vendredi 14 octobre 2022

Phúc Lai - Nhận xét về thông tin hóng được sau ngày thứ 228 của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine (09/10/2022)

 

1. Diễn biến các mặt trận

Trong bản tin của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine lúc trưa nay giờ Hà Nội có mấy điểm rất đáng chú ý:

• Hướng Kramatorsk – từ pháo xe tăng, súng cối, pháo binh thông thường và tên lửa dọc theo toàn bộ tuyến liên lạc, đặc biệt, tại các khu vực định cư Pershotravneve, Siversk, Makiivka, Novoehorivka, Stelmakhivka, Terny, Torske và Zarichne. Ngoài ra, tại khu dân cư Svatove, địch đã cho nổ tung các cầu đường sắt và đường bộ.

Thực tế thì sao? Theo thông tin kháo ầm lên của các tài khoản mạng xã hội Nga thì lực lượng vũ trang Ukraine đã chiếm làng Stelmakhivka cách Svatove 17 ki-lô-mét về phía tây.

Bình loạn : Không chỉ chiếm làng Stelmakhivka, lực lượng Ukraine còn cắt đứt luôn đường P-07 nối Kupyansk với Svatove. Hiện nay trên bản đồ chiến sự, xuất hiện Svatove là một đầu mối giao thông quan trọng nữa vì ngoài nằm trên trục đường P-07 đi Starobilsk, P-66 đi Severodonetsk thì nó còn là điểm đầu của đường T-1307 cho quân Nga chạy… về nước, tức là đường đi sang phía đông.

Quay lại với đường P-07, lúc này có một nhóm quân Nga kha khá đóng ở phía tây thành phố Kupyansk, có thể kể tên các làng như Kyslivka, Yahidne, Ivanivka, Zatyshne, Nova Tarasivka… tất cả “sống bám” trục đường này cả. Nếu chiến sự tiếp diễn theo hướng vừa nói, đồng nghĩa với việc nhóm quân này sẽ bị cắt rời với nhóm chính ở phía dưới – chỗ Svatove liền với lực lượng Nga ở Kreminna, Rubizhne và Severodonetsk… Khi đó chúng chỉ có thể chạy theo một vài con đường nhánh nhỏ để cố về được đường P-66 mà về Nga. (Xin xem bản đồ kèm theo)

Thêm một tin tức nữa. Bản tin viết:

• Trong ngày qua, các đơn vị của Lực lượng Phòng vệ đã đẩy lùi các cuộc tấn công của kẻ thù trong các khu vực định cư Ozaryanivka, Kamianka, Pervomaiske và Nevelske.

Trong các địa danh trên đây, Ozaryanivka nằm giữa Horlivka với Bakhmut. Việc liên quan đến Bakhmut hôm trước tui đã viết: chắc chắn vẫn sẽ đọc trong các bản tin nhưng Nga sẽ không bao giờ có kết quả ở đây đâu, nôm na là sẽ chẳng bao giờ chiếm được. Tui cũng mong có ngày báo cáo các bác chi tiết về câu chuyện.

Các địa danh còn lại: Kamianka, Pervomaiske và Nevelske đều ở phía đông bắc thành phố Donetsk, có lẽ chỗ gần nhất chỉ cách ranh giới ngoài của thành phố vài ki-lô-mét. Như vậy hoàn toàn có thể coi là “trong ngày hôm qua các đơn vị của Lực lượng Phòng vệ đã đẩy lùi các cuộc tấn công của kẻ thù trong các khu vực định cư Kamianka, Pervomaiske và Nevelske ở ngoại vi thành phố Donetsk”.

Tui còn nhớ hôm 12/09 chúng ta đã điểm tin lực lượng Ukraine chiếm lại sân bay Donetsk, cách thành phố 20 km:

Và hồi đó chúng ta cũng nói nhiều đến cái làng Pisky, còn đoán với nhau xem nó trụ được bao nhiêu lâu thì Nga sẽ chiếm được và thật bất ngờ là đến nay đã tròn 1 tháng, chiến sự vẫn diễn ra ở cái làng đó.

Bình loạn : Nào, các bác còn bảo tui lạc quan tếu nữa không nào? Tui đã báo cáo các bác y như cái “chuyện Bakhmut” đây thôi, khu vực này Nga vẫn sẽ lằng nhà lằng như vậy thôi chứ không bao giờ có kết quả gì đâu. Tất nhiên trừ phi thằng cha tư lệnh chiến trường mới xuất hiện nó có đòn phép gì khác, cái đó từ từ chúng ta tính tiếp.


2. Sergey Surovikin là ai? Đại tướng, anh hùng Liên bang Nga, các chức vụ đã kinh qua:

- Tư lệnh Sư đoàn bộ binh cơ giới 34

- Tư lệnh Sư đoàn bộ binh cơ giới cận vệ 42

- Tư lệnh Tập đoàn quân cận vệ 20

- Tư lệnh Quân khu miền Đông

- Tư lệnh các lực lượng Nga ở Syria

- Tư lệnh lực lượng hàng không vũ trụ Nga

Sinh năm 1966 tại Novosibirsk. Đã từng tốt nghiệp Học viện quân sự Frunze, trường Chỉ huy cấp cao Omsk… nhưng điều quan trọng nhất, Surovikin là cựu chiến binh đã chiến đấu dưới thời quân đội Xô-viết, một trong những “của hiếm” của quân đội Nga hiện nay. Khi đó hắn ta chiến đấu trong lực lượng Spetsnaz tham chiến ở Afghanistan.

Surovikin đã bị bỏ tù hai lần. Lần đầu tiên hắn ta ngồi sáu tháng sau khi những người lính dưới quyền chỉ huy của ông giết chết ba người biểu tình ở thủ đô Mátxcơva trong cuộc đảo chính tháng Tám năm 1991 trước khi Liên Xô tan rã. Sau đó ông ta đã được trả tự do mà không cần xét xử. Bốn năm sau, ông ta nhận một bản án vì tội buôn bán vũ khí bất hợp pháp nhưng sau đó lại đã được lật lại.

Surovikin là người được coi là tàn nhẫn vì đã dám hạ lệnh bắn vào đám biểu tình, và cũng đã từng dám ra lệnh ném bom bừa bãi ở Syria. Hắn ta bị cáo buộc đã chỉ huy một cuộc bắn phá tàn bạo phá hủy phần lớn thành phố Aleppo ở Syria. Trong một báo cáo được công bố vào tháng 10 năm 2020, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã liệt kê hắn ta là một trong những chỉ huy “Người có thể phải chịu trách nhiệm về chỉ huy thực hiện các hành động bạo lực” trong các cuộc tấn công hồi 2019 – 2020 ở Idlib của Syria.

Việc chỉ định Surovikin làm Tư lệnh chiến dịch trên toàn Ukraine của Nga có hai ý nghĩa. Thứ nhất, như trên đây tui đã dẫn, Surovikin được coi là một người dám ra những mệnh lệnh tàn nhẫn bất chấp thương vong cho dân thường. Thứ hai, quan trọng hơn là Surovikin là chỉ huy cấp cao nhất của Nga đã kinh qua chiến tranh dưới thời Xô-viết – điều gần như không thể tìm ra được ở Bộ Quốc phòng Nga hiện nay, ngay cả Aleksandr Dvornikov cũng không có được điều đó. Hồi chiến tranh Afghanistan diễn ra, ông ta chỉ huy một đại đội thuộc Quân khu Viễn đông, Liên Xô.

Bình loạn : Câu chuyện đã rất giống thời Chiến tranh Vệ quốc khi tướng lĩnh nào của Liên Xô được thêm dòng thông tin “Đã tham gia nội chiến” là rất oách. Nó thể hiện bề dày kinh nghiệm và cả một cái gì đó rất vinh quang. Không kể mấy ông già như Semyon Budyonny, Vasily Blyukher, Semyon Timoshenko, Boris Shaposhnikov,… còn thì “hội trẻ” như G.K. Zhukov, A.M. Vasilevsky cũng có câu đó trong tiểu sử, rất hoành tráng. Về sau điều này cũng đúng với câu chuyện của những chỉ huy Xô-viết thời thập niên 1960, 1970… bác nào mà “đã tham gia Chiến tranh Vệ quốc” là oách lắm. Nó như một sự đảm bảo về kinh nghiệm thử lửa vậy.

Quay lại với cuối năm 1941, khi Hitler dùng kính viễn vọng cỡ lớn đã có thể nhìn thấy tường điện Kremlin, G.K. Zhukov được lôi về và vì những nỗ lực của ông, sau này người ta còn gọi Zhukov là “người đã cứu Mátxcơva.” Sau đó vì vẫn chưa thực sự được lòng Stalin, ông không được trọng dụng ngay và hậu quả của nó, những can gián của ông không được nghe, Timoshenko đã sai lầm để Hồng quân mất cả triệu quân, và mất cả miền đông Ukraine lẫn vùng thảo nguyên bao la hữu ngạn Volga vào tay quân Đức.

Chỉ sau biến cố đó, Stalin dù chẳng ưa gì Zhukov nhưng vẫn đưa ông lên vị trí Phó tổng tư lệnh Tối cao, Đại diện Đại bản doanh tại một số mặt trận. Thực tế chính ông cùng A.M. Vasilevsky là tác giả của trận đánh vĩ đại Stalingrad và sau đó, Kursk. Từ đó Hồng quân Liên Xô mới bắt đầu bước vào đà của những chiến thắng.

Đến năm 2022, sau khi cách chức ít nhất 2 trong số 5 chỉ huy cao nhất của Chiến dịch quân sự đặc biệt (Aleksandr Chayko là một trong số đó) thì Putox đã chỉ định một người mà có lẽ, lão ta hy vọng đây sẽ là “Zhukov của Putox.” Kịch bản này chắc chắn cũng sẽ làm khấp khởi mấy thằng, à mấy ông theo phương pháp “ngụy biện lịch sử” như Trạng sư Trạm Biến Áp.

OK, thích thì chiều, đã thế anh “ngụy biện lịch sử” cùng các chú. Theo lý thuyết này, đầu tiên chúng ta cần nhìn thấy bọn “tân phát-xít” ào ạt tiến về thủ đô, rồi các chú thích chọn 1 trong 2 thành phố Donetsk và Luhansk thì tùy. “Zhukov của Putox” sẽ tổ chức duyệt binh trên quảng trường trung tâm thành phố rồi từ đó, các đơn vị đi thẳng ra mặt trận bảo vệ Mátxcơva, à nhầm, bảo vệ Luhansk. Mỗi tội ở đây có sự lộn phộc, vụ bỏ chạy ở Kharkiv phải diễn ra sau đó, nhưng nó lại từ tháng trước rồi… Anh thể chấp cho các chú.

Hoặc giả, để đảm bảo mạch logic thời gian cho các chú, chúng ta sẽ mường tượng hoặc Luhansk, hoặc Donetsk… hoặc cả hai thành phố đó sẽ trở thành hai cái nồi hầm mới, theo lý thuyết của anh các chú, nhà quân sự đại tài Lee Yutong. Các chú cần cầu chúa cho quân Ukraine lao vào thành phố và sau đó sa tiếp vào các trận đánh đường phố. Ở ngoài, quân đội của “Zhukov của Putox” sẽ bao vây quân Ukraine trong thành phố và tiêu diệt. Từ đó quân đội của “Zhukov của Putox” chỉ việc phản công như chẻ tre thôi… Nghe mà phê.

Kế hoạch bắt đầu hoàn hảo, chỉ còn một vấn đề duy nhất – nguồn lực đâu? Suốt trong thời gian vài tuần vừa qua, các tài khoản mạng xã hội Nga phản ánh liên tục việc tiến hành huy động một phần hết sức vô nghĩa khi không đủ trang thiết bị cho họ, từ vũ khí cá nhân đến quân trang. Đã có những giải thích cho rằng đó là những người sẽ không phải chiến đấu trên tuyến đầu nên không cần phải trang bị quá cầu kỳ.

Nhưng người am hiểu thì biết ngay: một quân đội như thế cầm chắc thất bại, không thể có cửa hòa, thì làm sao nói được đến chiến thắng. Trước đây khi Dvornikov được bổ nhiệm chúng ta cũng đã nói những điều y hệt như đối với Surovikin về độ tàn bạo. Thực chất là Nga vẫn tàn bạo như thuở nào chứ chưa bao giờ thay đổi, nhưng điều đó chỉ có thể bắt nạt được dân quân Syria, chứ với quân đội càng ngày càng tỏ ra thiện chiến như người Ukraine thì nghe chừng hơi bị khó.

Vì thế tui ngờ rằng, cú bổ nhiệm Sergey Surovikin lần này mang ý nghĩa tuyên truyền kích động nội bộ là phần nhiều, còn tác dụng với chiến trường thì… vẫn thế. Hắn ta sẽ không thay đổi được tình hình thiếu giấy chùi đít của lính Nga ngoài chiến trường. Hắn sẽ không ngăn được HIMARS tiếp tục tiêu diệt hệ thống của quân đội hắn.

Đơn giản là hắn không sản xuất ra được những con chip thế hệ mới, không sản xuất được vòng bi, thậm chí quân phục của lính còn chẳng may được. Vì vậy những dự đoán của giới quân sự phương Tây rằng tay Surovikin sẽ lại thu hẹp mục tiêu của quân Nga một lần nữa, mở ra “phase 4” của cuộc chiến, đưa chiến tranh bước vào “Chiến cuộc mùa đông”… cũng sẽ lại là một câu chuyện rất lớn đối với cái quân đội thứ hai thế giới này.

Tui thì tin rằng hắn ta sẽ không ngồi yên. Ngay lúc này hắn đã phải đôn đáo lo cho kế hoạch trước mắt rồi. Chỉ cần duy trì được mặt trận nam, khôi phục được tình hình trên hướng Luhansk và phát triển tấn công có kết quả ở hướng Donetsk-Bakhmut-Kramatorsk thì đã đòi hỏi ở Surovikin một nỗ lực ở cấp chiến dịch rồi đấy.

Bài về bổ nhiệm Aleksandr Dvornikov tại đây.


3. Lại nói về vụ phá cái cầu Kerch

Sau khi “chém” liền hai bài về vụ đánh phá cầu Kerch, có rất nhiều ý kiến xung quanh việc phá cái cầu này, tập trung vào một số khía cạnh:

Ai phá? Phá thế nào? Hậu quả của nó ra sao?

Ai phá?

Những diễn biến trong nội bộ Nga sau trận tấn công vào cầu Kerch, đặt ra cho chúng ta một vài câu hỏi. Tại sao trước đây họ luôn luôn tuyên bố về một “lằn ranh đỏ” đối với lãnh thổ Crimea mà họ chiếm trái phép của Ukraine nói chung, và cái cầu Kerch nói riêng. Thế mà bây giờ cái “lằn ranh đỏ” đó bị xâm phạm ở mức độ cao, thì họ lại cố chữa chạy trên truyền thông?

Chỉ cỡ một ngày đến một ngày rưỡi sau vụ tấn công, bộ máy của Putox bắt đầu từ cơ quan điều tra, ở đây vai trò chủ yếu khả năng cao thuộc về Ủy ban an ninh quốc gia FSB và sau đó là truyền thông Nga đã tung ra thủ phạm, một lái xe người Azerbaijan 51 tuổi sinh sống ở vùng Krasnodar của Nga. Quy về cho một vụ phá hoại có tính khủng bố bên trong, mặc dù vẫn kèm theo những lời buộc tội “Ukraine đứng đằng sau” nhưng chứng cứ trực tiếp không có, nhẹ nhàng và dễ xử lý hơn nhiều.

Rõ ràng, cú đánh là một nỗ lực ép Putox leo thang, nhưng Putox không sập bẫy – lão ta cố gắng “ít nhất không leo thang” và cũng rõ ràng đã ra lệnh cho hai cái loa to mồm nhất: Medvedev và Lavrov “keep your mouths shut cho bố nhờ.” Thậm chí Lavrov còn đăng đàn giảng đạo lý về những nguy cơ nếu để diễn ra một cuộc chiến hạt nhân.

Có thể quy vai trò thủ phạm cho một số giới chức nào đó trong quân đội Nga, trong bối cảnh đang bị o ép về tình hình chiến trường và thực sự khó khăn, với họ rút quân sẽ là giải pháp ổn thỏa nhất để bảo toàn lực lượng. Cũng có thể quy về cho một nhóm oligarch nào đó còn sót lại trong thượng tầng xã hội Nga, những người đang ngày ngày nhìn thấy tài sản không cánh mà bay, và những gì còn lại tiếp tục bị ném vào lò lửa chiến tranh.

Nhưng có thể đây là một kế hoạch lớn, mà cầu Kerch chỉ là sự khởi đầu – đánh thẳng vào Putox như tui viết: cú đá vào hạ bộ. Nếu ai đó nói là, đó là sự kết hợp giữa hai thế lực trên với những cơ quan đặc biệt của Ukraine thì tui cũng chẳng nghi ngờ.


Còn bè lũ Putox thì để trả thù, cho một lũ máy bay bắn đến mấy chục quả tên lửa vào chính thành phố mà chúng đã sáp nhập nhưng chưa chiếm được, Zaporizhzhia, làm mấy chục dân thường cả chết cả bị thương. Hèn hạ. Như thế mà đầy người vẫn chấp nhận được việc coi “quan sát cuộc chiến khách quan” là bình thường, điển hình là vẫn có những người giương chiêu bài đọc ý kiến đa chiều và bám lấy những thành phần cặn bã kiểu Trạng sư Trạm Biến Áp hay PVH để đọc. Hôm nay có thời gian tui sẽ lại mò vào xem bác nào trong danh sách vẫn like hai cái thành phần này, unfriend tiếp. Xin nhắc lại nhời của anh phiên dịch xấu trai nhất miền bắc: vấn đề là của lương tri và phẩm giá con người.

Thêm một cú “trả thù khủng khiếp” nữa của Putox cho vụ cầu Kerch giáng xuống người Ukraine. Một cuộc tấn công tên lửa vào cây cầu dành cho người đi bộ và xe đạp bắc qua Vladimirsky Spusk ở Kyiv có tên là “Cầu Klitschko”. Tiếc rằng cây cầu vẫn đứng vững.

Phá thế nào?

Hôm qua sau khi tui post bài, có bác vẫn băn khoăn là hình như trong một video nào đó có 2 vụ nổ gần nhau, dẫn đến mấy chỗ gãy của bản mặt cầu. Điều đó dẫn đến một số suy luận cho rằng có thể có 2 quả tên lửa quại vào mặt cầu ở 2 điểm khác nhau. Đến đây cho phép tui vẽ ra một kịch bản Hollywood như sau:

Jason Statham lái xe tải chạy từ Nga sang, bên trên có thiết bị nổ nhưng thực chất là hai chứ không phải là một, được setup cho nổ cách nhau khoảng 5 giây. Nếu xe chạy với vận tốc 60 ki-lô-mét/giờ nghĩa là 17 mét/giây thì từ vụ nổ trước đến vụ nổ sau sẽ cách nhau khoảng 80 – 90 mét, có vẻ cũng giống trên hiện trường. Tác dụng của việc chia đôi ra như thế này: cú đầu xé rách một số tank nhiên liệu của đoàn tàu đang chạy trên đường sắt và cú sau làm cho nhiên liệu chảy ra bốc cháy.

Căn cứ vào mép của các bản mặt cầu bị giật ra phẳng lì và vuông góc như nó vừa xuất xưởng, có thể cho thấy đó là kết quả của cú uốn cong làm cho nó bị giật ra ở những chỗ giáp lai. Hiện nay chưa thấy những chỗ “dùi thủng” như thường thấy trong những vụ tấn công tên lửa, ví dụ như cầu Antonovsky ở Kherson nên chúng ta cũng vẫn chưa thể khẳng định được đó là vụ dùng tên lửa tấn công.

Vậy giả thuyết Ukraine dùng tên lửa tấn công cầu Kerch thì sao? Theo tui thì chúng ta cần xem xét vấn đề trên các dữ liệu đã có, chứ không nên đoán hú họa, ví dụ như cho rằng ai đó đã “đưa” cho Ukraine loại ATACMS có tầm bắn tới 300 ki-lô-mét và họ đã dùng loại này để tấn công vào cầu. Mặc dù trong tuần vừa qua, Ukraine đã tiến được đến bờ sông Dnipro và ngày càng tiến gần đến Nova Kakhovka từ phía bắc, đem lại khả năng đặt cầu Kerch vào tầm tên lửa 300 ki-lô-mét, như phép đo tui đã thực hiện trên bản đồ kèm theo đây.

Tuy nhiên điều đó ngoài việc đặt trên suy đoán việc chưa chắc chắn (đã giao hay chưa) và một khi tên lửa bắn cuối tầm như thế còn chính xác không chúng ta chưa biết. Trong khi đó lại có những thế lực ngầm nào đó bên phía Nga sẵn sàng tổ chức một cú để đời như vậy, ta chọn cái nào?

Tuy vậy cũng không nên loại trừ tất cả các giả thuyết liên quan đến tên lửa. Chúng ta hãy cùng nhau nhớ lại: Ukraine đã nhận được tên lửa chống hạm Harpoon để triển khai chống lại Hải quân Nga ở Biển Đen (đến nay chúng ta vẫn chưa biết vụ tấn công căn cứ không quân của Hải quân Nga ở Saki có phải là tác phẩm của Harpoon hay không). Harpoon GM-84 có rất nhiều biến thể và cũng không rõ là trong số đó có cái nào bị tích hợp lên máy bay chiến đấu MiG-29 của Ukraine như họ đã từng làm với AGM-88 HARM như vừa rồi hay không nữa.

Với tình trạng phòng không Nga ở khu vực mặt trận phía Nam bị tàn phá một cách có hệ thống như vừa qua (lạ nhất là khu vực Tokmak là chỗ Nga bố trí trận địa S-300, bị đánh đi đánh lại mà họ vẫn cứ tái bố trí vào đó – một điều siêu khó hiểu. Cái sân bay Kherson cũng bị đánh không dưới 20 lần nhưng vẫn vác đạn vào cất) thì việc sử dụng hai biên đội 4 chiếc MiG-29 dùng Harpoon xâm nhập khoảng vài chục ki-lô-mét sang bầu trời Crimea đang bị tạm chiếm, bắn mỗi bác 1 quả rồi lượn.

Ưu tiên của tui sẽ là: (1) Jason Statham, à quên, lái xe Azerbaijan 51 tuổi, (2) Harpoon và (3) ATACMS. Vì vậy nếu có những cú đánh tiếp theo vào cái cầu liệu chăng có thể có thể thấy rõ hơn dấu vết của tên lửa?

Từ cách đây đến 2 tháng cả tây cả ta cùng đồn là Hoa Kỳ sẽ giao cho Ukraine AGM-84 H/K SLAM-ER, chẳng biết thế nào.

Về hậu quả.

Các hậu quả khác của cú đá hạ bộ tui xin phép không nói nữa. Xin copy ý kiến của bác Bộ trưởng về đây:

“Cái mà kẻ phá nhắm đến vẫn là đường sắt, đường bộ chỉ là nhân tiện làm thôi. Ví dụ ở đây là gây cháy đoàn tàu nhiên liệu, 7 toa cháy tức là ~ 200 mét chiều dài, bên dưới đường bộ hỏng nên xe chữa cháy khó thể tiếp cận để phun bọt dập lửa (nước không tác dụng). Tuy tàu vẫn chạy bên đường còn lại nhưng cấu trúc cầu đã bị ảnh hưởng nhiệt, không ai đảm bảo các đoàn tàu chở tank còn đi qua nổi không. Hay nếu chỉ đi phần đường còn lại thì phải dồn 2 đầu để cho qua từng chiều một kiểu như ở ta, dù gì thì hàng quân sự hiện nay giảm còn < 1/10 mặc cho thông cầu!”

Tui còn nhớ hồi tháng 1/2012 khi đó chưa có cầu Nhật Tân, chính xác là nó còn đang làm, cầu Thăng Long bị đè ra sửa chữa đợt 2, đợt trước cách đó 2 năm không thành công. Lần này vào giáp Tết, nên lưu lượng xe qua cầu rất đông. Khi đó còn làm cho một dự án ở miền núi phía Bắc, một tuần tui về Hà Nội một lần vào chiều thứ Sáu và lại rời Hà Nội vào sáng thứ Hai tuần sau… Chiều thứ Sáu luôn là một nỗi ác mộng trong suốt mấy tháng trước Tết đó: tắc xe từ cây xăng Nam Hồng đến tận cầu Thăng Long, tắc suốt cầu sang bên kia xuống tận đường Phạm Văn Đồng – đó là người ta còn lắp thêm một cái cầu phao dã chiến chỗ hai cái cột điện Chèm để san bớt xe cộ sang đó.

Bây giờ cái cầu Kerch nó dài như thế kia, tức là lượng xe chứa trên nó trên suốt chiều dài cầu trông thì thưa nhưng dồn lại thì rất lớn. Hiện tại chắc chắn người ta phải giải quyết cho đi cả hai bên nhưng đến chỗ đứt yêu cầu giảm tốc, phân luồng cho đi chung bên còn lành. Hồi cái cầu Thăng Long ngắn bằng 1/10 cầu Kerch sửa có một tí như thế, cũng cho đi chung mà cả một mé phía bắc Hà Nội thiếu rau chuyển sang từ Đông Anh và Mê Linh, bây giờ thì lính Nga ở Kherson vớ vẩn cũng thiếu rau đi ị có mà toạc đuýt ra í.

Còn về đường sắt bác Lê Hồng Anh trên đây viết rồi, tui chỉ thêm chút: trên mạng xã hội Nga chúng nó còn giễu: cho được cái tàu chạy thử tải rồi từ lúc đó cấm truyền thông đưa tin luôn, chứ nào có thấy thêm được cái gì. Cho chạy với điều kiện giảm tải một nửa và giảm cả tốc độ cũng một nửa, chắc là được, nhưng về lâu về dài hậu họa chưa biết thế nào.   

Thế nên bác nào quen riêng thằng, à ông Trạng sư nhắn hộ cái: không có chuyện không ảnh hưởng gì đâu nhé. Ảnh hưởng rất là nhiều đấy.

4. Đoán mò:

Vậy triển vọng của các diễn biến sắp tới sẽ như thế nào? Theo những thông tin tui nắm được về thị trấn Svatove thì đây cũng là một trung tâm giao thông, thậm chí vị trí của nó còn có một số điểm ít hạn chế hơn so với Lyman. Trước chiến tranh, thị trấn này chỉ thua Lyman một chút về dân số. Nếu sau The Battle of Kharkiv quân Nga chạy việt dã về Lyman từ Izyum như thế nào, thì cũng chạy từ Kupyansk sang đây như thế.

Việc quân Nga vội vã cho nổ các cây cầu đường bộ và đường sắt vào Svatove cho thấy họ đã nhận thức được tình hình. Tuy vậy tui không cho rằng quân Ukraine sẽ đánh thốc vào thị trấn. Họ sẽ lại làm như đối với thành phố Lyman, tức là phong tỏa nó cho đến khi lực lượng Nga bên trong nó đủ kiệt quệ, sẵn sàng bỏ chạy khi bị tấn công thì sẽ vượt sông và… tương lai rất có thể chúng ta sẽ lại chứng kiến một “Lyman phiên bản 2” ở chỗ này. 

Sáng nay tui có hỏi thêm về tình hình thành phố Donetsk thì được biết xung quanh thành phố này tập trung khá nhiều đơn vị của Nga, cả trong lẫn ngoài thành phố. Có một điều chắc chắn là quân Nga sẽ không bao giờ thực hiện những trận đánh trong thành phố. “Urban warfare” chỉ dành cho những quân đội tử thủ quê hương… à đây, chính đây cũng là hy vọng của biết bao nhiêu người Tây Phi cuồng Putox. Họ hy vọng bằng việc sáp nhập, sau đó người Ukraine vẫn tấn công thì “là tấn công vào lãnh thổ Nga” và từ đó “Tổ Quốc lâm nguy” “Mẹ Tổ Quốc kêu gọi” và dân Nga sẽ vùng đứng lên. Kinh thế! Đã hy vọng đến tận “ma túy dân tộc” rồi cơ đấy.

Thằng, à ông Trạng sư thì còn kinh nữa, ổng viết “Tuy nhiên, trong cuộc chiến hiện nay là cuộc chiến ủy nhiệm của phương Tây chống Nga thông qua Ukraine.  Moscow đã sử dụng các bước đi về mặt pháp lý để biến nó thành một cuộc chiến tranh vệ quốc. Do đó, sự sụp đổ của Liên bang Nga (nếu có – mặc dù khả năng này rất thấp) trong một cuộc “chiến tranh vệ quốc” với Ukraine sẽ là điều nguy hiểm vì nó sẽ liên quan tới việc một quân đội, một chính thể có vũ khí hạt nhân sẽ phản ứng thế nào khi bị vào bước đường cùng…”

Về vụ “chiến tranh ủy nhiệm” tui sẽ xử ông sau, nhưng cỡ trạng sư của những tập đoàn lớn, danh giá mà còn viết “Moscow đã sử dụng các bước đi về mặt pháp lý để biến nó thành một cuộc chiến tranh vệ quốc” thì không hiểu ai đã dạy luật cho ông. Trong cái thế giới này chỉ có các trình tự để tuyên chiến, để xác định vị thế pháp lý của các bên tham chiến, các bên khởi nghĩa… chứ chưa thấy có quy định pháp luật nào về… chiến tranh Vệ quốc.

Rõ là thằng, à ông Trạng sư đã lại một lần nữa tự vả vào mồm mình, khi hô hào hộ cho Nga Putox về việc “chuyển sang một cuộc chiến tranh Vệ quốc”, gián tiếp thừa nhận giai đoạn vừa qua cuộc chiến tranh của Nga Putox là chiến tranh xâm lược.

Quay lại với Donetsk, chúng ta cũng sẽ lại thấy những gì diễn ra ở Lyman, tái hiện ở đây. Nhưng việc này còn xa. Trước mắt, muốn nhìn thấy cảnh này chúng ta cần nhìn thấy Svatove, sau đó là Kreminna, Rubizhne, cặp Lysychansk và Severodonetsk cái đã. Sau đó sẽ đến các mục tiêu nằm giữa hai thành phố Donetsk và Luhansk, như Zolote, Popasna, Horlivka… Chỉ đến khi đó chúng ta mới thấy rõ khả năng người Ukraine chiếm lại thành phố Donetsk như thế nào. Nhưng hiện nay thì tình hình Donetsk cũng đã rất thuận lợi cho chiếm lại nó: thành phố lớn như vậy mà để quân Ukraine áp sát hàng năm qua không đẩy được ra, cho thấy lực lượng Nga ở đây sức mạnh cũng vừa vừa thôi.

Trong một diễn biến khác, Bản tin Nhà nước Ukraine đưa tin: Lukashenko xuất kho cho Nga một số xe tăng T-72A. Trên mạng xã hội, Telegram tài khoản của thằng cha Igor Strelkov cũng show cho bà con xem đoàn tàu hỏa có 12 toa đĩa chở xe tăng T-72 khá nguyên bản ở nhà ga Orsha (Vitebsk, Belarus).

Xe tăng phiên bản T-72A ra đời năm 1979 được trang bị máy đo xa laser và bổ sung điều khiển hỏa lực điện tử. Mặt trước và đỉnh tháp pháo được gia cố khá mạnh bằng giáp composite (được tình báo Mỹ đặt biệt danh là Dolly Parton), các kết cấu để lắp giáp phản ứng nổ, súng phóng lựu đạn khói, giáp lật trên kính chắn bùn phía trước, ngoài ra còn nhiều các thay đổi bên trong…

Bình loạn : Vậy là để chào mừng Tư lệnh mới của chiến dịch quân sự đặc biệt, Putox đã cưỡng bức thành công tay chủ nhiệm HTX giao xe tăng. Chủ nhiệm có khoảng 500 chiếc loại này, và có lẽ đây là thứ tiềm năng nhất mà hắn ta có thể giao cho Putox. Cứ cho là có bao nhiêu giao bấy nhiêu đi, thì sang bao nhiêu đốt bấy nhiêu. Tưởng lục lọi được cái gì độc đáo tí, chứ tầm này xe tăng đem ra dọa ma à?

500 xe tăng với chúng ta nghe thì khủng khiếp, nhưng với Nga thì là… muỗi, nó chỉ đủ trang bị cho cỡ 1 Tập đoàn quân xe tăng, à mà bây giờ làm gì còn thứ này nữa, nó chỉ có hơn 3 sư đoàn xe tăng thôi. Trong khi đó những đơn vị tinh nhuệ nhất của tăng-thiết giáp Nga như Sư đoàn xe tăng Cận vệ số 4 “Kantemirovskaya” còn coi như là bị xóa sổ trên đất Ukraine rồi còn gì. Mà có phải cứ có xe tăng là xong thôi đâu, lấy đâu ra người lái… vả lại cái thứ từ thập niên 1980 này ban đêm như thằng mù, cua có mà làm mồi nhậu…

Không biết các bác thế nào chứ tui coi đây là tin… mừng. Đã cạn kiệt đến mức này rồi thì ngày tận số của bè lũ Putox, chắc là cũng gần thôi. Từ đầu chiến tranh đến nay, Nga tung vào trận khoảng dưới 4.000 xe tăng, bị diệt đến ngày hôm qua theo Bộ Tổng tham mưu Ukraine là thiếu 5 cái tròn 2.500. Giải toán tiểu học thì 230 ngày diệt 2.500 chiếc, trung bình 10 chiếc/ngày. Như vậy thêm 500 cái của chủ nhiệm HTX lại tốn của bà con Ukraine thêm… bảy bảy bốn chín vị chi là 50 ngày nữa, rất thô thiển nhưng mà thú vị phải không các bác?

Thôi thì cứ mạnh dạn cho Putox đến mốc 100 ngày của lão ta đi. Bác nào định phúng viếng phong bì bao nhiêu thì chuẩn bị sẵn nhẽ. Tui đi 5 chục. Nói thế thôi cộng những ngày nghỉ, vặt râu vặt ria… chắc cũng đến mốc 24/02 tròn 1 năm chiến tranh các bác nhể.

PHÚC LAI 10.10.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.