Đọc trên báo thấy có tin: "Sau 3 kỳ thảo luận, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) vẫn chưa nhất trí việc tịch thu hay đánh thuế, hay đưa ra tòa với tài sản không chứng minh được nguồn gốc. Thậm chí, qua phát phiếu lấy ý kiến, vẫn không quyết được "số phận" tài sản này."
Đồng thời, khi lấy ý kiến các đại biểu chỉ có 209/456 ý kiến, chiếm 45,93% số đại biểu tham gia cho ý kiến (chiếm 43,09% tổng số ĐBQH), tán thành phương án giải quyết tại tòa án.
Phương án đánh thuế thu nhập còn nhận được ít sự ủng hộ hơn, chỉ 156/456 ý kiến (chiếm 32,16% tổng số ĐBQH) tán thành. Ngoài ra, 40/456 ĐB (chiếm 8,24% tổng số ĐBQH) đề nghị giữ như quy định của luật Phòng chống tham nhũng hiện hành. Chỉ có 1 ý kiến đề nghị tịch thu và 31 vị ĐBQH (chiếm 6,39% tổng số ĐBQH) không thể hiện chính kiến của mình.
Có lẽ đây là một trong số những vấn đề bàn cãi trong Quốc hội Việt Nam mà lại có những con số khác biệt như thế này. Thường thường tỉ lệ tán thành là trên 90% và có lúc 99,9%. Tại sao vấn đề này lại có những con số khác biệt như vậy?
Lý do là đang bàn về vấn đề dính dáng đến quyền lợi của các đại biểu. Tất cả các đại biểu Quốc hội ở nước ta đều là cán bộ lãnh đạo đương chức. Và điều tất nhiên tham nhũng chỉ có ở những người đang có quyền lực. Dân đen thì lấy gì để tham nhũng.
Do vậy, khi đụng đến chuyện tịch thu, đánh thuế hay đưa ra tòa tài sản không chứng minh được nguồn gốc tức là đụng đến đồng tiền nhờ quyền lực mà có, tức là tham nhũng. Mà tài sản tham nhũng thì lấy đâu mà chứng minh được nguồn gốc. Đồng tiền đi liền khúc ruột, dù đó là đồng tiền bất minh, đồng tiền phạm pháp cũng đã là tài sản của các ông. Dễ gì các ông ấy lại bấm nút biểu quyết tán thành việc tịch thu tài sản của chính mình. Có ai lại dại thế? Cho nên các ông không đồng tình là hợp lý thôi.
Phần đông chấp nhận giải quyết tại tòa, bởi thật sự tài sản có được do tham nhũng, hối lộ thường được phân tán cho thân nhân, con cháu, họ hàng đứng tên cả rồi. Ra toà thì chẳng còn chi. Hơn nữa, ra tòa thì chạy chọt, nén bạc đâm toạc tờ giấy, trám tiền vào thì mọi việc êm đẹp cả thôi mà.
Nói như ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao: "Hiện có những người hơn hai mấy, ba mươi tuổi đã đứng tên những tài sản cả trăm tỉ, ngàn tỉ đồng. Chúng ta biết hết nhưng không xử lý được, vì quyền sở hữu của công dân chúng ta không đụng vào được. Nhưng nếu có luật Đăng ký tài sản, khi anh đăng ký một tài sản mới, anh không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì anh bị “thăm hỏi” ngay. Như thế, chắc rằng sẽ không còn chỗ ẩn nấp cho nhóm tài sản tham nhũng". Như vậy, khi ra tòa án chẳng còn tài sản bao nhiêu để thu hồi.
Có 32% ý kiến chấp nhận thu thuế với tài sản không chứng minh được. Theo phương án này, trường hợp kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc; và cơ quan có thẩm quyền không chứng minh được tài sản, thu nhập do vi phạm pháp luật mà có, thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập chuyển vụ việc cho cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền yêu cầu thu thuế thu nhập cá nhân đối với phần tài sản này.
Kiểu này cũng là khôn, khi có vấn đề phải bị điều tra, lòi ra tài sản bất minh chỉ cần chấp nhận đóng thuế thu nhập là xong, tiền bạc, tài sản vẫn còn đó, có sứt mẻ chút xíu cũng chẳng chết thằng Tây nào. Khôn quá đi chứ. Đóng thuế xong là xong, chẳng vướng tội lỗi gì. Tài sản nhiều mà, đóng thuế một ít cũng chẳng sao, phần còn lại là hợp pháp, ăn ba đời cũng chưa hết.
Thương cho một đại biểu cô đơn đồng tình với việc tịch thu tài sản bất minh. Có lẽ vị này chưa dính tham nhũng, chưa có tài sản hoặc chưa có cơ hội để có tài sản tham nhũng. Cũng có thể vị này tự tin mình đã tạo vành đai an toàn cho số tài sản của mình chăng?
Có 31 vị chọn im lặng là vàng, không biểu quyết. Tội gì, cứ để mọi người cho ý kiến, xem tình hình thế nào? Im lặng đúng lúc cũng là một hành động khôn ngoan. Cứ lặng lẽ đừng để lòi mặt chuột là được. Cứ chường mặt ra có khi dính bẫy oan kkk.
Qua những con số trên mới thấy việc kê khai tài sản của cán bộ chỉ là là một trò vui. Có mấy ai khai thật và luật pháp cũng chưa có một biện pháp gì để xử lý khi cần thiết. Mà có khui ra được cũng chưa có điều luật nào để giải quyết, tòa xử, đánh thuế hay tịch thu cho đến giờ vẫn còn cù cưa.
Theo quy định pháp luật hiện hành, tại Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 việc kê biên tài sản chỉ được áp dụng khi nào đối tượng bị khởi tố bị can hoặc bị đưa đi xét xử. Còn trước đó, dù đối tượng bị thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kể cả trong thời gian khởi tố vụ án nhưng chưa khởi tố bị can cũng đều được miễn trừ trách nhiệm. Như vậy, người phạm tội được hưởng quyền bất khả xâm phạm về tài sản sở hữu.
Đây chính là kẽ hở của pháp luật, vô hình trung biến thành quãng “thời gian vàng” giúp cho tội phạm có điều kiện tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa tài sản phạm tội mà có”. Một đại biểu đã từng phát biểu như thế. Cũng theo luật, khoản 3 Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định "chỉ kê biên bán tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại" cũng làm khó cơ quan tố tụng vì nội hàm rất trừu tượng.
Có rất nhiều vụ án lên đến hàng ngàn tỉ, nhưng tiến hành và xử lý chậm chạp, nhiêu khê, qua nhiều tầng, nhiều lớp khiến cho việc kiểm kê hoặc kê biên tài sản kéo dài trong giai đoạn điều tra, truy tố là nguyên nhân dẫn đến nhiều đại án khó thu hồi tài sản phạm pháp.
"Tài sản bị tội phạm chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng là đặc biệt lớn, đối tượng phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, người có chuyên môn, nghiệp vụ nên thường sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau để che giấu hành vi phạm tội, che giấu nguồn gốc hình thành tài sản do phạm tội mà có, che giấu đường đi của dòng tiền nên rất khó phát hiện, thu hồi”.
Ông Lê Minh Trí đã nhấn mạnh: "Các hoạt động kinh tế phải minh bạch thì chống tham nhũng, thu hồi tài sản mới tốt được. Quyết tâm nhưng thu, kê biên không đúng luật thì người ta kiện. Đúng hay không thì phải xác minh, mà trong quá trình xác minh thì họ tẩu tán mất rồi. Cho nên việc này phải giải quyết bằng nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó có biện pháp căn cơ là pháp luật, để chúng ta có thể thu hồi tốt hơn”.
Tui nghĩ, cứ phạm tội là kê biên gia sản ngay. Điều tra, xử án, tiền nào có nguồn gốc rõ ràng thì trả lại, tài sản bất minh, không nguồn gốc thì tịch thu cho vào công quỹ. Làm ngay khi có lệnh bắt còn hy vọng chứ đợi điều tra thì nó tẩu tán mất rồi còn đâu. Ở xứ này mà chờ minh bạch là thua rồi.
Nhưng giờ lấy gì minh bạch, có thằng tham nhũng nào mà tự khai, chẳng có ai cầm dao tự cắt mình, chẳng có ai lại đi bấm nút để đồng tình việc tịch thu tài sản của mình. Bàn biện pháp ngăn ngừa ăn trộm với thằng ăn cắp thì cũng bằng thừa. Thế mới thấy cán bộ ta đụng đến quyền lợi cá nhân là phân hóa rõ ràng ngay.
Do vậy, họp thì cứ họp, bàn thì cứ bàn nhưng sẽ chẳng đi đến đâu. Chuyện chống tham nhũng ở xứ ta là chuyện dài lắm chuyện, rối như tơ, khó mà gỡ bởi anh chưa bị lộ ngồi xử thằng bị lộ. Rốt cuộc chẳng có luật nào rõ ràng, minh bạch để xử cả.
ĐỖDUY NGỌC 15.11.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.