lundi 10 janvier 2022

Đỗ Trí Hùng - Làm sao để có lương tâm

1 - Anh Trương Hòa Bình, phó thủ tướng đáng kính của chúng ta từng phát biểu trên báo Thanh Niên (ra ngày 30/12/2020) đại ý như sau:

“Phải làm sao để cán bộ làm gì sai là thấy lương tâm cắn rứt”

Quả diễn ngôn bất hủ này tiền giả định rằng, cán bộ đầy tớ của chúng ta hầu hết đ*o có lương tâm, bởi vì, nếu có thì “nó” đã “cắn” các vị, khi các vị làm sai, có phỏng?

Đây là tôi diễn giải nhời của anh phó thủ tướng, tôi không bịa tạc gì hết!

Các vị làm sai, các vị tỉnh bơ. Làm sai bị phê phán, bị phát hiện, các vị chối đây đẩy đổ tội cho người khác, không thì đổ cho cơ chế, hoặc đổ mẹ cho thằng đánh máy. Làm sai nặng hơn đến mức bị vào lò, thì các vị mếu máo, khóc lóc, và sáng tác ra bệnh tật. Chưa có vị nào tỏ ra xấu hổ vì đã đánh mất “lương tâm” cả.

Hôm nay, có quả tút của một anh kol kêu gọi “ Bộ trưởng y tế xin hãy tự trọng”. Hình như năm ngoái, lời kêu gọi đó cũng ra rả, nhưng dành cho anh nhạ bộ dục, năm kìa thì dành cho anh bộ tài bộ môi hay công thương hay thông tin tuyên truyền gì đó… cứ thế cứ thế....

Đào đâu ra tự trọng hở giời!

Tự trọng liên quan tới phẩm giá, và cả hai thứ đó đều chỉ tồn tại dựa trên tiền đề căn bản, phải có lương tâm, thế mới phiền!

2 - Có một anh triết gia người Nga, tên là Bedyaev. Anh này thánh lắm, anh bị trục xuất khỏi liên xo từ thời Stalin, nhưng anh chẳng thù oán gì Stalin cả. Anh coi đó là sự đương nhiên của một thể chế đối với cá nhân đối lập quyết liệt với thể chế đó.

Anh biên rất hay, trong cuốn “ triết học của tự do”, thế này:

“ Người ta có thể nói rằng thời đại chúng ta có ít thiên tài và tài năng, do vậy mọi người nói và viết VỀ một điều gì đó thì nhiều, nhưng rất ít người nói hay viết RA một điều gì đó…”

Theo ông ý thì, nói và viết về điều gì đó, chỉ cần tài năng trung bình là làm được. Nhưng nói hay viết ra một điều gì đó, thì cần tài năng và cả lòng dũng cảm nữa.

Ông biên tiếp, vẫn rất hay, thế này:

“Thời đại chúng ta nhiễm phải khát vọng bất tài, khát vọng chối bỏ thiên tài và tài năng. Các thời đại bất tài, thiếu thiên tài là do chính con người chứ không phải sự ngẫu nhiên mù quáng làm cho thời đại thiếu vắng tài năng…”

Ông cho rằng, đặc điểm của thiên tài hay tài năng lớn, ấy là tinh thần họ tự do. Tinh thần tự do thì không có cửa sống dưới chế độ chuyên chế tàn bạo của Stalin, có phỏng?

Dưới chế độ huy hoàng của anh râu kẽm, mọi công dân đều ngoan ngoãn trung thành và chỉ biết hát tụng ca. Làm sao xuất hiện thiên tài giữa bầy cừu được nhỉ?

3 – Từ luận điểm của Bedyaev, ta có thể suy ra, thời đại của ta là thời đại thiếu vắng lương tâm và lòng tự trọng, không phải vì sự ngẫu nhiên mù quáng làm cho thời đại thiếu vắng lương tâm…

Mà là vì…. vì sao thì mọi người tự luận ra đi!

Về căn bản, những người có lương tâm, có tự trọng, có phẩm giá…. sẽ chẳng bao giờ vào được hệ thống ấy. Nếu có, thì việc đầu tiên của người có lương tâm và phẩm giá là tự nguyện từ bỏ hệ thống, đặng giữ gìn phẩm giá và lương tâm của mình, có thế thôi!

Cho nên, bài học là, hãy nghi ngờ thậm chí cả những vị đang kêu gọi lương tâm!

ĐỖ TRÍ HÙNG 08.01.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.