vendredi 1 janvier 2021

Huy Đức - Trung ương & Cuộc chiến chống tham nhũng


Một chuyên gia kinh tế gửi tôi hai biểu đồ được lập dựa trên kết quả điều tra PCI các năm (của VCCI), cho thấy : tham nhũng giảm ; tỉ lệ doanh nghiệp (DN) phải hối lộ khi làm thủ tục hành chính hay khi thanh tra, kiểm tra đều giảm.

Có thể nói, kể từ khi chính thể Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (hiện nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam) ra đời, chỉ có nhiệm kỳ này mới thực sự quyết tâm cao chống tham nhũng [Vụ Trần Dụ Châu mang dáng dấp “mượn đầu Vương Hậu” nhiều hơn]. Không có nền chính trị nào không có phe phái nhưng những kẻ bị kỷ luật, bị đưa ra tòa trong 4 năm vừa rồi là “đúng người”.

Một nhân vật từng ở trong “Bộ Ngũ” cho rằng, trong vài nhiệm kỳ gần đây, “lưu manh đã leo lên đến tầm rất cao”; quyền lực nhà nước có lúc đã cận kề với nguy cơ bị vận hành như “quyền lực xã hội đen” nhưng còn “vô đạo” và ít “giang hồ” hơn “xã hội đen”.

Những nỗ lực của nhiệm kỳ qua đã tạm đẩy lùi được nguy cơ đó.


Ba phương án “nhân sự đặc biệt” nếu đúng là không có phương án nào cao hơn 40% thì lại một lần nữa cho thấy “không phải cứ có uy tín trong dân là lại nhận được phiếu cao trong Đảng”. Tín nhiệm của Trung ương không chỉ băn khoăn về vấn đề tuổi tác mà còn có thể đọc được thái độ của họ với cuộc chiến chống tham nhũng hơn bốn năm qua. Chắc chắn có những ủy viên sợ hãi đến lượt mình nhưng có thể cũng có những ủy viên đòi hỏi cao hơn vậy.

Trở lại với điều tra PCI mà tôi vừa dẫn ở trên, các DN cho rằng, họ vẫn chưa dám tố cáo tham nhũng. Doanh nghiệp chưa dám tố cáo vì sợ hãi. Và, quan chức ít tham nhũng hơn cũng vì sợ hãi chứ chưa phải luật pháp đã minh bạch hơn, cơ chế giám sát tốt hơn.

Công cuộc “đốt lò” hiện nay vẫn là ý chí chính trị từ trên xuống chứ chưa được vận hành bằng cơ chế. Cho nên, nếu có một Ban chấp hành Trung ương vì nước thì chắc chắn cũng sẽ thấy như dân : Không thể chống tham nhũng mà không đổi mới.

Phải tới ngày 9-1-2021 thì “Bộ Tứ” mới có hình hài ; Sau 15-1-2021, Trung ương mới đưa ra quyết định. Không có một đội ngũ lãnh đạo mới giữ được thế trận cũ thì công cuộc chống tham nhũng hơn bốn năm qua dễ thành công cốc. Nhưng, những nhà lãnh đạo mới mà vẫn loay hoay trong “lồng cũ” thì có bắt được nhiều tham nhũng cũng không có ý nghĩa lâu dài.

PS : Trong khi chờ thông tin nhân sự cấp cao được giải mật, đọc lại chuyện nhân sự Đại hội VIII, tất nhiên là nhiệm kỳ này sẽ không có ai đủ trơ trẽn để điều hành nhân sự theo được “phong cách Đỗ Mười”:

Tam nhân Tại Vị

Từ ngày 3 đến ngày 9-6-1996, Trung ương tái nhóm họp để bàn về nhân sự. Tại hội nghị mà về sau ngôn từ nội bộ gọi là “Trung ương 11b”, Ban Nhân sự đã đưa bốn phương án về “ba đồng chí lãnh đạo chủ chốt” - Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt - ra Trung ương thăm dò. Kết quả, Trung ương đã không bỏ phiếu cho ba ông ở lại nhưng cũng không đủ phiếu để mời ba ông về làm cố vấn.

Phương án “cả ba đồng chí ở lại Bộ Chính trị” chỉ được 35 phiếu đạt 22,01%. Phương án “hai đồng chí ở lại Bộ Chính trị” được 11 phiếu, 6,9%. Phương án “một đồng chí ở lại Bộ Chính trị” được 68 phiếu, 42,76%. Còn phương án “cả ba đồng chí đều không tái cử Bộ Chính trị, làm cố vấn”, được 38 phiếu, 23,89%. Chỉ còn chưa đầy ba tuần là đại hội mà nhân sự chủ chốt vẫn rất mơ hồ. Trong lời bế mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, Tổng Bí thư Đỗ Mười nói : “Về danh sách giới thiệu Ban Chấp hành Trung ương Khóa VIII, nếu có vấn đề mới, đến Hội nghị Trung ương 12, Bộ Chính trị sẽ báo cáo xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương” [468].

Hơn hai tuần trước khi Đại hội VIII bắt đầu, vấn đề nhân sự vẫn còn chưa có gì rõ ràng. “Cách mạng lão thành” lại viết thư góp ý. Phương án không để những ủy viên Trung ương đã đến tuổi sáu mươi lăm tái cử bị một số người phản đối. Thư đề ngày 12-6-1996 của ông Trần Lâm viết : “Đồng chí Đỗ Mười tiếp tục làm tổng bí thư ở độ tuổi tám mươi, mà gạt bỏ hết những ủy viên Trung ương ở tuổi sáu lăm thì khoảng cách về tuổi giữa tổng bí thư và các đồng chí khác trong Bộ Chính trị và Ban Chấp hành TW sẽ là mười sáu tuổi trở lên đến vài ba chục tuổi. Như vậy tổng bí thư sẽ dễ được coi như cha chú, như lãnh tụ”.

Ông Trần Lâm ủng hộ việc “kiếm người thay thế Chủ tịch nước Lê Đức Anh” trong khi phê phán ông Đỗ Mười : “Trong vấn đề chuẩn bị nhân sự này đồng chí (Đỗ Mười) tỏ ra nể nang, chịu sức ép của một số người muốn gạt anh Võ Văn Kiệt vì định kiến hoặc vì chủ nghĩa cá nhân mờ ý chí sáng suốt”.

Ngày 19-6-1996, tại Hội nghị Trung ương 12, khi đọc “Báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 11”, Tổng Bí thư Đỗ Mười nói : “Xin đề nghị đồng chí Lê Đức Anh và đồng chí Võ Văn Kiệt tiếp tục tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị Khóa VIII... Xin đề nghị thêm hai đồng chí nữa là đồng chí Đoàn Khuê và đồng chí Nguyễn Đức Bình tái cử Trung ương và Bộ Chính trị Khóa VIII”. Tuy bị một số ủy viên phản ứng [469] nhưng Trung ương vẫn biểu quyết thuận đề nghị này của ông Đỗ Mười [470].

Chiều ngày 19-6- 1996, Tổng Bí thư Đỗ Mười trấn an : “Chúng tôi - Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh - đã nhiều tuổi, tư tưởng của chúng tôi là muốn chuẩn bị tốt nhân sự cho Khóa VIII, tốt nhất là đến Quốc hội Khóa X có thể thay thế nhân sự chủ chốt, nhất là chức tổng bí thư. Thay thế đồng chí tổng bí thư là một vấn đề lớn. Chúng ta cần có thời gian chuẩn bị để thay thế các vị trí chủ chốt và nếu tìm được thì sẽ thay thế ngay, lúc đó chúng tôi sẵn sàng lui về tuyến hai”.

Cũng trong buổi chiều 19-6-1996, theo bản Tổng hợp ý kiến thảo luận tổ : “Nhiều ý kiến nhấn mạnh các đồng chí trên chỉ nên ở trong Trung ương và Bộ Chính trị đến hết nhiệm kỳ quốc hội (tháng 7-1997) rồi rút, phải kiên quyết chuẩn bị người đến lúc đó thay thế. Có ý kiến chức vụ tổng bí thư cũng nên như vậy. Bộ chính trị nói các đồng chí sẽ rút dần nhưng không rõ có thời hạn không. Ba đồng chí chủ chốt đều cao tuổi mà ở lại cả nhiệm kỳ thì không hay, nhưng có cơ sở gì đảm bảo các đồng chí rút dần hay bầu rồi là ở cả nhiệm kỳ ?” [471]. Một số ý kiến cho rằng : “Bộ Chính trị nói phương án Trung ương 11 làm lòng dân không yên là không có cơ sở. Chính phương án ba đồng chí ở lại cả dân mới không yên lòng vì thấy lãnh đạo cao tuổi mà không chuẩn bị được người thay”.

(Bên Thắng Cuộc, quyển II : Quyền Bính, trang 316).

HUY ĐỨC 01.01.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.