Não trạng thủ cựu, cổ hủ luôn luôn tìm cách che đậy bằng cụm chữ "giữ gìn truyền thống". Rất tai hại, và cản trở tốc độ phát triển của một quốc gia. Tham khảo câu chuyện của Nhựt Bổn, ắt phải kinh ngạc, nể phục.
CHỌN THỦ PHỦ CỦA "BÊN THUA CUỘC" LÀM THỦ ĐÔ CẢ NƯỚC, THAY CHO "KINH ĐÔ NGHÌN NĂM"!
Nhựt hoàng Minh Trị (Meiji) nổi tiếng với công cuộc Duy Tân giúp nước Nhựt vươn mình mạnh mẽ. Một trong những bằng chứng về tầm viễn kiến duy tân của ông là quyết định không đặt cung điện Hoàng Gia tại Kyoto (nghĩa là Kinh Đô) mà dời về Edo (đổi tên thành Tokyo: nghĩa là Đông Kinh) vào năm 1869!
Vì sao nói việc dời đô này là một cuộc cách mạng thông tuệ?
* KYOTO là kinh đô từ năm 794 đến năm 1868, có hơn 1000 năm đóng vai trò trung tâm của Nhựt Bổn! Kyoto có "tuổi thọ kinh đô" dài hơn hẳn nếu so với Thăng Long chỉ hơn 600 năm làm kinh đô của cả nước Việt (1010-1627; từ năm 1627 trở đi, Thăng Long chỉ còn là kinh đô của riêng Đàng Ngoài).
Cả thiên niên kỷ kinh đô của Kyoto là một áp lực nặng nề đặt ra trước Nhựt hoàng Minh Trị. Hà cớ gì ông phải dời đổi một "truyền thống nghìn năm"?
* EDO (Tokyo) là thủ phủ của một thể chế được gọi là Mạc phủ, có quyền lực song hành cùng với thiết chế Nhựt hoàng. Edo nằm ngoài vòng cương tỏa của Nhựt hoàng, kéo dài hai thế kỷ rưỡi (1603-1867).
Có thể ví như tình trạng "phủ chúa, cung vua" của nước Việt trong giai đoạn: Chúa Nguyễn thiết lập thủ phủ ở Đàng Trong, song hành và nằm ngoài vòng cương tỏa của vua Lê đặt bản doanh tại Thăng Long ở Đàng Ngoài, kéo dài cũng xấp xỉ hai thế kỷ.
Chế độ Mạc phủ sụp đổ năm 1867, Nhựt hoàng Minh Trị lên ngôi, phục hồi đầy đủ vương quyền. Cung đình lẫn giới sĩ phu Kyoto bấy giờ đều trông chờ vào sự phục hưng và "gia cố" mạnh mẽ vai trò kinh đô của Kyoto - bù đắp lại MẶC CẢM bị suy giảm ảnh hưởng bởi thủ phủ Edo "phi chính thống" trong suốt hơn hai thế kỷ.
Nhưng, may thay, Nhựt hoàng Minh Trị không phải là người khư khư ôm cái đầu thủ cựu! Táo bạo hơn nữa, ông chọn ngay thủ phủ của "bên thua cuộc" để dời đô!
Năm 1869, Nhựt hoàng Minh Trị đưa cung điện Hoàng gia về đặt tại Edo, đổi tên là TOKYO.
* Thành phố Edo, dưới thời cai quản của Mạc phủ Tokugawa Ieyasu, phát triển khá nhanh chóng và trở thành một trong những thành phố lớn nhất trên thế giới với dân số trên 1 triệu người, vào thế kỷ 18.
Nhựt hoàng Minh Trị nhìn thấy tương lai phát triển lâu dài cho Nhựt Bổn là phải nằm tại Edo (Tokyo)! Ông không cuồng tín tuyệt đối hóa "hào quang quá khứ" của một kinh đô, mà trên hết, mọi sự chọn lựa thủ đô phải DỰA TRÊN XU HƯỚNG TƯƠNG LAI CỦA CẢ MỘT QUỐC GIA!
Quyết định chọn Edo (Tokyo) làm trung tâm "triều chính" của Nhựt Bổn, do vậy, được xem là quyết định vĩ đại của Nhựt hoàng Minh Trị.
Tokyo kể từ lúc được chọn làm trung tâm quyền lực (1869) cho đến nay là "rất trẻ" so với Kyoto bạc đầu nghìn tuổi. Nước Nhựt cần trung tâm quốc gia mới Tokyo, căng đầy sức sống (thay vì Kyoto, bạc đầu mà níu giữ vai trò đầu não).
* Chấm dứt vai trò "kinh đô nghìn năm" của Kyoto phải chăng là ... phủ nhận truyền thống? Thực tế diễn ra cho thấy một điều ngược lại! Thật tuyệt vời cho bất cứ du khách nào đến Kyoto để chiêm ngắm Kinkaku-ji (Kim Các tự), những đền thờ Thần đạo, những vườn thiền, rồi những lễ hội nổi tiếng.
Mặt khác, Kyoto không gặp phải nhiều vấn nạn giữa xây dựng hiện đại với giữ gìn "hồn phố" ngàn năm - điều này ắt phải xảy ra nếu Kyoto là thủ đô mà nhu cầu phát triển thời hiện đại chẳng khác nào "mê lộ", phải thay đổi/xáo trộn không ngừng.
Ngẫm ra, kém trí não mà cứ ưng "sống ảo", "ăn mày dĩ vãng" thì rất dễ phá hỏng truyền thống ! Cho dù giỏi hô hào "giữ gìn truyền thống" cách mấy đi nữa.
NGUYỄN CHƯƠNG 10.01.2022
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.