Tôi hiểu rõ và có phần nào đồng tình với những ai yêu mến thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ông tài hoa, viết hay thuyết pháp giỏi, và đã góp phần phát triển Phật giáo và truyền bá pháp môn Làng Mai cho thế giới phương tây - nơi con người sống quá gấp gáp và căng thẳng đến độ đánh mất chính mình. Đáng để tự hào và ngưỡng mộ.
Nhưng tôi cũng rất hiểu và đồng cảm sâu sắc với những ai lên án thiền sư về thái độ đối với quê hương đất nước. Đặc biệt, chính tôi cũng thắc mắc về thái độ chính trị của ông trước và sau năm 75.
Trước đó, ông đau đáu với việc phát triển Phật giáo ở Việt Nam, đồng thời chọn đấu tranh cho hòa bình, đi vận động quốc tế để chấm dứt chiến tranh vì đau đớn trước cảnh chiến tranh huynh đệ tương tàn. Nhưng sau này, khi đã nổi tiếng khắp thế giới với vị thế quan trọng như một nhà tư tưởng có tầm ảnh hưởng sâu rộng, tôi có cảm tưởng dường như ông chưa từng bao giờ có một quê hương khốn khổ mang tên Việt Nam.
Trừ những lần về Việt Nam rất hoành tráng với ý định đưa pháp môn Làng Mai của ông đến với Phật tử trong nước - cùng với một kiểu như ông đã làm ở bất cứ nước nào trên thế giới - ông chưa từng bao giờ lên tiếng công khai về những vấn đề của đất nước, cả việc đạo lẫn việc đời.
Trong khi hoàn cảnh của người dân Việt và của chính Phật giáo Việt Nam suốt mấy chục năm từ 1975 đến nay cũng có quá nhiều điều có thể làm cho ông trăn trở, đớn đau, dằn vặt...
Vì sao thế? Ông đã quên Việt Nam, hay vì một lý do nào khác?
Câu trả lời chỉ có mình ông biết. Và ông đã ra đi, đi về phía đường xưa mây trắng...
Nên câu hỏi kia vẫn tiếp tục chia rẽ người Việt Nam, chẳng biết đến bao giờ.
(Mà thật ra thì cũng chẳng sao, vì chia rẽ vốn là đặc tính của dân tộc Việt. Nếu không có Thích Nhất Hạnh thì người Việt ta cũng thừa lý do để tranh cãi và khích bác nhau rồi. Ôi đất nước tôi...)
VŨTHỊ PHƯƠNG ANH 23.01.2022
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.