Truyền hình hay báo giới phương Tây, là tiếng nói của tự do ngôn luận và tự chủ tài chính, nên họ phải triệt để khai thác các cảm xúc nhất thời của người xem, nhằm gia tăng lợi ích.
Chúng ta không thế, chúng ta được bao cấp gần như 100%, nhằm phục vụ cho công tác tuyên giáo của chính quyền. Phần gia tăng lợi ích từ quảng cáo chỉ phục vụ cho mục đích cải thiện đời sống cán bộ công nhân viên mà thôi. Còn lương cứng như bao ngành khác, nhà nước trả hết.
Việc cải thiện ban đầu chỉ là cải thiện, nghĩa là nó chỉ có chèn quảng cáo vào bóng đá và phim ảnh được kiểm duyệt. Nhưng khi được kích thích bởi lợi ích, thì cơn say không còn dừng ở mức cải thiện nữa, mà trở nên biến thái. Nghĩa là ngoài nói xấu chế độ ra, thì không từ một thứ gì họ không làm. Không có trò gì không chơi. Và không có thứ gì họ không nhồi nhét vào đó.
Càng chạy theo lợi ích, họ càng xa rời tôn chỉ ban đầu mà tuyên giáo của chính thể yêu cầu. Đó là thổi hồn dân tộc đến toàn dân thông qua truyền thông. Đó là giữ gìn văn hóa đậm đà bản sắc, trong đó có lịch sử, văn chương, hội họa, và các ngành nghệ thuật nói chung, thông qua truyền thông. Đó là nhân rộng những điều tốt đẹp của cuộc sống này thông qua truyền thông. Và tuyên truyền theo hướng tích cực đường lối chủ trương chính sách của nhà nước này thông qua truyền thông.
Càng tiếp xúc với văn minh vật chất phương Tây, chúng ta càng hiểu rõ hiệu năng của quảng cáo đem lại, như câu chuyện bà mẹ ngồi bên khung cửi dệt vải nghe tin con giết người.
Một hai người nói bà không tin, vẫn điềm nhiên ngồi dệt. Nhưng nhiều người nói quá, bà không những tin mà còn bấn loạn, đạp khung cửi, rồi chạy ra đường xem thực hư.
Ông trùm truyền thông Đức quốc xã, Joseph Goebbels, không những là bậc thầy về tầm nhìn và mức độ am hiểu, hoạch định chiến lược và phương thức tuyên truyền của thế kỷ 20. Mà còn là người khai mở ra giá trị của quảng cáo đối với sự gia tăng doanh số của sản phẩm, khi nói: "Sự thật là những điều dối trá được lặp đi lặp lại nhiều lần". Đó chính là khẩu quyết bất diệt của quảng cáo.
Nghĩa là muốn một điều gì đó người ta tin là đúng, như làm cho mẹ tin con mình giết người, hãy nói về nó thật nhiều lần. Kiểu máy lọc nước Kăngaru hay pin En-ni-chai-giơ, sơn níp-pông hay xà phòng ô-mông gì đó.
Nếu làm đúng sứ mệnh, truyền thông phải làm công việc đó, duy nhất công việc đó, làm gia tăng hình ảnh tốt đẹp của chế độ, của chính quyền thông qua những biểu trưng có liên kết đến những nét tốt đẹp của đất nước, của dân tộc, của quốc gia này.
Nhưng họ đã làm gì?
Họ nhét quá nhiều những trò chơi rởm rít, nông cạn, diêm dúa, thôi lổi, rẻ rúng, và đôi khi bần tiện lên truyền hình, lên báo chí.
Họ dùng hiệu ứng truyền thông mà nhà nước ban cho như là quyền lực riêng mình, bằng những hành vi dơ bẩn, phục vụ những mục đích đen tối, đôi khi ti tiện, như để tống tiền doanh nghiệp.
Tất cả những tham muốn nhất thời đó nhằm gia tăng hiệu ứng quảng cáo lấy tiền, truyền thông nước nhà đã đẩy quốc gia vào hai hệ lụy không nhỏ. Và kể cả có quyết tâm, cũng phải mất rất nhiều thời gian lẫn công sức để phục hồi được nguyên khí của nó.
Hệ lụy thứ nhất là làm suy đồi văn hóa dân tộc vốn dĩ đã rất khiếm khuyết, bằng cách gia tăng thời lượng các trò chơi mang tính tiêu khiển và chèn quảng cáo, làm giảm đi tối đa thời lượng tuyên truyền những cái hay cái đẹp, bổ trợ cho giáo dục và tôn vinh các giá trị cuộc sống. Điều này càng lâu càng đẩy một thế hệ, một đám đông không nhỏ có xu hướng sống hời hợt về tư duy và thiếu thốn văn hóa, ham mê các trò chơi y như tivi.
Hệ lụy thứ hai là càng ngày càng đẩy cuộc sống thường ngày ra xa rời thực tiễn, chính thể xa rời dân, hình ảnh chính thể trở nên lố bịch trong dân, khi mà người xem truyền hình chỉ mong nó chóng qua để đến chương trình trò chơi vô bổ nào đó. Biến đồng bào máu thịt của nhau thành những đám đông ô hợp, vị kỷ và nuôi dưỡng xung đột lẫn nhau bởi thiếu đi giá trị chung, đó là hướng về văn hóa cội nguồn và cùng nhau tôn kính nguồn gốc tổ tiên.
Nếu tôi có quyền về tuyên giáo. Và nếu quốc gia này còn muốn giữ được sự mực thước, nghiêm ngắn cùng các chuẩn mực muốn hướng đến. Tôi sẽ dẹp bỏ những trò vô bổ, tháu cáy, ấu trĩ đó trong vòng một nốt nhạc. Bởi bất cứ một nền chính trị độc tài nào muốn tồn tại và vinh hiển như Hít-le, làm được những điều như Hít-le đã từng làm, thì nền tảng mà Joseph Goebbels đã tạo ra, vẫn là kim chỉ nam cho mọi lề lối và cách thức tuyên giáo. Chỉ có Dân tộc và Chính thể.
Dân tộc có những giá trị cao đẹp của dân tộc, và Chính thể có những chuẩn mực lẫn điều tốt đẹp của chính thể. Đừng bao giờ tha hóa nó trong mắt người dân, nếu muốn tồn tại.
LÊ DŨNG 21.01.2022
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.