(Nhân kỳ họp bất thường của Quốc hội)
1. NÂNG CAO VAI TRÒ QUỐC HỘI
‘Nâng cao vai trò của Quốc Hội’ là đòi hỏi của cử tri cả nước suốt nhiều thập niên.
Khi phải đề cập đến ‘Nâng cao vai trò của Quốc Hội’ thì có nghĩa là có những điều Quốc Hội chưa làm tròn vai trò. Bản thân các đại biểu và lãnh đạo Quốc Hội đều nhận thấy đó là điều cần thiết. Bởi thế, các Chủ tịch Quốc Hội mới nhận chức, trong nhiệm kỳ của mình, đều cố gắng đổi mới hoạt động của Quốc Hội.
Từ thập niên 1990 bắt đầu có chất vấn Chính Phủ. Từ năm 1998 bắt đầu truyền hình trực tiếp các kỳ họp Quốc Hội. Từ năm 2013 bắt đầu bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên Chính Phủ và các vị trí lãnh đạo Quốc Hội. Đó là các cố gắng đã được ghi nhận.
Tuy nhiên, những thay đổi đó chưa căn bản, chưa thoát khỏi hình thức, và vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của cử tri.
Cụ thể như bỏ phiếu tín nhiệm với 3 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp - là cách lấy phiếu tín nhiệm không hiệu quả, chưa từng có trong thực tiễn của lịch sử nhân loại. Cách lấy tín nhiệm 3 mức này gây ra sự bàn luận chê trách, chỉ làm tốn thêm thời gian, làm cho các vị trí lấy phiếu tín nhiệm phải “chạy phiếu”, lobby, mà không cải thiện được chất lượng công việc. Bởi thế, lần tới đây, Quốc Hội nhiệm kỳ 2021-2025 hãy dũng cảm lấy tín nhiệm chỉ 2 mức: tín nhiệm, không tín nhiệm.
Ở mặt khác, có ghi nhận những điều thụt lùi. Chẳng hạn như Bộ Chính trị điều cán bộ đi nhận nhiệm vụ xong mới hỏi ý kiến Quốc Hội. Cụ thể là trường hợp Bộ trưởng Bô Giao thông Vận tải (GTVT) Trương Quang Nghĩa được điều giữ chức bí thư Thành ủy Đà Nẵng ngày 07/10/2017, nhưng đến ngày 24/10/2017 thì Quốc Hội mới được hỏi ý kiến để phê chuẩn miễn nhiệm ông Trương Quang Nghĩa khỏi chức vụ Bộ trưởng Bộ GTVT.
Ngay tại phiên họp Quốc Hội bỏ phiếu miễn nhiệm ông Trương Quang Nghĩa thì Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói rõ, “Bộ Chính trị đã phân công ông Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy, giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020”.
Điều này đã không cải thiện vai trò của Quốc Hội, mà còn làm nặng thêm tính hình thức của Quốc Hội. Thời ông Trường Chinh làm Chủ tịch Quốc Hội, cũng là Bộ Chính Trị quyết định, tuy nhiên những vị trí nhân sự nào phải xin ý kiến Quốc Hội thì cũng xin ý kiến của Quốc Hội trước khi điều động. Tuy hình thức, nhưng vẫn tuân theo trình tự thủ tục, tôn trọng thẩm quyền Quốc Hội.
2. QUỐC HỘI XÁC ĐỊNH ĐÚNG GIÁ THÀNH XÂY DỰNG LÀ ĐÃ NÂNG CAO VAI TRÒ ‘QUỐC HỘI CỦA DÂN’
Có một số lĩnh vực mà Quốc Hội có thể cải thiện vai trò ‘Quốc Hội của dân’. Dưới đây đề cập đến một trong số đó.
Tham nhũng hiện nay đã trở thành quốc nạn ở mức độ chưa từng có trong lịch sử nước ta. Một trong những cách thức để tham nhũng là nâng giá thành. Trong lĩnh vực xây dựng giao thông, giá thành được đẩy lên đắt gấp từ 2,3 lần cho đến 5,7 lần, thậm chí còn nhiều hơn nữa.
Có giá thành cao đến mức rợn người, ngoài mọi sự tưởng tượng. Chẳng hạn như trường hợp đường vành đai 3 của TP HCM dài 76,36 km, chỉ 4 làn xe mà dự toán đến 83 .90 tỉ đồng, bình quân 1.090 tỉ đồng/km. Chính Phó thủ tướng Lê Văn Thành cũng phải thốt lên “1.000 tỉ đồng cho 1 km đường là quá cao”.
Sáng 4/1/2022, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã thay mặt Chính phủ trình bày trước Quốc Hội tờ trình về dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, chiều dài 729 km với kinh phí 146.990 tỉ đồng, bình quân 201.6 tỉ/km. Đây cũng là giá thành cao ngất trên trời. Con số Kiểm toán Nhà nước đưa thấp hơn 16.330 tỉ đồng, với bình quân 1 km đường bộ cao với mức bình quân 152,9 tỉ đồng/km (không kể chi phí giải phóng mặt bằng). Ngay cả với số 152, 9 tỉ đồng/km của Kiểm toán Nhà nước cũng là “giá cao ngất trời”.
Sự thất thoát trong lĩnh vực xây dựng đường cao tốc lớn đến mức mà Chủ Tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong phiên thảo luận chiều ngày 06/01/2022 cũng phải đề nghị Quốc Hội có những cơ chế giám sát cụ thể:
“Việc làm cao tốc Bắc – Nam, kể cả những đoạn đang dở dang, đặc biệt là 746km còn lại là yêu cầu cần thiết cho phát triển đất nước. Mong rằng Quốc hội sẽ thông qua với các cơ chế giám sát một cách cụ thể. Chúng ta tạo điều kiện để có sự chủ động nhưng đồng thời phải tăng cường giám sát để chống thất thoát, lãng phí, bảo đảm chất lượng công trình”.
Biết rằng, ở nước ta hiện nay, quyền lực nằm ở Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương Đảng chứ không phải ở Quốc Hội, vì Đảng lãnh đạo toàn diện. Nhưng có những vấn đề mà Quốc Hội có thể phát huy tốt vai trò của mình mà không ngại mâu thuẫn với ý kiến của Bộ Chính trị hay Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Một trong những lĩnh vực mà Quốc Hội có thể phát huy tốt vị thế độc lập - là kiểm soát giá thành xây dựng hạ tầng cơ sở giao thông vận tải. Lĩnh vực xây dựng hạ tầng cơ sở giao thông vận tải hàng năm tiêu tốn một khoản tài chính khổng lồ. Nếu kiểm soát đúng giá thành xây dựng hạ tầng giao thông vận tải thì tốt cho tất cả các bên: Nhân dân, Nhà nước, Quốc Hội, Chính phủ, Đảng. Trong kiểm soát giá thành xây dựng, sẽ không có mâu thuẫn về mục đích giữa Quốc Hội với Đảng.
Bởi thế, hy vọng Quốc Hội nhiệm kỳ 2021-2025 sẽ có những bước đi đột phá trong kiểm soát giá thành. Kiểm soát đúng giá thành trong mọi lĩnh vực thì hàng năm sẽ tiết kiệm cho nhân dân được hàng triệu tỉ đồng. Chỉ riêng trong lĩnh vực xây dựng đường cao tốc, nếu Quốc Hội có biện pháp kiểm soát đúng giá, thì chi phí xây dựng sẽ giảm đi ít nhất là một nửa. Đây chính là một trong những lĩnh vực mà Quốc Hội có thể nâng cao vai trò ‘Quốc Hội của dân’.
Các nhiệm kỳ Quốc Hội trong 2 thập niên gần đây, dự án xây dựng nào cũng được thảo luận kỹ lưỡng, nhưng cuối cùng đều không ngăn cản được các nhóm lợi ích nâng giá. Quốc Hội nhiệm kỳ 2021-2025 có khác?
Người xưa dạy: “Đừng thấy việc ác nhỏ mà cứ làm, đừng thấy việc thiện nhỏ mà không làm”. Con đường nâng cao vai trò “Quốc Hội của dân” còn dài. Nên cải thiện vai trò “Quốc Hội của dân” tốt hơn ở bất kỳ mức độ nào cũng đều trân quý.
NGUYỄNNGỌC CHU 07.01.2022
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.