Đăng ngày:
Bốn chiến dịch của NATO tại ba nước vùng Baltic
Le Figaro cho biết tại các nước vùng Baltic lân cận với Nga, quân đội Pháp ở vị trí tiền phương trong chiến dịch răn đe của đồng minh. Bài phóng sự mô tả lực lượng Pháp tham gia cuộc tập trận Bold Dragoon với các xe bọc thép Leclerc. Nhóm tác chiến Anh-Pháp khoảng 1.000 quân tập trận tại Estonia trong khuôn khổ hoạt động NATO. Matxcơva luôn lên án sự hiện diện của quân đội đồng minh tại các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, nhưng chỉ huy trưởng chiến dịch khẳng định các cuộc tập trận thường xuyên đều đã có kế hoạch trước, rất minh bạch.
Tại Latvia, nhóm chiến thuật của 10 nước được lực lượng Canada chỉ huy, còn tại Litva có 7 nước tham gia tập trận do Đức dẫn đầu. Quân đội Mỹ thì hiện diện tại Ba Lan cùng với Rumani, Croatia và Anh. Bốn chiến dịch EFP (tăng cường hiện diện phía trước) của NATO nhằm trấn an và bảo vệ các nước vùng Baltic, được hoạch định hai năm sau khi Nga chiếm Crimée. Trong trường hợp bị tấn công, các binh đoàn có thể ngăn chận kẻ thù trong khi đồng minh chuẩn bị phản công. Thời gian cho phép chỉ là vài tiếng đồng hồ.
Đại tá Éric Mauger, chỉ huy lực lượng Pháp ở Estonia giải thích : « Chúng tôi không ở đây để gây căng thẳng, nhưng Estonia là một nước nhỏ rất dễ tổn thương nếu không được đồng minh bảo vệ ». Thủ tướng nước này cũng vừa đòi hỏi NATO tăng cường ở phía đông với nhịp độ nhanh hơn.
Hơn 30 năm sau khi độc lập, ba nước Baltic vẫn thường xuyên sống trong khủng hoảng, lo sợ gấu Nga láng giềng sẽ chiếm lại. Trong kế hoạch quốc phòng đều chuẩn bị việc dời các cơ quan chính phủ nếu bị xâm lăng, quân dự bị thường xuyên tập luyện…
Thụy Điển gởi viện quân đến đảo Gotland giữa biển Baltic
Ngay tại châu Âu, quân đội Thụy Điển cũng gởi lực lượng tăng viện đến đảo Gotland, trong bối cảnh căng thẳng với Nga. Từ một tuần qua, hình ảnh các xe tăng trên đường phố và những binh sĩ đang tuần tra trên hòn đảo được chiếu liên tục trên truyền hình và chiếm trang nhất tất cả các tờ báo Thụy Điển. Khoảng 100 quân nhân cách đây vài ngày đã được gởi đến để tiếp sức cho 350 quân trên đảo Gotland nằm ngay giữa biển Baltic, cách Latvia vài trăm cây số. Trước đó hôm 12/01, Nga đã triển khai thêm ba tàu đổ bộ tại biển Baltic, ngoài ba chiến hạm có mặt thường xuyên lâu nay. Đến 18/01 các tàu này ra đi sau khi thả neo ở eo biển Kattegat nằm giữa Thụy Điển và Đan Mạch, rất có thể do thời tiết xấu.
Mattia Ardin, chỉ huy lực lượng trên đảo nhấn mạnh vị trí địa chính trị của Gotland : kiểm soát được những chuyển động trên biển lẫn trên không phận Baltic. Những người dân địa phương mà Le Monde tiếp xúc đều tỏ ra hài lòng trước sự hiện diện của quân đội, có người tỏ ra tiếc nuối việc rút quân khỏi Gotland năm 2007 – chiến tranh lạnh đã kết thúc, Liên Xô tan rã, Stockholm tin rằng hòa bình là vĩnh viễn. Vụ Nga chiếm Crimée năm 2014 khiến Thụy Điển phải tăng cường ngân sách quốc phòng. Tuần trước, hiệp hội bảo vệ quyền trẻ em đã phải tư vấn cho các thiếu niên Thụy Điển đang lo sợ xảy ra chiến tranh, theo như các video trên TikTok.
Nga có thể khởi động chiến tranh với Ukraina
Về điểm nóng Ukraina, trả lời phỏng vấn Le Figaro, giáo sư tiến sĩ địa chính trị Jean-Sylvestre Mongrenier nhận định « Không thể loại trừ khả năng xảy ra một cuộc chiến dữ dội ». Theo ông Mongrenier, tố cáo của Washington về việc Matxcơva bố trí người ở Ukraina để gây bất ổn là có cơ sở. Đây là cách làm cổ điển : tạo ra một sự cố để lấy cớ tấn công. Có một từ khóa trong ngữ vựng quân sự Nga : « maskirovka » - hư hư thực thực, che đậy, bóp méo thông tin, như hồi « những người áo xanh » tiến vào Crimée. « Chiến tranh phức hợp » ngày nay không giống thời xưa, nhờ có công nghệ mới. Matxcơva tìm cách áp đặt một hiệp ước Yalta mới để tái lập một phần hoặc toàn bộ Liên Xô, tập trung vào Trung Âu.
Vladimir Putin đã nhiều lần tuyên bố Ukraina không có lý do gì để hiện hữu. Trên thực tế, Nga đã chiếm mất Crimée của Ukraina, đây là cuộc xâm lăng bằng vũ lực đầu tiên tại châu Âu kể từ 1945, và kiểm soát một phần Donbass. Vấn đề là Nga có thể dấn lên đến đâu. Tất nhiên Matxcơva vẫn muốn thống trị Ukraina mà không cần phải chiến đấu.
Liệu có thể cho Nga quyền phủ quyết về các quyết định của NATO hay không ? Giáo sư Mongrenier nhắc nhở, Nga lập ra hiệp ước quân sự OTSC trước khi NATO mở rộng lần thứ nhất, và Liên minh Kinh tế Á Âu ngay cửa châu Âu mà không hề hỏi ý phương Tây. Chủ đề NATO chỉ nhằm đánh lạc hướng. Trên nguyên tắc, NATO mở rộng cho tất cả Nhà nước châu Âu xin gia nhập nhưng trên thực tế thì đang đóng băng, và Vladimir Putin biết rõ điều đó. Nga muốn chiếm lại những miền đất cũ, dù các nhà nước thuộc Liên Xô trước đây đã được quốc tế công nhận và có đại diện tại Liên Hiệp Quốc với đầy đủ quyền và nghĩa vụ.
Giáo sư Jean-Sylvestre Mongrenier đánh giá
viễn cảnh rất xấu, không loại trừ việc xảy ra một cuộc chiến dữ dội. Như
triết gia Julien Freund đã nói « Cần dự báo khả năng tệ hại nhất để nó
không thể xảy ra », trong tình hình hiện nay cần cứng rắn và đoàn kết để
có được « hòa bình bằng sức mạnh ». Theo ông, cứ liên tục đòi
« đối thoại với Nga » là thất sách. Do trừng phạt về kinh tế và công
nghệ cần có thời gian, nên ưu tiên là đối đầu cả về chính trị, ngoại
giao và quân sự.
Thời điểm đầy hiểm nguy cho Ukraina
Tương tự, nhà bình luận Jacques Attali cảnh báo trên Les Echos « Ukraina, tháng của mọi nguy hiểm ». Tác giả đặt mình vào vị trí của mỗi bên để dự báo những diễn tiến.
Trước hết là Nga không thể tự cho phép để Ukraina, chiếc nôi của nước Nga, trở thành một nền dân chủ thù địch và thành viên của mọi liên minh phương Tây, trong khi cách đây 30 năm Matxcơva đã mất đi mọi hy vọng được hội nhập vào ngôi nhà châu Âu. Về phía Ukraina cũng có lý khi nghĩ rằng không ai có quyền thay mình quyết định vận mệnh, nếu Kiev muốn gia nhập Liên hiệp Châu Âu và NATO thì việc này chỉ tùy thuộc vào Ukraina và các đối tác tiềm năng mà thôi. Hơn nữa Ukraina đã ghi mục tiêu này vào Hiến pháp.
Hai mục đích trái ngược của hai nước láng giềng được vũ trang có thể dẫn đến hệ quả bi thảm trong những tuần, những tháng tới. Matxcơva đòi Mỹ và đồng minh phải cam kết không bao giờ kết nạp Ukraina vào NATO và không đưa vũ khí nguyên tử chiến lược vào các nước có biên giới với Nga, và tất nhiên bị phương Tây bác bỏ. Nga có thể coi đây là thời điểm tốt nhất để dùng quân sự đoạt lấy những gì bị từ chối về ngoại giao.
Để chứng tỏ quyết tâm, Putin huy động 100.000 quân thiện chiến và sử dụng công nghệ cao tại biên giới Ukraina, vào lúc mặt đất đóng băng (tình trạng này sẽ không kéo dài) cho phép lực lượng xe bọc thép tấn công chớp nhoáng, tiến vào Kiev trong không đầy một tuần lễ và dựng lên một chính quyền bù nhìn thân Nga. Nhất là lúc này Hoa Kỳ và châu Âu đang bận bịu.
Putin luôn coi Ukraina thuộc sở hữu của mình
Cây bút Alain Frachon trong bài « Putin muốn Ukraina ‘của ông ta’ » đăng trên Le Monde cũng cho rằng Vladimir Putin không hề sợ bị NATO tấn công, việc này không có trong kế hoạch của Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Nỗi ám ảnh của Putin là « người anh em Slave » với hàng ngàn mối liên hệ với nước Nga, được khuôn đúc theo kiểu phương Tây. Matxcơva lo sợ tinh thần dân chủ sẽ lây lan sang « đất mẹ ». Tối thiểu Ukraina phải nhìn nhận quyền can thiệp của Nga, Kiev chỉ có được hòa bình với chủ quyền hạn chế.
Putin tự cho mình có nhiệm vụ lịch sử là giữ được vị trí đại cường của Nga qua việc duy trì hoặc tái lập vùng ảnh hưởng. Ông ta cần an ninh chiến lược hay an ninh chính trị-ý thức hệ ? Bảo vệ nước Nga hay bảo vệ chế độ Putin, ngăn chận « nhiễm độc » dân chủ ? Le Monde nhận thấy Matxcơva chỉ dung thứ những chế độ tương tự ở các nước kế cận. Tại Belarus, Vladimir Putin giúp giữ chiếc ghế cho nhà độc tài Loukachenko chỉ để đẩy lùi mối nguy dân chủ ra xa. Còn tại Ukraina, tổng thống Nga muốn nếu không lật đổ được chính quyền thì ít nhất buộc được Kiev phải thay đổi phương hướng chiến lược.
Châu Âu chia rẽ, Mỹ lo chuyện nội bộ
Trước tham vọng đó, phương Tây có thể làm gì ? Các nước châu Âu chia rẽ về việc trừng phạt vì không muốn mất nguồn khí đốt Nga, tân thủ tướng Đức không được Matxcơva tin tưởng và Pháp 5 tháng tới sẽ bầu tổng thống. Người Mỹ cũng có vô số vấn đề nội bộ, với công luận không sẵn sàng hy sinh một người lính nào để bảo vệ chủ quyền Ukraina.
Thậm chí nếu Nga xâm lăng Ukraina, Washington có thể không cấm các ngân hàng Nga sử dụng hệ thống SWIFT, để tránh hệ quả về nguồn cung năng lượng và khả năng Nga chuyển sang bán khí đốt bằng nhân dân tệ. Trung Quốc đang yếu đi vì xử lý đại dịch một cách tệ hại, vac-xin không hiệu quả, độc tài đảng trị khiến các doanh nghiệp mất đi tính năng động. Liên minh với Trung Quốc trong lúc này, Nga không sợ bị lép vế.
Tóm lại, không có gì ngăn cản một cuộc chiến diễn ra ở Ukraina. Tất nhiên, không phải vì có đủ mọi lý do trên mà Nga sắp tiến vào Ukraina. Địa chính trị không chỉ dựa trên lý lẽ, mà còn phải tính đến những hậu quả về quân sự, kinh tế.
Trung Quốc quan sát Ukraina để áp dụng cho Đài Loan
Trong khi đó Trung Quốc vẫn nhắm vào Đài Loan, nhưng chăm chú theo dõi những gì đang diễn ra ở Ukraina để rút ra bài học chiến lược tại châu Á-Thái Bình Dương. Le Figaro cho rằng từ xa, con rồng Trung Quốc quan sát gấu Nga hành sự tại Ukraina. Theo điện Kremlin, ngày 04/02 sắp tới, bên lề lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh, Putin sẽ trao đổi với Tập Cận Bình về quan hệ Nga-NATO và cuộc thương lượng với Nhà Trắng. Một mặt trận chống phương Tây được hình thành với việc tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở Ukraina và Đài Loan.
Về mặt ngoại giao chính thức, Bắc Kinh tỏ ra thận trọng trước cuộc khủng hoảng Ukraina, từ chối bày tỏ lập trường về hồ sơ « châu Âu » xa xôi này, tuy vẫn thân cận với Matxcơva. Nhưng các nhà chiến lược đỏ theo dõi sát hồ sơ nóng bỏng mang tính trắc nghiệm đối với tổng thống Mỹ, nhằm rút kinh nghiệm ở châu Á-Thái Bình Dương. Nhà nghiên cứu Triệu Thông (Zhao Tong) của Trung tâm Carnegie-Thanh Hoa ở Bắc Kinh nhận xét Trung Quốc rất chú ý diễn biến Ukraina « vì muốn học từ Nga một số chiến thuật có thể sử dụng sau này với Đài Loan ».
Dưới cái nhìn của Bắc Kinh, hồ sơ Đài Loan có nhiều điểm tương đồng với Ukraina, nhưng mang tầm quan trọng lớn lao hơn. Lãnh thổ này bị coi là một phần của « mẫu quốc » Trung Hoa, nhưng việc « thống nhất » vấp phải sự bảo vệ quân sự của Hoa Kỳ. Cũng như Putin, thách thức của Tập Cận Bình là giữ chân quân Mỹ từ xa, để đe dọa hòn đảo 23 triệu dân và rốt cuộc Đài Loan sẽ rơi vào vòng ảnh hưởng của mình như trái cây chín rụng. Triệu Thông cho biết Trung Quốc ngưỡng mộ nghệ thuật « đạt được những nhượng bộ từ một vị thế tương đối yếu » của Nga.
Bắc Kinh học Nga, vừa thị uy vừa đàm phán để dò phản ứng Mỹ ?
Và cũng như Matxcơva trước NATO, Bắc Kinh lo ngại thấy công luận Đài Loan quay lưng hẳn với mình dưới thời bà Thái Anh Văn, dưới sự che chở của Mỹ và có sự hỗ trợ ngày càng lớn của Nhật Bản và Úc. Tháng 11/2021, Biden đã công khai quyết tâm « bảo vệ Đài Loan », không còn nhập nhằng chiến lược như thời trước. Tuy tuyên bố đao to búa lớn, tuyên truyền dân tộc chủ nghĩa, nhưng Bắc Kinh thấy cơ hội với Đài Loan xa dần qua thất bại của Quốc dân đảng. Không còn lá bài chính trị, Trung Quốc vội rút ngắn khoảng cách quân sự để chơi trò đe dọa như Nga.
Thủ đoạn phối hợp giữa đe dọa quân sự với đối thoại của Putin tỏ ra hiệu quả ở Ukraina, có thể khuyến khích Trung Quốc giương móng vuốt tại eo biển Đài Loan trong tương lai, và trắc nghiệm phản ứng của Mỹ. Bắc Kinh cũng quan sát các động thái khác của Nga, như vụ xâm chiếm Crimée có thể là kiểu mẫu để tấn công quần đảo Kim Môn (Kinmen), Đông Sa (Pratas) của Đài Loan. Thách thức đối với Bắc Kinh là phải chủ động được tình hình, để đòi nhượng bộ về lãnh thổ nhưng không phải khởi động chiến tranh với đại cường số một thế giới, mà hậu quả chắc chắn thảm họa.
Xung đột Ukraina là cơ hội để dấn tới trong lúc đối thủ Mỹ bị giữ chân. Tuy nhiên Bắc Kinh chừng như không sẵn sàng nắm lấy, do các khó khăn nội bộ về đại dịch và kinh tế, trong một năm có các sự kiện quan trọng Thế vận hội và đại hội đảng. Việc xâm lược Đài Loan sẽ không sớm diễn ra, nhưng khủng hoảng Ukraina là dịp để trắc nghiệm một nước Mỹ - đang chia rẽ và đối mặt với hai kẻ thù đang sát cánh với nhau hơn bao giờ hết.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.