samedi 28 décembre 2013

Tránh sùng bái Mao, Bắc Kinh vẫn duy trì di sản chính trị



Thượng Hải ngày 26/12/2013: “Mao” vẫn vô tư khi người dân ngập trong sương mù ô nhiễm.
(Le Monde 27/12/2013) Nếu đến năm 1981 chính thức bị coi là người chịu trách nhiệm về thảm họa Cách mạng văn hóa, Mao Trạch Đông - qua đời năm 1976 - chưa bao giờ bị bứng khỏi các tượng đài tại Trung Quốc. Chân dung ông ta tiếp tục ngự trị trên mặt tiền cổng vào Thiên An Môn. Kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Mao ngày 26/12, cũng làm dấy lên những tranh cãi về di sản đáng ngại của ông ta.

Thế tiến thoái lưỡng nan mà Đảng Cộng sản luôn phải đối phó – theo đó Mao vừa là Lênin vừa là Stalin – tiếp tục làm chia rẽ người Trung Quốc. Người thì quyết liệt bảo vệ ông ta, nhân danh lòng ái quốc ; người lại cho rằng Mao Trạch Đông là nguồn gốc gây ra mọi xấu xa trong xã hội Trung Quốc ngày nay. Giới trí thức mà Mao cố chà đạp, coi Mao như ác quỷ: chưa bao giờ có một kẻ đào mồ chôn tri thức và văn hóa với tầm cỡ như thế.


Một số người tìm cách kiếm tiền từ việc sùng bái Mao. Số khác, mỉa mai thay, thậm chí còn cho Mao là cha đẻ phép lạ kinh tế Trung Quốc. Thâm Quyến, chiếc nôi của cải cách, vào đầu tháng 12 đã khánh thành một bức tượng Mao Trạch Đông bằng vàng và cẩm thạch. Trên internet, cư dân mạng nhanh chóng tố cáo sự hoang phí quá đáng này.

Trong kỷ nguyên Tập Cận Bình, ĐCSTQ dường như đang chơi trò xiếc thăng bằng. Bảy ủy viên thường trực Bộ Chính trị trong đó có Tập Cận Bình, hôm thứ Năm 27/12 đã đến bảo tàng Mao Trạch Đông ở Thiên An Môn, kính cẩn cúi mình ba lần.

Đối với nhà sử học Chương Lập Phàm (Zhang Lifan), « các cuộc tranh cãi về công và tội của Mao căng thẳng hơn bao giờ hết ». Theo ông, việc bày tỏ quan điểm về Mao luôn có một ý nghĩa nào đó: « Phe mao-ít cố tổ chức càng nhiều cuộc biểu tình càng tốt để bày tỏ sự bất mãn. Đối với Tập Cận Bình, đó là phương tiện để xây dựng tính chính danh của Đảng ».

Từ sau vụ thanh trừng Bạc Hy Lai - cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh bị kết án chung thân vì tham nhũng, phe Tân Mao đã trở nên kín tiếng hơn. Các cải cách kinh tế được loan báo trong Hội nghị trung ương 3 hồi tháng 11 đi theo hướng ngược lại với chủ nghĩa kinh tế nhà nước mà ông Bạc cổ vũ.

Phạm Cảnh Cương (Fang Jinggang), quản trị mạng Utopia, một trong những cơ sở của phe Tân Mao, tố cáo tình hình « phản cách mạng » : « Các trí thức mao-ít bị gạt hẳn ra ngoài lề ». Và giai cấp tư bản thống trị cố gắng « che giấu cuộc đấu tranh giai cấp hiện tại ». Ông Phạm nhận thấy một thái độ « lạnh lùng » đối với Mao trong giới viên chức. Nhưng ông tự an ủi « nhân dân tiếp tục nồng nhiệt vinh danh Mao ».

Nhật báo Global Times vốn thân cận phe dân tộc chủ nghĩa và bênh vực di sản của Mao, không ngừng nhấn mạnh sự quan trọng của dịp sinh nhật này. Báo này còn khoe rằng có đến 80% người được hỏi trong một cuộc thăm dò cho là « những gì Mao làm được đã bù đắp lại cho những sai lầm ». Tờ báo lên án « những người tự do chủ nghĩa » đã « bác bỏ hoàn toàn vai trò của Mao Trạch Đông trong lịch sử Trung Quốc » và cổ vũ cho « việc chung sống giữa các quan điểm khác biệt ». Lý lẽ của những người nhiệt thành với Người cầm lái vĩ đại : ông ta đã làm nên nền tảng của một Trung Quốc cải cách ngày nay. 

Những người đả kích Mao thì nhấn mạnh : tăng trưởng kinh tế chỉ cất cánh từ lúc những người sống sót trong số bị thanh trừng trở lại nắm quyền vào cuối thập niên 70. Còn lại chỉ là đấu đá giành quyền lực và thảm họa – các nhà sử học cho rằng nạn đói xảy ra sau Đại nhảy vọt đã làm cho 30 đến 45 triệu người chết.

Đối với ĐCSTQ, điều chủ yếu là tránh việc để hình tượng Mao Trạch Đông tách rời khỏi Đảng. Nhà báo ly khai Cao Du (Gao Yu) ở Bắc Kinh giải thích : « Họ muốn bằng mọi giá giữ lấy quyền kỷ niệm Mao. Họ nghi ngờ phe cực tả muốn phục hồi danh dự cho Cách mạng văn hóa – một điều không tưởng, trong khi vẫn kiểm soát và kìm chế những chỉ trích Mao trong giới tự do ».

Tiếp tục tổ chức kỷ niệm Mao, cũng là để ĐCSTQ chứng tỏ không thể có việc đặt lại vấn đề về độc đảng. Bào Đồng (Bao Tong), cánh tay mặt của cựu Tổng bí thư Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang), bị thanh trừng năm 1989 nhận xét : « Điều làm cho các quan chức lãnh đạo lúng túng, là hình ảnh Mao Trạch Đông ngày càng trở nên tiêu cực hơn trong mắt người dân. Nhưng họ hài lòng với di sản chính yếu của ông ta : cho phép các lãnh đạo Đảng nắm trọn quyền hành ».

Nghịch lý càng thấy rõ hơn nơi các vương tôn công tử đỏ như Tập Cận Bình, người đứng đầu Trung Quốc. Bào Đồng nói : « Cho dù cha của họ phải chịu đựng những trầm luân và đôi khi bị tra tấn dưới thời Mao Trạch Đông, họ buộc lòng phải nhìn nhận là quyền lực của Đảng là do Mao thiết lập nên, và không có ông ta, thì họ không được như bây giờ ».

Dù vậy, Tập Cận Bình tỏ ra nhập nhằng. Ông ta tin rằng đã hành động đúng đắn, khi chống lại mọi biểu hiện của « chủ nghĩa tiêu cực » đối với ba mươi năm trước kỷ nguyên Đặng Tiểu Bình - có nghĩa là Trung Quốc thời Mao Trạch Đông. Mặc cho những người chủ trương tự do thất vọng, ông Tập đẩy mạnh trở lại khái niệm đường hướng tập thể do Mao đưa ra, cũng như các buổi tự kiểm thảo của cán bộ.

Quyết định này cùng với chuyến viếng thăm tượng trưng bảo tàng Mao Trạch Đông, được coi như dấu hiệu hòa giải của Tập Cận Bình trước phe mao-ít, và nói chung là các thái tử đỏ. Bởi vì ông ta dường như cũng đã tạo điều kiện cho những khuôn mặt lịch sử khác : vào tháng 10, Tổng bí thư Đảng đã tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh của chính cha mình là Tập Trọng Huân (Xi Zhongxun), từng là Phó thủ tướng trước khi bị Mao thanh trừng năm 1962.

Đối với một số người, việc Tập Cận Bình cầu viện đến các công cụ truyền thống để điều hành Đảng, trước hết nhằm đưa người ta trở lại với thời kỳ chỉ đạo tập thể, hơn là tôn sùng chủ nghĩa mao-ít. Hơn nữa, cuốn tiểu sử của Trần Độc Tú (Chen Duxiu), một người cộng sản lão thành từ thời kỳ đầu, bất đồng chính kiến với Mao, cũng đã được phát hành.  

Vào tháng 11, Tập Cận Bình đã đến thăm Hồ Nam mà không ghé Thiều Sơn, quê hương Mao Trạch Đông. Cũng trong tháng này, ông ta viếng đền Khổng Tử ở Sơn Đông, kêu gọi người dân xây dựng lại đạo đức từ những yếu tố tích cực nơi những niềm tin truyền thống. Mao không sẵn sàng bị hạ bệ tại Trung Quốc. Nhưng ảnh hưởng của ông ta có thể bị pha loãng đi trong số những tên tuổi khác.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.