lundi 17 janvier 2022

Trung Quốc độc tài lấn chiếm Biển Đông, giúp Cuba đàn áp biểu tình


Đăng ngày:

Chiến thuật vùng xám trên Biển Đông 


Tranh chấp chủ quyền Biển Đông đã có từ nhiều thập niên, nhưng chỉ mười năm qua, khi Trung Quốc tham lam yêu sách hầu hết vùng biển này, tình hình trở nên căng thẳng. Bắc Kinh chiếm bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, sau đó đào đắp một cách quy mô các rạn san hô ở Trường Sa tạo nên những đảo nhân tạo được quân sự hóa.

Các nhà ngoại giao và nhà phân tích cho rằng mục tiêu lâu dài là cắm rễ sâu vào Biển Đông và xa hơn nữa, nhằm giữ chân người Mỹ trong các cuộc xung đột. Nhưng mục tiêu trước mắt là thống trị cả về chính trị, kinh tế lẫn quân sự. Các căn cứ quân sự được sử dụng để chơi trò « vùng xám » để cưỡng bức, tuần duyên, dân quân biển, tàu khảo sát thay phiên nhau quấy nhiễu láng giềng.

Tháng 3/2021, khoảng 200 tàu đánh cá giả hiệu tràn ngập Đá Ba Đầu, nơi Việt Nam và Philippines đều tuyên bố chủ quyền. Hiện nay mỗi ngày đều có 300 tàu dân quân biển hiện diện xung quanh các đảo ở Trường Sa. Trung Quốc thách thức các hoạt động dầu khí của Indonesia lẫn Malaysia, đưa giàn khoan đến EEZ và thềm lục địa của hai nước này. Bắc Kinh đe dọa các công ty dầu khí ngoại quốc để họ hủy bỏ liên doanh với Việt Nam và các nước khác, đưa củ cà rốt « cùng khai thác » ra nhử.


Cái giá cho sự ngang ngược

Trung Quốc đã phải trả cái giá về ngoại giao. Nếu Tập Cận Bình không ngang ngược như vậy, Trung Quốc đã được ASEAN ngưỡng mộ. Vụ Đá Ba Đầu khiến Duterte không còn ve vãn Bắc Kinh, xích lại gần hơn với Washington. Hoa Kỳ và đồng minh phương Tây tăng cường tuần tra Biển Đông, được hầu hết các nước ASEAN hoan nghênh. Tuy nhiên, là đối tác thương mại quan trọng, Bắc Kinh cho rằng thời gian đứng về phía mình, trước sau gì cũng sẽ có một nước chấp nhận cho Trung Quốc khai thác trong EEZ của mình, coi như nhường bước trước yêu sách chủ quyền thô bạo của Bắc Kinh.

Có điều từ nhiều năm qua đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) vẫn chưa có tiến bộ. Trung Quốc hy vọng ký được trong năm 2021 để chứng tỏ bất đồng có thể tự giải quyết không cần Mỹ can thiệp, nhưng thực ra các bên xa nhau hơn bao giờ hết. Bắc Kinh đòi có quyền phủ quyết về tập trận hải quân giữa các nước ASEAN với các cường quốc khác, và không cho nước ngoài cùng khai thác dầu khí. Những đòi hỏi này là không thể chấp nhận được đối với các thành viên ASEAN.

Như vậy liệu ASEAN cứ mãi kiên nhẫn đàm phán ? Một đại sứ Đông Nam Á nói rằng thà có còn hơn không, và hơn nữa, các « Liliput » ASEAN có thể đưa Trung Quốc vào chiếc bẫy đối thoại không có hồi kết.


Trung Quốc giúp Cuba cắt internet, đàn áp người biểu tình

Tại châu Mỹ la-tinh, Courrier International dịch bài viết của The Diplomat, tố cáo « Trung Quốc hỗ trợ cho việc đàn áp người biểu tình Cuba ». Tờ báo nhấn mạnh, Bắc Kinh đóng vai trò chủ chốt trong việc cắt internet và giám sát người dân đảo quốc.

Hôm 11/07/2021, hàng ngàn người dân Cuba đã xuống đường phản đối nạn khan hiếm thực phẩm, thuốc men và vac-xin chống Covid. Đó là phong trào phản kháng quy mô nhất kể từ khi Fidel Castro lên nắm quyền năm 1959. Người biểu tình dùng mạng xã hội để thông tin, nhưng chế độ cộng sản đã cắt internet và điện thoại. Đó là nhờ Bắc Kinh !

Newsweek cho biết tất cả các nhà cung cấp công nghệ cho Etecsa, công ty internet duy nhất ở Cuba đều là Trung Quốc : Hoa Vi (Huawei), TP-Link, ZTE. Một báo cáo của OONI năm 2017 cho biết cơ quan này tìm thấy dấu vết các mã Trung Quốc trong những cổng giao diện wifi Cuba, còn tổ chức Qurium của Thụy Điển phát hiện Cuba sử dụng eSight, phần mềm quản lý mạng của Hoa Vi để lọc các tìm kiếm trên web.


Bắc Kinh xuất khẩu « toàn trị kỹ thuật số »

Vai trò Trung Quốc trong việc cắt liên lạc của người biểu tình Cuba cho thấy một trong những cách mà Bắc Kinh chi phối La Habana. Tuy là « anh em, đồng chí, bạn tốt », nhưng sự kình địch Trung Quốc-Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh lạnh khiến Mao Trạch Đông và Fidel Castro thường đấu khẩu về ý thức hệ. Mao lên án Cuba, đồng minh của Liên Xô là « xét lại », còn Castro tố cáo Bắc Kinh tiếp tay cho cấm vận của Mỹ. Khi Mao chết, Castro nói Mao đã « dùng chân hủy hoại những gì ông ta làm ra bằng cái đầu ».

Liên Xô sụp đổ, không còn nguồn viện trợ, Trung Quốc nhảy vào Cuba. Năm 2014 Tập Cận Bình công du đảo quốc, tuyên bố « Hai nước chúng ta tay nắm tay tiến lên trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ». Năm 2018, Cuba tham gia « Con đường tơ lụa mới ». Trung Quốc mua đường, nickel của Cuba, đầu tư mở rộng cảng container Santiago, lập một trung tâm trí tuệ nhân tạo, một sân gôn 460 triệu đô la…Ngày nay người Cuba dùng xe hơi Geely, xe tải Sino Truck, xe buýt Yutong, thiết bị điện tử gia dụng Haier. Hoa Vi lập hệ thống cáp quang trên toàn Cuba, và như đã nói ở trên, hệ thống các trạm wifi, điện thoại và nhiều cơ sở hạ tầng khác đều nằm trong tay các công ty Trung Quốc. Đó là một ví dụ cho việc xuất khẩu « toàn trị kỹ thuật số » của Bắc Kinh.


Trung Quốc : Gần phân nửa ủy viên Bộ Chính trị sẽ về hưu sau đại hội

Về nội tình Trung Quốc, The Economist cho rằng chiếc ghế của Tập Cận Bình vẫn an toàn nhưng sẽ có nhiều thay đổi trong ban lãnh đạo ở Trung Nam Hải. Đại hội đảng lần thứ 20 sẽ « bầu » ra Ủy ban trung ương gần 400 ủy viên, sau đó Ủy ban này sẽ họp ngay để đề cử Bộ Chính trị mới (hiện nay có 25 người) và Quân ủy trung ương. Nhờ sửa đổi Hiến pháp để làm lãnh đạo suốt đời, Tập Cận Bình vẫn tại vị nhưng phải thận trọng trước những chống đối ngầm.

Có ít nhất 11/25 ủy viên Bộ Chính trị, trong đó có 2 ủy viên thường trực sẽ nghỉ hưu sau đại hội vì quá 68 tuổi (ông Tập ở tuổi này, nhưng quy định không áp dụng cho ông). Đó là phó thủ tướng Lưu Hạc (Liu He), người chủ trì đàm phán thương mại với Mỹ sắp 70 tuổi, Dương Khiết Trì 72 tuổi. Các ủy viên thường trực khác có thể ra đi là Hàn Chính (Han Zheng), phó thủ tướng phụ trách Hồng Kông và Lật Chiến Thư (Li Zhanshu), chủ tịch Quốc hội.

Mọi cái nhìn đều hướng về hai chiếc ghế này. Nếu một hoặc hai người thay thế Hàn Chính và Lật Chiến Thư dưới 62 tuổi, thì rất có cơ kế nhiệm Tập Cận Bình vào đại hội đảng 21 năm 2027, nếu lúc đó ông Tập ra đi. Tương lai của một ủy viên thường trực khác là Lý Khắc Cường (Li Keqiang) vẫn bất định. Tuy Hiến pháp buộc ông phải rời chức thủ tướng sau hai nhiệm kỳ 5 năm sẽ kết thúc vào 2023, nhưng lúc đó ông 67 tuổi, vẫn có thể tiếp tục là ủy viên thường trực và giữ một trọng trách khác.


Chuyển giao thế hệ, nhưng Tập Cận Bình vẫn siết gọng kềm

Những thay đổi ở Bộ Chính trị và các cấp có thể giúp Tập Cận Bình gia tăng quyền lực, tuy nhiên một sự chuyển giao thế hệ sắp diễn ra. Hơn phân nửa số ủy viên trung ương có thể sẽ ra đi sau đại hội, và theo Brookings Institution, tỉ lệ thay thế bằng những người sinh từ năm 1960 trở đi có thể lên đến 85%. Think tank MacroPolo cho rằng đây là « một sự năng động hiếm hoi trong chính trường Trung Quốc ».

Ở cấp địa phương, quá trình này đã bắt đầu từ năm ngoái, năm, sáu bí thư tỉnh ủy cùng thế hệ ông Tập đã được thay thế bằng những cán bộ sinh trong thập niên 60, và một phần ba khuôn mặt mới ở các tỉnh ủy là thế hệ 7x. Nhưng một khi Tập Cận Bình còn nắm quyền, các nhà quan sát không chờ đợi ông ta sẽ nới lỏng gọng kềm tại Hoa lục.


Kazakhstan, một tuần lễ rúng động vì biểu tình và bạo lực phe phái

Tại Trung Á, L’Express tóm lược lại « Một tuần lễ làm rung chuyển Kazakhstan » và nhận định « Chủ quyền quốc gia trở nên mong manh vì sự can thiệp của Nga ».

Ba mươi năm sau khi độc lập, Kazakhstan là quốc gia ổn định nhất trong số các nước thuộc Liên Xô cũ. Không có đảo chánh hay xung đột sắc tộc, đe dọa ly khai hoặc chiến tranh biên giới như các láng giềng đang bị xâu xé ; nói chung, một Nhà nước dầu lửa độc tài hòa thuận với tất cả mọi người. Cựu lãnh chúa Nga tiếp tục sử dụng sân bay vũ trụ Baikonour, cường quốc đang lên Trung Quốc mua khí đốt và vạch « Con đường tơ lụa mới » đi qua, các tập đoàn dầu khí Âu Mỹ đầu tư mấy chục tỉ đô la và mua quặng uranium. « Cha già dân tộc » Noursoultan Nazarbaiev, 81 tuổi, biết cương nhu trong đối ngoại, tập trung quyền lực và những đồng đô la dầu lửa trong tay.

Nhưng quyết định vụng về của chính quyền hôm 01/01 - tăng gấp đôi giá khí hóa lỏng (GPL), loại nhiên liệu được sử dụng nhiều nhất ở Kazakhstan - khiến cả chế độ phải chao đảo trong vòng ba ngày. Trong khi phong trào phản kháng kiểu « Áo Vàng » được khai sinh hôm 04/01, hai ngày sau một phi đội vận tải nặng của Nga thả xuống 3.000 lính nhảy dù ở những địa điểm trọng yếu, sau trận tắm máu chưa từng có với 164 người chết (theo con số chính thức), cả người biểu tình lẫn cảnh sát. Chính quyền đã đánh giá thấp làn sóng bất mãn, nhưng bên cạnh đó việc các phe nhóm trong giới lãnh đạo thanh toán lẫn nhau làm bùng lên bạo lực.


Tổng thống cầu viện ngoại bang, coi nhẹ chủ quyền

Kassym-Jomart Tokaiev, nhân vật trung thành được Nazarbaiev nhường chức tổng thống để làm « thái thượng hoàng », nay lợi dụng cuộc khủng hoảng để hủy bỏ mọi chức vụ của người đỡ đầu, bố trí người của mình vào các vị trí chủ chốt, tống giam cánh tay phải của Nazarbaiev. Để có thể yên vị, Tokaiev tung ra lá bài bất ngờ : Vladimir Putin, kêu gọi lực lượng OTSC dưới sự chỉ đạo của Nga can thiệp.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo : « Lịch sử cận đại cho thấy một khi đã cho người Nga vào nhà mình, đôi khi rất khó tống khứ họ ». Ông muốn ám chỉ « lực lượng gìn giữ hòa bình Nga » từ 30 năm qua vẫn trấn đóng ở Moldavia và từ 14 năm ở Gruzia dù nước chủ nhà không hề muốn. Sự hiện diện của quân Nga sẽ làm xấu đi hình ảnh của Matxcơva và Tokaiev, tổng thống đã đánh đổi chủ quyền quốc gia để giữ ghế.


Ra tay cứu vớt, Putin đưa Kazakhstan vào quỹ đạo Nga

Trong bài « Trò chơi lớn của Putin ở Trung Á » đăng trên Le Point, nhà bình luận Luc de Barochez nhận định khi can thiệp quân sự vào Kazakhstan, Nga củng cố vị thế của mình trước Trung Quốc và Hoa Kỳ, vào một thời điểm quan trọng.

Cuộc khủng hoảng địa chính trị đầu tiên của năm 2022 diễn ra tại một nơi bất ngờ là Kazakhstan, đất nước rộng lớn giàu tài nguyên có đường biên giới với Nga và Trung Quốc. Vladimir Putin đã ra tay nhanh gọn : vào lúc đang căng thẳng với Mỹ và châu Âu về Ukraina, ông chủ điện Kremlin không thể tỏ ra bất kỳ dấu hiệu yếu đuối nào.

Cuộc nổi dậy ở Kazakhstan chứng tỏ rủi ro chính trị liên quan đến nạn lạm phát, trong những hệ thống chính trị mà người dân không có kênh nào khác để bộc lộ bất bình. Vật giá cũng tăng vọt tại Nga : giá bắp cải tăng 87% trong năm 2021, khoai tây tăng 74%. Chủ yếu là do Putin cấm nhập thực phẩm phương Tây để trả đũa việc bị trừng phạt vì chiếm Crimée, và chiếc gậy đã đập lại vào lưng ông ta. Biến loạn Kazakhstan còn cho thấy những khó khăn của một Nhà nước toàn trị trong thời kỳ chuyển giao quyền lực.

Kazakhstan quan trọng đối với Putin không chỉ vì những điểm tương đồng trên. Nga có chung với Kazakhstan đường biên giới dài nhất (7.500 km), có 3,5 triệu kiều dân Nga sống tại đây (1/5 dân số), sân bay vũ trụ, địa điểm thử hỏa tiễn Sary Chagan. Kazakhstan cũng là nơi Matxcơva tranh giành ảnh hưởng với Bắc Kinh và Washington. Khi can thiệp, Putin đã đẩy Kazakhstan nghiêng về quỹ đạo Nga, Tokaiev phải hàm ơn. Nhưng ơn cứu độ này làm phức tạp thêm cuộc khủng hoảng trong nước, và đặt ra câu hỏi : ngày mà bản thân Vladimir Putin rời chính trường, ai sẽ cứu vãn chế độ của ông ta ?


Nga, Trung Quốc tuyển mộ các cựu lãnh đạo châu Âu để lũng đoạn chính sách

Trong khi đó Le Point tố cáo Matxcơva và Bắc Kinh tung tiền mua chuộc các cựu bộ trưởng và viên chức cao cấp châu Âu để phục vụ cho lợi ích của hai nước độc tài này, theo một báo cáo của Liên hiệp Châu Âu (EU).

Ủy ban INGE nhận thấy cả một mạng nhện khổng lồ đã dần dà úp xuống giới tinh hoa châu lục. Có 7 cựu thủ tướng (Pháp, Đức, Bỉ, Áo, Phần Lan, Cộng hòa Sec) đã hoặc đang làm việc cho Nga và Trung Quốc sau khi rời chính trường, 1 phó thủ tướng Đức, 5 cựu bộ trưởng Kinh tế Tài chính (Pháp, Bulgari, Luxembourg), 2 cựu ngoại trưởng (Áo, Cộng hòa Sec), 1 cựu bộ trưởng Quốc phòng và vài bộ trưởng khác. Màu sắc chính trị không quan trọng, Matxcơva và Bắc Kinh tuyển dụng cả tả, hữu lẫn cánh trung, nhờ đó có thể tạo ảnh hưởng tích cực lên dư luận, khai thác các mối quan hệ rộng rãi và hiểu biết sâu sắc về bộ máy chính quyền của nước bị nhắm đến.

Nghị sĩ Raphael Glucksmann, chủ tịch Ủy ban INGE báo động mối nguy hiểm của « một dạng tham nhũng hợp pháp và xảo quyệt » mà đến nay vẫn chưa được chú ý đúng mức. Về phía Pháp, hai trường hợp nổi bật là cựu thủ tướng François Fillon làm việc cho tập đoàn hóa dầu Sibur của Nga, cựu thủ tướng Jean-Pierre Raffarin, « bạn tốt » của Trung Quốc. Ở Đức, cựu thủ tướng Gehard Schroider, người quyết định chấm dứt điện nguyên tử, làm lợi cho Gazprom, nay trong ban lãnh đạo dự án Nord Stream 2.

Nga và Trung Quốc biết dùng mật ngọt bẫy ruồi, qua chế độ hưu bổng « mạ vàng ». Nếu Matxcơva không giấu diếm sự cay cú hậu Liên Xô, chú trọng lobby dầu khí, thì Bắc Kinh khôn khéo lèo lái có lợi cho Con đường tơ lụa mới, chẳng hạn cựu thủ tướng Cộng hòa Sec Petr Necas đang vận động hành lang cho dự án này.


Bầu cử, Covid, dân số : Chủ đề các tuần báo Pháp

Hồ sơ các tuần san kỳ này thiên về chính trị nước Pháp. L’Obs nói về « Chiến dịch sống sót » của cánh tả Pháp khi không thể đoàn kết được với nhau trong việc tranh cử tổng thống. L’Express tổ chức tranh luận giữa ứng cử viên tổng thống cánh hữu Valérie Pécresse với nhà bình luận Nicolas Bouzou về quyền tự do, nhà trường, sức mua, châu Âu… Le Point đặt câu hỏi, sau Covid ai còn muốn làm việc, chạy tựa « Bóng ma của nạn bỏ việc hàng loạt ». Riêng Courrier International cảnh báo « Khó khăn nhất là khi dân số sụt giảm » : đến năm 2050, có đến 151 nước lâm vào tình trạng này.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.