mardi 19 janvier 2021

Lê Đức Dục - Chiến dịch tái chiếm Hoàng Sa bất thành của Không lực Việt Nam Cộng Hòa


Không thể đặt vào lịch sử những chữ “Nếu”.

Người Pháp có câu “Với những chữ “nếu" có thể bỏ cả Paris vào trong chiếc lọ”.

Cũng như thế, bây giờ không thể nói “Nếu” vào tháng 1-1974, cuộc không kích của 5 phi đoàn tiêm kích F.5 của không lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) với hơn 100 máy bay nhằm tái chiếm Hoàng Sa thành công thì cục diện Biển Đông bây giờ đã khác !

Tất nhiên là không có “nếu”!

Nhưng cũng không vì chữ “nếu” ấy mà không nhắc lại những câu chuyện bi tráng mà vì nhiều lý do, đã bị chìm lấp giữa chồng chất tháng năm.

Ngày 19-1-1974.

Hoàng Sa thất thủ, rơi vào tay Trung Quốc. (Toàn bộ cuộc hải chiến đó các bạn có thể google với từ khóa " Hải chiến Hoàng Sa" để đọc ).

Ngày 19-1-1974 nhằm vào ngày 27 tháng Chạp năm Quý Sửu, còn ba ngày nữa là Tết Giáp Dần.

Đất nước buổi loạn ly với những gương mặt buồn nhưng ngày Tết không thể thiếu tiếng pháo.

Tiếng pháo đì đùng mừng xuân với muôn mảnh xác hồng trước sân nhà lẫn trong tiếng pháo chiến tranh cũng ì ầm vọng về từ phía núi.

Đã là ngày 27 Tết.

Tin thất thủ Hoàng Sa dội về đã khiến Nam Việt Nam như sốc hơn.

Tiếng súng của Quân Giải phóng lúc này đã áp sát vào nhiều khu vực suốt từ sông Mỹ Chánh đến núi rừng cao nguyên và dội về tận Bình Long, Phước Long, đến tít tắp Cà Mau. Nay lại thêm Hoàng Sa thất thủ !

Nhiều chiến hạm của VNCH nhận lệnh huy động tổng lực tái chiếm Hoàng Sa. Từ các quân cảng, tàu nào cũng sẵn sàng trực chỉ Hoàng Sa, bất chấp tiếng pháo cúng tất niên đang vọng về làm nao lòng người lính. Nao lòng hơn khi trên radio vẫn vang lên giọng ca của Duy Khánh “Con biết bây giờ mẹ chờ tin con/Khi thấy mai đào nở tràn trên nương…”

Tin tình báo đưa về: Nếu tung hết chiến hạm sống mái với hải quân Trung Quốc trận này chưa chắc đã thắng được. Hàng trăm chiến hạm của Trung Quốc cũng phục sẵn, với lực lượng đông gấp bội sẵn sàng nghênh chiến, và không chừng chúng sẽ kéo về chiếm luôn Trường Sa. Hải chiến xảy ra sẽ là một trận gió tanh mưa máu nhưng kết quả chưa thể nói trước.

Chỉ còn phương án sử dụng lực lượng không quân tái chiếm.

Không quân VNCH khi đó có số lượng máy bay chiến đấu đông vào bậc nhất châu Á.

Chỉ riêng phi cơ tiêm kích F.5 đã có 6 phi đoàn, mỗi phi đoàn từ 20-25 chiếc. Máy bay cường kích A.37 có hơn 300 chiếc. Chưa kể các máy bay trinh sát và trực thăng lên đến hàng ngàn chiếc. Kế hoạch tái chiếm Hoàng Sa bằng các phi đoàn khu trục F.5 là phương án khả thi và gần như chắc thắng vì không quân Trung Quốc lúc đó chưa mạnh, nếu không nói là còn yếu.

Ngày 21-1-1974 chỉ huy các phi đoàn F5 được lệnh tập kết về Đà Nẵng.

Bầu trời Đà Nẵng cả ngày 29 Tết náo động bởi tiếng gầm rú hạ cánh của các máy bay thuộc Không đoàn chiến thuật 63 (thuộc sư đoàn 3 không quân VNCH) dưới sự chỉ huy của đại tá Vũ Văn Sĩ, Không đoàn trưởng.

Bộ đàm vang lên những tiếng chào nhau rộn rã: “Thần Ưng” gọi “Thiên Ưng”, “Hắc Ưng” gọi “Hải Ưng”….

Chỉ có Kim Ưng (phi đoàn khu trục 542) được cử lại ở nhà giữ Sài Gòn, và phi đoàn F.5 Hồng Tiễn (538) vốn túc trực sẵn tại Đà Nẵng, còn các phi đoàn F5 Thần Ưng (522) F5 Thiên Ưng (536) F5 Hắc Ưng (540) và F5 Hải Ưng (544)…đều tập kết đông đủ dù Tết Giáp Dần đang ở ngay trước mặt.

(còn tiếp)

LÊĐỨC DỤC 19.01.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.