Nhìn danh sách các bất động sản liên quan tới Vạn Thịnh Phát cho thấy một sự khác biệt rất lớn giữa Vạn Thịnh Phát và các đại gia bất động sản khác. Bản danh sách này có 156 "sổ đỏ" ở riêng TPHCM. Ở các tỉnh chưa tính.
Nghe nói họ mới mua một tòa nhà ở Hà Nội cũng có giá dăm trăm tỉ. Đặc biệt hơn nữa, một công ty con của Vạn Thịnh Phát mới mua lại dự án ngàn tỉ SG One tại trung tâm quận 1. Đây là dự án khủng, đắp chiếu hàng chục năm và là đất của vũ trường Phi Thuyền của Năm Cam cũ.
Lưu ý là Vạn Thịnh Phát mua lại dự án này sau dịch, khi hầu hết các doanh nghiệp đều khốn đốn vì Covid.
Bất động sản của Vạn Thịnh Phát (cứ cho là thế) hầu hết ở quận 1, 3, 5, 7 TP HCM. Phải tới quá nửa là ở quận 1 và quận 5. Đây là các vị trí rất trung tâm, trung tâm của Sài Gòn và Chợ Lớn, nên có giá rất cao và ổn định. Các bất động sản ở vùng ven và quận 7 (đất mới) chủ yếu là đất dự án. Đây chính là sự khác biệt.
Lẽ thường, giới đầu tư bất động sản hay thích mua bán đến ven đô, các khu mới phát triển, hơn là đất trung tâm. Bởi vì đất trung tâm có giá cao nhưng khó giao dịch (do giá quá cao), lại rất ổn định, khó thổi giá, nên lợi nhuận sẽ không cao. Ngược lại, đất ven đô mới có biên độ tăng giá cao, kinh doanh mới dễ lãi lớn, dễ thổi giá, điển hình là đất Thủ Thiêm.
Vì thế những ai mua bất động sản trung tâm thì không nhằm mục đích đầu tư, kinh doanh mà chủ yếu nhằm mục đích cất giữ tiền và cho thuê bất động sản (ở đây chủ yếu là cho thuê văn phòng). Lợi nhuận từ việc cho thuê sẽ không thể cao như kinh doanh bất động sản, tỉ suất lợi nhuận cũng không cao vì số tiền phải bỏ ra để mua bất động sản trung tâm là quá lớn.
Vì thế nên đa số các đại gia bất động sản tiếng tăm như VIN, Novaland, Tân Hoàng Minh, FLC, SUN...đều chủ yếu là nhà đầu tư và phát triển bất động sản. Họ đầu tư các dự án xây mới là chính, rồi bán lại, các bất động sản ở trung tâm của họ, nếu có, cũng là do họ tự đầu tư xây dựng chứ không phải mua lại tòa nhà. Ngược lại, như VIN, họ còn bán bớt các tòa nhà ở trung tâm. Như bán tòa tháp văn phòng Vincom Bà Triệu Hà Nội cho một ngân hàng, hay Vincom A ở quận 1 Sài Gòn cho Vạn Thịnh Phát.
Điều đó cho thấy là Vạn Thịnh Phát có một lượng tiền khổng lồ cần cất giữ bằng cách mua các bất động sản trung tâm. Doanh nghiệp này đầu tư phát triển dự án không nhiều như Novaland hay VIN, nhưng lượng bất động sản tích trữ này lại quá lớn. Điều đó có thể dẫn tới câu hỏi lại Vạn Thịnh Phát kiếm tiền ở đâu ra mà nhiều như vậy?
Nếu là lợi nhuận từ ngân hàng SCB, mà Vạn Thịnh Phát là cổ đông chính, thì lẽ ra SCB phải là ngân hàng vững mạnh, chứ sao lại bị kiểm soát đặc biệt, mất cả quyền điều hành? Lợi nhuận từ SCB cũng khó mà nhiều được như vậy mà không lộ rõ bởi ngân hàng này bắt buộc phải minh bạch tài chính, cổ đông thu lợi nhuận bao nhiêu khó mà giữ kín được.
Với lượng bất động sản có giá trị khổng lồ như vậy, thì việc Vạn Thịnh Phát bán ra trái phiếu vài chục ngàn tỉ cũng không phải là quá lớn, mất khả năng trả tiền cho trái chủ, nhất là các dự án của Vạn Thịnh Phát đều có vị trí đẹp, sẽ dễ bán và lợi nhuận cao.
Câu hỏi tiếp theo là nguồn tiền của Vạn Thịnh Phát là từ đâu? Hay là cất tiền cho anh em quan lại, sếp nào đứng sau họ? Trung Quốc đầu tư chui và rửa tiền bẩn thông qua Vạn Thịnh Phát? Việc bắt bớ Vạn Thịnh Phát và chiếm quyền điều hành SCB liệu có quá đà, khi Vạn Thịnh Phát và SCB vẫn có tiềm lực tài chính mạnh mẽ?
Vụ này vẫn còn nhiều bí ẩn phía sau.
DƯƠNG QUỐC CHÍNH 20.10.2022
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.