị Starlink của tỉ phú Elon Musk rất hữu ích cho việc liên lạc của binh sĩ, và Mỹ hứa tặng tiếp. Những tháng gần đây, Hoa Kỳ đã huấn luyện cho 1.500 quân nhân Ukraina cách sử dụng M777, Himars, drone…Hai chiến hạm Nga bị đánh chìm ở Hắc Hải hồi tháng Sáu bằng hỏa tiễn Harpoon phương Tây là công của các pháo thủ được tập huấn ở Mỹ.

Quan trọng nhất là thông tin tình báo, có thể nói đây là hoạt động quy mô nhất của NATO từ sau chiến tranh lạnh. Mỗi ngày, các phi cơ do thám của Không quân Mỹ đều ngang dọc trên Hắc Hải và vùng biên giới Ukraina-Rumani, thu thập các dữ liệu điện từ của quân Nga. Hình ảnh vệ tinh của Mỹ cũng giúp bộ tham mưu Ukraina bao quát được chiến trường trong thời gian thực. Theo New York Times, cuộc phản công ở Kherson và Kharkiv đã được Lầu Năm Góc lúc lập ra các phương án giả định để Kiev chọn lựa cách đánh có nhiều khả năng thành công nhất.


Quân đội Nga không còn khả năng tấn công

Phóng sự của La Croix mô tả tình hình ở Kharkov sau khi được giải phóng. Người dân thành phố lớn thứ nhì Ukraina vui mừng vì đuổi được quân Nga, nhưng các vụ oanh tạc vào hệ thống điện nhắc nhở họ biên giới Nga rất gần, và mùa đông sắp tới sẽ khó khăn. La Croix cũng cho rằng « Quân đội Nga đã mất khả năng tấn công ». Sau thất bại nặng nề ở Kharkiv, bộ Quốc phòng Nga loan báo « oanh kích ồ ạt vào các đơn vị Ukraina trên tất cả chiến trường », báo chí nhà nước thì hô hào phá hủy các cơ sở hạ tầng dân sự. Nhưng liệu quân đội Nga có còn đủ sức ?

Các chuyên gia không loại trừ giả thiết quân Nga đã đạt đến « cực điểm », theo cách gọi của lý thuyết gia quân sự Carl von Clausewitz, có nghĩa là không tấn công nổi, chỉ có thể phòng vệ. Nhà sử học Michel Goya nhận định trong thời gian qua quân đội Nga sa sút còn Ukraina mạnh lên. Những đơn vị thiện chiến của Nga chịu thiệt hại nhiều, được thay thế bằng các tân binh hay lính đánh thuê, quân ly khai kém trang bị và thiếu ý chí. Nếu không cải tổ chiều sâu và huy động thêm nhiều quân, Nga không thể tái lập một chiến tuyến vững chắc.

Nhà nghiên cứu Michael Kofman của CNA nhấn mạnh sự sụp đổ nhanh chóng của quân Nga ở Kharkiv « phản ánh các vấn đề về nhân lực và tinh thần của một quân đội bị quá tải ». Chuyên gia Rob Lee, Foreign Policy Resaearch Institute, nhấn mạnh Matxcơva bất lực trong việc cho tình báo tham gia các chiến dịch, trong khi hơn một tháng qua đã có tin Ukraina tập trung lực lượng gần Kharkiv. Các nhà phân tích khác nêu thêm truyền thống chỉ có các chỉ huy cấp cao mới được quyết định. Theo Conflict Intelligence Team (CIT), trận vừa rồi bộc lộ những điểm yếu của quân đoàn số 11 và sư đoàn xe tăng trực thuộc.

Trước mắt, Nga không đủ sức để bảo vệ Kherson ở miền nam và có được tiến bộ tại Donbass ở miền đông. Ngay cả nếu Vladimir Putin nhận lấy rủi ro chính trị, ra lệnh tổng động viên, sẽ còn phải mất nhiều tháng để huấn luyện lính mới, cũng không có khả năng trang bị cho họ. Và những vấn đề gặp phải trên chiến trường lâu nay vẫn chưa được giải quyết.


Bị Kiev lấn át trên chiến trường, Putin dưới áp lực của phe diều hâu

Les Echos nhận thấy « Putin đang chịu áp lực từ Ukraina và phe diều hâu ở Matxcơva ». Sau thắng lợi vang dội của quân đội Ukraina, Vladimir Putin rơi vào tình thế mà ông ta ghét nhất, đó là phải quyết định dưới sức ép. Bên cạnh áp lực về quân sự còn là chính trị. Chiến thắng của địch thủ đã cổ vũ những người chủ trương tự do nhân đó nói lên nhiều bất bình khác, nhưng nhất là những thành phần diều hâu chỉ trích tổng thống quá mềm yếu. Nhà nghiên cứu Tatiana Kastouéva-Jean của IFRI cho biết tình hình hiện rất căng thẳng tại đỉnh cao quyền lực Kremlin. Tuy giới tinh hoa, như thường lệ, ủng hộ tổng thống nhưng lịch sử nước Nga cho thấy tất cả những đảo lộn chính trị không phải từ đường phố mà từ trò chơi ảnh hưởng ở thượng tầng.

Vladimir Putin bỗng dưng bị xầm xì chỉ trích bởi những người lâu nay vẫn lặp lại luận điệu của ông ta. Truyền hình nhà nước nói về « tình thế khó khăn », trên mạng xã hội các chuyên gia và blogger thân chính quyền chế giễu thất bại của các tướng lãnh và băn khoăn về tinh thần chiến đấu của quân lính. Những chỉ trích công khai và bất thường này có thể là biểu hiện sự bất mãn sâu sắc của một số nhóm thế lực. Hiện thời Putin không bị đe dọa, nhưng một nhân vật từng có ảnh hưởng ở Kremlin nhắc nhở : « Giới tinh hoa ủng hộ Sa hoàng, dù là quân chủ, cộng sản hay xuất thân từ tình báo như Putin. Cho đến khi họ hiểu rằng Sa hoàng chính là vấn đề, và quyết định giải quyết vấn đề đó ».


« Toàn quốc kháng chiến », Ukraina đang trở thành Israel mới

Les Echos coi Ukraina là một « Israel mới, nơi mỗi người dân đều là chiến sĩ ». Từ chủ doanh nghiệp đến nông dân, xã hội Ukraina từ sáu tháng qua đã quân sự hóa để bảo vệ chủ quyền đất nước. Từ lâu đã thay bộ veste bằng chiếc áo thun màu nhà binh mỗi khi xuất hiện, ông Zelensky trở thành biểu tượng cho xã hội Ukraina trong chiến tranh. Cựu đại sứ Mỹ tại Israel, David Shapiro nhận thấy Israel và Ukraina đều có điểm chung là phải đối mặt với mối đe dọa khổng lồ về an ninh quốc gia, và dân chúng sẵn sàng bảo vệ tổ quốc.

Câu « Slava ZSU » (Vinh quang cho lực lượng vũ trang Ukraina) thường xuyên xuất hiện trên những bức tường của các thành phố, làng mạc trên toàn quốc, trở thành khẩu hiệu đoàn kết toàn dân chống xâm lăng. Nhiều người dân nay mặc trang phục mang màu sắc quân đội nước mình, hoặc xăm lên người những hình ảnh biểu tượng cho lòng yêu nước. Chương trình giảng dạy trong nhà trường có thêm giáo dục quốc phòng.

Các nhà quan sát cho rằng hiện tượng quân sự hóa là logic, trước thiệt hại to lớn về nhân mạng và cơ sở hạ tầng mà Ukraina phải chịu đựng. Theo số liệu chính thức, đã có 9.000 quân nhân tử trận kể từ đầu cuộc xâm lăng, còn đối với thường dân con số này lớn hơn rất nhiều. Chỉ riêng Mariupol, ước tính đã có đến 21.000 dân thường thiệt mạng trong đợt vây hãm. Trước sự tàn bạo của quân chiếm đóng, không có gì đáng ngạc nhiên khi người dân Ukraina hết sức ủng hộ quân đội nước họ. Quân đội Ukraina hiện có gần 200.000 binh sĩ, lực lượng phòng vệ dân sự 115.000 người, hầu hết xung phong gia nhập trong ba ngày đầu cuộc xâm lăng.

Simon Franck, một doanh nhân Pháp làm ăn ở Ukraina cho biết ngay sau khi quân Nga tràn sang, có nhiều nhân viên xin nghỉ để ra mặt trận. « Đó là các chuyên viên đồ họa, thảo chương, phụ trách nhân sự…chưa bao giờ có kinh nghiệm chiến đấu ». Lực lượng dân quân này phản ánh trung thực thành phần xã hội Ukraina : các đơn vị ở thành phố lớn gồm doanh nhân, công nhân, giáo viên, cán bộ quản lý, còn ở thôn quê gồm nông dân, nhà buôn… Với 1,3 triệu khẩu súng đang được luân chuyển, Ukraina nay là một trong những nước mà dân chúng được vũ trang nhiều nhất thế giới, vì điều này liên quan đến sự tồn vong của họ.


Chiến tranh Ukraina : Bắc Kinh không còn giả vờ trung lập

Về phía Bắc Kinh, Libération lưu ý « Trung Quốc không còn giả vờ trung lập trong cuộc chiến tranh Ukraina ». Người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu Josep Borrell hồi tháng Ba đã từng mong muốn Trung Quốc đứng ra làm « trung gian hòa giải ». Thế nhưng Lật Chiến Thư (Li Zhanshu), chủ tịch Quốc hội, quan chức số 3 của chế độ Trung Quốc vừa ngang nhiên nói rằng Matxcơva « đáp trả » Hoa Kỳ và NATO là « lẽ đương nhiên », cho biết « đã hỗ trợ Nga bằng nhiều cách ». 

Bỏ qua việc đánh tráo khái niệm về cuộc xâm lược, tuyên bố của Lật Chiến Thư ít nhất cũng đã xóa đi những nhập nhằng về cái gọi là « trung lập » mà Bắc Kinh vẫn rêu rao hơn sáu tháng qua. Ông ta đã xác nhận quan điểm thù nghịch với phương Tây, đi ngược lại những tuyên bố chính thức. Đồng thời đào sâu thêm những nghịch lý của ngoại giao Trung Quốc, vốn lặp đi lặp lại « tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước », « giải quyết khủng hoảng một cách hòa bình » ...

Bắc Kinh chưa bao giờ lên án cuộc xâm lăng của Nga, nhưng lại không ngớt tố cáo việc phương Tây trừng phạt Matxcơva, bán vũ khí cho Kiev; và những tháng gần đây, Trung Quốc tranh thủ mua dầu lửa của Nga giá rẻ, tiếp tay cản trở cấm vận. Đang căng thẳng với Hoa Kỳ về Đài Loan, Trung Quốc chơi lá bài « đoàn kết chiến lược » với Nga.


Hòa giải ngay để Nga hòa nhập quốc tế, như Đức hậu thế chiến ?

Le Monde đặt vấn đề « Cuộc chiến ở Ukraina, thường được coi là chiến tranh thuộc địa hay đế quốc, là của Putin hay của nước Nga ? ». Tờ báo thuật lại một khoảnh khắc khó xử hôm thứ Bảy 10/09 tại Kiev, vào cuối hội nghị cấp cao về Ukraina, Yalta European Strategy. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina, Oleksii Reznikov trên diễn đàn đang phấn khởi trước chiến thắng ở Kharkiv, thì cựu đại sứ Đức Wolfgang Ischinger đề nghị nên nghĩ đến hòa giải. Ischinger nêu ví dụ nước Đức bại trận năm 1945, nhưng vài năm sau đã được đứng vào hàng ngũ những nước ngày nay là đồng minh.

Hội trường im lặng một cách lịch sự, rồi cựu tổng thống Estonia, Kersti Kaljulaid đứng dậy, nhã nhặn nhưng cương quyết, chỉnh lại : việc đó diễn ra sau khi Đức đã nhận mọi sai lầm, còn Liên Xô thì chưa bao giờ, cho nên thế giới mới lâm vào tình trạng hiện nay. Bà hy vọng Nga sẽ đi theo con đường này. Những tràng pháo tay nở rộ hoan nghênh !

Chỉ trong vài câu ngắn, bà Kaljulaid, 52 tuổi, đã cho thấy tâm trạng của giới tinh hoa Ukraina, Ba Lan và các nước Baltic : một chiến thắng chưa đủ, kẻ xâm lăng còn phải trả giá cho tội ác. Tòa án quốc tế sẽ phải làm việc, vì luật quốc tế đã bị vi phạm trắng trợn.


Nước Nga hay Putin phải chịu trách nhiệm về cuộc xâm lăng ?

Nhưng vấn đề được đặt ra tại những quốc gia nạn nhân của Liên Xô hay người kế thừa là Nga, thậm chí cả hai như trường hợp Ukraina : ai là bị cáo ? Phải chăng đó là Vladimir Putin, đã lãnh đạo từ 22 năm qua bằng bàn tay sắt ? Hay ê-kíp của ông ta, hoặc chế độ, nước Nga, hay là dân Nga vốn ủng hộ mạnh mẽ cuộc xâm lăng - theo các thăm dò ? Vấn đề hết sức phức tạp là trách nhiệm tập thể được nêu ra, và trước đó là tranh cãi về visa cho công dân Nga.

Nhiều người cho rằng « Tất cả những người Nga đều phải trả giá chứ không chỉ những người cầm đầu ». Một số có bàn tay vấy máu, số khác ủng hộ bằng sự im lặng. Nga chọn lựa đóng băng tình hình sau thời kỳ Eltsine (1990-1999), không hề tỏ ra ân hận về những tội lỗi trong quá khứ. Ngược với Đức, Nga chưa hề nói « sẽ không bao giờ như thế nữa », mà còn có tâm lý muốn trả thù. Và như vậy các láng giềng không thể cảm thấy an toàn. Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski nói với Ukraina « Chiến thắng thực sự của các bạn sẽ phải là sự thay đổi chế độ ở Matxcơva ». 

Theo Le Monde, song song đó còn là sự thay đổi của xã hội. Nhà sử học Pháp Nicolas Werth nhận định những luận điệu của Putin « đáp ứng sự chờ đợi của một xã hội mất phương hướng sau khi hệ thống xô-viết sụp đổ ». Tương tự, nhà sử học Ba Lan Marek Cichocki không cho rằng Putin đã tạo ra nước Nga hiện nay, mà nước Nga đã tạo ra Putin. Trong ý nghĩa đó, người Nga có phần trách nhiệm. Nhưng triết gia Hannah Arendt đã viết « Nếu tất cả mọi người đều có lỗi thì chẳng ai có lỗi cả ». Cuộc tranh luận đã mở ra, rất xa so với ý tưởng « tránh sỉ nhục » nước Nga.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.