mardi 7 décembre 2021

Đỗ Duy Ngọc – Hát quốc ca phải trả tiền

 

Có xứ nào như xứ này không? Hát Quốc ca phải trả tiền nếu không thì không cho phát. Thế là cho câm luôn.

Chuyện xảy ra khi mở màn trận đấu giữa Việt Nam và Lào chiếu trên YouTube. Thời điểm tắt tiếng, trên màn hình Next Sports chạy dòng chữ với nội dung: "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị khán giả thông cảm".

Thiết nghĩ Quốc ca là thuộc bản quyền của nhà nước và trở thành tài sản quốc gia, không lẽ mỗi lần sử dụng phải đóng phí cho nhà nước hay doanh nghiệp?

Một vị đại diện cho công ty BH Media, công ty được cho là được ủy quyền quản lý bản quyền bản ghi âm Quốc ca cho rằng theo Luật sở hữu trí tuệ, nếu ai bỏ công sản xuất bản ghi và đã trả tiền tác giả thì coi như sở hữu hợp pháp bản ghi âm, ai muốn sử dụng bản ghi âm đó phải xin phép và trả tiền cho nhà sản xuất.

Thế mấy chục năm nay có ai trả tiền cho gia đình nhạc sĩ Văn Cao? Bản thân nhạc sĩ và gia đình đã hiến bài hát cho nhà nước, nên từ lâu không tơ hào gì đến chuyện tiền bạc. Và nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sử dụng bài Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao để làm Quốc ca chứ không phải để thu tiền. Về mặt nguyên tắc, không ai có thể dùng bài Quốc ca để trục lợi.

Đây cũng không phải lần đầu, mà trước đó Quốc ca Việt Nam nhiều lần bị tắt tiếng trong các trận đấu của đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam khi được phát trên kênh YouTube. Lý do là có một doanh nghiệp đứng ra tuyên bố đã đăng ký sở hữu bản quyền ca khúc "Tiến quân ca" của cố nhạc sĩ Văn Cao. Do vậy, đã có nhiều clip trên YouTube bị xóa vì phát Quốc ca Việt Nam. Bộ Văn Hóa đi đâu rồi? Có bài Quốc ca mà cũng đem bán là sao?

Ngày 7.12, trên báo đăng ý kiến của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng "Bộ được giao nhiệm vụ là cơ quan chủ quản quản lý, có trách nhiệm gìn giữ và phát huy giá trị ca khúc này. Những ai muốn làm các sản phẩm âm nhạc liên quan đến Tiến quân ca đều phải xin phép cơ quan giữ quyền tác giả tác phẩm.

Đồng thời, Bộ VH, TT&DL nhấn mạnh, pháp luật của Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng) theo quy định pháp luật". (Trích báo)

Lỗi này thuộc về ai? Khe hở của Luật sở hữu trí tuệ hay lỗi ăn chận của một doanh nghiệp?

Đến Quốc ca mà cũng tính chuyện bán mua để kiếm lợi thì chẳng còn gì để nói nữa rồi! Thời đại gì mà cái chi cũng đem ra buôn bán tất tần tật thế này?

ĐỖDUY NGỌC 07.12.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.