1. Điểm tin chiến sự
Ba ngày qua liếc qua con số thương vong của Nga thấy sợ ra phết. Hôm qua 470, hôm qua 400, hôm kia 320… cứ “đều tăm tắp” như thế, không cần nhiều thì cũng đã là một “tiến trình” kinh người rồi. Đánh nhau như thế này thì quân Nga chịu sao thấu, chỉ có Putox giả mù giả điếc thôi chứ, binh lính bình thường thì không chịu nổi đâu.
Bản tin của Bộ Tổng tham mưu Ukraine hôm qua viết về vụ pháo kích của quân Ukraine vào vị trí quân Nga như sau:
• Theo thông tin cập nhật, việc phá hủy ba hệ thống pháo phản lực phóng loạt BM-21 “Grad”, cũng như việc đưa đi cấp cứu khoảng 70 lính địch bị thương vào ngày 22 tháng 10 năm nay tại khu định cư Mykhailivka thuộc vùng Zaporizhzhia đã được xác nhận.
• Trong ngày qua, lực lượng tên lửa và pháo binh Ukraine đã đánh vào 4 điểm kiểm soát, 5 khu vực tập trung nhân lực, vũ khí và trang thiết bị quân sự, 4 kho đạn, một tổ hợp tên lửa phòng không, một khu vực các vị trí pháo binh và các mục tiêu quan trọng khác.
Người Ukraine không phải hát bài “đào hầm, mẹ vẫn đào hầm từ khi tóc còn xanh…” mà là “bào mòn, anh vẫn bào mòn…” Từ góc độ quân Nga mà nói thì đúng là… quá khổ luôn chứ không phải là khổ. Chỉ vì thiếu xe tải mà cứ phải tích cả kho, ở cái thời UAV với vệ tinh nó soi không phải 2k mà là 4k và 24/24, có cái gì là bí mật đâu.
Theo các nhận xét thực tế thì có vẻ như “Shahed-136” tương đối dễ bị bắn hạ, nên Nga buộc phải dùng số lượng lớn để tấn công theo chiến thuật ruồi bâu. Ngày hôm kia đã có tin ngoài máy bay không người lái “Shahed-136”, Nga cũng chuẩn bị nhận tên lửa như một phần của gói vũ khí từ Iran. Iran có vẻ như đã đồng ý gửi cho Nga các tên lửa Zolfaghar và Fateh-110, có thể cạnh tranh với Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao M142 (HIMARS).
Tên lửa của Iran có một số lợi thế hơn HIMARS như có tầm bắn xa hơn, nhưng HIMARS có độ chính xác tốt hơn.
Cho đến nay, vẫn chưa rõ ràng rằng chính quyền của ông Biden đã miễn cưỡng cung cấp cho Ukraine các tên lửa tầm xa hơn như Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) hay chưa. Loại này có khả năng tấn công các mục tiêu cách xa hơn 500km (280 dặm). Nếu Nga nhận được tên lửa của Iran thì sẽ có rất nhiều chuyện phải nói. Mấy hôm nay tin đồn đoán đã rộ lên, cho thấy việc không phải là không có cơ sở nhưng có vẻ là cũng có những nỗ lực ngăn chặn nó lại.
Bình loạn : Tui không thạo về món này nên đọc về Zolfaghar và Fateh-110 trên mạng thấy nó… giữa giữa pháo phản lực phóng loạt (nếu đem bắn 1 quả một) và tên lửa hành trình kiểu Iskander và Kalibr. Xét từ khía cạnh pháo phản lực phóng loạt thì Nga vẫn có Grad và Urangan, nhất là cái Uragan đâu có kém cạnh gì so với HIMARS đâu? Còn nếu so với Iskander và Kalibr thì không rõ Zolfaghar và Fateh-110 độ chính xác đến đâu, chứ tầm bắn với các yếu tố khác thì có khi còn chẳng bằng.
Nga cần tên lửa của Iran, chẳng qua là các ông ấy hết tên lửa nên bây giờ có thêm cái gì mà chẳng quý. Trước đây và cả bây giờ họ vẫn đang dùng tên lửa bắn – mà theo báo chí Tây Phi thì “các thành phố Ukraine tan hoang” rồi còn gì. Vậy làm thế nào mà khắc phục được các bài toán xe tải, hệ thống hậu cần… vẫn chưa có lời giải. Và làm thế nào để phá bên phía Ukraine theo những cách tương tự, thì các ông tướng Nga chưa cho các fan hâm mộ thấy được. Đến bây giờ họ vẫn đang bắn những mục tiêu cố định có sẵn (thậm chí cả những mục tiêu có từ thời Liên Xô) còn HIMARS thì vẫn bắn cái xe bằng gỗ dán.
Tầm này nhất là bét, nếu Nga mà nhận được mấy thứ này của Iran thì chắc là Ukraine phải cố mà đánh cho nhanh lên thôi… Điều này chúng ta sẽ quay lại sau ít phút.
2. Tuần trước trong một câu chuyện bên bàn trà, có người bạn hỏi tui: Tại sao quân Nga bỏ lại xe tăng còn nguyên như vậy cho người Ukraine thu giữ thậm chí có thể dùng được luôn? Tại sao lính Nga không cho một quả lựu đạn vào trong xe?
Tui trả lời: Nếu nói “thậm chí” thì phải nói là nhiều chiếc xe tăng, xe bọc thép còn nguyên cả đạn lẫn dầu, nghĩa là nó ở trong tình trạng có thể chiến đấu được. Vụ này giống hệt tình trạng của lính Đức vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, khi Hồng quân chiếm được một lúc hàng trăm khí tài, trong đó có những cụm vài chục xe tăng cũng còn nguyên cả đạn dược, dầu xăng cũng không thiếu. Quân Đức khi đó tan rã, chạy nhanh như cướp, và để đảm bảo tốc độ thì những phương tiện được ưu tiên là xe hơi, nhưng ngựa nhiều khi còn quan trọng hơn, vì nó không cần xăng.
Bộ chỉ huy Đức phải tổ chức những đơn vị tinh nhuệ không phải là để đánh nhau mà để lùng bắt lính bỏ trốn. Nhiều binh lính Đức bỏ trốn bị Hồng quân bắt được đều khai: họ không có ý định phá khí tài mà để lại cho Hồng quân dùng, vì đằng nào cũng thua rồi. Tất cả thể hiện một sự chán chường, mà chủ yếu có nguyên nhân từ cấp trên và chính quân đội của họ. Tình cảnh bị bỏ rơi, không được tiếp tế kịp thời và nhận những mệnh lệnh như từ trên trời xuống… Cứ như thế hàng tháng trời, và họ chỉ muốn sống, hoặc trốn về phía Tây hoặc bị bắt làm tù binh cũng được.
Từ cách đây vài tháng hóng trên vài diễn đàn của bọn Nga, đã thấy họ chia sẻ tình trạng tâm lý đó của quân lính và càng ngày càng trở nên nghiêm trọng, có lẽ căn bệnh đã lan đến toàn quân. Có thể nói tâm lý này ảnh hưởng không nhỏ đến những người có thể nắm được tin tức trong xã hội. Trong xã hội Nga nếu ai đó không nắm được, thì chỉ có những nạn nhân của ti-vi Nga ở quê. Còn nói về lính thì ra trận hoặc là chết, nếu chưa chết thì không cần phải bị thương, vi trùng tư tưởng sẽ xâm nhập ngay lập tức.
Vì thế, riêng chuyện xe tăng bị bỏ còn nguyên vẹn, thực sự là một câu chuyện có ý nghĩa. Nó như cái tát vào mặt các cháu dư luận viên hoang tưởng đứng đầu là thằng, à ông Trạng sư Trạm Biến Áp đang tưởng tượng ra chuyện “sau khi Putox sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine thì coi như Nga bị xâm lược và nhân dân Nga sẽ đoàn kết sau lưng Putox.”
Không chỉ bọn dư luận viên, mà ngay cả một số người có quan điểm không ủng hộ Nga – Putox cũng có cái nhìn na ná. Tui muốn nói đến một ông thánh chém có cái tên Peter Phở gì đó, tuần trước ông ta viết một lý thuyết hoang tưởng rằng người Nga tham đất, nên Putox cứ mang đất về cho họ là họ thỏa mãn. Khi đọc những dòng ông Phở này viết, bác bộ trưởng nhà ta vốn học ở Liên Xô cũ phát biểu: đàn ông Nga còn lâu mới thèm đất, có mà thèm vodka với gái thì đúng.
Điều đó có thể đúng với Sa hoàng Nga… thật ra đây là một câu chuyện dài. Họ cần lối ra thế giới, chứ không hẳn là họ cần đất. Còn nếu người dân Nga, cụ thể là lính Nga cần đất đến mức thèm thuồng, chỉ cần có đất mang về là tinh thần lên ầm ầm, thì không có chuyện bỏ xe tăng mà chạy đâu. Nếu người Việt Nam đọc được nhiều nhiều sách vở ca ngợi người lính Hồng quân Liên Xô anh hùng, thì cũng nên đọc thêm về những người vào rừng ở 4 năm để trốn lính, những người phản bội theo Đức, những người đầu hàng và bỏ chạy, những người bị cưỡng bức tấn công dưới làn mưa đạn… đâu cũng có người thế này thế kia hết. Ngay cả bên Ukraine cũng có những người theo Nga, có sao đâu.
Điều khác biệt rõ ràng nhất, là người Ukraine phải bảo vệ Tổ Quốc của họ, và những ai dao động theo Nga đã theo từ trước rồi. Ông Peter Phở lắm lúc nói nhảm ra phết. Ủng hộ Ukraine theo kiểu ông ta là kiểu ném lựu đạn vào nhà người ta, còn hại hơn không ủng hộ.
Các bác lại làm ơn cho tui lèm bèm phát. Hồi chuẩn bị “phase 2” The Battle of Donbas tui có viết: trước sau thì quân Nga cũng bỏ chạy. Tại sao tui viết như vậy? Vì tui có căn cứ biết được rằng ngoài những gì tô vẽ hào hùng trong truyện, sách và phim ảnh chúng ta xem mấy chục năm, câu chuyện về những người lính Nga có mặt trái của nó. Điều thú vị là không phải cái gì cũng tiêu cực – ví dụ như trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất họ bỏ ngũ cả đơn vị lớn (cỡ trung đoàn) chống lệnh, không chiến đấu và… bỏ về, đi bộ về Nga. Nhiều đơn vị như thế được tầng lớp cán bộ Bolshevik lôi kéo chống lại Nga hoàng.
Còn trên mặt trận thì ngay cả trong chiến tranh Nga Nhật trước đó và trong hai cuộc Thế chiến, chuyện bỏ chạy của lính Nga là hết sức bình thường, vì bản thân họ cũng có truyền thống… được trang bị hết sức sơ sài, thậm chí tồi tệ. Với tinh thần xuống cấp, thậm chí ghét cấp trên và ghét bộ máy chiến tranh của nước nhà, họ sẵn sàng bỏ chạy bất cứ lúc nào.
Vì vậy hồi đó bác nào bảo tui chém, thì cứ cho là như thế; nhưng tui nói có căn cứ của nó cả.
3. Tình trạng hiện nay của quân đội Nga hoàn toàn giống như của quân Đức giai đoạn 1944 trở đi. Các ưu thế lý thuyết của quân Đức trong thời gian trước chiến tranh, đã trở nên thua kém nếu như không muốn nói là tê liệt về mặt hệ thống. Trong khi đó, nhờ có Lend-Lease người Nga nhận được của Hoa Kỳ những giàn radar rất mạnh, hàng trăm nghìn bộ điện đài và số lượng kinh khủng linh kiện điện tử, kể cả dây dẫn điện, dây điện thoại… tất cả những thứ đó Liên Xô không sản xuất được. Nhờ có sự gia tăng ghê gớm sức mạnh của lực lượng thông tin liên lạc Liên Xô, quân đội Xô-viết ngày càng mạnh mẽ hơn.
Nhân nói chuyện Lend-Lease, ngày 18/07 tui có báo cáo các bác, trong khi mọi người quan tâm đến số lượng súng ống, xe tăng máy bay, thì tui quan tâm đến bao nhiêu tấn thép, bao nhiêu tấn thuốc nổ, bao nhiêu đôi ủng và bao nhiêu bộ quân phục… Nhưng có một con số cực kỳ ý nghĩa. Theo Lend-lease, Hoa Kỳ đã viện trợ cho Liên Xô 38.000 máy tiện và máy gia công cơ khí chính xác chất lượng cực kỳ cao khác. Nhờ có số máy này, sức sản xuất của công nghiệp quốc phòng Liên Xô đã tăng vọt, như thế mới đạt được con số cả vạn quả đạn pháo, súng cối và bom mìn các loại trong 1 ngày đêm.
Chúng ta cùng hình dung, ngay cụ KVC cũng xác nhận: Nga không sản xuất được máy cái, vì vậy ngay lúc này chưa cần nói đến các chi tiết chính xác, ngay cả các chi tiết lớn cũng đã rất khó khăn với Nga rồi.
4. Câu chuyện về súng đạn
Có lần đọc trong một diễn đàn quân sự, có một bạn nào viết rất hay về đạn của Nga, vốn họ có sẵn loại đạn 7,62 mm gì đó, nó được thiết kế như con quay có cục chì nặng nhọn hướng ra phía trước thế nào đó, và khi bắn nó càng về sau càng xoáy mạnh. Từ đó họ thiết kế các loại súng dựa trên loại đạn này.
Không biết thế nào chứ tui với sức lực trung bình của người Việt, thấy vác súng AK-47 và đủ cơ số đạn cho nó, nặng kinh người. Sau thời gian hành quân, hoặc chiếm lĩnh trận địa chắc chắn sức lực giảm đi nhiều. Cụ KVC cũng nhận xét là bắn mạnh nhưng nặng, không mang được nhiều đạn theo.
Có một hôm tui có viết mấy câu: từ khi Nga phát triển loại đạn 5,45 mm dần dần đã bị kêu ca là nó không còn đủ sức xuyên qua những áo giáp thế hệ mới nữa. Đến đó có bác nào rất thạo vũ khí, vào góp ý yêu cầu sửa này sửa khác, làm tui chột luôn không dám bàn luận gì thêm nữa – bản thân tui rất kém về những vấn đề đó.
Đáng tiếc là đến cuối tuần trước bác nào chia sẻ thông tin là bọn Wagner đang phàn nàn là đạn AK-74 không xuyên được áo giáp thế hệ thứ tư của quân Ukraine. Tất nhiên riêng cái bọn Wagner uýnh nhau giả vờ này chưa biết được nói thật hay nói đùa, nhưng điều đó cũng có căn cứ.
Riêng nói về súng đạn thì cái này tui biết: khi Liên Xô tan rã, không chỉ ở Nga mà ở cả các những xung quanh, nhất là Ukraine nhiều nhà máy quốc phòng trở nên khó khăn, do mất đi những đơn đặt hàng của Nhà nước. Các tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga sau khi tư nhân hóa một phần đến… tất, càng khó khăn, họ phải vật lộn để giành hợp đồng trong và ngoài nước.
Vì thế trong 15 – 20 năm qua khi họ, nói chính xác “họ” ở đây là các tổ hợp công nghiệp quốc phòng phát triển những loại pháo tự hành mới chẳng hạn, đầu tiên là phát triển dựa trên đạn có sẵn, mà từ thời Liên Xô họ có hàng triệu quả như thế trong kho. Về đạn chính xác kiểu Excalliburg, không phải là họ không có, ví dụ hai kiểu đạn Santimetr và Krasnopol (tầm bắn lần lượt là 18 và 20 km). Ngoài ra các loạn đạn cho những mẫu pháo phản lực phóng loạt như Grad, Uragan… cũng đều có những tầm bắn không thua kém của phương Tây.
Về lý thuyết, tất cả các loại đạn này đều có thể có loại dẫn đường để đạt độ chính xác cao, và đó trở thành những chất liệu cực tốt cho báo chí Tây Phi và cả bọn “bão lửa” “mắt thần” (hình như là tác phẩm các cháu Học viên của Học viện kỹ thuật quân sự Tây Phi). Thực tế có thì có, nhưng số lượng là bao nhiêu và trong 20 năm qua có sản xuất được không, đó mới là vấn đề.
Giai đoạn hiện tại của cuộc chiến, các tổ hợp quân sự Nga làm việc hiệu quả nhất chắc là những nhà máy xe tăng và tên lửa – phục hồi xe tăng cũ, dồn ghép các linh kiện sẵn có để cho ra các tên lửa mới và không loại trừ việc phục hồi đồ tồn kho.
Vì vậy ca ngợi kiểu “xem giàn pháo phản lực Nga trút bão lửa” thì không khó, câu chuyện là trút xong thì còn đạn bắn hay không, có xe tải chở được đến chiến trường hay không, và ở quê nhà có máy tiện để sản xuất ra được nó với điều kiện của chiến tranh tổng lực hay không… Nên phải nói rằng, các cháu dư luận viên và ông chú của chúng nó thằng, à ông Trạng sư Trạm Biến Áp còn nhiều ngơ ngẩn lắm. Năm 2000 lắp có 1.000 cái xe máy Trung Quốc mà bọn tui còn đi tranh nhau từng đôi vành “Made in Chợ Lớn”, thì phải nói rằng câu chuyện sản xuất nó chẳng bao giờ đơn giản cả.
Có một bạn hỏi tui: cái hàng rào bằng những khối bê-tông ngũ diện mà cậu ta gọi là “răng rồng” có tác dụng chống xe tăng không? Có, đẩy được nó đi trên mặt đất sền sệt cũng khó khăn đấy.
Cái trò dùng hàng rào cự mã bằng ba thanh ray tàu hỏa đã có từ 80 đời, và bây giờ quân đội của Putox quyết không bỏ truyền thống của mình. Phải nói rằng ba thanh ray còn khó đẩy nó đi hơn nhiều so vớ cái cục bê-tông này. Bây giờ xe tăng nào từ T-72 trở lên chẳng thiết kế cho khả năng lắp lưỡi ủi đất (Google từ khóa “T-72 Bulldozer” ra đầy).
Câu chuyện là bọn lính Nga họ xếp thành hai hàng mỏng tèo tèo như thế thì chẳng cần nhiều, 10% số xe tăng được lắp lưỡi ủi là đủ. Muốn chống xe tăng thì phải là cả một trận địa sắp xếp cự mã theo chiều sâu, kết hợp với mìn chống tăng mới ăn thua. Bí quá hóa quẫn. Đúng là chủ nào tớ ấy.
5. Sự thật của cái gọi là “sơ tán khỏi Kherson”
Trong khi Nga đang trục xuất hàng chục nghìn người Ukraine tới Siberia, thì quân đội Nga và những người từng là tù nhân đang chiếm nhà của họ.
Tư lệnh quân đội Nga ở Ukraine, Tướng S. Surovikin nói vào ngày 17 tháng 10: “Tình hình trong khu vực của Hoạt động quân sự đặc biệt rất căng thẳng và các quyết định khó khăn có thể được đưa ra đối với Kherson”.
Do vậy, người Nga đã bắt đầu một chiến dịch sơ tán cưỡng bức người Ukraine khỏi phần hữu ngạn của khu vực Kherson: tất cả các nguồn thông tin tuyên truyền chính của Nga đều gọi sự kiện này là “cuộc bỏ chạy của dân thường khỏi quân đội Ukraine”. Ở Nga đang được lan truyền luận điểm rằng phía Ukraine sẽ thực hiện một cuộc tấn công khủng bố vào Nhà máy Thủy điện Kakhovska – và sau đó một phần đáng kể của khu vực hữu ngạn của khu vực Kherson và bản thân thành phố Kherson sẽ bị ngập lụt.
Trên thực tế, đây là một lời nói dối điển hình của Nga và là đó là lý do để đưa càng nhiều người Ukraine đến Nga càng tốt vì không có khả năng giữ được các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Tính đến ngày 20 tháng 10, khoảng 60 nghìn người Ukraine từ vùng Kherson đã được chuyển đến Crimea và Lãnh thổ Krasnodar. Khi đến nơi, họ được thông báo rằng không có đủ nơi để tạm trú, nhưng có một giải pháp thay thế ở các khu vực khác của Liên bang Nga. Do đó, việc di dời cưỡng bức thực tế đến các vùng xa xôi và không có người ở của Liên bang Nga đang được thực hiện.
Một trong những lý do chính dẫn đến cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine là việc Putox muốn tăng dân số Nga. Vào năm 2021, dân số Nga giảm chưa từng thấy – mức giảm lớn nhất kể từ năm 1945. Sau ngày 24 tháng Hai, Nga đã cưỡng bức từ 2 đến 5 triệu người Ukraine đến lãnh thổ của mình (theo nhiều nguồn tin khác nhau).
Putox hiểu rằng cuộc khủng hoảng nhân khẩu học mà Nga đang diễn ra rõ ràng hiện nay là sự sụp đổ của nền kinh tế và đồng thời cũng là sự sụp đổ của các thể chế xã hội. Do đó, chính quyền chiếm đóng của Nga bắt cóc người dân ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Ukraine và buộc họ chuyển đến các vùng xa xôi của Liên bang Nga.
Ngay từ sau ngày 21 tháng Hai, những ngôi nhà bỏ trống sẽ được chiếm giữ bởi những người Nga, biến thành một thứ gì đó giống như một cơ quan quân quản và “làm loãng” dân số địa phương vẫn ở lại nhà. Putox thực sự đã phỏng theo mô hình cưỡng bức tái định cư của toàn bộ dân tộc của Liên Xô trước đây, và giờ đây ông ta đang thực hiện tội ác này trên các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Ukraine, đưa hàng chục nghìn người Ukraine đến Nga mà không bị trừng phạt.
6. Những ngày qua, Putox vẫn tiếp tục cho quân bắn phá toàn diện vào các thành phố Ukraine, đặc biệt tập trung vào các mục tiêu hạ tầng năng lượng.
Hiện tại, Nga đã phải chịu những tổn thất thảm khốc ở mặt trận: Lực lượng vũ trang Ukraine đã xác lập toàn quyền kiểm soát hỏa lực đối với phần hữu ngạn của khu vực Kherson. Trong vài ngày qua quân Nga xâm lược đã rút lui về phần tả ngạn của khu vực. Trong khi vượt sông Dnipro họ đã phải hứng chịu những thiệt hại lớn.
Có thể nói đây là một giai đoạn tạm nghỉ chiến thuật – để quân đội Nga có thời gian hồi sức. Trong thời gian này chắc chắn các hệ thống sản xuất quốc phòng đang chạy hết ga để phục vụ cho kế hoạch đó. Cũng không loại trừ họ vẫn còn tham vọng lặp lại tất cả những gì đã diễn ra thêm một lần nữa như từ hồi 24 tháng Hai. Chúng ta cũng cần xem xét một số khía cạnh của vấn đề.
- Mục tiêu đánh phá diện rộng nhằm làm người Ukraine nản chí, chắc chắn sẽ có những đánh giá từ cơ quan tình báo Nga và rồi họ sẽ nhận ra đó là mục tiêu rất rất khó thực hiện, nếu không muốn nói là vô vọng.
- Dù có cố gắng đến mấy, quân đội Nga của thời kỳ mới sắp tới, vẫn sẽ yếu hơn rất nhiều so với quân đội Nga của thời kỳ từ 24/02 đến nay. Tất cả những yếu tố đi kèm con số chúng ta lại phải kể ra: số lượng xe tăng, máy bay, và đặc biệt là xe tải, phải chuẩn bị được mà sẽ có rất nhiều điều không thể thực hiện được trong thời gian ngắn và trong điều kiện bị cấm vận, trừng phạt.
- Không có căn cứ cho rằng quân đội Ukraine sẽ chỉ như thế này mà chắc chắn là người Nga tận dụng thời gian như thế nào, họ cũng tận dụng như thế.
- Những gì đã diễn ra cho thấy hai quân đội đã khác hẳn nhau về cách thức thi hành chiến tranh, nói thẳng ra là một quân đội của thập niên thứ 3 của thế kỷ XXI đánh nhau với một quân đội của những năm 1960 – 1980 của thế kỷ trước. Mô hình BTG của quân đội Nga tưởng như tiên tiến nhưng hóa ra lại là điểm yếu chết người, và bây giờ không phải ngày một ngày hai mà khắc phục được. Dù có quay lại mô hình quân đội Xô-viết cũ, cũng lại mất thời gian, nhất là đạo tạo sĩ quan chỉ huy. Chúng ta có thể hình dung: để xây dựng quân đội hay cải tổ nó, thời gian phải tính bằng THẬP NIÊN, chứ không đơn giản nửa năm nữa mà xong. Nga bây giờ cần xây dựng lại toàn bộ quân đội, từ bé tí vòng bi gioăng phớt đến vệ tinh quân sự.
- Các lệnh trừng phạt thêm vài tháng nữa, càng thêm ngấm và kinh tế lại càng lao đao. Dầu khí không bán được thì túi tiền càng lép, các cháu dư luận viên đừng bao giờ mơ đến chuyện càng trừng phạt thì càng mạnh. Đến hô khẩu hiệu còn phều phào đi đấy các cháu ạ.
Vì vậy hôm trước khi viết về khả năng đập Nova Kakhovka bị phá, tui cũng ngờ rằng nếu đe dọa trở nên hiện thực, thì phía Ukraine có khi họ còn đánh nhanh và hăng hơn. Một khi đã nhận ra kế hoạch câu giờ của Putox, chắc chắn phải có phương án phá. Vì vậy hôm trước tui rất phản ứng với bài viết láo toét của lão Peter Phở, vì những tuyên bố xanh rờn không căn cứ của lão ta.
“Khi giặc gấp thì ta khoan mà khi giặc muốn khoan thì ta lại gấp.” Tui thì ngờ rằng mọi chuyện sẽ phải giải quyết trong mùa đông này, thậm chí giải quyết rất nhanh thôi, chứ để nó bắn vào nhà uỳnh oàng suốt ngày như thế, dở hơi mà kéo dài à? Còn nói về Putox muốn kéo dài, là kiểu kéo dài của thằng chết đói chứ có phải của anh nhà giàu ngồi nhậu rượu thỉnh thoảng ném sang hàng xóm hòn gạch đâu.
“Không bao giờ nên coi sức mạnh của địch là vô tận.”
PHÚC LAI 24.10.2022
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.