1. Diễn biến các mặt trận
Diễn biến là… vẫn thế. Vì vậy cho phép tui được điểm vài tin khác.
• Ông Lukashenko tuyên bố Cộng hòa Belarus sẵn sàng hỗ trợ Liên bang Nga trong cuộc chiến chống Ukraine. Tổ hợp công nghiệp-quốc phòng của Belarus đã tham gia vào việc sửa chữa các thiết bị của Nga bị hư hỏng trong các cuộc chiến. Ngoài ra, lô 20 xe tăng T-72 đầu tiên đã được đưa ra khỏi kho và gửi đến vùng Belgorod.
Bình loạn : Có 20 cái thôi à, gửi hẳn 200 đê cho nó máu. Mà đưa quân tấn công luôn đi, cho Ba Lan họ có cớ. Gớm, chờ mãi.
• Do các hành động thành công của Lực lượng Phòng vệ Ukraine và do số lượng lớn người bị thương dẫn đến tình trạng thiếu nhân viên y tế tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời của vùng Luhansk. Để bổ sung nhân sự cho các bệnh viện, ban lãnh đạo tự xưng của khu vực đã gửi yêu cầu biệt phái nhân viên y tế từ các khu vực miền Trung và miền Đông của Liên bang Nga.
Bình loạn : Để trả lời cho câu hỏi “Chủ lực Nga đi đâu” của thằng, à ông Trạng sư Trạm Biến Áp thì đó: chủ lực Nga nằm bệnh viện với điều kiện thổ tả, giòi bọ nhung nhúc trong các vết thương, nhẽ ra chỉ chết 1 thì thành ra chết 2, 3… ngoài ra còn hóa thành “kiện hàng 200” đầy ngoài cánh đồng.
Hôm nay đọc ở đâu câu chuyện là xác lính Nga nhiều quá làm ô nhiễm môi trường của Ukraine. Câu chuyện là thiêu cho nhanh hay còn để lại cho gia đình người thân người ta sang nhận. Khổ thế! Làm thân của xứ coi mạng người như cỏ rác.
Ngày 11/10 cũng đã diễn ra cuộc họp của Tổng thống Ukraine V. Zelensky với Bộ tham mưu Tổng tư lệnh tối cao.
• “Tổng thống đã nghe báo cáo về tình hình hiện tại trên các mặt trận và các hành động gần đây của kẻ thù. Việc thực hiện tốt công tác nghiệp vụ của các đơn vị lực lượng vũ trang phòng không nước ta được ghi nhận. Những người có mặt trong cuộc họp cũng nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải cung cấp cho quân đội các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa hiện đại.
“Những người tham gia họp đã thảo luận về các bước tiến tới việc giải phóng thêm các vùng lãnh thổ Ukraine tạm thời bị chiếm đóng.
“Bộ trưởng Bộ Nội vụ Denys Moosystemrskyi đã báo cáo về giải quyết hậu quả tàn phá gây ra bởi các cuộc tấn công tên lửa lớn của quân đội Nga, cũng như về các biện pháp được thực hiện để bảo vệ các mục tiêu cơ sở hạ tầng quan trọng.
“Những người tham gia cũng xem xét việc chuẩn bị của quân đội cho giai đoạn mùa đông sắp tới.”
Bình loạn : Trong lúc chiến sự tạm lắng, người ta vẫn phải làm việc cật lực các bác nhở. Thế mới lại có những tin chiến thắng tiếp tục làm chúng ta háo hức chứ.
2. Lại nói về chủ nhiệm HTX Lukashenko
Trong những ngày vừa qua, tin tức về Belarus liên tục nóng. Trong bài phát biểu của mình, tổng thống Ukraine Zelensky đã nói: Nga kích động Belarus để nước này tham gia chiến tranh.
Bình loạn : Một âm mưu vừa bẩn thỉu, vừa ngu xuẩn. Nga và Belarus, tuy hai mà một. Bác nào đã nhập cảnh sân bay Nga sẽ thấy cái cửa riêng “Dành cho công dân Nga-Belarus”. Liên minh Nga-Belarus được dựng lên từ 02/04/1997 dưới thời Yeltsin, dần dần đến thời của Putox thì nó coi như là sự sáp nhập Belarus vào Nga, hầu như mọi mặt cái nước Bạch Nga này phụ thuộc Nga của Putox hết.
Viết như vậy để các bác cùng hình dung, là họ khăng khít đến như thế nào – nhưng đáng tiếc, cái thực thể này “tuy một mà hai.” Nó giống như Trung Quốc “tuy một mà nhiều,” cái lá cờ 5 sao “Mông Hồi Mãn Tạng” quây quần quanh người Hán, rồi chưa biết thế nào. Thứ mà nhà cầm quyền Trung Quốc sợ nhất, và kịch bản dễ xảy ra nhất là ly khai hoặc một cách tan vỡ nào đó tương tự, kiểu như xu hướng ly tâm của một vệ tinh.
Nếu như chúng ta đã từng bàn về khả năng nội loạn bên trong nước Nga từ hướng Chechen của R. Kadyrov; thì một kịch bản tương tự cũng hoàn toàn có thể xảy ra với Belarus của Lukashenko. Cũng không nên quên những biến cố lão này bị quy cho là gian lận trong trận bầu cử vừa rồi, và còn vác cả súng Kalashnikov ti toe chạy lăng nhăng dọa nạt…
Cứ cho là lôi được Lukashenko vào đi – vậy thì được bao nhiêu? Putox đang hy vọng ở… 50.000 quân của Belarus. Ôi chà, đến 200.000 của ông mạnh nhất hồi đầu chiến tranh lao vào còn bị đánh cho phù mỏ, nữa là cái 50.000 của hợp tác xã.
Cách đây khoảng 2 tháng, Hội đồng quân nhân Belarus đã ra tuyên bố: Nếu Lukashenko ra lệnh cho quân đội tấn công Ukraine, họ sẽ làm cú lật đổ lão này. Nếu như ở Belarus diễn ra một cuộc cách mạng màu, thì chưa cần đến Chesnia mà bản thân nó sẽ là một cú huých cho những biến cố dẫn tới sự tan rã của nước Nga Putox.
3. Nhân nhắc đến Trung Quốc, không hiểu sao rất nhiều bác thích thú với lý thuyết: “trước những diễn biến của cuộc chiến tranh Nga Ukraine như hiện nay, chỉ có Trung Quốc có lợi.” Xin trích về đây ý kiến của một bác:
“…diễn biến của chiến tranh thì vẫn khó phán đoán vì nó còn phụ thuộc vào vào sự ủng hộ tiền bạc của Trung Cộng. Nếu Tập ủng hộ và kêu gọi Nga chiến đấu đến người Nga cuối cùng để bảo vệ thành quả xã hội chủ nghĩa, để thống nhất hai miền đất nước Nam- Bắc (tôi nhầm: Đông-Tây) thì sẽ khó phân giải.
Xung đột ở Ukraina Trung Cộng chắc chắn có lợi vì các bên tranh chấp đều bị tiêu hao tiền của, khủng hoảng thực phẩm và một số sản phẩm nhập khẩu từ Ukraina (một số nhà máy sản xuất linh kiện ô tô đặt ở Ukraina). Gánh nặng của làn sóng di dân từ Ukraina sang châu Âu, khùng hoảng năng lượng, tốn kém tiền của do viện trợ vũ khí cho Ukraina …thực tế người dân châu Âu, Mỹ hiện đang phải gánh chịu,
- Đầu tư cắt giảm ở Trung Cộng không liên quan đến chiến tranh ở Ukraina, nó xảy ra trước chiến tranh ở Ukraina. Nguyên nhân chủ yếu do dịch covid, khi Trung Cộng dùng các biện pháp ngặt nghèo làm gián đoạn dây chuyền cung ứng cùng với các chính sách cấm vận với Trung Cộng của Trump nên phương Tây quyết định đa dạng hóa các nguồn cung ứng bằng cách chuyển sang Việt Nam…
- Cấm vận công nghệ sản xuất chíp( ví dụ với Huawei có từ trước (thời Trump)”.
Tui trả lời bác ấy như sau:
“1. Các nhà máy ô tô ở Ukraine có không? Có, nhưng chẳng tuổi gì so với ở Nga và Trung Quốc cả. Vì thế nói lợi có thể có nhưng đáng bao nhiêu. Cụ thử làm trong lĩnh vực ô tô xem thế nào, chứ đứng ngoài nói thì không chắc được.
2. Về khủng hoảng di dân: sai tiếp. Người ta than vãn về chuyện lao động lành nghề người Ukraine kéo về nước chiến đấu kia kìa. Châu Âu lại chẳng mong có lao động Ukraine đó.
3. Về dầu khí, Trung Quốc có lợi nhưng đó là quá trình diễn ra trước chiến tranh, nằm trong chiến lược hút máu dầu khí Nga.
Như bạn Linh Hoàng viết là rất chính xác, với nền kinh tế công xưởng thế giới của Trung Quốc, "lợi 1 thiệt 100.”
Vậy bạn Linh Hoàng viết gì?
“Cái thế bí nhất của Tàu không phải sợ mất tiền, mà là bị Mỹ cấm chip hoàn toàn một cái là toàn bộ vũ khí Tàu cũng dần dần trở về thời đồ đá y hệt Nga bây giờ, Tàu cũng phụ thuộc công nghệ phương Tây không khác chi Nga, cứ nhìn trường hợp điện thoại Huawei là rõ.
Chỉ có mua được ít dầu khí giá rẻ thôi, còn về chiến lược thì Trung Quốc thiệt hại cực lớn. Đường tơ lụa trên biển xem như thua vì SriLanca vỡ nợ và Ý, Hy Lạp rút lui. Giờ chỉ còn đặt hết hy vọng vào đường tơ lụa trên bộ xuyên Trung Á, trớ trêu thay, điểm cuối của nó là đi vào Ukraina kết nối với EU và nối với Moscow, xem như kế hoạch trăm năm đã bị phá sản hoàn toàn dưới tay Putin. Nên cũng không khó hiểu sự lạnh nhạt từ Tập, phải nói Trung Quốc tức ói máu.
Phân tích kỹ thì có thể nói Trung Quốc là nước có một ít lợi ích ngắn hạn, bao gồm tí dầu khí giá rẻ và Nga bị trở thành chư hầu.Còn về trung dài hạn thì ngược lại, thiệt hại rất lớn mà cái nào cũng cay đắng
1- Nhất đới nhất lộ tan nát.
2- Mỹ hỗ trợ Đài Loan mạnh chưa từng có.
3- EU cảnh giác Trung Quốc, xem là đồng bọn với Putin, uy tín Trung Quốc hạ rất thấp mặc dù đã cố lặn rất sâu và đã rất sợ nguy cơ bị cấm vận vạ lây.
4- Chiến tranh của Putin đẩy kinh tế toàn cầu suy thoái, lạm phát cao, sản xuất đình đốn...Cái này xem như thiệt hại gián tiếp, nhưng Trung Quốc lại là nước bị nặng nhất, đó là chưa nói giá lúa gạo tăng vọt mà nhà thì cả mấy tỉ miệng ăn.
Nên chiến tranh Ukraina với Trung Quốccó thể nói : Lợi thì có lợi hàm răng chẳng còn.”
Những điều bạn Linh Hoàng viết trên đây đúng 100%, vì thế tui chỉ còn biết a dua thêm:
Thực tế quá trình xâm lược mềm của Trung Quốc sang Nga bằng di dân đã diễn ra 25 năm qua. Có lần tui đã kể chính sách hỗ trợ con trai Trung Quốc khi lấy được con gái Nga là một căn hộ ở Moskva (1 triệu USD). Bạn tui ở Viễn Đông đã có cái nhà máy thứ ba sản xuất đồ gỗ xuất châu Âu và Mỹ, nó hai quốc tịch Trung Quốc-Nga từ lâu rồi. Cuộc chiến tranh này làm hàng hóa của nó bị cấm vận (xuất xứ gỗ Nga) nên kinh doanh đã đóng băng hơn nửa năm qua.
Bình loạn : Thực chất, câu chuyện “Zero Covid” của Trung Quốc, cũng vừa vừa thôi – chỉ cần nhìn Việt Nam coi như đã đi qua dịch rồi mà vẫn lao đao vì chiến tranh là đủ thấy Trung Quốc còn khó khăn hơn nhiều lần.
Vậy Trung Quốc sẽ sợ cái gì trong tình thế của Putox hiện nay? Lão ta sợ Nga của Putox bị vỡ. Chúng ta thường rất nhanh chóng hình dung rằng khi Liên Xô tan rã, rất nhiều nước cộng hòa cũ của nó sẽ… rơi vào tay Trung Quốc. Điển hình là Kazakhstan hiện nay đang có những quan hệ rất tốt với Trung Quốc. Có thật vậy không? Với quan hệ song phương này thì có thể cũng được gọi là nồng ấm, nhưng trong những nước còn lại, chúng ta lại có Manas đã từng được dùng làm căn cứ quân sự của Mỹ ở gần Bishkek, thủ đô Kyrgyzstan…
Trước đây còn khó nói đến chuyện Ukraine vào EU, còn vào NATO là không tưởng, thì bây giờ chuyện đó đem ra thành rất gần… Đó là còn chưa nói đến mấy bác như Azerbaijan, Gruzia cũng ngó nghiêng và thậm chí gần đây nhất, những nước cờ rất táo bạo của Hoa Kỳ đối với Armenia… Phải nói thẳng là trước bàn cờ địa chính trị, chưa bao giờ tình thế lại đau đầu như bây giờ đối với ông Tập Cận Bình. Nước Nga mà tan rã theo kịch bản Liên Xô năm 1991, trước khi các thành tố nhỏ bung ra của nó sa được vào tay Trung Quốc thì chúng đã phải đánh nhau sứt đầu mẻ trán lấy chục hai chục năm. Đêm dài lắm mộng, ngày hôm nay còn chưa lo xong, nữa là ngày mai ngày kia.
Vì thế, một nước Nga của Putox đánh Ukraine trong dăm bữa nửa tháng là xong, chiến thắng, rồi bị phương Tây cấm vận, trừng phạt và o ép, sẽ tiếp tục phụ thuộc vào Trung Quốc, nhưng nó vẫn toàn vẹn và thậm chí có thêm cả… Ukraine vào đội hình vệ tinh… Như thế là đẹp nhất với họ Tập. Còn với xu thế hiện nay, khi mà chắc chắn là nước Nga của Putox sẽ mất Ukraine, mất tiếp cả mấy địa bàn: Moldova, Georgia, Azerbaijan, thêm Armenia nữa đã suy yếu lắm rồi, nếu thêm nội loạn Chesnia và Belarus nữa thì có mà “lại thêm một phen nát bét.”
Trước những diễn biến có khả năng cao đó, nếu ông Tập mà không xử tốt thì vớ vẩn cả Trung Quốc nhà ông ta cũng nội loạn bằng xu thế ly khai. Vì vậy chưa bao giờ tui nghĩ là ông ta sẽ xua quân đánh Đài Loan, dù có thể là ông bạn vàng Putox rất muốn và khích đểu suốt từ bấy đến giờ.
4. Lại chuyện đạn pháo
Trước chúng ta chỉ ngồi bàn tán hú họa về khả năng hết đạn pháo của Nga căn cứ trên lý thuyết. Cho rằng họ cần từng này từng này khẩu pháo, lại đặt vào một mặt trận có bao nhiêu ki-lô-mét chính diện đó… tất cả chỉ là ước tính. Về sau chúng ta lại túm được con số Tây họ khảo sát và tính hộ cho rằng, trong giai đoạn 2 của cuộc chiến, Nga đã dùng 60.000 quả đạn pháo trong 1 ngày. Như vậy trong cái giai đoạn kéo dài 70 ngày đó họ đã dùng tròm trèm cỡ từ 4 đến 4,5 triệu quả đạn.
Đến hôm qua thì tui đọc một bài báo của ông tây nào tính ra, để loại một người lính Ukraine khỏi vòng chiến, Nga phải dùng 200 quả đạn pháo, thậm chí còn nhiều hơn. Để hiểu được chuyện này chúng ta cùng hình dung là người sĩ quan chỉ huy pháo binh Nga có một cái bản đồ lưới tọa độ chia nhiều ô, họ phải đảm bảo mỗi lần bắn phải phủ được diện tích nhất định nhưng yêu cầu cao hơn là mỗi ô tọa độ trong cái diện tích đó phải được phân phối ít nhất một quả pháo. Trong trường hợp vì tính tản mát ba lăng nhăng của đạn pháo ngu, họ phải bắn lại vào vài chỗ trong cái diện tích đó với số lượng đạn pháo có thể ít hơn tùy tình hình, để đảm bảo “phủ kín,” sao cho mặt ruộng lúc đó phải như một cái rổ được đục các lỗ một cách đều đặn. Thực tế những cú bắn đó có đảm bảo sát thương được hay không, họ giả định là được nếu diện tích đã được “phủ” đúng lý thuyết.
Trong trường hợp tiêu diệt một vài mục tiêu quan trọng, đối với giàn phóng MLRS đạn ngu kiểu Grad họ cũng thường sử dụng phương án bắn như vậy, với hy vọng có ít nhất 1 quả đạn trúng mục tiêu. Bài báo viết thêm: từ khi Ukraine dùng HIMARS, ước tính nhu cầu đạn dược của Nga gấp 500 lần của Ukraine.
Quay lại với con số 200 quả của Nga, bài báo còn viết: Người Ukraine từ khi dùng HIMARS dùng 1 quả đạn có thể “tiễn” 100 bác Wagner về chầu ông bà ông vải. Những con số chẳng vui vẻ gì, nhưng tui quan tâm đến những khía cạnh khác của cuộc chiến.
Trước đây, ở “phase 1” việc sử dụng pháo binh của hai bên là như nhau về khí tài và đạn dược. Nhưng năng lực của Ukraine chỉ bằng từ 5 đến 10% so với Nga, do đó nhu cầu về vận tải – hậu cần của phía Ukraine cũng chỉ bằng 1/10 so với người Nga, chứ nếu mà năng lực của họ lớn hơn thì gánh nặng cũng sẽ rất lớn.
Từ khi trên chiến trường có HIMARS, nó thực sự chẳng phải thứ vũ khí tối thượng gì ghê gớm cho nó cam, nhưng rõ ràng là vào tay người Ukraine thì nó lại đem lại bước ngoặt chiến tranh. Đó không chỉ là khả năng cơ động, tầm bắn xa và độ chính xác của nó được hỗ trợ bằng công nghệ và GPS, nó còn là việc sử dụng rất khéo léo dữ liệu, thông tin tình báo của người Ukraine.
Vì vậy bài báo “dám” đưa ra một nhận định, khi có HIMARS thì ngoài những tác động của nó trên chiến trường, nó còn đem lại một thay đổi nghiêm trọng về “chất” của cuộc chiến nữa: tương quan đòi hỏi về hậu cần của lực lượng hỏa lực gián tiếp. Nôm na là về nhu cầu hỗ trợ của pháo binh, bây giờ thì phía Ukraine nhu cầu về hỗ trợ cho pháo binh bằng 1/500 của Nga. Quy ra xe tải thì để phục vụ lực lượng pháo binh bây giờ Ukraine cần 1 chiếc, Nga sẽ cần 500 chiếc.
Hóa ra những lần bàn tán với các bác về khả năng sắp tới Nga có mở được những chiến dịch lớn nữa hay không, và cuối cùng lại… quy về xe tải, các kết luận không xa vời lắm. Ví dụ nếu Nga tung 1 triệu quân vào để thủ thắng, thì cần tối thiểu 100.000 cái xe tải. Còn nếu chỉ để giữ những thành quả hiện nay và kiếm được vài chiến thắng gọi là trên một số hướng nhất định, thì cứ cho là thu xếp được 400.000 quân đi lại cần 40.000 cái xe tải – con số vẫn là không tưởng.
Nếu như lực lượng Nga cần 40.000 xe tải thì 3/4 số đó dùng để phục vụ pháo binh, và như thế để “nhiệt tình chào đón” lực lượng HIMARS của Ukraine chỉ cần 60 cái xe tải thôi, quá ư là… khiêm tốn. Cho giai đoạn vừa qua nếu chỉ phục vụ 16 giàn HIMARS, mỗi giàn 4 xe tải thì cần 64 cái cả thảy.
Sau trận chiến The Battle of Kharkiv, quân Nga chạy marathon đã để lại cho Ukraine từ 200 đến 300 hệ thống pháo binh các loại và cũng kha khá đạn ngu. Chẳng rõ có đủ xe tải mà chở cái số này hay không nữa.
Trong hai ngày 10 và 11 tháng 10 vừa qua, được biết ngày đầu Nga đã bắn vào các thành phố của Ukraine đến gần 200 quả tên lửa chứ không phải là 83 quả như nhà nước họ chính thức công bố, tỉ lệ bắn chặn dưới 50%. Đến ngày hôm sau tỉ lệ bắn chặn đạt 80% nhưng Nga cũng chỉ bắn với số lượng khoảng bằng 1/4 so với ngày hôm trước.
Các loại đạn mà Nga Putox đã bắn vào Ukraine trong cái gọi là “mưa tên lửa” (tui cảm thấy không có từ ngữ nào diễn tả sự ghê sợ với một số người làm báo Việt Nam, những người làm tin tức về sự kiện này với sự hả hê) có (1) Tên lửa hành trình từ máy bay mà Kh-59 là một đại diện, có thể có Kh-22 góp mặt (2) Tên lửa hành trình từ tàu Kalibr và (3) phần lớn là tên lửa đất đối không S-300 được dùng bắn mục tiêu mặt đất.
Trong các loại tên lửa được bắn vào các thành phố Ukraine trong mấy ngày đó, đáng kể nhất là Kalibr, có lẽ phải nói rằng nó là thứ chính xác nhất mà Nga có. Các loại Kh như 59, 25 và 22 là những thứ rất cổ lỗ, độ chính xác thấp… Riêng Kh-22 là tên lửa chống hạm có sức công phá lớn đã được dùng để bắn một kho lương thực của Ukraine từ hồi nào rồi. Trong các thông tin tui lùng sục đi tìm thì không thấy dấu vết của Iskander, thứ rất quan trọng với câu chuyện của chúng ta.
Như vậy có thể đoán mò rằng vừa rồi Nga không bắn, hoặc bắn rất ít Iskander, là thứ có lẽ là quý nhất với họ vào thời điểm này. Để hình dung độ quan trọng của nó, chúng ta có câu này: nếu Nga muốn hạ sát tổng thống Ukraine bằng một cú bắn vào dinh thự của ông, thì thứ vũ khí được dùng không phải gì khác ngoài Iskander. Tiếc rằng trong một giai đoạn nào đó của cuộc chiến, Nga đã quá phung phí thứ này và đến nay có rất nhiều chỉ dấu cho thấy, họ đã cạn kiệt loại này trong kho.
Một câu chuyện nữa thuộc về Kalibr, thứ tên lửa vốn được so sánh với chính người anh em của nó là Iskander về mọi phương diện, dẫn đến tầm quan trọng là như nhau chỉ khác một thứ hầu hết được phóng từ các phương tiện dưới nước. Trong suốt một thời gian dài của cuộc chiến, Kalibr có mặt trong các bản tin chiến sự của Bộ Tổng tham mưu Ukraine dạng “có bao nhiêu tàu chiến ở Biển Đen sẵn sàng khai hỏa tên lửa Kalibr.”
Chúng ta đâm ra nghi ngờ rằng Nga vẫn còn hy vọng chút gì đó vào một kế hoạch chiếm thành phố cảng Odesa, nên vẫn để dành tên lửa Kalibr của Hạm đội Biển đen cho nó. Ngay cả thời gian này khi quân Ukraine vây lấn ở Kherson, quân Nga bị giam lỏng bên vùng hữu ngạn, nhưng Nga vẫn không dùng tên lửa mấy khi, chủ yếu dùng pháo kích để giải tỏa tình hình.
Cuối cùng là về S-300 – các bản tin chiến sự của Bộ Tổng tham mưu Ukraine gần đây thì nói suốt chuyện này. Người thì bảo Nga thừa nhiều tên lửa loại này, người khác thì nói: S-300 tỏ ra vô tích sự trong chống mục tiêu trên không nên được đem ra… bắn mục tiêu mặt đất. Nhìn chung cũng có lý.
Bác NXB thì bảo: chuyên gia Ba Lan có người đánh giá, Nga đã dùng đến 80 – 85% số lượng tên lửa họ có trong kho rồi. Tui thì còn mở rộng con số này cho cả đạn pháo. Thực chất là các hướng phòng thủ chiến lược vòng quanh đất nước, Nga đã rút rỗng dưới giới hạn cho phép từ rất lâu rồi, kiểu giật gấu vá vai, co kéo mỗi nơi một ít. Bây giờ đã hút đến những giọt máu của Belarus rồi thì còn được sức mấy.
PHÚC LAI 12.10.2022
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.