dimanche 16 octobre 2022

Phúc Lai - Nhận xét về thông tin hóng được sau ngày thứ 234 của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine (14/10/2022)

 

1. Điểm tin chiến sự

Ngày hôm qua 14/10 trong bản tin của Bộ Tổng tham mưu Ukraine không thấy thông tin “quân ta đã đẩy lùi các đợt tấn công của địch ở các hướng…” Điều này suốt mấy tuần vừa qua chúng ta đã đọc tập trung nhiều nhất là hướng Bakhmut. Đến hôm qua Nga tạm nghỉ giải lao nhưng pháo kích nhiều làng trên hướng này.

Vậy các tin đáng chú ý là gì?

• Lãnh đạo Cộng hòa Belarus tiếp tục hỗ trợ Liên bang Nga thực hiện hành vi xâm lược quân sự trên lãnh thổ Ukraine. Do đó, theo thông tin có được, một gói cung cấp khác gồm vũ khí, trang thiết bị quân sự và đạn dược đã từ Gomel đến vùng lãnh thổ tạm thời bị chiếm đóng của Cộng hòa Crimea.

• Tại thành phố Kherson bị chiếm đóng tạm thời, những người chiếm đóng đã cướp 13 trong số 15 phương tiện thủy kiểu xà lan để vận chuyển nhân lực và thiết bị qua sông Dnipro từ cảng sông địa phương.

• Trong lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời ở Crimea của Ukraine, chính quyền chiếm đóng đã ban hành lệnh quy định cụ thể thủ tục sơ tán các viện bảo tàng. Đặc biệt, các kế hoạch sơ tán bên trong (trong khu vực bị chiếm đóng) và bên ngoài (đến lãnh thổ của Liên bang Nga) đã được phê duyệt cho các bảo tàng của khu vực tạm thời bị chiếm đóng. Vật chứng có giá trị vật chất lớn nhất được ưu tiên sơ tán.

• Theo thông tin chi tiết, việc tiêu diệt một số lượng đáng kể quân địch trong những ngày trước đó đã được xác nhận. Do đó, do các hoạt động hiệu quả của Lực lượng Phòng vệ trong các khu vực định cư Khlibodarivka của vùng Donetsk, Tokmak của vùng Zaporizhia và Tokarivka của vùng Kherson, những người chiếm đóng đã mất tới 150 nhân mạng và khoảng 100 người bị thương. 3 tổ hợp S-300 cũng bị phá hủy và có tới 10 đơn vị vũ khí và thiết bị quân sự khác.

• Theo thông tin sơ bộ, tại khu vực ga xe lửa ở thành phố Anthracite, vùng Luhansk, bộ đội ta đã phá hủy một phần đáng kể vũ khí, quân trang của địch vận chuyển bằng đường sắt. Số lượng và mức độ thương vong, thiệt hại đang được làm rõ.

Bình loạn :

Tui chưa muốn nói rằng quân Nga đã thực sự hết hơi – gì chứ chút hơi tàn chắc là vẫn còn chứ. Thỉnh thoảng họ sẽ cố tấn công ở hướng Bakhmut, vậy thôi.

Hôm trước chúng ta đã nghe thông tin về việc Nga cho sơ tán dân thường khỏi Kherson – dân này là dân Nga, dân theo Nga, những người đã vào quốc tịch Nga. Theo bản tin Bộ Tổng tham mưu Ukraine thì như vậy, họ vẫn tiếp tục cố gắng tiếp tế cho bên hữu ngạn của Kherson bằng phương tiện đường thủy.

Điều này cho thấy một số ý (1) Việc phong tỏa đường bộ bằng cách đặt các cây cầu của vùng Kherson trong tầm pháo vẫn đang tiếp tục và có hiệu quả; (2) Nhu cầu ngày càng tăng cũng như năng lực vận tải của hậu cần quân Nga ở đây ngày càng giảm. Bộ Tổng tham mưu Ukraine đã báo cáo như vậy chẳng nhẽ họ để yên cho Nga dùng xà lan cướp được để vận tải qua sông?

Tình hình khu vực Nam Buh (tính cả Kherson và Zaporizhzhia) các diễn biến như trước đây vẫn tiếp tục, nôm na là quá trình bào mòn vẫn không dừng mà nó đang kiên trì sồn sột, sồn sột ngoáy vào các khớp chân khớp tay của quân đội Nga. Chẳng hạn như vùng Tokmak trên đây, rõ ràng là một khu vực tập trung rất lớn lực lượng của Nga về mật độ cả nhân lực lẫn khí tài, đặc biệt là khí tài quan trọng là hệ thống phòng không. Bất chấp những đe dọa đó, quân Nga vẫn tiếp tục kiên trì không thay đổi vị trí. Chi tiết này rất phù hợp cho các tiểu thuyết của mấy chuyên gia Lee Yutong: quân Nga nghi binh. Họ thường xuyên bố trí ở đây các thiết bị bơm hơi để lừa quân Ukraine tốn bao nhiêu là đạn HIMARS – ấy thế mà quân Ukraine vẫn kiên trì tiêu diệt đi tiêu diệt lại. 

Vụ tiêu diệt một kho hậu cần rất lớn của quân Nga ở ga Antratsyt (Антрацит) vùng Luhansk hôm qua rất đáng chú ý. Chúng ta sẽ không nói về khả năng nắm bắt được tin tình báo của Ukraine nữa, mà tui xin lưu ý các bác về vị trí của nó. Từ thị trấn này đến biên giới Nga (vùng Rostov) gần nhất là 24 ki-lô-mét, đường chim bay nó cách chỗ gần nhất do Ukraine chiếm, ví dụ như Bakhmut là 95 ki-lô-mét.

Trong một phép toán trẻ con như vậy chúng ta sẽ thấy nếu quay cái compa với tâm là Bakhmut và bán kính 90 ki-lô-mét, thì vòng tròn sẽ phủ trọn luôn cả hai thành phố Luhansk và Donetsk, còn với những thị trấn xa hơn sẽ cần những loại đạn tầm xa hơn 90 ki-lô-mét hiện nay một chút của HIMARS. Với những dữ liệu trên chưa cho thấy là Ukraine đã sử dụng loại đạn nào đó có tầm bắn 150 ki-lô-mét để phá hủy trung tâm hậu cần Antrasyt, nhưng cũng không có căn cứ loại trừ việc này. 

Hôm trước post bài review đã có bác nhắc tui về chi tiết này nhưng thú thực chưa có nhiều thông tin, chưa dám bàn soạn gì. Việc “nâng tầm” HIMARS là chắc chắn, vì cũng có một điều chắc chắn khác là Nga sẽ lại đối phó, không bằng một cách cao siêu gì mà chỉ đơn giản là thiết lập các kho đạn dược mới ở ngoài khoảng cách 100 ki-lô-mét, ví dụ như từ 130 đến dưới 150 ki-lô-mét. Để đặt kho xa hơn nữa sẽ gây quá tải cho lực lượng vận tải Nga, nhưng việc di dời là không thể không làm. Nga sẽ chấp nhận đau thương và thậm chí, giảm cường độ, mật độ và tần suất tổ chức hỏa lực pháo binh để duy trì thế trận.

Việc họ bắt đầu cướp phá các bảo tàng của Crimea cho phép chúng ta tưởng tượng tới năm 1941, đứng trước khả năng vỡ một số mặt trận không thể cứu vãn, Liên Xô đã cho sơ tán hàng loạt các cơ sở quan trọng về phía đông.

2. Về tình hình Belorus

Anh Lukashenko sẽ không bao giờ cho quân tham gia cuộc chiến của Putox cả, điều đó gần như chắc chắn 100%, nếu nói 99% là để cho có tí khách quan thôi. Từ trước đến nay anh ta vẫn luôn luôn duy trì một chính sách đào mỏ với Putox, nên bây giờ có đưa trả lại cái gì cũng chỉ là “của thiên trả địa” mà thôi.

Theo thông tin của Bộ Tổng tham mưu Ukraine thì anh ta vẫn cố khép chặt cặp giò trong khi Putox vẫn cố cưỡng hiếp anh ta. Hiện trạng lúc này của Lukashenko là ép căng quá thì nhả một tí, căng đến thế này là cùng rồi chứ còn thế nào nữa. Tầm này cũng là tầm Putox “đi nhẹ nói khẽ cười duyên” với hướng Belorus chứ không đùa được. Phế bỏ Lukashenko ở thời điểm hiện tại, là không thể đặt ra với Putox – mà cũng chẳng biết rằng nói thế có chính xác hay không nữa – biết đâu lão ta có con bài khác để thay Lukashenko thì sao? Nhìn chung với những gì chúng ta nắm được thì không có.

Vì vậy quá trình “xin đểu” vẫn sẽ diễn ra, và Lukashenko sẽ tiếp tục bảo vệ trinh tiết của mình cho đến phút cuối cùng của… Putox.

Nhưng câu chuyện chưa dừng lại ở đây. Tuần trước thì phải, bác đạo diễn ca nhạc đại tài của chúng ta có giật một tin ngắn: Nga tập trung ở Belorus 120.000 quân để… tấn công vào phía Bắc Ukraine vào tháng Hai năm 2023. Tin thu hút được khá nhiều ý kiến theo dạng… choáng váng và lo sợ. Trước đây chính bác ta đã chửi tui về việc khi bác ta nói “tin 700 đến 1.000 máy bay của Nga tập trung ở biên giới là bịa” thì tui nói rằng đó là Yuri Ignat (người phát ngôn của Không quân Ukraine) nói chưa Nga không bịa gì cả… Bây giờ đến tin này thì độ khả tín của nó đến đâu?

Đầu tiên chúng ta cần tư duy một chút về nó. (1) Nếu Nga có sẵn 120.000 quân thì nên bố trí vào các hướng như Donbas và mặt trận phía Nam, cần hơn. (2) Nếu tấn công vào bắc Ukraine thì tại sao lại là tháng Hai năm 2023, nghĩa là lặp lại sai lầm của chính mình về mặt thời gian và thời tiết?

Chúng ta cần hiểu thêm một chút, trong cách tiếp cận lý thuyết truyền thống của quân đội Xô-viết (có cả Nga và Ukraine trước đây trong đó) thì mùa đông với các đội quân muốn tấn công, là mùa thuận lợi. Mặt đất đóng băng cứng rất tốt cho vận động của những binh đoàn xe tăng lớn: họ không chỉ phụ thuộc đường giao thông, mà có thể cho xe tăng phi xuống ruộng. Những con hào, lạch, suối lớn và sông nhỏ lượng nước ít đóng băng hoàn toàn có thể được vượt qua dễ dàng, nếu cần chỉ cần ủi một ít đất, cây cối xuống là xong… Vì vậy mùa tấn công thuận lợi của Nga ở trong cuộc chiến này ở Ukraine, vẫn là mùa đông. Mùa nào lầy lội thì đó là mùa họ bị hạn chế sử dụng các binh đoàn xe tăng lớn.

Mùa đông trước là năm thời tiết lạnh muộn, nhưng lại có những đợt rét rơi rớt đến tận tháng Ba, tháng Tư nên quân Nga vẫn còn có lợi thế trong sử dụng xe tăng. Điều khiến họ thất bại chỉ là những yếu kém về tổ chức và hậu cần mà thôi. Tuy thế, hoàn toàn không nên hy vọng rằng những điều kiện đó sẽ lặp lại vào năm nay – nhỡ năm nay rét sớm nhưng lại có mùa đông qua nhanh thì sao? Tất nhiên tháng Hai thì tuyết chưa tan, nhưng cũng không nên giả định cuộc tấn công sẽ đạt được yêu cầu về thời gian, nghĩa là kết thúc thắng lợi trong thời gian nhanh chóng, chẳng hạn dưới 1 tháng.

Việc tấn công muốn thắng cốt ở chớp nhoáng, không hiểu sao họ lại đưa ra một kế hoạch viễn tưởng đến cỡ gần nửa năm như vậy.

Tiếp theo, tại sao lại là miền bắc Ukraine? Trước đây chúng ta đã từng nói đến “Pinsk Marshes” hay vùng đầm lầy Polesie, các bác có thể đọc lại về nó ở đây.

Từ Belorus tiếp cận Kyiv chỉ có ba hệ thống đường trục chính ở hai bên đầm lầy Pinsk: E-95, P-35 và P-37, ngoài ra đường P-38 lại dẫn sang miền tây Ukraine. Tất nhiên họ vẫn có thể thiết lập lại các hướng tấn công cũ, ví dụ như lao vào Sumi… Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu họ có chiến thuật gì khác ngoài cách cũ đã làm? Chẳng nhẽ thông tin họ đang khôi phục hoạt động của 800 xe tăng T-62 trong kho, là hỏa mù che giấu một thứ vũ khí tối thượng nào khác?

Chúng ta vẫn còn nhớ mũi tấn công bằng xe tăng lớn – ít nhất một sư đoàn lao vào Ukraine theo hướng Sumi, cuối cùng những đơn vị tiên phong của họ đã đến được tận Brovary cách Kyiv hơn 10 ki-lô-mét, nhưng hậu quân ở lẽo đẽo sau họ đến… 500 ki-lô-mét. Cuối cùng cả sư đoàn gần như bị xóa sổ, dẫn đến sự “viện dẫn” xe tăng cổ lỗ T-62 ngày hôm nay.

Vì vậy nếu có việc bố trí 120.000 quân Nga ở Belorus, thì đầu tiên cần nghĩ đến khả năng… quân đội Bạch Nga đảo chính. Sau đó là việc tập trung lượng quân lớn có ý nghĩa của nó: nó yêu cầu Bộ chỉ huy Ukraine buộc phải giữ một lực kha khá các đơn vị ở đây, và không thể tập trung toàn lực cho chiến trường.

Cuối cùng, sau khi kiểm tra thông tin thì cái bác bên Ukraine bảo: cái đó có trong kế hoạch của Nga nhưng đợt động viên vừa qua con số chính xác người ta có được số lính trong tay là 96.000 người, chứ chưa đạt được con số 120.000 như tui viết hôm nọ. Số lượng đó mới chỉ đủ bổ sung cho mặt trận đông và nam chứ chưa đủ cho mặt bắc. Vậy thôi.


3. Nói tiếp đến mùa đông và một số chuyện khác liên quan

Việc Putox chỉ định Sergey Surovikin làm tổng chỉ huy hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine, trùng với sự kiện The Attack to Kerch Bridge và sau đó là trận “mưa tên lửa” láo xược đầy tội ác của bọn chúng vào mười mấy thành phố của Ukraine.

Việc này một lần nữa chứng minh rằng Nga Putox là một thực thể tàn ác và bất chấp những luân thường đạo lý. Nhưng nó có một số điểm cần bàn thêm.

Tại sao lại là Surovikin, ngoài những đặc điểm như Anh hùng, cựu chiến binh Xô-viết ở Afghanistan… (những vinh quang hào nhoáng) và những cái gọi là “kinh nghiệm chiến trường” của hắn ta ở Syria? Để xem xét vấn đề này, không thể quên không xét đến vai trò của Yevgeny Prigozhin, ông chủ của Wagner. Đội quân đánh thuê – khủng bố của lão này được cho là đã ghi những điểm đáng kể ở chiến trường Syria, nhưng đó cũng là thời kỳ hai nhân vật này được cho là đã làm việc cùng nhau một cách ăn ý, như hai cánh tay của một cơ thể… Putox.

Những thất bại của quân đội Nga trên chiến trường nhưng với quân Wagner thì có lẽ là vẫn có kết quả, đồng thời thịnh hành truyền thuyết “nơi nào khó khăn, nơi đó có Wagner” (thay thế cho truyền thuyết cũ “nơi nào có khó khăn, nơi đó có DVD”); dẫn đến sự trách móc và muốn đổ lỗi của Putox cho quân đội. Quá trình này nó lại song hành với việc nổi lên như cồn của Yevgeny Prigozhin, người ta bắt đầu có những ý kiến ra vào về những tham vọng của tay này, không chỉ dừng lại ở những phạm vi có tính dân sự nữa.

Sự kết hợp của Yevgeny Prigozhin với Surovikin hoàn toàn không phải là sự khăng khít của hai cánh tay mang tính chính thống: một bên là “xã hội hóa” và bên kia là quân đội của đất nước và quốc gia, mà đã là một thế lực mafia của Putox với một cá nhân không đại diện cho quân đội. Trong giới quân sự Nga tồn tại những chê trách về Surovikin: cựu chiến binh Afghanistan nhưng là Spetsnaz, chỉ giỏi làm việc mờ ám… Là người dám bắn vào dân thường, thì không thể là quân nhân chân chính… Việc Surovikin ra lệnh cho quân đội bắn tên lửa quy mô lớn một cách bừa bãi vào các thành phố Ukraine trong hoàn cảnh đó, đã làm gia tăng sự ghê tởm một cách công khai của nhiều sĩ quan Nga cao cấp.

Thậm chí, không thiếu những ý kiến cho rằng Surovikin cũng chỉ là hạng bất tài như Dvonikov trước đây. Chúng ta thì không có quyền đánh giá như vậy, mà phải mặc định những chỉ huy Nga là tài năng nhất. Nhưng tài năng đến mấy cũng không thoát khỏi cái hệ thống đã mọt ruỗng đến xương tủy của bộ máy chiến tranh Nga.

Cuộc chiến đang đứng trên thềm của mùa đông. Lúc này chúng ta không thể hình dung được mùa đông sẽ đến như thế nào – nhưng những gì trong quá khứ thì có thể biết được. Với quân đội cả hai bên, quân Nga và quân đội Ukraine của trước năm 2022 là như nhau với các phương pháp vượt qua mùa đông: mặc áo bông quần bông thật dày, tu vodka và sưởi bằng… thùng tonno, tức là cử người đi đốn củi về cho vào đó mà đốt.

Hồi đầu chiến tranh có lần tui còn nhìn thấy trong một vài bức ảnh chụp lính cả hai bên, ngồi trong hầm và sưởi quanh cái lò sưởi y như thời Chiến tranh Vệ quốc. Tình trạng đó với quân Ukraine có thay đổi hay không thì tui không biết, nhưng tui không cho rằng với quân Nga sẽ thay đổi.

Quay lại với thời gian đầu của cuộc chiến, hồi tháng Ba và đầu tháng Tư có một số đợt lạnh sâu nhưng ngắn – nó không đủ làm cho quân Nga chết rét, và thực tế là họ vẫn tấn công được. Nhưng điều đó sẽ không như vậy nếu họ đi từ đầu đến cuối mùa đông với thời gian lạnh liên tục (có thể không rét quá đậm) đến cỡ 2 tháng đổ ra.

Chúng ta cũng không nên cho rằng chỗ nào người ta cũng đốt củi cả, mà sẽ dựa trên những phương pháp hiện đại hơn, ví dụ dùng máy phát điện diesel và chạy máy sưởi điện… Quân đội Nga không có truyền thống chăm lo cho người lính cho đến tận cái tăm xỉa răng, nên nếu được máy phát điện + lò sưởi điện là diễm phúc. Nhưng nếu như vậy thì nguy cơ sẽ lại tăng nếu người Ukraine tìm cách pháo kích vào… kho xăng dầu. Không có xăng dầu thì chết rét, vì vậy việc quay lại với cái máng lợn sưởi củi có khi lại là tối ưu.

Câu chuyện không chỉ ở rét, mà đồng hành với rét là đói, nên phá kho xăng dầu cũng đồng nghĩa với phá kho gạo của địch.

Như vậy mùa đông sẽ khó khăn hơn cho bên nào phải duy trì một quân đội lớn hơn trên mặt trận. Mùa đông này sẽ là một mùa đông của chiến tranh hậu cần, mà hai bên tìm cách đánh phá hậu cần của nhau.

Quay lại với Surovikin, cái trò đánh phá các thành phố của Ukraine vừa qua của thày trò hắn chính là đòn (1) đánh vào hạ tầng chuẩn bị cho mùa đông và (2) hy vọng người Ukraine sẽ nao núng, gây sức ép bên trong về xã hội. Khi chúng thua về quân sự, chúng phải tìm cách gây tác động xã hội. Khó khăn cho người Ukraine trong mùa đông này là chắc chắn, nhưng tình thế chiến tranh đã thuyết phục được chúng ta ở tận xa tít, chẳng nhẽ họ lại thiếu lòng tin vì mấy ngày rét!

Nhưng sẽ không có gì cứu vãn được những gì chắc chắn sẽ diễn ra: cái đói và rét đến với quân đội của hắn trên chiến trường. Cần khẳng định, cho đến giờ phút này (1) Tin tình báo của Nga là không đủ để tiến hành một cuộc chiến kiểu người Ukraine đang làm, là nắm chính xác trung tâm hậu cần và đánh trúng nó và (2) Đất nước Ukraine quá rộng lớn và số lượng tên lửa của Nga sẽ không bao giờ đủ để làm việc đó.

Vì vậy đã nổi lên ý kiến cho rằng Putox và bộ sậu chóp bu nên chọn phương án đánh sập tất cả những cây cầu bắc qua sông Dnipro, mà muốn làm như vậy thì tên lửa Nga không đủ để phá – chỉ có dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Nhưng gây ô nhiễm sông Dnipro thì hạ lưu của nó, Zaporizhzhia và Kherson và cả một vùng lớn của Hắc Hải bị ảnh hưởng, trong đó có bán đảo Crimea.

Kế hoạch này đã có trong đầu Putox, nhưng chưa nhận được sự đồng thuận, thế thôi.

Xin gửi kèm theo đây hình một cái máy sưởi tự hành chuẩn NATO. Các thông số kỹ thuật của nó như sau:


GSA 62-MTH400SP

Công suất nhiệt: 400.000 BTU/H, công suất điện 117.2 kW

Lưu lượng khí 3.568 m3/giờ.

Nhiên liệu: DF1, DF2, DFA or JP8

Tiêu thụ nhiên liệu: Cao 3,72 gallons/giờ ~ 14,1 lít/giờ, nếu thổi khí không 0,2 gallons/giờ ~ 0,76 lít/giờ.

Dung tích bình nhiên liệu: 33 gallons ~ 125 lít dầu diesel

Chuẩn cắm nguồn điện ngoài theo NATO

Kích thước LxWxH: 157,5x113x101,6cm

Khối lượng khô 282 kg

Cái này là máy sưởi công nghệ bơm nhiệt (như điều hòa inverter nhà ta). Tây nó đồn đâu như quân đội Ukraine vừa nhận được mấy chục cái. Để sưởi ngoài chiến hào chỉ cần phủ bạt lên trên và chặn từng đoạn. Với khả năng thổi 3.568 m3/giờ thì nó có thể phục vụ được ít nhất vài trăm mét chiến hào, khoảng 2 trung đội sưởi là ổn.

4. Thêm một số nhìn nhận và đoán mò

Theo tui thì trước đây cộng đồng chúng ta đã cách chức thằng cha tham mưu trưởng là chuẩn. Người đó không có tí kiến thức quân sự hiện đại nào, mà hắn tư duy bằng thứ kiến thức của thời… Vi Quốc Thanh. Tui kể cho hắn nghe những đánh giá thực trên chiến trường Ukraine hiện nay.

Về con số có thể tính toán tương quan thiệt mạng về nhân lực hai bên: 1/2 (Ukraine 1, Nga 2) lúc cao điểm của “phase 2”, tức là hôm nào ác liệt quân Ukraine mất 200 thì quân Nga mất 400… trung bình thì có thể dùng con số tỉ lệ 1/4 (thường ngày người Ukraine mất 70-75, Nga mất 300) nhưng với cách đánh phổ biến của Ukraine hiện nay là bào mòn: (1) Đánh vào các kho đạn (2) Đánh vào các trung tâm chỉ huy và doanh trại lớn (3) Chỉ khi nào bào mòn tới tầm, nghĩa là “đánh phải đảm bảo nó chạy, đã đánh là chạy” thì tỉ lệ càng ngày càng trở nên phổ biến là 1/10.

Tay bố láo đó hắn bảo không tin, tui bảo vì (1) Tư duy của ông là từ những năm 1960 của thế kỷ trước, khi hai bên phải chơi đôi công với nhau nhất là trong chiến tranh trận địa, vây thành, đánh thành, bao vây bằng đào hào và bố trí người canh 24/7; (2) Ông không có thông tin. Xin nhắc lại tui không bao giờ có ý lạc quan tếu, cái gì khó khăn thì phải nói là khó khăn. Cách đánh của người Ukraine đã thay đổi rất rất nhiều rồi, thì chúng ta cũng phải thấy là nó sẽ dẫn đến những cái thay đổi khác có tính cách mạng chứ, nếu không thì thà giữ nguyên còn hơn.

Tương quan hai bên càng ngày càng sẽ như thế này: Nga sẽ vẫn cố đạt được những sức mạnh gần gần như họ ngày xưa, tức là thời trước “phase 2” The Battle of Donbas, ít nhất là về… số lượng. Đúng theo truyền thống quân đội Xô-viết, đầu tiên đảm bảo số lượng pháo và xe tăng trên mặt trận, sau đó là quân số của các đơn vị bộ binh. Cuối cùng là họ đặt ra yêu cầu với hệ thống hậu cần, phải phục vụ cho được cái đống hỗn hợp người và xe pháo đó.

Nếu những nỗ lực của họ để đưa 800 cái xe tăng T-62 ra trận, họ sẽ tặng cho quân đội Ukraine một diễm phúc lớn là được chiến đấu với một quân đội… mạnh nhất thế giới. Không phải là quân đội Xô-viết thời 1960 được coi là mạnh nhất thế giới à – bây giờ thì họ đã tái hiện xong xuôi rồi đó. Chiến dịch này của họ, nếu vẫn diễn ra theo cách như vậy thì chắc chắn sẽ lại… ôm đầu máu như trước. Đó sẽ là dấu chấm hết cho chế độ Putox, vì lão ta sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài ép tất cả bộ sậu cho dùng vũ khí hạt nhân, và đó sẽ là cáo chung của Putox.

Đến đây chúng ta cần làm rõ một lần cuối để tui và các bác, những người đã quen thuộc với nhau đủ lâu không bao giờ phải nói lại nữa: chuyện vũ khí hạt nhân.

Nguyên tắc của việc bấm nút hạt nhân, là không ai được/dám bấm trước. Nó sẽ là sự cáo chung của chính người đó vì đứng trước nguy cơ hủy diệt toàn cầu, những nước còn lại dù có thể đang là đồng minh cũng có nghĩa vụ phải thủ tiêu nguy cơ. Đó cũng là lý do mà Putox nhiều lần đe dọa, nhưng lại không dám dùng vì lão ta và chế độ của mình sẽ bị tiêu diệt ngay lập tức, dù đòn đáp trả có thể chỉ cần vũ khí quy ước. Trong hoàn cảnh cuộc chiến tranh này, nếu hiện nay hỏi: “Ai là người cần bấm nút?” thì câu trả lời: “Chỉ có và chỉ có thể là Putox.”

Khổ cái có một điều gần như là chắc chắn rằng Putox đang đi đến chỗ không có lựa chọn nào khác, hoặc một bên là bấm nút, một bên là tự dùng súng bắn vào đầu, càng ngày khả năng bỏ trốn càng thấp đi, dạng “không chốn nương thân.”

Đến nay kế hoạch động viên một phần đã đi được cỡ 1 tháng, và có vẻ người Ukraine đang chờ xem Surovikin định làm trò gì, nhưng nếu không làm gì thì cũng vẫn sẽ bào mòn tiếp và lại “đánh phải đảm bảo nó chạy, đã đánh là chạy.” Quá trình này có một nhận xét chính xác dành cho nó: người Ukraine đã có thế chủ động chiến lược: thích thì vừa chờ vừa đánh, thấy ổn thì tấn công… Nga thì thủ cũng chết mà công thì cũng đầy khó khăn. Quá trình kéo dài hay không chúng ta không biết, phụ thuộc vào khả năng phá hậu cần của Nga mà người Ukraine có thể làm được đến đâu, tốc độ tan rã của quân Nga đến cỡ nào… Nhưng cùng lắm là trước khi tuyết tan người ta sẽ tẩn một trận to.

Vì bên tấn công nào cũng cần xe tăng.

Tương quan hai bên lúc này, Ukraine sẽ có những đơn vị tinh nhuệ du học ở Tây về, và có thêm một số lữ đoàn xe tăng mới được Nga tặng. Về làm chủ bầu trời, thì chỉ có càng ngày càng nghiêng về người Ukraine chứ Nga cũng chỉ có kém đi. F-16 và A-10 chúng ta có thể thấy chúng bay.


5. Trong một diễn biến khác, những ngày gần đây các sứ quán Ukraine tại các nước Liên Xô cũ như Azerbaijan, Kazakhstan, Uzbekistan và Georgia đã liên tục nhận được các thông điệp từ những cá nhân tự xưng là nhân viên mật vụ cũ của Nga từ các cơ quan đặc biệt như FSB, GRU… Họ cho biết bên trong nội bộ Nga trên thượng tầng đã rệu rão đủ cho những biến cố… đảo chính, và cần hỗ trợ từ bên ngoài, nhất là từ Ukraine.

Cơ quan an ninh Ukraine không đáp ứng, có ý bảo chúng nó: bọn anh biết thừa các chú cần chứng cứ nhà nước Ukraine can dự vào những hoạt động khủng bố, lật đổ nhà nước Nga. Nên các chú cứ ôm lấy mấy trò mèo đó hoặc về mà lừa Putox nhà các chú.

Bộ tư lệnh châu Âu của các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ Bộ (EUCOM) chúc mừng Ngày Những người bảo vệ Ukraine: “Hôm nay, vào Ngày Những người bảo vệ Ukraine, chúng tôi tôn vinh lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng của tất cả những người đàn ông và phụ nữ trên chiến tuyến bảo vệ chủ quyền của Ukraine bằng cam kết kiên định của chúng tôi đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, là cơ sở của an ninh toàn cầu, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ người dân Ukraine bên cạnh các đồng minh và đối tác châu Âu của chúng tôi!”

PHÚC LAI 15.10.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.