|
Một công trình địa ốc đang được xây dựng ở Liêu Ninh. Ảnh chụp ngày 17/03/2013. |
(Le Point 16/05/2013) Nợ chính phủ, nợ của các tỉnh và nợ của các công ty quốc doanh Trung Quốc lên đến gần 200% tổng sản phẩm nội địa.
Có một luật kỳ lạ: khi một tòa nhà chọc trời đánh bại kỷ lục thế giới về độ cao, thì lại xảy ra một sự cố tài chính tại đất nước nơi mà tòa nhà đó mọc lên. Năm 1929, tòa nhà Empire State Building đoạt được danh hiệu này ở New York trước khi xảy ra Ngày Thứ Năm Đen tại thị trường chứng khoán Wall Street. Vào mùa hè năm 1997, ngôi vị này vào tay tòa tháp đôi Petronas ở Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia, ngay trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Hay là mới đây vào năm 2009, Burj Khalif trở thành tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới, ngay sau đó là vụ hệ thống ngân hàng của Dubai sụp đổ. Cơn hứng thú tài chính thường được diễn đạt bởi ước muốn chạm tay đến trời, nhưng thường thì lại chấm dứt một cách tệ hại.
Chính về phía Trung Quốc mà chiếc la bàn khủng hoảng hiện đang hướng đến. Không chỉ vì tại đó người ta xây dựng tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới tại thành phố Trường Sa thuộc tỉnh Hồ Nam - cao 838 mét với 104 thang máy - nhưng nhất là vì đất nước này đang đụng chạm một cách nguy hiểm đến các giới hạn trong mô hình phát triển của mình.