Ở
quê tôi, một làng thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trước 1975, được vào đại
học là một dấu hiệu của thành tựu khoa bảng.
Thời
đó, cứ 100 học sinh thi tú tài, chỉ 30-40 người đậu, và trong số người đậu, chỉ
5-10 % vào được đại học. Làng tôi chỉ cách thị xã Rạch Giá chừng 20 cây số,
nhưng số người đậu tú tài đếm đầu ngón tay, số tốt nghiệp đại học càng hiếm.
Một người tốt nghiệp đại học, cả làng tự hào.
Phải
đến cuối thập niên 1990, cánh cửa đại học mới mở rộng. Mấy năm trước về quê ăn
Tết, tôi nghe kể một danh sách dài con cháu của những người nông dân hàng xóm
đã tốt nghiệp, một số đang phục vụ tại các bệnh viện ngoài Rạch Giá. Trong số
đó, có không ít người gốc Khmer và nghèo khó. Tôi thầm nghĩ chính sách giáo dục
đã phần nào thành công, làm ngắn "khoảng cách đại học" giữa nông thôn
và thành thị, giữa người giàu và nghèo.