Một phụ nữ Mỹ gốc Việt khóc thương John McCain trước di ảnh của thượng nghị sĩ ở Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, ngày 27/08/2018. |
Arizona hôm qua 29/08/2018 nói lời vĩnh biệt với
thượng nghị sĩ John McCain, chính khách nổi tiếng qua đời hôm thứ Bảy
tuần trước, chỉ vài ngày trước khi bước qua tuổi 82. Chiếc xe tang đen
được bốn cảnh sát hộ tống, chở quan tài phủ quốc kỳ Mỹ được chào đón bởi
một hàng quân danh dự gồm các quân nhân, lính cứu hỏa và cảnh sát.
Tiễn biệt người anh hùng John McCain
Khoảng 6.500 người dân đủ mọi khuynh hướng, tuổi tác, địa vị khác nhau, xếp
hàng nhiều tiếng đồng hồ dưới ánh nắng gay gắt, trước tòa nhà Capitol ở
Arizona để viếng vị thượng nghị sĩ cương trực được cả Cộng Hòa lẫn Dân
Chủ nể trọng. Hãng tin AP ghi nhận có một nhóm khoảng 80 người Việt từ
Nam California đến, họ mặc những chiếc áo thun màu vàng mang dòng chữ « We salute our hero Senator John McCain » (Tiễn chào người anh hùng của chúng tôi, thượng nghị sĩ John McCain).
Phái đoàn người Việt từ Orange County đến viếng TNS John McCain. Ảnh Quốc Dzũng/Người Việt |
Sau
lễ viếng ở Arizona, tiểu bang ở miền tây nam mà John McCain là đại diện
ở Thượng viện trong suốt 35 năm qua, tang lễ sẽ diễn ra ở Nhà thờ chính
tòa Washington vào thứ Bảy 1/9 tới, và đến Chủ nhật 2/9, ông sẽ được an
táng tại nghĩa trang của Học viện Hải quân ở Annapolis, thuộc tiểu bang
Maryland, gần mộ của đô đốc Chuck Larson, bạn ông. Các cựu tổng thống
Barack Obama (Dân Chủ) và George W. Bush (Cộng Hòa) được mời đọc điếu
văn trong lễ tang. Ngược lại John McCain « cấm cửa » đương kim tổng
thống Donald Trump, dự kiến phó tổng thống Mike Pence sẽ thay mặt.
Theo đài CNN, đây là một bài học văn minh mà thượng nghị sĩ John McCain để lại, khi chọn lựa khách mời cho tang lễ.
Người dân Arizona xếp hàng viếng TNS John McCain, 29/08/2018. Ảnh CBC |
…Vào
một ngày đầu tháng Tư, ông Obama nhận được một cuộc gọi bất ngờ của
John McCain. Trước đề nghị đọc diễn văn trong lễ tang, Barack Obama,
người đã đánh bại McCain trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008, chấp
nhận ngay. Ông cảm thấy choáng váng trước lời mời, cũng như ông George
W. Bush.
Quyết định mời Obama phát biểu, theo tác giả bài viết là
hết sức độc đáo, nếu biết được sự thô bạo trong cuộc bầu cử tổng thống
lần ấy. Tác giả Jeff Zeleny lúc đó theo dõi hàng ngày để viết cho New York Times.
Cuộc tranh cãi giữa hai ứng cử viên chủ yếu xung quanh chiến tranh Irak
và kinh tế. Về hai chủ đề này, ông John McCain cho rằng ông Obama khá
ngây thơ và chưa chuẩn bị kỹ cho vai trò tổng thống, đặc biệt về mặt an
ninh quốc gia. Liệu sau này khi Obama hết nhiệm kỳ, hai ông đã thân
thiết với nhau hơn chăng ?
Nhưng kiểm tra lại, thì quan hệ giữa
hai nhân vật này chỉ là sự tương kính lẫn nhau, và cùng chia sẻ mối quan
tâm về khí hậu. Từ khi Obama rời Nhà Trắng, hai ông chỉ nói chuyện điện
thoại có vài lần. Ông Obama không nằm trong số đông đảo những người đến
thăm ông McCain trong trang trại của ông ở Arizona, lúc căn bệnh ung
thư não vừa được phát hiện. Ông George Bush và bà Laura, hay ông Joe
Biden cũng thế.
Steve Duprey, người bạn lâu năm của John McCain
nhận định, qua việc mời hai cựu tổng thống Cộng Hòa và Dân Chủ - từng
chiến thắng ông trong hai cuộc tranh cử - đọc diễn văn, McCain muốn
chứng tỏ sự khác biệt chính kiến không quan trọng, và đây là một phần
của nền dân chủ Mỹ. David Axelrod, cố vấn tranh cử của Obama nói : « Đây thực sự là thông điệp đoàn kết quốc gia. Thật đẹp như một bài thơ, khi John McCain mời hai địch thủ cũ tham dự ».
« Country First »,
đó là khẩu hiệu tranh cử của John McCain trước đây. Ông đã đặt Tổ quốc
lên trên đảng phái, đặt lợi ích chung lên trên hiềm khích cá nhân.
Trong
một cuộc mít-tinh tranh cử năm 2008, một phụ nữ lớn tuổi nói với ứng cử
viên Cộng Hòa rằng bà không thể tin được ứng cử viên Dân Chủ Barack
Obama, vì « đó là một người Ả Rập ».« Không, thưa bà » - thượng nghị sĩ tiểu bang Arizona nghiêm giọng trả lời. «
Đó là một người cha đáng tôn trọng trong gia đình, và là một công dân
tốt mà tôi chỉ có những bất đồng về các chủ đề căn bản ».
Khi
bày tỏ sự ngưỡng mộ đối thủ một cách quân tử như thế, ông đã bị những
người ủng hộ mình la ó phản đối. Ngược lại ông Obama, lợi dụng tâm lý
phản chiến sau chiến tranh Irak, luôn cố tình buộc ông John McCain vào
ông Bush để kéo các lá phiếu về mình.
Còn trước đó trong chiến
dịch sơ bộ trong đảng Cộng Hòa hồi năm 2000, dù đối thủ George W. Bush
sử dụng những đòn tranh cử có khi không được đàng hoàng lắm, John McCain
sau đó vẫn ủng hộ đa số các quyết định của địch thủ cũ, sau khi ông
Bush trở thành tổng thống thứ 43 của Hoa Kỳ.
Nhưng có những nguyên
tắc mà John McCain luôn trung thành và dành cả cuộc đời để đấu tranh.
Như ông đã viết trong lá thư vĩnh biệt : « …Tôi đã được sinh ra và
chết đi với niềm hãnh diện là một người Mỹ. Chúng ta là công dân của
nước cộng hòa lớn nhất thế giới, một quốc gia của lý tưởng, chứ không
phải về huyết thống hay lãnh thổ. Chúng ta được hồng ân đấu tranh vì
nhân loại, khi bảo vệ và xúc tiến các ý tưởng này trong nước và trên thế
giới. Chúng ta đã giúp giải phóng nhiều người khỏi các chế độ độc tài
và nạn nghèo đói, hơn bao giờ hết trong lịch sử… »
Linh cữu được đưa vào tòa nhà Quốc hội Arizona để làm lễ truy điệu. |
Trang Politico
nhấn mạnh, ngay cả khi khuất núi, John McCain vẫn còn giáng một đòn
cuối cùng cho hai kẻ thù quan trọng nhất : Donald Trump và Vladimir
Putin.
Ông đã chọn lựa một nhà ly khai Nga 36 tuổi là Vladimir
Kara-Murza làm một trong những người khiêng quan tài mình. Thời điểm
linh cữu được khiêng đi là lúc các ống kính nhiếp ảnh, truyền hình tập
trung vào nhiều nhất trong các chương trình tang lễ.
John McCain
cũng mời cựu phó tổng thống Dân Chủ Joe Biden, cựu thượng nghị sĩ Russ
Feingold – đại diện cho thời gian ông phục vụ ở Thượng Viện, cựu bộ
trưởng Quốc Phòng William Cohen – tượng trưng cho thời kỳ ông là phi
công Hải quân, tù binh chiến tranh, và một số người bạn như tài tử
Warren Beatty.
Sự chọn lựa Vladimir Kara-Murza, người hai lần suýt
chết vì bị đầu độc, dường như là một thông điệp gởi đến Putin và Trump –
người bị McCain chỉ trích là có thái độ quỵ lụy trước ông chủ điện
Kremlin.
Nhà ly khai Nga Vladimir Kara-Murza và thượng nghị sĩ John McCain. Ảnh medium.com |
Kara-Murza thổ lộ : «
Tôi lặng cả người, trái tim tan nát, nước mắt cứ tuôn rơi vào lúc ấy.
Tôi trả lời vâng, dĩ nhiên, và đó là vinh dự đau xé lòng nhất mà một con
người có thể nghĩ đến ». Anh viết trên Washington Post : « Tất cả chúng ta đều biết ngày ấy rồi sẽ đến, nhưng vẫn hy vọng rằng nó không đến sớm như thế ».
Là
phó chủ tịch phong trào Open Russia, chủ tịch quỹ Boris Nemtsov vì hòa
bình, Kara-Murza quen biết vị thượng nghị sĩ nổi tiếng từ năm 2010, khi
nhà đối lập Nemtsov bị bắt vì tham gia cuộc biểu tình quy mô đòi tự do.
Anh cho biết John McCain đã nhìn ra mối nguy hiểm từ Putin từ những năm
2000, và đã đấu tranh tích cực để cho ra đời đạo luật Magnitsky. « Ông ấy không phải là chính khách, mà là một người suốt đời phụng sự cho Tổ quốc ».
TNS John McCain và mẹ, bà Roberta Wright. Ảnh heavy.com |
Mẹ
của John McCain, bà Roberta Wright là một phụ nữ có cá tính rất mạnh. Ở
tuổi 90, bà vẫn tự mình lái xe đi xuyên nước Mỹ, và nay đã 106 tuổi, dù
chậm chạp hơn vì di chứng đột quỵ, rất có thể bà sẽ dự tang lễ ở
Washington và Maryland.
Bà kể, « Johnny » (John McCain),
con trai trưởng của bà từng nói hy vọng sẽ sống thọ như mẹ. Nhưng nay
ông đã ra đi trước người mẹ đã truyền cho con cái lòng can đảm, một cách
sống tử tế. Tại đất nước cựu thù là Việt Nam, Facebook tràn ngập những
lời thương tiếc trong ngày John McCain qua đời. Một nhà báo viết : « Một người Mỹ xa lạ đáng kính vừa chết, rất nhiều người Việt đã lên tiếng khóc thương ông. Đó là sự biết điều của dân tộc này! »
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.