dimanche 23 octobre 2022

Phúc Lai - Nhận xét về thông tin hóng được sau ngày thứ 239 của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine (20/10/2022)

 

1. Điểm tin chiến sự

• Tin chiến sự hôm qua không có gì nhiều ngoài tin quân Nga vẫn nỗ lực tấn công ở khu vực Bakhmut và Avdiivka.

Bình loạn : Tui cũng không hiểu tại sao ngoài việc quân Nga để cho quân Ukraine chiếm sân bay Donetsk hôm trước (cách thành phố có 20 ki-lô-mét) và cái khu dân cư Avdiivka này cũng chỉ cách trung tâm thành phố mười mấy cây, cách ngoại vi thành phố Donetsk có một tí tẹo… Vậy mà sao họ mãi không đẩy được quân Ukraine ở đây ra xa xa một tí nhở? Nhìn ngứa cả mắt – nếu tui là Surovikin, ý thế.

Vì hết tin chiến sự rồi, nên xin phép các bác ta vào một số chuyện khác.

2. Thứ nhất, về vụ chống cái “Shahed-136.”

Hôm qua trên Fanpage nào chia sẻ có vẻ “hả hê đểu” về việc Nga dùng cái thổ tả ngày tấn công Ukraine: chống thì phí tên lửa phòng không, không chống thì mất nhà máy điện, khổ cái nó còn kêu to như máy cắt cỏ.

Về vụ chống nó bằng cách gây nhiễu hoặc chặn sóng điều khiển của nó (jammed) làm cho nó rơi, tui nghĩ chắc chắn người ta đang tiến hành thử nghiệm việc đó rồi và với kỹ thuật điện tử của “một-răng” thì chắc đó không phải là điều quá khó. Cũng có cách tiếp cận khác là chiếm quyền điều khiển lái nó về, cái này sâu quá tui… không biết. Cơ mà nếu gây nhiễu hoặc chèn sóng làm cho nó mất khả năng điều khiển từ ở nhà nó mà không chiếm được quyền điều khiển, nhỡ nó rơi vào người dân nhà mình “lổ bùm” thì cũng chẳng nên tí nào.

Vì thế còn có một cách nữa là dùng súng liên thanh hoặc pháo tự động cỡ nhỏ (thường 23 mm). Chẳng hạn Liên Xô trước đây có mẫu pháo phòng không xe kéo ZU-23-2 còn gọi là ZU-23 bắn đạn 23×152 mm. Đây là loại pháo chưa bao giờ lỗi thời vì nó được đánh giá cao trong khả năng… tự động hóa. Với đặc điểm của “Shahed-136” bay với tốc độ khoảng 130 – 150 ki-lô-mét/giờ nghĩa là khoảng bằng 1/4 so với tốc độ của tên lửa hành trình (500 ki-lô-mét/giờ), thời gian xuất hiện mục tiêu là vào cỡ 10 giây.

Việc phát triển một vũ khí tự động để chống nó là cần thiết vì nó đảm bảo tính chính xác, giảm số đạn cần để bắn trúng và sao cho nó nổ trên không, vỡ tan tành chỉ rơi miểng xuống đất. Tui không rõ có loại radar nào có thể phát hiện được nó không nhưng với kích thước tương đương tên lửa hành trình như thế này thì bắt nó bằng camera ảnh nhiệt và chuyển về cho computer xử lý rồi “bòm.” Riêng với “Shahed-136” nếu nó ầm ĩ như thế, thì hoàn toàn có thể bắt nó bằng micro định hướng siêu nhạy (radar sóng âm thanh).

Vì vậy hôm nay đã là thứ Sáu, tuần sau khả năng cao là các thiết bị gây nhiễu, chèn sóng chặn UAV “một-răng” xuất hiện. Và nếu có tin có loại pháo hoặc liên thanh (thượng liên) nào đó được người Ukraine tự động hóa để bắn nó thì tui cũng không nghi ngờ đâu. Tưởng gì chứ ZU-23 và súng 12,7 mm bắn máy bay chắc Ukraine họ không có thiếu.

3. Hôm qua có bác đùa với tui: có lẽ “nó” (ý là Nga Putox) khéo có khi còn phải lôi cả T-55 ra cho quân Donbas dùng.

Thứ nhất, bây giờ làm gì còn quân Donbas nữa. Nga, Nga tất rồi nhé.

Thứ hai, T-55 hả? Dùng tốt, với điều kiện là họ còn đạn. Loại cũ đó làm cho chúng nó chạy được không phải là quá khó. Đến Tây Phi hôm nọ nó còn lên báo “chiến sĩ xe tăng quân khu 5 oai hùng vào trận” cơ mà, kinh lắm chứ đùa à. Chuyện lính Nga không có xe tăng là không tấn công được, tui báo cáo các bác rồi. Hôm nay ta nói chuyện khác, không phải là vòng bi với gioăng phớt đâu.

Các bác còn nhớ có lần ta túm được tin cái T-90 mới nhất loại “tàng hình” mà cũng bị bắn hỏng từ đó người Ukraine túm được đâu đó ở Izyum không? Đó, câu chuyện của T-55 và cả T-62 là… ồn.

Bác nào mà đã chứng kiến nó nổ máy rồi chạy, tui đảm bảo là dù có yêu quân đội nhân dân Tây Phi đến mấy thì cũng nản chí, vì nó ồn kinh khủng: máy kêu ầm ầm, không phải chỉ là tiếng pô đâu mà tiếng máy của nó giống như giàn trống hội mấy chục chiếc vậy. Như người ta nói: kêu như xóc ốc – nhưng xóc ốc chỉ được ví với động cơ xe máy bé bằng quả bóng đá thôi, chứ với cái xe tăng Liên Xô thì phải là 20 thằng cầm búa gõ vào thùng phuy. Khói thì cứ gọi là mù mịt luôn. Đến khi nó chạy thì thôi rồi: loảng xoảng, loảng xoảng… người chết nghe thấy chắc cũng khỏi siêu thoát luôn á.

Hồi hai nghìn linh mấy tui xem cái Leopard đời 196-mấy của quân đội Tân Gia Ba nó chạy trong ngày độc lập của họ, êm gần bằng Mercedes E-200.

Đó là chưa kể cái loại thổ tả đó không có bao bọc gì hết bằng cái gòi là… “tàng hình” nên nó tỏa ra một lượng tia hồng ngoại đảm bảo là cứ sáng rực lên trong đêm (kể cả ngừng hoạt động lâu rồi nhưng còn nóng ấm thì còn sáng rực). Như thế thì chẳng có khả năng chống chọi nào hết với các loại khí tài hiện đại bây giờ.

Tui còn ngờ rằng cả những cái T-72A của chủ nhiệm HTX vừa giao cho Nga Putox, cũng chẳng khá khẩm hơn là mấy. Sang gặp cách đánh kiểu chiến tranh du kích như người Ukraine đang làm có mà chết ráo.


4. Các hoạt động quân sự của liên quân Nga-Belarus ở đất nước Bạch Nga này tiếp tục nhộn nhịp (xin xem bản đồ kèm theo).

Hôm qua sau khi post một bài lên Fanpage về ý kiến của Cựu đại kiện tướng cờ vua Garry Kasparov, có bác chỉ đạo: Nga hút cho quân Ukraine tập trung vào Kherson để lại tái… đánh úp Kyiv. Chuyện hay đây!

Về khả năng Belarus có cho quân tham chiến hay không, chúng ta nói nhiều lần rồi. Câu hỏi là mối đe dọa tấn công từ phía Bắc và Kyiv có còn không, và khả năng thành công của nó đến đâu, chúng ta cũng nói chán ra rồi. Bây giờ đến lượt các chuyên gia. Tui có hỏi trong diễn đàn cựu sĩ quan Hoa Kỳ về hưu (nhưng rất nhiều người nước khác tham gia) thì họ nói thẳng thừng và ngắn gọn:

- Nếu một chiến dịch được đưa ra các gạch đầu dòng các khó khăn, và được đánh giá trên thang điểm 100%, thì với chiến dịch tấn công vào bắc Ukraine theo hướng Kyiv từ Belarus (có thể có thêm hướng bổ trợ Sumy) thì độ khó khăn sẽ tăng lên 80% vì cái đầm lầy. Để khắc phục cái 80% đó (bây giờ khó khăn đã là 180%) thì Nga phải có một lực lượng không quân rất lớn đầy đủ sức mạnh lý thuyết, ví dụ như nếu Hoa Kỳ sẽ phải chuẩn bị khoảng 200 – 300 máy bay các loại cả cường kích tấn công, tiêm kích làm chủ bầu trời, ném bom chiến lược, trực thăng vũ trang tấn công, trực thăng bán vũ trang hỗ trợ, các loại cảnh báo sớm, vận tải… Còn với Nga có lẽ phải cần gấp đôi số máy bay trên. Còn nếu không đủ nghĩa là Nga phải dựa vào lực lượng mặt đất là chủ yếu, thì lại rơi vào bẫy như lần trước.

- Thời điểm Nga mạnh nhất trong cuộc chiến này, chính là hồi “phase 1” The Battle of Kyiv, chứ không phải bây giờ. Thời điểm này là lúc Nga đã đuối toàn bộ sức mạnh quốc gia, do đó không có khả năng tụ tập một lực lượng lớn cỡ đó để tiến hành chiến dịch, đặc biệt là số lượng xe tăng, pháo binh và bộ binh, cũng như hậu cần cho nó.

Có một ví dụ đơn giản nhất: Con đường vận chuyển hậu cần, vũ khí khí tài từ phía Tây sang cho Ukraine gần Belarus nhất, chỉ cách biên giới nước này có 30 ki-lô-mét. Người ta hoàn toàn không nghi ngờ rằng quá trình sử dụng tuyến đường này vẫn tiếp tục diễn ra suốt những ngày tháng vừa qua của chiến tranh. Ấy thế mà người Nga ngồi ngay bên kia biên giới, không có cách nào để ngăn chặn những hoạt động đó. Những cú bắn tên lửa tỏ ra vô giá trị. Còn nếu tấn công bằng lực lượng mặt đất mà dễ dàng, thì người Nga đã làm từ lâu rồi.

Như vậy, sẽ thêm một câu chuyện nữa thêm vào chuyện vũ khí hạt nhân trước đây: sẽ không bao giờ có chuyện sử dụng vũ khí hạt nhân, thì bây giờ là nếu tổ chức tấn công được vào Kyiv từ hướng bắc một lần nữa, Putox phải có được một phép màu nào đó.

Hồi đầu chiến tranh tui đã từng bình loạn: đánh Kharkiv còn không xong, thì Kyiv đánh làm sao? Bây giờ thì Nga Putox đánh Bakhmut còn không xong đó.

5. Putox đến thị sát một bãi tập ở Ryazan

Xem video thấy cũng khỏe mạnh ra phết. Trong cập nhật tin tức hôm qua thì người ta kể lão này nằm xuống bắn mấy phát vào bia tập bằng súng trường bắn tỉa SVD “Dragunov.”

Còn trên mạng xã hội Ukraine thì người ta kể chuyện khi lão này bước chân xuống xe, có một người lính mới được động viên lại gần định ôm và bị hai vệ sĩ của Putox cho ăn 7 phát đạn chết tại chỗ. Tình huống diễn ra trước mắt các sĩ quan cao cấp trong đó có Shoigu và 10 người lính mới được động viên khác. Sau đó, cảnh quay Putox bước chân xuống xe phải được làm lại còn 10 người lính kia thì được dặn dò phải giữ kín không được lộ ra ngoài.

Khi hỏi chuyện này với ông anh bên Ukraine, bác ấy bảo: có thể cũng là chuyện thêu dệt của bên ta, không nên bụp cái tin ngay.


6. Rộ lên những bình luận về khả năng Nga phá đập thủy điện Nova Kakhovka. Điều đáng nói là chính tổng thống Zelensky cũng lên tiếng cảnh báo về điều đó, và cả… truyền thông Nga cũng không ngoài cuộc.

Ông Zelensky thì cảnh báo về một kế hoạch mà theo ông, công binh Nga đã gài mìn vào khắp trong nhà máy và con đập. Phía Nga thì rất bố láo khi mô tả sự cố tháng 8/1941 “người Ukraine đã phá đập”. Hay nhỉ, lúc chiến thắng vinh quang thì Hồng quân là của Nga, còn phá đập thủy điện thì Hồng quân đó là của Ukraine. Đọc “Nhớ lại và suy nghĩ” của G.K. Zhukov thì ông ấy tả rằng Stalin đã khó khăn như thế nào để ra cái lệnh phá đập này.

Vậy, Nga có khả năng phá cái đập hay không?

Theo các tin tức – ngay trong bản tin chính thức của Bộ Tổng tham mưu Ukraine cũng viết là quân đội Nga ở vùng hữu ngạn Kherson không hề rút, mà còn tăng cường thêm quân. Như vậy nếu họ có rút là rút các bộ phận khác, ví dụ các cơ quan chính quyền và những người dân theo Nga. Tui thì nghĩ rằng trừ những người cực chẳng đã, không di chuyển được chứ nếu không muốn sống trong vùng Nga tạm chiếm, người ta đã đi về vùng Ukraine chiếm từ lâu rồi.

Việc duy trì các cơ quan dân sự ở bên vùng hữu ngạn và cả trong thành phố là không cần thiết với họ, nói thẳng ra là quá tải về hậu cần. Bản thân dân cư nếu là những người theo Nga, có hộ chiếu Nga thì ở lại trong thành phố và vùng ngoại vi trong điều kiện chiến tranh, cũng chẳng biết làm gì ra cơm ra gạo, nên việc di chuyển là đúng.

Tuy vậy cũng sẽ còn rất nhiều người dân Ukraine vô tội bị chết chìm – vì vậy tổng thống Zelensky thậm chí kêu gọi cả cộng đồng quốc tế vào cuộc để ngăn chặn một thảm họa nhân đạo là hợp lý.

Xét về việc phá đập làm lụt: nó sẽ tháo lượng nước 8 tỉ mét khối của hồ chứa Kakhovka xuống hạ lưu, và làm ngập nước ở mức với những vùng có độ cao 0 mét so với mực nước biển, nước sẽ dâng lên non 5 mét (chính xác là 4,8 mét). Bây giờ xin các bác quá bộ xem cái bản đồ tui gửi kèm theo post này: bản đồ độ cao theo địa hình của Kherson, vùng xung quanh thành phố.

Chúng ta có thể thấy, độ cao của tỉnh Kherson là cao về phía tây bắc, thấp dần về phía đông nam. Bên hữu ngạn có độ cao lớn hơn, khoảng từ 15 mét đến dưới 50 mét, phần xung quanh thành phố Kherson là vùng bình nguyên khá bằng phẳng với độ cao đều khoảng 50 mét đến 60 mét (màu xanh). Còn lại toàn bộ phần tả ngạn hay bờ đông sông Dnipro có độ cao ngang mực nước biển và rất nhiều khu vực có độ cao âm (thấp hơn mực nước biển). Mà vùng bên tả ngạn tức bờ đông thì lại chiếm diện tích khoảng 70% tỉnh Kherson, kéo dài đến tận vùng “cuống” của bán đảo Crimea chỗ nối với đất liền.

Như vậy nếu bị ngập nước từ hồ Kakhovka xuống, chúng ta chưa biết bao lâu nước sẽ rút nhưng vùng bị ngập lại… phần lớn bên khu vực bị quân Nga chiếm đóng. Trên bản đồ thì không thấy có bất cứ cái cù lao nào cho họ cả, thôi thì cứ giải thích theo hướng có lợi cho đương sự là quân Nga đi, thì lúc đó họ sẽ tụ tập trên các cù lao, gò cao… và chờ HIMARS hoặc 777 “ba cái rìu” đến “chào hỏi.” Vùng ngập có thể sẽ lan đến tận tỉnh Zaporizhzhia bên cạnh, đồng nghĩa với việc hạn chế giao thông liên lạc của cả mặt trận phía nam này với bán đảo Crimea đến mức tối thiểu, rất nhiều đoạn đường ngập sâu sẽ phải… đi đò.

Giải thích cho có lợi thế thôi, thực tế là quân Nga ở vùng tả ngạn Dnipro trước khi ngập đã phải chạy hết về Crimea rồi, thậm chí kéo theo cả bọn ở tỉnh Zaporizhzhia bên cạnh. Cái bọn hàng xóm này dù có không bị ngập, nhưng nếu không kịp chạy cũng sẽ chẳng còn những con đường ngắn, mà phải chạy về Donbas bằng những con đường dài hơn xung quanh đầy du kích Ukraine.

Việc phá con đập Kakhovka này cũng đồng nghĩa với câu chuyện là bán đảo Crimea không còn được cung cấp nước nữa. Vì vậy, xét những thông tin trên đây, chúng ta có thể cho rằng Nga chưa có ý định bỏ thành phố Kherson và vùng hữu ngạn, mà thậm chí còn chuẩn bị… đánh nhau. Trong trường hợp xấu nhất phải bỏ Kherson, mà có cơ hồ phải bỏ nốt cả vùng tả ngạn và bỏ luôn cả Zaporizhzhia, thì họ sẽ phá đập. Mà phá đập thì cũng là… bỏ nốt cả Crimea.

Đồng thời nếu không kịp rút hết quân bên vùng hữu ngạn về mà đã phá đập, thì bọn đó coi như trong túi nước, chỉ còn mỗi con đường đầu hàng.

Câu chuyện có vẻ rất gần một trò ép nhau bắt chấp nhận phương án mặc cả : mày để cho tao rút khỏi hai tỉnh đó yên lành, tao giữ bán đảo còn mày cấp nước.

Và cũng có vẻ người Ukraine nhận ra được tình thế đó, khi tin vỉa hè không chính thức (nhưng lại được mạng xã hội Nga xác nhận) đêm qua người Ukraine vẫn nện pháo chính xác vào cầu Antonovsky – làm gì có đoàn dân thường nào tản cư trong đó, toàn bọn máu mặt cả đấy. Bọn Nga còn mô tả những thiệt hại ghê gớm nữa, tui không muốn kể quá sâu vào chuyện này. Tất nhiên là phía Ukraine cũng sẽ phải có kế hoạch để chống họ phá đập, nhưng đó là những tình huống xấu nhất mà chúng ta cần nói đến. Nếu phá được kế hoạch đó của Nga thì những chiến sĩ tình báo Ukraine toàn phải được phong Anh hùng hết. 

Đến đây thì rất nhiều bác đã hình dung được kịch bản kết thúc chiến tranh rồi, xin phép cho tui được bàn luận ở bài sau.

PHÚC LAI 21.10.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.