Đăng ngày:
AFP dẫn một thông cáo trên trang web của bộ Thương mại tối qua, yêu cầu « các hộ gia đình tích trữ một số lượng hàng thiết yếu cho nhu cầu hàng ngày, để dùng trong trường hợp khẩn cấp ». Thông cáo không nêu lý do, cũng không nói Trung Quốc có bị khan hiếm thực phẩm hay không. Bộ Thương mại cũng kêu gọi chính quyền các địa phương tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp và hoạt động cung ứng, giám sát việc dự trữ thịt, rau quả, đồng thời ổn định giá cả.
Trung Quốc là nước nhập khẩu thực phẩm nhiều nhất thế giới, dễ bị ảnh hưởng trước những xung đột. Hiện nay Bắc Kinh đang căng thẳng với các nước xuất khẩu lương thực lớn như Hoa Kỳ, Canada, Úc. Chỉ thị của bộ Thương mại khiến cư dân mạng cho rằng có liên quan đến căng thẳng với Đài Loan, nhưng tờ báo Nhà nước Economic Daily phê phán họ « tưởng tượng quá nhiều ».
Vào lúc đỉnh dịch đầu năm 2020, các chuỗi cung ứng đã bị rối loạn do nhiều địa phương và tuyến đường bị phong tỏa. Thế vận hội mùa đông sắp diễn ra ở Bắc Kinh tháng Hai tới, chính quyền lo ngại dịch Covid lại bùng lên. Ít nhất 6 triệu người đã bị phong tỏa, chủ yếu ở Lan Châu (Lanzhou) thuộc tỉnh Cam Túc cách Bắc Kinh 1.700 kilomet, tuy số ca dương tính mới tại Trung Quốc vẫn còn rất thấp so với tình hình chung trên thế giới - hôm nay có 71 ca.
Nạn lụt mùa hè vừa qua đã gây thiệt hại lớn cho mùa màng. Reuters cho biết Sơn Đông, tỉnh sản xuất rau quả lớn nhất nước đã bị mất toàn bộ sản lượng, giá dưa leo, rau và bông cải xanh tăng gấp đôi. Theo số liệu chính thức, tháng trước giá 28 loại thực phẩm đã tăng 16%. Ông Tập Cận Bình năm ngoái đã kêu gọi người dân tiết kiệm, không lãng phí lương thực.
Trong quá khứ, tại Trung Quốc từng xảy ra những trận đói, nhất là chính sách Đại nhảy vọt của Mao cuối thập niên 50 và đầu thập niên 60 đã làm khoảng 36 triệu người chết đói.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.