dimanche 16 octobre 2022

Phúc Lai - Biểu quyết lên án Nga sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine : Việt Nam một lần nữa lạc điệu trên trường quốc tế

 

Lại thêm một lần nữa, nhà nước Việt Nam lại tỏ ra lạc điệu, khi Tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới bỏ phiếu về một Nghị quyết lên án Nga. Điều đáng nói, đây đã là lần thứ tư, nhà nước Việt Nam có hành động gây thất vọng cho rất nhiều người đang ủng hộ cuộc đấu tranh tìm hòa bình của người Ukraine.

Nhớ lại những lần trước chỉ ngay trong năm nay thôi, nhà nước Việt Nam cũng đã có những hành động tương tự:

Ngày 2 tháng Ba năm 2022, mười ngày sau khi cuộc chiến tranh nổ ra, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bỏ phiếu yêu cầu Nga ngừng bắn ngay lập tức, rút toàn bộ lực lượng và bảo vệ tính mạng cho tất cả dân thường. Nghị quyết này có 141 phiếu thuận, 5 phiếu chống và 35 phiếu trắng. Việt Nam bỏ phiếu trắng, không phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Nga.

Ngày 24 tháng Ba, Đại hội đồng đã bỏ phiếu một nghị quyết lên án Nga đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine, kêu gọi ngừng bắn và bảo vệ ngay lập tức cho hàng triệu thường dân và nhà cửa, trường học và bệnh viện quan trọng đối với sự sống còn của họ. Nghị quyết này có 140 phiếu thuận, 5 phiếu chống và 38 phiếu trắng. Việt Nam bỏ phiếu trắng.

Sang ngày 7 tháng Tư 2022 Đại hội đồng đã bỏ phiếu cho một nghị quyết đình chỉ tư cách của Nga trong Hội đồng Nhân quyền có trụ sở tại Geneva, vì cáo buộc binh sĩ Nga ở Ukraine vi phạm tội ác chiến tranh. Số phiếu bầu là 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng. Việt Nam là một trong 24 phiếu chống.

Mới nhất là ngày hôm qua, 12 tháng 10 với 143 phiếu thuận, 5 phiếu chống và 35 phiếu trắng, Đại hội đồng Liên Hợp quốc trong kỳ họp khẩn bất thường về tình hình Ukraine đã thông qua Nghị quyết lên án hành động của Nga sáp nhập bất hợp pháp các vùng lãnh thổ của Ukraine. Một lần nữa Việt Nam lại bỏ phiếu trắng, từ chối lên án Nga.

Nếu ngược dòng thời gian về trước hơn 8 năm, vào năm 2014 khi Nga chiếm và sau đó sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng đã ban hành một nghị quyết khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý dẫn đến việc Nga sáp nhập Bán đảo Crimea là bất hợp pháp. Nghị quyết đã được thông qua với 100 phiếu thuận, 11 phiếu chống và 58 phiếu trắng. Do có nghị quyết này, hầu như không có quốc gia nào công nhận Crimea thuộc Nga. Việt Nam nằm trong số bỏ loại phiếu nào, chắc hẳn bạn đọc của Nhịp cầu thế giới dễ dàng đoán được.

Để hiểu được thái độ “kỳ lạ” hay như người ta thường bình luận, “lạc điệu” này, chúng ta cần ngược dòng thời gian một chút. Như có lần tôi đã viết trong bài “Putin và các mốc thời gian” về sự vùng dậy mạnh mẽ của cái gọi là  “Chủ nghĩa Putin” (“Putinism”) từ khoảng năm 2007. Từ hồi đó bắt đầu quan sát những biến chuyển của trạng thái tâm lý xã hội Nga, tôi đã nhận thấy những yếu tố nguy hiểm của vấn đề.

Mặc dù rất cố gắng phục dựng lại những biểu tượng lịch sử, như mới đây nhất tổng thống Nga V.Putin đã ca ngợi những chiến công của Piotr Đại đế, nhưng như những người hiểu biết đã nói: “Nước Nga hiện đại chạy trời không thoát khỏi cuộc Chiến tranh Vệ quốc”. Trong lịch sử nước Nga cận đại, cái bóng của cuộc Chiến tranh này quá lớn nên nó như bao trùm hết lên tất cả mọi mặt của đời sống tinh thần xã hội. Như có lần tôi đã nhận xét: mặc dù họ có “Ngày nước Nga” (12 tháng Sáu) nhưng họ không thực sự có một ngày đủ ý nghĩa để biến nó thành ngày Quốc khánh.

Hồi đó tôi còn viết trên mạng xã hội: điều thú vị là hầu hết các nước trước đây là một trong 15 nước cộng hòa của Liên Xô cũ nay dùng ngày độc lập từ thực thể đã chết đó, làm ngày Quốc khánh. Có thể kể ra những nước (10 nước) như: Armenia (21 tháng Chín), Azerbaijan (18 tháng Mười), Kazakhstan (16 tháng Mười hai), Kyrgyzstan (31 tháng Tám), Moldova (27 tháng Tám), Tajikistan (9 tháng Chín), Turkmenistan (27 tháng Chín), Uzbekistan (1 tháng Chín) và cuối cùng là Ukraine (24 tháng Tám). Riêng Lithuania (11 tháng Ba năm 1989) ngày Độc lập của nước này ngày này gắn với sự kiện Quốc hội họp và ra tuyên bố việc Liên Xô sáp nhập Lithuania theo Hiệp ước bất tương xâm Molotov-Ribbentrop ngày 23 tháng Tám năm 1939 là bất hợp pháp).

Có ba nước không dùng mốc “độc lập từ Liên Xô” nhưng lại còn đi xa hơn, đó là: Estonia: 24 tháng Hai; Geogia: ngày 26 tháng Năm; Latvia (18 tháng Mười Một) đều từ năm 1918 đánh dấu sự độc lập từ… Đế quốc Nga Sa hoàng. Từ năm 1991 ở Estonia ngày 20 tháng Tám cũng là ngày nghỉ vì đó là sự kiện độc lập từ… Liên bang Xô-viết. Đồng thời ngày 26 tháng Năm năm 1991 cũng được kỷ niệm hàng năm vì đó là ngày tuyên bố độc lập của Georgia khỏi Liên bang Xô-viết.

Riêng Belarus, vốn được coi là chư hầu của Nga là trường hợp thú vị: ông Lukashenko lấy ngày 3 tháng Bảy – ngày này năm 1944 Hồng quân giải phóng thủ đô Minsk khỏi sự chiếm đóng của phát-xít Đức. Việc này phù hợp với xu thế của riêng họ vì từ năm 1997, Belarus cùng Nga ký kết hiệp ước thành lập Liên minh Nga-Belarus. Thêm một yếu tố này nữa cho thấy việc “độc lập khỏi Liên Xô” mà được kỷ niệm cứ như cái tát vào mặt Nga-Putin.

Vào ngày 25 tháng Mười Hai năm 1991, lá cờ búa liềm của Liên Xô được hạ xuống, đó là lần cuối cùng nó được treo trên Điện Kremlin, sau đó được thay thế bằng cờ ba màu của Nga. Trước đó cũng cùng ngày, Mikhail Gorbachev đã từ chức tổng thống Liên Xô, để Boris Yeltsin làm Tổng thống một nước Nga mới độc lập.

Đáng tiếc là nước Nga của Putin đã không coi đây là một sự kiện trọng đại, một sự giải phóng cho đất nước. Cùng với sự phục hồi của Chủ nghĩa Đại Nga song hành với Chủ nghĩa Putin, những “Ngày độc lập” của các nước Liên Xô cũ trên đây, với Putin đều là những sự sỉ nhục. Tôi hoàn toàn không nghi ngờ rằng nếu kế hoạch của ông ta thành công, thì ông ta sẽ rất cố gắng chọn ngày 30 tháng Mười Hai năm nay làm ngày tuyên bố thành lập một thực thể mới, trùng vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Liên bang Xô-viết (30/12/1922).

Đúng là Putin rất thích các mốc thời gian, và ông ta luôn cố gắng thu xếp cho các sự kiện của đời sống chính trị của mình gắn với những sự kiện lớn. Là một người sùng đạo (Putin theo Đạo Chính thống Nga) ông ta dường như đã vượt qua khỏi sự sùng đạo thông thường, mà đã muốn xây dựng mình thành một hình mẫu “sự lựa chọn không thể thay thế của lịch sử.” Dạng say mê quyền lực và hình ảnh cá nhân này khi còn sống trên đỉnh cao quyền lực sẽ biến mình thành Hoàng đế vĩ đại (qua việc tự so sánh bản thân với Piotr Đại đế) và sau khi chết sẽ mong muốn lưu danh thiên cổ như một vị thánh.

Đáng tiếc là, Putin có cố gắng mấy cũng không học được Piotr Đại đế được một phần nhỏ. Để có được đường ra biển, Đại đế đã tiến hành hai lần cuộc chiến tranh ở Azov chống Hãn quốc Crimea (Chiến tranh Nga – Ottoman, Đế quốc Ottoman khi đó bảo trợ cho Hãn quốc Crimea). Lần đầu quân Nga không có hải quân và thua, lần sau họ quay lại với hàng trăm chiến thuyền và giành chiến thắng. Đại đế cũng lại thi hành hai lần cuộc Chiến tranh ở Bắc Âu, và ở Narva ông đã nếm trải thất bại trước vua Charles của Thụy Điển nhưng lần sau ông lại chiến thắng.

Putin thì không biết cách chấp nhận thất bại và cứ thế dấn sâu mãi, chuốc lấy thất bại lớn hơn. Hơn thế nữa, Piotr là người đã xây dựng thành phố Sankt Petersburg hoa lệ, nhưng Putin cho đến giờ phút này chưa để lại cho văn minh nhân loại bất cứ một thành tựu gì.

Nói chuyện lịch sử để thấy, trong suốt 15 năm qua đầu tiên Putin muốn phục dựng hình ảnh của Liên Xô, nhưng không phải là để phục hồi những gì tốt đẹp – ít nhất trong những khẩu hiệu cộng sản của nó. Trong thời gian cầm quyền của mình, Putin đã rất “thành công” trong việc xây dựng cho nước Nga một xã hội phân hóa giàu nghèo sâu sắc, dựa trên thứ chủ nghĩa tư bản hoang dã và mafia hóa. Gần như tất cả những thành tựu của Yetlsin về một nền kinh tế tự do, nay đã chấm dứt và biến tướng thành chủ nghĩa tư bản phát triển theo hướng méo mó tột cùng.

Trong bối cảnh đó, những tư tưởng Đại Nga và Putinism của Putin theo hướng “ở đâu có người Nga sống, đó là đất Nga” ngày càng thịnh hành. Hàng năm, cứ ngày 9 tháng Năm, ngày Lễ chiến thắng núp dưới chiêu bài ca ngợi cuộc chiến chống phát-xít, nhưng thực chất đó là một kế hoạch cướp công tinh vi nhưng không kém phần trắng trợn. Những người lính Hồng quân nhưng thuộc các dân tộc mà bây giờ đất nước của họ không nằm trong hệ thống vệ tinh của Nga, thì dần dần biến thành… phát-xít. Những tuyên truyền chống lại nhân dân các nước Baltic (Estonia, Litva và Latvia) chẳng qua là “chưa đến lúc”, lúc này mũi dùi đang hướng về Ukraine, nơi họ quan tâm nhiều nhất.

Lại nói đến những gì họ vẫn thường trình diễn trên Quảng trường Đỏ hàng năm, càng ngày những hình ảnh đó càng giống những hình ảnh quân đội Đức quốc xã duyệt binh hồi cuối thập niên 1930 đầu 1940. Sự trình diễn bây giờ được ca ngợi là quá trình vùng dậy của thực thể đã chết nhưng đã từng được ca ngợi là “thành trì của hòa bình thế giới.”

Khi ghép nối (1) Chủ nghĩa Đại Nga – Putinism “ở đâu có người Nga sống, đó là đất Nga” – không khác gì thuyết không gian sinh tồn của chủ nghĩa Quốc xã trước đây (2) Tính chuyên quyền của thể chế độc tài, tập trung tất cả mọi mặt đời sống xã hội vào tôn sùng một cá nhân và (3) Quân phiệt hóa, sự thèm khát bạo lực của đa số dân chúng dành cho những dân tộc khác mà họ coi là khác chí hướng, ở thời đại hiện nay còn được hỗ trợ thêm bằng những lý thuyết về răn đe hạt nhân; chúng ta sẽ không thể đưa ra một kết luận nào khác rằng: Putin đang phục hồi chủ nghĩa phát-xít.

Lá cờ đỏ của Hồng quân Liên Xô, của Liên bang Xô-viết chỉ được Putin đem ra làm công cụ cho tuyên truyền. Như trong bài “Chiến thắng lịch sử của Putin” tôi đã viết: Putin có tội với vong linh của người lính Hồng quân Liên Xô, những người đã cùng với bao nhiều lính của các dân tộc khác đổ máu xương để đem lại cho chúng ta hòa bình. Lá cờ vinh dự của Sư đoàn Bộ binh cơ giới 150 “Idritsa – Berlin” đã từng được cắm lên tòa nhà Đế chế Đức (Reichstag, như chúng ta thường gọi là Nhà Quốc hội Đức) nay được nhân ra thành rất nhiều phiên bản giao cho các đơn vị Nga đi… xâm lược Ukraine, trong đó có cả cái Sư đoàn trứ danh được thành lập lại là Sư đoàn Bộ binh cơ giới 150 nói trên. Đáng tiếc là sau chiến trận, những lá cờ hầu hết được quân Nga vứt lại như giẻ rách vì họ còn bận bỏ chạy thoát thân.

Đầu năm 2022, khi nước Nga của Putin phát động cuộc chiến tranh chống đất nước Ukraine hàng xóm mà họ còn cố gọi là “Chiến dịch quân sự đặc biệt,” nó đã gây ra cho rất nhiều thực thể trên thế giới này sự khó xử. Khó xử là hoàn toàn có thể hiểu được, vì nước Nga của Putin đã hành xử hoàn toàn không giống, không xứng đáng với vị thế của nó. Là người kế thừa mọi thứ của Liên bang Xô-viết, nước Nga tự động kế thừa luôn cả vinh quang của nó, nhưng đáng nhẽ ra hành xử cần phải xứng đáng với những vinh quang và truyền thống đó, nước Nga của Putin làm ngược lại.

Những gì họ tuyên truyền chống nhà nước Ukraine và người dân của nó, ở thời đại thế giới phẳng chỉ có người dân Nga tin (từ một số lớn rất nhiều người Nga bỏ đất nước ra đi từ đầu chiến tranh đến nay) và một bộ phận không nhỏ người Việt Nam vẫn sống trong những khẩu hiệu từ thời chiến tranh là còn tin. Thế giới người ta không tin – điều đó là chắc chắn, nó được thể hiện qua những con số của những lần bỏ phiếu ra nghị quyết lên án Nga tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Trải qua mấy chục năm hậu chiến – nếu tính cái mốc chiến tranh Việt Nam năm 1975 kết thúc thế giới đã có rất nhiều thay đổi. Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, và dần dần được dỡ bỏ các lệnh cấm vận. Bản thân chính Hoa Kỳ cũng đã có rất nhiều động thái thừa nhận sai lầm của mình khi tham gia vào cuộc chiến tranh này – việc chống chủ nghĩa cộng sản bằng chiến tranh là một sai lầm. Đáng tiếc là nhà nước Việt Nam hầu hết trong những nhìn nhận của mình về cuộc chiến, không phải như vậy. Dường như nhà nước Việt Nam vẫn muốn “bắt” nước Mỹ phải công nhận chế độ cộng sản ở Việt Nam là một chế độ chân chính và không được chống phá nó. Tuy nhiên điều đó đi ngược với tư tưởng dân chủ của phương Tây đã được xây dựng qua mấy trăm năm, từ Đại cách mạng Pháp năm 1789.

Gắn với cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm này và sẽ còn rất nhiều tranh cãi, là vai trò của Liên Xô và Trung Quốc, nhất là Liên Xô. Mấy chục năm qua, chúng ta vẫn quen với những câu cửa miệng như Liên Xô và bây giờ là Nga, những người bạn thủy chung tình nghĩa, giúp đỡ Việt Nam chí tình để chông ngoại xâm… Câu chuyện cụ thể như thế nào tôi sẽ không đi sâu, tức là cố gắng tránh không sa vào “chủ nghĩa xét lại”, nhưng điều tôi muốn nói là, đã có rất nhiều thay đổi trên cái thế giới này, và trong đó điều thay đổi lớn nhất là nước Nga với sự xuất hiện của Putin.

Trong quá trình đó, bản thân Putin cũng thay đổi. Nếu ai đó còn nhớ cái mốc năm 2005, nước Nga cùng các nước Liên Xô cũ kỷ niệm hoành tráng 60 năm Chiến thắng phát-xít, thì vai trò của các nước Đồng minh Mỹ, Anh, Pháp… được trọng vọng như thế nào. Chỉ sau đó vài năm, đồng thời với sự thất vọng của Putin rằng nước Nga của ông ta nếu cứ tiếp tục với những tư tưởng mafia của mình, thì chẳng bao giờ đi cùng với nền văn minh nhân loại được cả. Putin thay đổi theo hướng thâm độc, đen tối và nguy hiểm hơn rất nhiều, đòi hỏi toàn thế giới phải nhớ câu “Hỡi nhân loại, hãy cảnh giác” của Julius Fucik, tác giả cuốn “Viết dưới giá treo cổ” luôn nhắc nhở thế giới phải có trách nhiệm ngăn chặn mọi mầm mống của chủ nghĩa phát-xít.

Từ hồi đó khi tham gia các diễn đàn online (chưa có mạng xã hội) tôi đã viết một số bài về sự lo ngại khi chứng kiến quá trình thay đổi nguy hiểm này của nước Nga. Hồi đó tôi đã lờ mờ – tuy chưa dám đưa ra những dự đoán, nhưng dự cảm về một cuộc chiến mà nước Nga của Putin sẽ gây ra khá rõ ràng. Mọi thứ đã hội đủ: nhà cầm quyền độc tài, tư tưởng quân phiệt, thuyết “không gian sinh tồn kiểu mới” tất cả được đặt vào một quốc gia được coi là có quân đội thứ hai thế giới với vũ khí hạt nhân, tất yếu nó sẽ gây ra chiến tranh. Quá trình này thậm chí đã được chính các nhà học giả và lý luận Mác-xít vạch ra thành quy luật qua sự hình thành, xuất hiện, phát triển và diệt vong của chủ nghĩa phát-xít – Quốc xã Đức – Ý và quân phiệt Nhật Bản hồi thập niên 1940.


Cứ mỗi lần xem lại những tấm ảnh tự tay mình chụp các cựu chiến binh Xô-viết trong ngày lễ Chiến thắng, tôi lại rưng rưng vì thương họ – những người đang bị đưa ra làm bình phong cho một âm mưu bẩn thỉu. Cái vỏ hào nhoáng đó đáng nhẽ ra cần phải nhận được những lời cảnh bảo sớm hơn và tỉnh táo hơn cho tất cả, kể cả những lãnh đạo Việt Nam hiện nay. Thế giới thay đổi thì chúng ta cũng cần phải thay đổi.

Tôi muốn nói rằng, công ơn của Liên Xô có thể là trời bể thật đấy, nhưng giờ đây nó không còn nữa, và nước Nga của Putin thì tuyệt đối không phải Liên Xô đâu, họ bịp bợm đấy! Tiếc là số người cùng chia sẻ với tôi, rất không nhiều, thậm chí số người a dua vào đánh đồng nước Nga của Putin với Liên Xô, vẫn rất đông. Vì không nhận ra sự thay đổi nghiêm trọng đó, vẫn còn chưa nghĩ ra được cách thức tiếp cận với lịch sử, nên chúng ta đang sai lầm, thậm chí có những hành động “lạc điệu” ở mức nhà nước.

Cá nhân tôi thì thông cảm, vì mọi chuyện không thể ngày một, ngày hai mà thay đổi được – bản thân tôi cũng đã từng mù quáng tin vào rất nhiều thứ người ta vẽ ra và hoàn toàn không sớm tỉnh ngộ. Cuộc chiến tranh này mà Putin gây ra, dù nó là đau thương với dân chúng cả hai bên, nhưng về Triết học mà nói “không có cái gì xảy ra là ngẫu nhiên” – đây là một cuộc chiến ở nhiều khía cạnh, là cần thiết. Tôi tin là không ít người từ ngày 24 tháng Hai năm nay, thay đổi cái nhìn của mình về một nước Nga của Putin: người thì 180 độ, người rơi vào im lặng và nghiền ngẫm những suy nghĩ riêng…

Để thay đổi nhận thức của đại đa số thành viên của một cộng đồng xã hội, cần thời gian. Điều này sẽ càng đúng với tư tưởng thượng tầng kiến trúc xã hội. Cuộc chiến đã, đang và sẽ đem lại nhiều điều “sốc tâm lý” với người Việt:

- Rõ ràng là “thành trì của hòa bình thế giới” đến một ngày bị lên án ở Liên Hợp Quốc (xin gạt luôn cái lý luận cho rằng đó là tổ chức bù nhìn Mỹ giật dây đi nhé, chính Việt Nam ta cũng tham gia ngày càng sâu rộng vào nó và tiếng nói ngày càng có sức nặng đó).

- Rõ ràng là chưa thấy chống phát-xít ở đâu mà mang tên lửa bắn hết vào bệnh viện đến chợ, sát thương rất nhiều thường dân. Dù họ có là người dân của một nước phát-xít thật đi chăng nữa, cũng không được phép hành xử như thế, đó là tội ác diệt chủng chống lại nhân loại.

- Rõ ràng là quân đội thứ hai thế giới và vũ khí của họ, vốn là chỗ dựa, là xương sống của lực lượng vũ trang nước ta đang thất bại thảm hại trên chiến trường, nó đặt ra câu hỏi rất lớn về thực lực của khí tài của quân đội ta trong những cuộc chiến tiềm tàng của tương lai.

Để kết luận, tôi xin dẫn một thông tin: trước cuộc bỏ phiếu hôm thứ Tư 12 tháng Mười đã đề cập, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã có cuộc họp trực tuyến với 160 nhà ngoại giao  nước ngoài có trụ sở tại Mỹ, đại diện cho hơn 100 quốc gia để yêu cầu họ bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết. Quan điểm của Hoa Kỳ là trong cuộc chiến Ukraine – Nga không có cái gọi là trung lập, và hành động của Tổng thống Nga Vladimir Putin là “hoàn toàn không thể chấp nhận được ”.

Như vậy có thể đánh giá hành động của Nhà nước Việt Nam là rõ ràng, dứt khoát chứ không hề nửa vời – không ủng hộ Nga Putin, tuy không phản đối. Cá nhân tôi vẫn cho rằng, kể cả từ góc độ tư tưởng thượng tầng kiến trúc xã hội, thứ quyết định thái độ của nhà nước Việt Nam cũng sẽ thay đổi và trong cuộc chiến tranh lần này, những lần bỏ phiếu trắng của nhà nước Việt Nam giống như một sự trả nợ tình nghĩa. Để trả cái nợ này, có thể vẫn phải chấp nhận một sự thua thiệt nào đó trước thái độ cũng rõ ràng không kém của Hoa Kỳ trên đây.

Sau chiến tranh, thời gian sẽ qua cùng sự ra đi của lớp lãnh đạo thủ cựu, sẽ là sự thay đổi mạnh mẽ. Chẳng có gì chứng minh tốt bằng những con số biết nói: kim ngạch thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2021 đạt 111 tỉ đô-la, trong khi trao đổi thương mại giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga đạt 5,54 tỉ đô-la Mỹ (đó là đã tăng trên 14% so với năm 2020)…

Cuộc chiến đã đi đến hồi kết và có một thứ không khó hình dung, là sinh mạng chính trị của Putin, cũng sẽ kết thúc cùng cuộc chiến. Sẽ có nhiều “sự ra đi” trong tương lai ở nhiều nước, và có điều chắc chắn sau cơn mưa trời lại sáng. Rồi thì, chúng ta sẽ dần dần không nhìn thấy những lá “phiếu trắng” của nước nhà nữa, mà dám tuyên bố: “Putin, ông sai rồi!

PHÚC LAI 14.10.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.