samedi 4 août 2012

Bốn mươi hai nhân sĩ Việt Nam thể hiện quyết tâm chống Trung Quốc xâm lược


Biểu tình phản đối TQ tại Hà Nội ngày 22/07/2012.
Bài đăng : Thứ bảy 04 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 04 Tháng Tám 2012 
 
Vừa qua, 42 công dân đã cùng ký tên trong một bức thư gởi Thành ủy, Ủy ban Nhân dân và Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị tổ chức biểu tình phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc liên tục gây hấn, mưu toan xâm chiếm vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Biển Đông.

Lá thư đề nghị trong trường hợp các đoàn thể chính thức không đứng ra tổ chức, thì các công dân của thành phố sẽ thực hiện quyền biểu tình đã có ghi trong Hiến pháp. Bốn mươi hai công dân này cho biết sẽ công khai ngày giờ, địa điểm biểu tình, và đề nghị bố trí lực lượng chức năng giữ trật tự an ninh cho đoàn tuần hành.

Những người ký tên trong lá thư là những trí thức tên tuổi, nhà văn nhà báo, nhất là những khuôn mặt trong phong trào đấu tranh đô thị trước 1975, từng giữ nhiều cương vị trong bộ máy nhà nước. Có thể kể giáo sư Tương Lai, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, luật gia Lê Hiếu Đằng, bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, nhà thơ Đỗ Trung Quân…

Chúng tôi đã liên lạc với luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh để tìm hiểu diễn tiến của sự việc.

RFI : Kính chào luật gia Lê Hiếu Đằng. Thưa ông, lá thư vừa rồi đã có được những phản hồi nào chưa ?
Luật gia Lê Hiếu Đằng
 
04/08/2012
 
 
Luật gia Lê Hiếu Đằng : Sau khi chúng tôi gởi cho Thành ủy Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy ban nhân dân, Hội đồng Nhân dân thư đề nghị tổ chức biểu tình để chống lại những hành động khiêu khích, xâm lấn, muốn độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, thì về phía nhân dân cả nước và nhân sĩ trí thức đã ủng hộ rất nhiều. Trên trang mạng bauxite cũng như các trang mạng khác – anhbasam chẳng hạn, thì những comment ủng hộ chúng tôi rất nhiều. Chúng tôi rất cảm kích và trân trọng những ủng hộ đó.

Có những người đề nghị cho họ ký tên ủng hộ, nhưng do đây chỉ là văn bản đề nghị thôi, thành ra không nhất thiết phải nhiều người. Vì vậy mà chúng tôi đề nghị các tầng lớp nhân dân thành phố cũng như cả nước dành tất cả nghị lực và sức lực của mình cho những cuộc biểu tình nếu có trong thời gian tới.

Trong trường hợp Thành ủy Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố không có chủ trương này thì chúng tôi sẽ thông báo cho đồng bào rõ ngày giờ và địa điểm tổ chức cuộc biểu tình, để biểu thị ý chí của người dân thành phố đối với sự ngang ngược xâm lấn trắng trợn của Trung Quốc, gây thiệt hại rất nhiều cho nền kinh tế Việt Nam, người dân Việt Nam, cũng như đe dọa toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

Và gần đây nhất lòng dân càng sôi sục khi Trung Quốc lại xua 23.000 tàu cá – không loại trừ là các tàu cá đó có vũ trang – xuống vùng biển Hoàng Sa và các vùng biển khác ở Biển Đông. Thì rõ ràng đấy là một hành động khiêu khích, gây hấn hết sức nghiêm trọng.

Chúng tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại đề nghị phải biểu tình ngay. Nhưng chúng tôi thấy rằng cũng phải tôn trọng thời gian luật định, để xem thử Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân có trả lời về vấn đề này hay không. Nếu quá thời gian luật định mà không trả lời thì chúng tôi sẽ thực hiện quyền công dân của mình, như trong văn bản đã nói, sẽ tổ chức cuộc biểu tình nói trên, để chống hành động bành trướng xâm lược của nhà cầm quyền Bắc Kinh.

RFI : Phản ứng của chính quyền TPHCM ra sao ?

Thay vì nghiên cứu văn bản đó một cách nghiêm túc, không hiểu vì lý do gì lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh lại chỉ đạo cho các cơ sở Đảng và chính quyền, công an đến gặp nhiều người trong số 42 công dân đã ký tên vào văn bản đó. Nội dung gặp có tính cách truy bức, có thể làm lo sợ.

Vấn đề thứ nhất họ đặt ra là ai đưa ký, thứ hai là ai soạn văn bản này, và thứ ba là đề nghị rút tên. Họ còn hỏi có phải chữ ký đó là của anh, chị không hay là giả mạo. Thì tất cả các anh chị được hỏi, tuy là không phối hợp với nhau, đều trả lời hết sức nhất quán.

Bởi vì đây toàn là những nhà trí thức, nhân sĩ, những người đã thông qua phong trào đấu tranh đô thị trước đây, rồi những người đã từng giữ cương vị trong bộ máy Đảng và Nhà nước, các nhà văn, nhà báo. Tức là những người có đủ trình độ để khi đặt bút ký xuống họ có suy nghĩ, chịu trách nhiệm về chữ ký của mình. Thành ra việc đặt câu hỏi đó là ngây thơ.

Buồn cười là những người được phân công đến gặp trực tiếp các vị ấy, thì chẳng nói được gì, chỉ hỏi vớ vẩn vậy thôi, nhưng bị những người đã ký tên có thể nói là tấn công dồn dập. Họ nói biểu tình chống Trung Quốc là yêu nước, nói rằng sai là không đúng, và không khi nào rút tên. Nếu nói biểu tình chống Trung Quốc là sai thì còn gì đất nước này nữa, trước đe dọa của Trung Quốc ! Thậm chí có nhiều đảng viên nói, nếu ký tên là vi phạm 19 điều cấm của Đảng, thì họ sẵn sàng ra khỏi Đảng.

Nếu họ bị khai trừ Đảng hoặc ra khỏi Đảng với lý do là chống Trung Quốc thì trước công luận, nhân dân sẽ nghĩ như thế nào về Đảng ? Chống một kẻ thù đang lăm le xâm lược đất nước mình, thực tế là đã bách hại ngư dân, đã làm cho nền kinh tế mình hết sức khó khăn thông qua việc cho đấu thầu các lô dầu khí – bởi vì ngành dầu khí Việt Nam là ngành kinh tế quốc dân rất là quan trọng. Rồi lại gần như là tràn ngập lãnh thổ Việt Nam, từ Lạng Sơn cho đến mũi Cà Mau ở đâu cũng có người Trung Quốc. Thì có thể nói là nguy cơ đe dọa toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ Việt Nam là rất cao.

Thế thì nếu Đảng và Nhà nước không làm, không có thái độ cương quyết thì người dân thực hiện quyền công dân của mình. Chúng tôi cương quyết tổ chức biểu tình để biểu thị tình cảm yêu nước, ý chí chống lại hành động xâm lược của Trung Quốc. Còn ai nói đó là việc làm sai thì để công luận sẽ đánh giá.

Quan niệm của chúng tôi là bây giờ mọi việc phải được công khai. Do đó một mặt gởi cho Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thì vài ngày sau chúng tôi đưa lên mạng - để báo cáo với nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước là có 42 công dân ở thành phố này làm một việc rất công khai minh bạch và đúng luật, thực hiện quyền công dân của mình trước nguy cơ đất nước bị ngoại xâm.

Với truyền thống chống xâm lược của nhân dân thành phố cũng như cả nước, chúng tôi tin tưởng rằng không có thế lực nào ngăn cản được, và nhân dân sẽ hưởng ứng cuộc vận động này. Để đến thời gian thích hợp, khi tổ chức biểu tình, thì sẽ tham gia đông đảo. Chúng tôi công khai, không giấu diếm gì, và trước khi biểu tình chúng tôi sẽ thông báo địa điểm cũng như ngày giờ cho chính quyền biết. Trước hết là để giữ gìn an ninh trật tự, và thứ hai là để cho đồng bào thành phố biết, cùng tham gia.

RFI : Thưa như vậy có kỳ vọng quá nhiều nơi chính quyền không ?

Thì nếu Nhà nước thấy rằng khó khăn khi để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng tổ chức biểu tình, thì cứ để cho người dân tổ chức, và nhiệm vụ của Nhà nước là bảo đảm an ninh trật tự, chứ không nên dẹp, chống lại, đàn áp bắt bớ như cuộc biểu tình ngày 1/7 vừa qua.

Vả lại chúng tôi nghĩ rằng tại sao Trung Quốc họ cứ ngang ngược lấn tới như vậy, mà Nhà nước Việt Nam cũng như hệ thống chính trị của Việt Nam lại im lặng ? Đây là một việc không thể chấp nhận được, nếu không nói đây là nỗi nhục nhã của cả một dân tộc vốn có truyền thống kiên cường chống ngoại xâm.

Cha ông chúng ta trước đây thật ra là đâu có thuận lợi như ngày nay mà vẫn chống được xâm lược phương Bắc. Thì nay với các thuận lợi rất lớn, một là lòng dân đang sôi sục nhất là sau khi nghe tin 23.000 tàu cá triển khai xuống Biển Đông như vậy. Thứ hai là tình hình quốc tế hiện nay, bạn bè trong khu vực cũng như trên thế giới người ta ủng hộ Việt Nam. Thì tại sao chúng ta lại không cương quyết, không cảnh báo nhà cầm quyền Trung Quốc là nếu anh làm như thế thì chúng tôi sẽ có biện pháp.

Chúng ta hết sức tránh chiến tranh, điều đó rõ ràng rồi. Nhưng không thể vì vậy mà chúng ta lại nhu nhược để cho Trung Quốc lấn tới. Mười sáu chữ vàng và bốn tốt có nghĩa lý gì khi chúng ta vẫn hô hào như thế nhưng trên Biển Đông Trung Quốc vẫn lấn tới, vẫn khiêu khích một cách trắng trợn như vậy. Thì mười sáu chữ vàng và bốn tốt cũng chỉ là con ngoái ộp, cái chiêu bài đưa ra để đánh lạc hướng nhân dân Việt Nam mà thôi.

Đây là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước. Còn nếu thấy trong điều kiện chưa thể làm được việc đó thì để cho dân làm. Và chúng tôi cũng suy đoán trước là có thể Thành ủy Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân sẽ không trả lời, không chấp nhận chương trình này. Bằng chứng là mới đăng tải trên các trang mạng một, hai ngày là họ đã triển khai lực lượng để tìm cách khống chế một số nhân vật trong 42 người đã ký tên.

Chúng tôi cho rằng việc làm đó là không ổn, là mờ ám, không phù hợp với tình hình hiện nay và không đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân thành phố cũng như nhân dân cả nước. Nhân đây chúng tôi cũng xin thông báo cho đồng bào cả nước tình hình như vậy và cũng cam kết với nhân dân thành phố là chúng tôi không lùi ! Bốn mươi hai an hem chúng tôi sẽ không bao giờ lùi bước, cũng như các tầng lớp sinh viên học sinh, thanh niên thành phố sẽ không bao giờ lùi trước bất cứ áp lực nào trong cuộc đấu tranh chống lại ý đồ bành trướng xâm lược của nhà cầm quyền Trung Quốc.

RFI : Thưa ông, có những chuyên gia cho rằng đây là dịp để đưa vấn đề Hoàng Sa ra trước quốc tế…

Đúng ! Nói thật, một trong những khẩu hiệu mà khi biểu tình chúng tôi sẽ sử dụng là « Phải trả lại Hoàng Sa cho Việt Nam ! ». Bây giờ chúng ta phải đấu tranh để đòi trả Hoàng Sa lại cho Việt Nam

RFI : Chứ không chấp nhận chuyện đã rồi phải không ạ ?

Đúng rồi, bây giờ mình phải đấu tranh đòi trả để các thế hệ mai sau có thể tiếp tục. Và nếu đưa ra tòa án quốc tế, chúng ta đủ chứng cứ về sử liệu và pháp lý, để có những phán xét thuận lợi cho chúng ta.

RFI : Xin chân thành cảm ơn luật gia Lê Hiếu Đằng.

tags: Biển Đông - Phỏng vấn - Trung Quốc - Việt Nam
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120804-42-nhan-si-viet-nam-the-hien-quyet-tam-chong-trung-quoc-xam-luoc 
 

Thiếu điện, dân Bắc Triều Tiên không xem được Olympic

Bài đăng : Thứ sáu 03 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 03 Tháng Tám 2012 

Tuy chính quyền Bắc Triều Tiên đã cho mở rộng phát sóng các cuộc thi đấu Thế vận lên đến năm tiếng đồng hồ mỗi ngày so với trước đây chỉ có mười lăm phút, nhưng nhiều người vẫn không xem truyền hình được do thiếu điện trầm trọng. Một tờ báo mạng ở Seoul ngày 03/08/2012 cho biết như trên.

Người đứng đầu của đoàn truyền thông Bắc Triều Tiên tại Luân Đôn nói rằng, sau thành công bất ngờ của các vận động viên Bắc Triều Tiên tại Olympic lần này, Bình Nhưỡng đã cho tăng thời lượng phát sóng truyền hình.

Sau bảy ngày thi đấu, quốc gia nghèo khó với 24 triệu dân đã giành được bốn huy chương vàng – ba huy chương vàng cử tạ và một cho judo – cùng với một huy chương đồng, đứng thứ tám trong bảng tổng sắp về huy chương.

Thành công trên đây nhanh chóng gây ra sự vui mừng tột độ và cả một làn sóng những cuộc điện thoại chúc mừng đến Bộ Thể thao, theo như hãng thông tấn nhà nước Bắc Triều Tiên trong tuần này.

Thế nhưng nhiều người dân Bắc Triều Tiên bị lỡ dịp xem các cuộc thi đấu Thế vận do nguồn điện thất thường. Daily NK, một tờ báo mạng của những người Bắc Triều Tiên tị nạn điều hành tại Seoul cho biết, do Bắc Triều Tiên thiếu điện trầm trọng, nên « chỉ một tỉ lệ rất nhỏ cư dân có thể xem được Olympic ».

Từ nhiều năm qua, Bắc Triều Tiên vẫn luôn bị thiếu điện. Tuy nhiên một người nước ngoài sống tại thủ đô Bình Nhưỡng, nơi đầy đủ phương tiện nhất vì là bộ mặt để trưng ra với thế giới, nói với AFP là kể từ tháng Tư nguồn điện cung ứng nói chung rất tốt. Một số người dân địa phương cho biết họ đã xem được trận đấu giữa đội tuyển bóng đá nữ Bắc Triều Tiên với đội Pháp, trong đó đội Bắc Triều Tiên thua 5-0.

tags: Bắc Triều Tiên - Châu Á - Năng lượng - Olympic 2012 - Thể thao
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120803-dan-bac-trieu-tien-khong-xem-olympic-duoc-do-thieu-dien 

Trung Quốc và châu Âu tranh giành vùng đất hứa mới về đất hiếm

Bài đăng : Thứ sáu 03 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 03 Tháng Tám 201 

Groenland, một tỉnh của Đan Mạch có nhiều loại đất hiếm cần thiết cho ngành công nghệ kỹ thuật cao, đã trở thành vùng đất hứa mới, nhưng Trung Quốc đanh nhanh chân hơn so với châu Âu. Ủy viên châu Âu phụ trách về kỹ nghệ, ông Antonio Tajani ngày 03/08/2012 đã cảnh báo như trên.  

Từ năm 2009, Groenland được trao quyền tự quản lý tài nguyên, trong khi vùng đất này có đến 9 trong số 14 loại đất hiếm vốn là nguyên liệu không thể thiếu để sản xuất ra các sản phẩm cao cấp, từ đèn LED, điện thoại di động cho đến máy phát điện bằng năng lượng gió.

Châu Âu phải nhập khẩu 100% nguyên liệu đất hiếm, và Ủy ban châu Âu theo dõi chặt chẽ hồ sơ này. Ông Tajani đã đến Groenland hôm 16/06/2012 để ký tắt một hợp đồng khai thác cho các công ty châu Âu. « Nhưng ngay hôm sau Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cũng đến đó » - ông Tajani nhấn mạnh trong một cuộc trao đổi với AFP. Ủy viên châu Âu cho biết : « Người Trung Quốc đã bắt tay vào việc, họ đã mua một công ty Anh và gởi đến 2.000 thợ mỏ Trung Quốc ».

Trong khi đó châu Âu vẫn đang trong giai đoạn thương lượng, hợp đồng đã ký tắt hồi tháng Sáu còn phải được các chính phủ châu Âu nghiên cứu vào tháng Chín. Châu Âu cam kết trả cho Groenland 35% thu nhập, và chỉ khai thác tại vùng ven biển.

Dân cư địa phương « rất quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, do đó họ thích cách làm việc của châu Âu ». Tuy nhiên Groenland đang « bị ảnh hưởng của khủng hoảng » và đang « cần tiền ». Những người trợ thủ cho ông Tajani nhìn nhận : « Chúng tôi đang chiến đấu với Trung Quốc trong vấn đề đất hiếm ». Các vướng mắc sẽ được nêu ra với chính quyền Bắc Kinh trong dịp hội nghị thượng đỉnh Châu Âu – Trung Quốc ngày 20/09/2012 tại Bruxelles.

Hiện nay Trung Quốc hầu như độc quyền với 35% trữ lượng đất hiếm có thể khai thác, và 97% thị trường đất hiếm thế giới, chẳng hạn như đối với cérium hay lithium. Trên thị trường cổ phiếu nguyên vật liệu Luân Đôn, chính Trung Quốc quyết định giá cả.

Cùng với Hoa Kỳ và Nhật Bản, châu Âu đã kiện Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì chính sách hạn chế xuất khẩu đất hiếm bằng cách ấn định hạn ngạch của Bắc Kinh. Song song đó, châu Âu cũng tìm cách đa dạng hóa nguồn cung, ký hợp đồng với Liên hiệp châu Phi, Chilê, Achentina, Uruguay, và sắp tới sẽ ký với Mehico, Colombia.

Bên cạnh đó, châu Âu còn tích cực phối hợp với Hoa Kỳ và Nhật Bản trong việc nghiên cứu tìm các nguyên liệu thay thế cho đất hiếm. Việc tái chế cũng là một hướng, và cuối cùng châu Âu vẫn có thể khai thác nguồn đất hiếm của chính châu lục này, được ước lượng khoảng 100 tỉ euro. Pháp có trữ lượng antimoine, beryllium và tungstène ; còn Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha cũng có những mỏ đất hiếm.

tags: Châu Âu - Kinh tế - Tài nguyên - Trung Quốc - Đất hiếm
http://www.viet.rfi.fr/kinh-te/20120803-groenland-vung-dat-hua-moi-ve-dat-hiem-duoc-trung-quoc-va-chau-au-tranh-gianh 

jeudi 2 août 2012

Trung Quốc : Khi bí thư thành ủy bị người biểu tình lột áo

Công an và người biểu tình đối đầu (Vui lòng bấm vào ảnh để phóng to)

Biển người tràn ngập trụ sở cơ quan hành chính, lật xe công an, quăng hồ sơ giấy tờ ra sân, lột áo bí thư thành ủy…Đó là sự kiện đã xảy ra hôm 28/07/2012 tại thành phố Khải Đông (Qidong) thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Nguyên nhân ? Người dân biểu tình để phản đối một dự án xây dựng đường ống dẫn nước thải từ một nhà máy giấy, đổ ra cảng biển của họ (đọc tại đây).


Link video: http://www.youtube.com/watch?v=870xoyoViBk

Sân ủy ban đen nghịt người biểu tình
Phong trào Nimby (viết tắt của Not In My Back Yard, tạm dịch : Không ở cạnh tôi) gần đây được biết đến với những hoạt động của người dân nhằm phản đối các dự án được xem là có hại cho môi trường hoặc dân cư xung quanh. Đó thường là các dự án xây dựng những công trình lớn, nhà máy hóa chất, bãi xử lý rác thải, ăng-ten truyền tín hiệu điện thoại di động, nhà tù, căn cứ quân sự…hoặc các quy hoạch đường sắt, phi cảng lớn. 
Lực lượng an ninh đông đảo, nhưng người biểu tình còn đông hơn.

Xe công an bị người biểu tình lật ngửa
Nhưng các cuộc biểu tình Nimby tại Trung Quốc có khi mang tính bạo động, và có khả năng chiến thắng ! Đó cũng là trường hợp của Khải Đông, cho dù nhà máy giấy trên đây ở cách thành phố này hàng trăm cây số.

Bí thư thành ủy Tôn Kiến Hoa bị lột áo...
Con số người tham gia biểu tình khó thể xác định được : 20, 50 hay 100 ngàn người. Nhưng rõ ràng là một rừng người, và lực lượng an ninh chắc chắn trở thành thiểu số. Các hình ảnh trên mạng cho thấy bí thư thành ủy Tôn Kiến Hoa (Sun Jianhua) đã bị người biểu tình lột mất áo. Họ lôi ông ra đường, định mặc cho ông này một chiếc áo thun đã chuẩn bị sẵn cho chiến dịch, nhưng sau đó ông bí thư đã được công an giải cứu.

...mất cả oai phong!
Mặc cho sự hiện diện đông đảo của công an, những người biểu tình đã tràn ngập trụ sở ủy ban thành phố. Họ lật ngửa năm chiếc xe công vụ, quẳng giấy tờ, hồ sơ ra sân, trưng bày các « chiếc lợi phẩm » là những chai rượu đắt tiền, những cây thuốc lá…mà các cán bộ thường ăn hối lộ của dân. Thậm chí trong ngăn kéo bàn làm việc của các vị « đầy tớ nhân dân » này, người ta còn tìm thấy cả…bao cao su !

Một trong các bao cao su tìm thấy tại văn phòng ủy ban thành phố Khải Đông
Các hình ảnh của vụ biểu tình quy mô trên đây nhanh chóng tràn ngập các mạng xã hội Trung Quốc, cho dù từ khóa « Khải Đông » sau đó đã bị kiểm duyệt. 
Trước trụ sở ủy ban Khải Đông...
...và trên các balcon đều dày đặc người.

Truyền hình địa phương đã loan đi thông báo của Phó thị trưởng Trương Kiến Tân  (Zhang Jianxin), nhấn mạnh là dự án đã bị ngưng để xem xét lại tác động đối với môi trường, và sẽ không được thực hiện nếu người dân không tán thành. Thông điệp này cũng được chạy trên bảng điện tử lớn nằm ở khu trung tâm, để thuyết phục người dân giải tán. Sau đó, chính quyền thành phố loan báo, dự án đã bị xếp xó vĩnh viễn.
Nhân dân đã thắng!

Poster kêu gọi người dân hãy tỉnh thức
Những poster đã được chuẩn bị chu đáo cho thấy vấn đề môi trường đã trở thành mối quan tâm lớn của người dân Trung Quốc. Cho dù có thể hiện tượng khí hậu bị hâm nóng còn có vẻ xa vời, nhưng những vấn đề sát sườn như chất lượng không khí xuống cấp, thực phẩm ô nhiễm…nay đã trở nên cấp thiết.

Không môi trường, không có tương lai!
Sau đây là một số lời kêu gọi biểu tình :

Người dân các nước phát triển có quyền và có trách nhiệm bảo vệ môi trường và đại dương. Còn chúng ta, dân các nước đang phát triển cũng thế !
Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Mao chủ tịch khuyên chúng ta hướng về phát triển công bằng, hiệu quả và bền vững. Đặng Tiểu Bình khuyên bám chặt vào phát triển lâu bền. Hồ Cẩm Đào khuyên nghiên cứu phát triển một cách khoa học. Nhưng còn các vị cán bộ địa phương, các vị chẳng học được gì từ những lời khuyên đó hay sao ?
Hãy phản kháng một cách văn minh, hợp lý. Hãy bảo vệ đại dương, bảo vệ gia đình chúng ta.

Một poster theo phong cách thủy mặc
Các nhà quan sát nhận định, những cuộc biểu tình như ở Khải Đông thường do giai cấp trung lưu mới nổi tiến hành. Những người dân Trung Quốc có mức sống được cải thiện nhiều trong thập kỷ vừa qua, không muốn các thành quả này bị phá hủy, không muốn sức khỏe con em mình bị đe dọa.

Lời bình : Trông người mà ngẫm đến ta. Biểu tình vì môi trường có vẻ… sang trọng quá, quý tộc quá, so với những người dân Việt bị mất đất, bị các công ty xả nước thải làm chết cá, chết cây trồng…mà không biết kêu vào đâu. Không có một lực lượng nào ngăn nổi đoàn biểu tình hừng hực khí thế « người đi như nước qua đê » trong thành phố Khải Đông, trong khi các « biểu tình viên » của ta có vẻ lẻ loi quá, cho dù vì một lý tưởng thiêng liêng : bảo vệ Tổ quốc trước nguy cơ xâm lược của ngoại bang. « Bạn » khuyên ta đừng Tây hóa, thế thì nếu ta theo gương phong trào Nimby của « bạn » liệu có nên không nhỉ.

Việt Nam : Điều tra về vụ tự thiêu của mẹ blogger Tạ Phong Tần

Ảnh chụp màn hình trang tin GG về mẹ blogger Tạ Phong Tần
(AFP) Hôm nay 02/08/2012 chính quyền Việt Nam cho biết sẽ tiến hành điều tra về vụ tự thiêu của mẹ một blogger nổi tiếng sẽ ra tòa vì tuyên truyền chống Nhà nước. Thông tin trên được đưa ra sau khi Hoa Kỳ tuyên bố « quan ngại sâu sắc » về vụ này.

Bà Đặng Thị Kim Liêng đã tự thiêu ngày 30/7 và « qua đời trong lúc được chuyển đến bệnh viện ». Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị cho AFP biết như trên. Đây là lần đầu tiên thông tin được những người thân của gia đình đưa ra vào đầu tuần được chính thức công nhận. Ông Lương Thanh Nghị nói thêm : « Vụ việc này hiện đang được điều tra ».

lundi 30 juillet 2012

HRW: Mẹ blogger Tạ Phong Tần tự thiêu là bi kịch của cả nước


Bà Đặng Thị Kim Liêng

(AFP) Bà Đặng Thị Kim Liêng, mẹ của Tạ Phong Tần - một blogger nổi tiếng ở Việt Nam sẽ ra tòa vào tuần tới vì “tuyên truyền chống Nhà nước” - đã qua đời vì tự thiêu. Linh mục Đinh Hữu Thoại, một người thân của gia đình hôm nay 30/07/2012 cho AFP biết, bà Liêng bị phỏng rất nặng và đã mất trên đường đến bệnh viện.

Blogger Tạ Phong Tần, 43 tuổi, trước đây là công an, đã bị giam từ tháng 9/2011. Bà Tần sẽ ra tòa ngày 7/8 tới cùng với hai blogger khác, bị kết tội là đã “bóp méo sự thật, nói xấu Đảng và Nhà nước” khi đưa hàng trăm bài viết lên trang web “Câu lạc bộ nhà báo tự do”, được thành lập từ tháng 9/2007. 

dimanche 29 juillet 2012

Bạc Hy Lai, sự rơi rụng của một ngôi sao đỏ


Bạc Hy Lai - Neil Heywood - Cốc Khai Lai
Bài đăng : Chủ nhật 29 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 29 Tháng Bẩy 2012 
 
Le Monde Magazine tuần này đã dành đến bảy trang báo cho bài viết mang tựa đề « Sát nhân, quyền lực và tham nhũng : Bạc Hy Lai, sự rơi rụng của một ngôi sao đỏ ». Tờ báo quay lại cuộn phim của xì-căng-đan ly kỳ này và cho rằng Bạc Hy Lai là một hiện tượng chính trị kỳ lạ, được tạo nên bởi những thăng trầm của lịch sử Trung Quốc trong 50 năm gần đây.

Đang mùa hè, các tuần báo Pháp có khuynh hướng chọn những đề tài nhẹ nhàng để giới thiệu với độc giả. Le Nouvel Observateur số tuần này dành nhiều trang báo cho chủ đề « Triết lý của hạnh phúc », Le Point nói về triết gia Hy Lạp Epicure. Nhân Thế vận hội Luân Đôn khai mạc, Le Courrier International đặt ra vấn đề « Vận động viên ống nghiệm » : Khi khoa học vào cuộc – từ trang thiết bị hiện đại cho đến doping, các biện pháp phân tích đặc thù, khiến các cuộc tranh tài đỉnh cao giữa các vận động viên trở thành cuộc đọ sức của các nhà khoa học và kỹ sư. Về nước Pháp, tuần báo L’Express đăng chân dung Tổng thống François Hollande trên trang nhất với tựa đề « Người thôi miên », khi ông hoãn lại các cải cách, ru ngủ người dân Pháp…theo như nhận định của tờ báo.

Về châu Á, Le Monde Magazine đăng tấm ảnh cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, phía sau là lá cờ đỏ với búa liềm vàng của đảng Cộng sản Trung Quốc và chạy tựa « Sát nhân, quyền lực và tham nhũng : Bạc Hy Lai, sự rơi rụng của một ngôi sao đỏ ». 

Sát nhân, quyền lực và tham nhũng


Tờ báo quay lại cuộn phim của xì-căng-đan ly kỳ này. Một buổi tối tháng 11/2011, trong một căn phòng của khách sạn Lijing Holiday sang trọng cách Trùng Khánh hơn một chục cây số, cho thuê với giá 400 đến 600 euro một ngày, người ta phát hiện doanh nhân Anh Neil Heywood đã chết. Nguyên nhân cái chết của doanh nhân 41 tuổi, được báo cho người vợ Trung Quốc và lãnh sự quán Anh ở Trùng Khánh, là do trụy tim vì quá chén.

Vương Lập Quân (Wang Lijun) , giám đốc công an Trùng Khánh – một nhân vật nổi tiếng thanh liêm ở Liêu Ninh được Bạc Hy Lai (Bo Xilai) mời về để quét sạch bọn mafia – quyết định tiến hành điều tra, cho lấy một mẫu da của tử thi để làm xét nghiệm, ngay trước khi đem đi thiêu. Con người này rất mê lãnh vực pháp y, ông ta âm thầm làm việc với một nhóm người thân tín.

Theo lời kể của những người thân cận Vương Lập Quân cho tờ New York Times, thì ngày 18/01/2012 Vương Lập Quân đã trình cho Bí thư Thành ủy Bạc Hy Lai kết luận về cái chết của Neil Heywood : đó là do bị đầu độc, mà thủ phạm không ai khác hơn là bà Cốc Khai Lai (Gu Kailai), vợ ông Bạc Hy Lai. Nhân vật quyền lực đứng đầu Trùng Khánh tỏ vẻ chấp nhận mở điều tra. Nhưng ông ta đổi ý rất nhanh : Vương Lập Quân bị cách ly khỏi vụ án này, và ba trong số các nhân viên tham gia điều tra bỗng mất tích một cách khó hiểu.

Ngày 6/2, viên chức công an cao cấp trên bí mật dùng xe hơi đến Thành Đô thuộc tỉnh Tứ Xuyên ở kế cận. Tiếng đồn lan truyền nhanh chóng trên mạng Vi Bác : Vương Lập Quân đã trốn vào lãnh sự quán Mỹ. Trước sự kinh ngạc của tất cả mọi người, Hoa Kỳ rồi Trung Quốc nhìn nhận là ông ta đã ở đây suổt cả đêm, trước khi được giao lại cho các viên chức an ninh cao cấp từ Bắc Kinh đến.

Lúc đó chỉ còn một tuần nữa là đến thời điểm Tập Cận Bình viếng thăm chính thức nước Mỹ, và trong năm sẽ diễn ra cuộc chuyển giao quyền lực ở cấp cao nhất của Đảng, vụ này có tầm quan trọng rất lớn. Ngoài Tập Cận Bình (Xi Jinping) và Lý Khắc Cường (Li Keqiang), bảy thành viên thường trực còn lại của Bộ Chính trị sẽ được chọn ra, trong đó Bạc Hy Lai là một ứng viên sáng giá.

Ngày 15/3, Bạc Hy Lai cách chức Bí thư Thành ủy Trùng Khánh và đến ngày 10/4 vào 23 giờ khuya, thêm một quả bom tấn nữa được tung ra : Bạc Hy Lai bị điều tra nội bộ vì « vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng », còn bà Cốc Khai Lai là nghi can trong vụ sát hại doanh nhân Anh. Hai tháng sau, những người thân cận Bạc Hy Lai trong chính quyền Trùng Khánh đều bị loại ra ngoài.

Bạc Hy Lai - Vương Lập Quân
Bạc Hy Lai, ngôi sao đỏ đã tắt 


Việc xét xử ba nhân vật chính trong xì-căng-đan này sắp diễn ra, nhưng không ai trông đợi vào một phiên tòa minh bạch. Một loại tòa án binh đang chờ đợi Vương Lập Quân vì tội phản quốc, bên cạnh đó còn về chiến dịch chống mafia một cách thô bạo với việc tra tấn và kết tội oan nhiều người. Bạc Hy Lai sẽ bị kỷ luật trong nội bộ Đảng. Còn đối với bà Cốc Khai Lai, người ta cho rằng sẽ bị kết án nặng nề, như bà vợ góa của Mao Trạch Đông thời trước – những điểm giống nhau là tham vọng to lớn cũng như cuộc đấu tranh giành quyền lực của người chồng.

Đó là vì nếu họ tộc danh tiếng và quyền uy này có lẽ ít tham nhũng hơn so với những gì chế độ đã nêu ra, theo Le Monde Magazine, cũng nên lướt qua thân thế, sự nghiệp của ông Bạc Hy Lai để nhận diện một động lực khác của sự thất sủng. Bạc Hy Lai là một hiện tượng chính trị kỳ lạ, được tạo nên bởi những thăng trầm của lịch sử Trung Quốc trong 50 năm gần đây.

Bạc Hy Lai là một « hoàng tử đỏ », con của cựu Phó thủ tướng Bạc Nhất Ba (Bo Yibo), một trong tám Bát đại nguyên lão, tức khai quốc công thần của Trung Hoa cộng sản. Ông cũng gặp nhiều gian truân khi người cha bị bỏ tù trong thời kỳ Cách mạng văn hóa. Sau khi ông Bạc Nhất Ba được phục hồi danh dự, Bạc Hy Lai được chỉ định theo đuổi sự nghiệp chính trị (chỉ có một « hoàng tử đỏ » trong gia đình được làm chính trị, theo quy định do chính Bạc Nhất Ba đặt ra).

Theo kiến trúc sư Pháp Patrick Devillers, một người thân cận khác của họ Bạc, thì « Gia đình Bạc Hy Lai không vướng vấn đề tiền bạc. Đơn giản là họ không cần, và điều đó quá rủi ro cho vị thế của họ ». Tờ báo cho biết, Bạc Hy Lai có những người bạn hào phóng như tỉ phú Từ Minh (Xu Ming) sẵn sàng chu cấp mọi thứ. Ngoài ra các thành viên trong gia đình như các người anh em của ông đứng đầu các tập đoàn nhà nước, hay chị của bà Cốc Khai Lai là Cốc Vương Ninh (Gu Wangning) rất giàu có, thừa sức chu cấp cho cậu con trai của Bạc Hy Lai du học.

Hai vợ chồng Bạc Hy Lai là biểu tượng hiện đại mà rất ít chính khách Trung Quốc có được. Các chính khách ngoại quốc và lãnh đạo tập đoàn đa quốc gia đều có ấn tượng Bạc Hy Lai là một nhân vật cởi mở, thân thiện, gần gũi với phương Tây. Bỗng chốc ông gây ngạc nhiên khi đóng vai trò lãnh tụ phái Tân Mao, gây sốc cho các nạn nhân của Người cầm lái vĩ đại thời trước. Chiến dịch đỏ với những bài hát cách mạng, đưa cán bộ về nông thôn, lập kênh truyền hình đỏ…cho thấy một tham vọng vô biên.Thế là Bạc Hy Lai không còn được Thủ tướng Ôn Gia Bảo tín nhiệm, và đợt đại hội năm 2007, một « hoàng tử đỏ » khác là Tập Cận Bình đã được đôn lên ủy viên thường trực Bộ Chính trị.

Lạc lối khi bước lùi về « Đông phương hồng » của Mao

Vương Khang (Wang Kang), một trí thức đã thu thập nhiều tài liệu về lịch sử Trùng Khánh cho rằng Bạc Hy Lai đã lạc lối khi chọn lựa bước lùi về quá khứ. Theo ông, « Các phương pháp của Mao nhằm giải quyết những vấn đề của Trung Quốc là một thảm họa. Trong bối cảnh khủng hoảng thế giới hiện nay, đã nảy sinh nơi một số hoàng tử đỏ cảm giác về một nhiệm vụ dựa trên nhận thức là chính quyền hiện nay quá mềm yếu trước phương Tây ».

Vương Khang nhận định, việc tăng cường ý thức hệ « đỏ », Đảng, quân đội và công an liên tục được đề cao, là « một loại phát-xít » : « Như vậy chẳng khác nào nước Trung Hoa vĩ đại cần có một Mao Trạch Đông thứ hai. Trong khi đây là nền đệ nhị cộng hòa (sau đệ nhất cộng hòa của Tôn Dật Tiên). Cần phải chuyển sang đệ tam cộng hòa, và nhất là không quay lại với đế quốc đỏ của Mao ! »

Trong vụ Bạc Hy Lai, cuối cùng thì « quan » công an Vương Lập Quân là một « chú ngựa ô », nhân tố bất ngờ làm đảo lộn mọi thứ kịch bản có thể nghĩ ra được. Vương Khang nhìn nhận : « Cần phải có lòng can đảm vượt bực và sự thông minh cao độ mới dám làm cái việc chạy vào lãnh sự quán Mỹ. Cú này không ai có thể tưởng tượng ra nổi ». 

Vị hoàng tử đỏ, Cốc phu nhân, doanh nhân người Anh và siêu cớm Trùng Khánh đã là chất liệu dệt nên những huyền thoại. Bi kịch đã nối kết những nhân vật này lại với nhau là thiên biến vạn hóa, trong một Trung Quốc mà từ ngàn xưa lịch sử không ngừng được viết lại bởi các triều đại mới.

Dư luận về trận lụt Bắc Kinh

Cũng về Trung Quốc, tuần báo The Economist đề cập đến trận lụt tại thủ đô Bắc Kinh mới đây trong bài viết « Dưới nước và lửa ». Con số người chết ban đầu được đưa ra là 37 người, nhưng cuối cùng là 77, và nhiều người đặt câu hỏi, tiền bạc thay vì đổ vào các công trình vô ích như các tòa nhà chọc trời, công viên Olympic, tốt hơn nên dành cho cơ sở hạ tầng.

Bài báo cho biết, trong vòng 1.000 năm qua, Bắc Kinh đã phải chịu đựng trên 100 trận lụt lớn. Nghiêm trọng nhất là hai trận lụt năm 1626 và 1890, đều xảy ra vào cuối các triều đại mà tham nhũng hoành hành và quản lý tồi tệ. Hệ thống thoát nước hiện nay của Bắc Kinh có từ thập niên 50, dựa theo thiết kế của Liên Xô cũ, chú trọng hệ thống ống dẫn hơn là miệng cống thoát nước.

Người dân Bắc Kinh đã làm mọi cách để khắc phục hậu quả của trận lụt, từ giúp đỡ những người bị nạn cho đến phổ biến những việc cần làm cho các tình nguyện viên trên mạng xã hội. Nhưng trong một bài viết trên tiểu blog vừa bị xóa mới đây, blogger Li Chengpeng đã kêu gọi những người tình nguyện không nên làm gì nữa.

Nhấn mạnh đến tính chất « lịch sử » của trận lụt vừa rồi, chính quyền Bắc Kinh cố hướng sự chú ý của công chúng vào nỗ lực làm sạch thành phố. Nhưng nhiều người dân Bắc Kinh vẫn tỏ ra ngờ vực. Chẳng hạn như lời bình sau đây trên một tiểu blog, được trang web China Digital Times dịch ra tiếng Anh : « Trong cuộc đời ngắn ngủi của tôi, một vụ nhật thực chỉ diễn ra một lần trong thế kỷ, đã xảy ra hai lần. Một trận lụt mà chỉ xảy ra 500 năm một lần, thực tế có đến mười ; và trận động đất mà người ta nói là chỉ có một lần trong suốt thiên niên kỷ, đã xảy đến hai lần. Điều duy nhất chưa từng diễn ra là một cuộc tổng tuyển cử mỗi 5 năm một lần ». 

Lưỡi kéo kiểm duyệt của Bắc Kinh đã cắt ngay lời bình luận trên.

Fukushima : Gian lận để giảm độ phóng xạ

Còn tại Nhật Bản, Courrier International trích dịch bài báo của tờ Asahi Shimbun tố cáo « Fukushima, gian lận trong đo độ phóng xạ đối với công nhân ». Bài báo tiết lộ đoạn đối thoại giữa nhà quản lý một công ty hoạt động tại nhà máy xảy ra thảm họa với các công nhân làm công việc tẩy độc, yêu cầu họ gian dối trong việc đo độ phóng xạ.

Trong đoạn đối thoại này, người quản lý cấp cao của công ty xây dựng Build-Up, một trong những nhà thầu phụ của Tepco, đã ra lệnh cho các công nhân phải bọc máy đo phóng xạ bằng một lớp chì, để làm giảm chỉ số nồng độ phóng xạ xuống. Đa số công nhân đều chấp nhận, chỉ có ba người phản đối. Bị sa thải, ba công nhân trên đã trao cho tờ Asahi Shimbun phần ghi âm của cuộc nói chuyện buổi tối 02/12/2011 trong một phòng khách sạn ở Fukushima.

Sau khi tờ Asahi công bố, người quản lý trên đã biện minh là chỉ muốn cho các công nhân mới khỏi sợ hãi khi máy đo phóng xạ báo động nồng độ vượt ngưỡng cho phép, việc bọc chì chỉ diễn ra từ 30 đến 40 phút và đây chỉ là sáng kiến của cá nhân ông. Nhưng những lý giải này không hề phù hợp với đoạn đối thoại trên đây.

Syria rơi vào nội chiến

Liên quan đến tình hình Syria, tuần báo L’Express trong bài « Syria, hỗn loạn và máu » đã nhận xét, trước sự bất lực của ngoại giao, đất nước này rơi vào nội chiến. Những trận đánh ác liệt, xung đột giữa các cộng đồng, làn sóng người di tản…cuộc khủng hoảng ngày thêm trầm trọng khiến các nước khác phải lo ngại.

Tờ báo nhận xét, 48 tiếng đồng hồ sau vụ tấn công tự sát ngay tại đầu não cơ quan an ninh Syria làm bốn nhân vật quan trọng trong chính quyền thiệt mạng, thì một mặt trận mới lại mở ra ở Alep. Điều này khiến người ta có thể nhận ra là, các cuộc tấn công khủng bố đã chuyển thành nội chiến.

Ngoại trừ Libya, bài học của Mùa xuân Ả Rập tại Tunisia và Ai Cập cho thấy, chế độ sẽ sụp đổ một khi bị quân đội bỏ rơi. Có thể hiểu vì sao phe nổi dậy Syria cố thúc đẩy làn sóng đào ngũ trong lực lượng còn trung thành với Bachar Al Assad. Theo nguồn tin từ Thổ Nhĩ Kỳ, đã có 24 tướng lãnh đào thoát, và phong trào này sẽ còn tiếp tục.

Cuba đánh thuế nhập khẩu, gây khó khăn cho tiểu thương

Nhìn sang Cuba, Courrier International dịch lại bài viết của blogger nổi tiếng Yoani Sánchez trên tờ Generación Y từ La Habana mang tựa đề « Buôn bán nhỏ gặp khó ». Theo tác giả, thì việc chính quyền Raul Castro lại đánh thuế lên các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu khiến cho các doanh nghiệp nhỏ Cuba có nguy cơ phá sản.

Có bao nhiêu trong số 387.275 doanh nghiệp nhỏ của tư nhân mới được thành lập trong những năm gần đây sẽ bị ảnh hưởng ? Chưa thể biết được nhưng theo tác giả bài viết thì con số này rất cao. Từ gia vị, kem, cà phê, xoong chảo, kẹo cho đến sơn móng tay đều phải nhập từ nước ngoài. Sau trận bão lớn phá hủy hàng ngàn căn nhà, gây thiệt hại trên 8 tỉ euro vào năm 2008, chính quyền Cuba đã tạm miễn thuế cho thực phẩm nhập khẩu.

Nhưng thuế hải quan lại được áp đặt kể từ ngày 18/6, và như vậy bản án tử đã được dành cho khu vực buôn bán nhỏ, trong một đất nước thiếu thốn nhiều loại hàng hóa, không có các nhà buôn sỉ, và giá thực phẩm thì rất cao. Tình hình còn có thể phức tạp hơn với việc áp dụng đạo luật mới sẽ có hiệu lực từ ngày 3/9, đánh thuế nhập khẩu lên những món hàng sử dụng cho cá nhân nhưng trị giá vượt quá 50 peso, tương đương 40 euro. Lần này không chỉ ảnh hưởng đến các tiểu thương, mà cả đến những người dân Cuba muốn cải thiện cuộc sống đôi chút.

tags: Châu Á - Chính trị - Trung Quốc - Xã hội - Điểm báo
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120729-bac-hy-lai-su-roi-rung-cua-mot-ngoi-sao-do 
 

Bắc Triều Tiên: Trông chờ tân lãnh đạo cải cách là "giấc mơ ngu xuẩn"

Kim Jong Un và vợ là Ri Sol Ju
Bài đăng : Chủ nhật 29 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 29 Tháng Bẩy 2012 
Bình Nhưỡng hôm nay 29/07/2012 đã cảnh báo Seoul là sẽ vô ích khi trông chờ tân lãnh đạo Bắc Triều Tiên tiến hành cải cách, và cho đây là « một giấc mơ ngu xuẩn ».

Hãng thông tấn chính thức của Bắc Triều Tiên KCNA dẫn lời một phát ngôn viên Ủy ban vì thống nhất Triều Tiên một cách hòa bình nói rằng : « Việc chờ đợi một sự thay đổi chính sách và các cải cách, mở cửa tại Bắc Triều Tiên không có gì khác hơn là một giấc mơ điên rồ và ngu xuẩn, cũng giống như muốn mặt trời mọc ở phương Tây ».

Người phát ngôn của cơ quan Bắc Triều Tiên phụ trách quan hệ giữa hai nước Triều Tiên nói trên nhấn mạnh : « Không thể có một chút thay đổi nào trong chính sách của Bắc Triều Tiên ».

samedi 28 juillet 2012

Trung Quốc hủy bỏ dự án gây ô nhiễm sau khi hàng chục ngàn dân biểu tình phản đối

Người biểu tình lật xe, đứng chật trước sân ủy ban Khải Đông ngày 28/07/12.
Bài đăng : Thứ bảy 28 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 28 Tháng Bẩy 2012 
Lần thứ hai trong tháng, lại có thêm một dự án gây ô nhiễm bị chính quyền Trung Quốc hủy bỏ, sau khi hàng chục ngàn người đã biểu tình phản đối hôm nay 28/07/2012 tại Khải Đông (Qidong), gần Thượng Hải. Những người biểu tình đã đập phá trụ sở ủy ban Khải Đông, và cuối cùng đã bị công an giải tán.

Từ sáng sớm, rất đông người đã tập họp để phản đối một dự án đường ống dẫn nước thải từ một nhà máy của tập đoàn Nhật Bản Oji Paper Group cách đó hàng trăm cây số, đến thành phố duyên hải này và đổ ra một trong bốn ngư cảng của Khải Đông. Theo kế hoạch thì khi hoạt động hết công suất, nhà máy trên sẽ xả ra đến 150.000 tấn nước thải mỗi ngày.

Theo Tân Hoa Xã, số lượng biểu tình là « nhiều ngàn » người, nhưng một trong số những người tham gia nói với AFP là con số này lên đến 50.000 người. Trên các tiểu blog, người ta ước lượng có đến 100.000 người dân biểu tình.Nhiều người đã tràn vào trụ sở ủy ban, và theo các tường thuật trên mạng, thì người biểu tình chen chân khắp chốn từ các đường phố, trên nóc nhà, trên tường …

Trong một tấm ảnh mà AFP có được, sân của ủy ban và trên các ban-công tòa nhà này đen nghịt người, hai chiếc xe hơi bị lật ngửa. Một tấm khác trên mạng cho thấy một người đàn ông - được cư dân mạng nhận ra là bí thư thành ủy - ở trần vì đã bị người dân lột áo, được lực lượng công an hộ tống đi nơi khác. Những người biểu tình đã thu nhặt nhiều chai rượu và thuốc lá, là các vật phẩm hối lộ mà các cán bộ địa phương thường nhận, đem trưng bày trước cửa ủy ban. Từ khóa « Khải Đông » trên mạng Vi Bác sau đó đã nhanh chóng bị kiểm duyệt.

Công an được điều đến rất đông, những vụ xô xát đã diễn ra. Đồng thời chính quyền cũng thông báo là dự án đường ống nước thải của nhà máy giấy hiện đang bị tạm ngưng, nay sẽ hoàn toàn bị hủy bỏ. Tiểu blog của công an và truyền hình địa phương đều đưa thông báo : « Chính quyền Nam Thông (Nantong) nơi có nhà máy giấy đã quyết định hủy bỏ hẳn dự án xả nước thải ra biển, chúng tôi yêu cầu dân chúng quay về nhà ». Cuối cùng đoàn biểu tình đã bị giải tán.

Kể từ năm ngoái, các vụ biểu tình phản đối gây ô nhiễm môi trường ngày càng nhiều hơn tại Trung Quốc, sau ba thập kỷ công nghiệp hóa. Đầu tháng Bảy tại thành phốThập Phương (Shifang) tỉnh Tứ Xuyên, những người biểu tình đã đối đầu với lực lượng an ninh suốt nhiều ngày, trước khi được cam kết từ bỏ một dự án nhà máy luyện kim gây ô nhiễm. Còn trong mùa hè 2011, một nhà máy sản xuất tấm năng lượng mặt trời đã phải tạm đóng cửa ở thị xã Hải Ninh (Haining) tỉnh Chiết Giang. Dân cư thành phố Đại Liên (Dalian) tỉnh Liêu Ninh cũng thành công trong việc buộc một nhà máy hóa dầu phải di dời đi nơi khác.

tags: Châu Á - Môi trường - Trung Quốc - Xã hội
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120728-trung-quoc-huy-bo-du-an-gay-o-nhiem-sau-khi-hang-chuc-ngan-dan-phan-doi 

Nữ hoàng Anh và điệp viên 007 nhảy dù khai mạc Thế vận hội Luân Đôn

Lễ khai mạc Thế vận hội Luân Đôn 2012
Bài đăng : Thứ bảy 28 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 28 Tháng Bẩy 2012 
 
Sau bảy năm chờ đợi, tối hôm qua 27/07/2012, Luân Đôn đã tưng bừng mở hội khai mạc Olympic, trong buổi lễ khai trương ngoạn mục hoành tráng đậm chất « Ăng-lê », với điểm nhấn là Nữ hoàng Anh quốc và điệp viên 007. Luân Đôn lập kỷ lục vì là thành phố duy nhất thế giới có được vinh dự ba lần tổ chức Thế vận hội.

Vào lúc 0 giờ 17 phút địa phương tối thứ Sáu rạng sáng thứ Bảy, Nữ hoàng Anh với chiếc nón truyền thống màu cam ánh hồng, đã chính thức tuyên bố khai mạc Thế vận hội lần thứ 30 tại Luân Đôn. Trước đó, khoảng 80.000 khán giả tại sân vận động Stratford nằm ở phía đông Luân Đôn, và hơn một tỉ khán giả truyền hình đã chứng kiến buổi trình diễn kéo dài ba tiếng đồng hồ, do đạo diễn Danny Boyle - người đã thực hiện bộ phim Triệu phú ổ chuột (Slumdog Millionaire) từng đoạt nhiều giải Oscar, tổ chức.

Đó là một sự pha trộn văn hóa Anh, bắt đầu bằng bài hát « Flowers of Scotland », tiếp đến là Charlie Chaplin, các hình ảnh trong câu chuyện về Harry Potter, Alice ở xứ thần tiên, Mary Poppins, Mister Bean, Shakespeare, các trào lưu như Brit Pop, Swinging London, bên cạnh các nghệ sĩ tên tuổi như Paul McCartney, Mike Olfield và giàn nhạc giao hưởng Luân Đôn …

Nhưng được chú ý nhất có lẽ là đoạn phim ngắn chiếu cảnh Nữ hoàng Anh từ trực thăng nhảy dù mang màu cờ (Union Jack) của vương quốc Anh, xuống sân vận động với sự hỗ trợ của diễn viên Daniel Craig từng thủ vai điệp viên James Bond, đi taxi đến điện Buckingham để đón Nữ hoàng.

Khác với sự hoành tráng của lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh 2008 tại sân vận động Tổ chim, buổi trình diễn trên đây muốn chuyển tải thông điệp : Thế vận hội Luân Đôn rất gần gũi, thân thiện : khai thác các biểu tượng văn hóa đặc thù của dân Anh nhưng đã đạt đến tầm phổ quát nhờ tính sáng tạo. 

Trên khán đài danh dự, hàng trăm khuôn mặt nổi tiếng trong giới hoạt động nghệ thuật, thể thao hiện diện cùng với 120 nguyên thủ các nhà nước và chính phủ. Có thể kể : đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama, Thủ tướng Nga Dimitri Medvedev, Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault, hoàng tử Anh Harry và vợ chồng hoàng tử William, diễn viên điện ảnh Brad Pitt.

Riêng cầu thủ David Beckham đã tháp tùng ngọn lửa Olympic bằng ca-nô trên sông Lea ở trung tâm công viên thế vận, rồi giao tận tay cho Steve Redgrave, bốn lần vô địch thế giới môn bơi xuồng, người cuối cùng rước đuốc vào sân. Sau cuộc hành trình dài 12.875 km xuyên qua nước Anh, ngọn lửa thiêng đã bừng lên trên lễ đài hình bó hoa, và sẽ tiếp tục cháy trong 16 ngày, cho đến khi Olympic Luân Đôn kết thúc ngày 12/08/2012.

Kể từ hôm nay, các vận động đại diện cho các quốc gia trên toàn thế giới bước vào cuộc tranh tài với khát vọng giành được 302 chiếc huy chương vàng quý giá cho nước mình, sau khi diễu hành theo đoàn tối qua theo truyền thống.

Được chú ý nhất là vận động viên chạy nước rút Jamaica, Usain Bolt từng đoạt ba huy chương vàng tại Bắc Kinh, được mệnh danh là « người đàn ông chạy nhanh nhất thế giới ». Hay tay bơi Mỹ Michael Phelps, đang hy vọng giành thêm ba huy chương nữa để đạt tổng số 19 chiếc, trở thành vận động viên đoạt nhiều huy chương vàng nhất trong lịch sử thế vận.

tags: Olympic 2012 - Thể thao
http://www.viet.rfi.fr/the-thao/20120728-the-van-hoi-luan-don-khai-mac-rat-%C2%AB-ang-le-%C2%BB-voi-nu-hoang-anh-va-diep-vien-007-sau 
 

Quân đội Syria tổng tấn công vào Alep

Một xe tăng quân chính phủ bị phá hủy
Bài đăng : Thứ bảy 28 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 28 Tháng Bẩy 2012 
 
Một trận mưa đạn pháo hôm nay 28/07/2012 đã trút xuống Alep, thành phố lớn thứ hai của Syria. Quân chính phủ với trực thăng, chiến xa và lực lượng tăng viện cố đánh bật quân nổi dậy tại thủ đô kinh tế của Syria, chiến trường mang ý nghĩa quyết định cho cuộc xung đột Syria.

Theo một thông tín viên tại chỗ của AFP, phe nổi dậy đã chống cự được các đợt tấn công đầu tiên của lực lượng Bachar Al Assad tại khu phố Salaheddine, nơi có nhiều quân nổi dậy. Quân chính phủ không tiến vào được, và bị tiêu hủy một số xe tăng. Các đợt pháo kích dữ dội đã bắt đầu từ sáng sớm hôm nay tại khu vực đông nam Alep đang bị bao vây, và vẫn tiếp diễn cho đến chiều. Bốn trực thăng liên tục bắn đạn rốc-kết, phối hợp với pháo binh và xe tăng.

Phe nổi dậy cho biết hàng trăm chiến xa đã được triển khai xung quanh Salaheddine, các trận đánh diễn ra tại nhiều khu vực khác của Alep cũng đang bị nã đạn pháo. Còn hãng thông tấn Sana của nhà nước Syria nói là có các cuộc đụng độ với « một nhóm khủng bố đang gây sợ hãi cho dân chúng », hai kẻ khủng bố bị chết và ba người khác bị bắt.

Tổ chức Quan sát Nhân quyền tại Syria (OSDH) nhấn mạnh, đây là các trận đánh ác liệt nhất kể từ đầu phong trào phản kháng. Hôm nay có ít nhất 29 người chết, trong đó có 10 lính phe Assad, 8 quân nổi dậy và 11 thường dân, và nếu tính chung trên cả nước thì có 90 người chết. Theo OSDH, từ tháng 3/2011 đến nay con số người thiệt mạng đã lên đến trên 20.000 người.

Hàng ngàn thường dân sợ hãi trước những chiếc trực thăng bay thấp, cố tìm cách chạy trốn đạn pháo. Nhiều người tụ tập tại các công viên, vì trường học không còn là nơi an toàn ở Syria, những người khác trú ẩn dưới hầm nhà, một số lũ lượt đi tản cư. Bánh mì bắt đầu trở nên khó kiếm.

Cuộc tổng tấn công diễn ra hơn một tuần sau khi mặt trận mới này được mở ra hôm 20/7, lúc quân chính phủ đã lấy lại thế thượng phong ở thủ đô Damas. Trận chiến Alep mang tính quyết định cho cả hai phe sau 16 tháng bạo động. Đối với Assad, thành phố quan trọng này có nhiều cảm tình viên của chế độ, trong đó Damas đặt hy vọng nơi các doanh nhân có thể tài trợ một phần cho cuộc chiến. Còn phe nổi dậy nếu chiến thắng có thể tạo lập được một an toàn khu ở phía bắc, làm chỗ dựa để tấn công vào quân chính phủ.

Nhiều nước phương Tây và Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ quan ngại trước nguy cơ lại xảy ra thảm sát tại đây. Tuy vậy Nga, đồng minh tích cực của Syria lại cho rằng chế độ Damas không thể khoanh tay đứng nhìn phe nổi dậy « chiếm đóng » các thành phố lớn. Tổng thống Pháp François Hollande hôm nay kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhanh chóng can thiệp.

tags: Quân sự - Quốc tế - Syria
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120728-quan-doi-syria-tong-tan-cong-vao-alep 
 

Chính quyền Cuba : Nhà ly khai Oswaldo Paya chết do tai nạn

Tang lễ của nhà đối lập Oswaldo Paya
Bài đăng : Thứ bảy 28 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 28 Tháng Bẩy 2012 
 
Năm ngày sau tai nạn xe hơi khiến nhà ly khai nổi tiếng Cuba Oswaldo Paya tử nạn, chính quyền Cuba hôm qua 27/07/2012 đã kết luận trong một bản báo cáo : đây chỉ đơn thuần là một tai nạn do xe chạy quá tốc độ. Báo cáo không nêu ra việc có một chiếc xe khác có liên can trong vụ này mà gia đình đã yêu cầu điều tra.

Thông báo của Bộ Nội vụ Cuba, dẫn lời khai của ba nhân chứng và báo cáo của nhiều chuyên gia khẳng định : « Việc thiếu kiểm tra xe, chạy quá tốc độ và thắng không tốt trên đoạn đường xấu là nguyên nhân của tai nạn đau buồn này ».

Báo cáo cũng nêu lời chứng của hai người châu Âu : Angel Carromero quốc tịch Tây Ban Nha là người lái xe, và Jens Aron Modig, người Thụy Điển, ngồi ở băng ghế trước. Cả hai đều 27 tuổi và thuộc ban lãnh đạo phong trào thanh niên đảng bảo thủ ở nước mình, đều bị thương nhẹ do vụ va chạm. Carromero vẫn đang bị câu lưu tại Bayamo thuộc miền đông nam Cuba, nơi xảy ra tai nạn, còn Modig bị cơ quan quản lý xuất nhập cảnh giữ lại ở La Habana.

Ngoài Oswaldo Paya, một trong những nhà đối lập nổi tiếng nhất Cuba, một nhà ly khai Cuba khác là Harold Cepero thuộc phong trào công giáo Tự Do do Paya thành lập năm 1988, cũng bị thiệt mạng do tai nạn. Bản báo cáo chính thức nhấn mạnh, cả hai người đều ngồi ở băng sau, không thắt dây nịt an toàn, đã chịu tác động mạnh khi xe tông vào gốc cây.

Cũng theo báo cáo, thì người lái xe Carromero đã khai là không nhớ có nhìn thấy bảng báo hiệu tình trạng mặt đường, và khi chạy vào đoạn trải sỏi thì đã thắng gấp khiến chiếc xe trượt qua một bên và đâm vào thân cây. Còn Modig khai khi đang ngủ bỗng có cảm giác xe bị trượt qua một bên rồi bị bất tỉnh.

Ba người Cuba khác cho biết đang chạy trên cùng đoạn đường thì thấy chiếc xe trên phóng rất nhanh rồi bị mất lái. Theo lời các chuyên gia được dẫn ra, thì chiếc xe của hai người châu Âu chạy với vận tốc trên 120 km/ giờ, trên đoạn đường tốc độ bị hạn chế ở 60 km/ giờ. Báo cáo của Bộ Nội vụ Cuba kết luận, cuộc điều tra và thủ tục tố tụng hình sự đang tiếp tục theo đúng luật.

Các con của ông Oswaldo Paya và các nhà đối lập khác đã đặt nghi vấn về báo cáo chính thức ban đầu, nêu ra khả năng có một chiếc xe hơi khác đã cố tình truy bức chiếc xe của ông Paya.

Cái chết của nhà ly khai Oswaldo Paya đã gây nhiều xúc động trong giới đối lập Cuba. Ông đã nổi tiếng thế giới khi giới thiệu cho Quốc hội Cuba một đề án trưng cầu dân ý về các quyền tự do căn bản, vào năm 2002. Nhà Trắng hôm thứ Tư 25/7 đã yêu cầu mở cuộc điều tra « kỹ càng và minh bạch » về nguyên nhân khiến ông Paya thiệt mạng.

tags: Cuba - Nhân quyền - Quốc tế
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120728-chinh-quyen-cuba-nha-ly-khai-paya-chet-do-tai-nan 
 

vendredi 27 juillet 2012

Nga và Việt Nam đẩy mạnh hợp tác khai thác dầu khí tại Biển Đông


Chủ tịch VN Trương Tấn Sang và Tổng thống Nga Vladimir Putin, ngày 27/07/12.
Bài đăng : Thứ sáu 27 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 27 Tháng Bẩy 2012 
 
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang hôm nay 17/07/2012 thỏa thuận sẽ củng cố việc hợp tác khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam. Điện Kremlin đã loan báo như trên, được AFP đưa lại. 
 
Bản tuyên bố chung đăng trên trang web của Phủ Tổng thống Nga cho biết, sau cuộc hội đàm ở thành phố Sotchi nằm ở miền nam nước Nga, hai nhà lãnh đạo đã thông báo ý định « tăng cường hợp tác trong việc thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam ». 

Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Trương Tấn Sang tuyên bố rất hài lòng về thành quả của các công ty liên doanh dầu khí Nga – Việt như Vietsovpetro, Gazpromviet, và các hoạt động của Loukoil Overseas tại Việt Nam, và thỏa thuận sẽ tiếp tục các nỗ lực theo hướng này.

Hai bên khẳng định mong muốn đưa khối lượng trao đổi thương mại song phương lên 5 tỉ đô la vào năm 2015, so với năm 2011 là trên 3 tỉ đô la. Hai vị lãnh đạo Nga – Việt cũng ca ngợi sự hợp tác đôi bên trong lãnh vực năng lượng nguyên tử.

Nga sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam, trong đó lò phản ứng đầu tiên sẽ đi vào hoạt động từ nay đến năm 2020. Cũng trong bản tuyên bố chung trên, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Việt Nam Truơng Tấn Sang nhấn mạnh dự án này sẽ « mang lại sức bật mới cho công cuộc hợp tác Nga – Việt trong nhiều lãnh vực liên quan », và « có triển vọng trở thành biểu tượng của tình hữu nghị giữa Nga và Việt Nam trong thế kỷ 21 ». 

tags: Hợp tác / Phát triển - Nga - Ngoại giao - Việt Nam
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120727-nga-va-viet-nam-se-day-manh-hop-tac-khai-thac-dau-khi-tai-bien-dong 
 

Nga thương lượng mở lại căn cứ quân sự ở Việt Nam và Cuba


Bài đăng : Thứ sáu 27 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 27 Tháng Bẩy 2012 
Nga đang thương thảo để mở lại các căn cứ quân sự ở Việt Nam và Cuba. Hãng thông tấn Nga RIA-Novosti hôm nay 27/07/2012 dẫn lời Tổng tham mưu trưởng Hải quân Nga loan báo như trên. Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đang ở thăm Nga cũng tuyên bố, Hà Nội sẽ tăng cường hợp tác quân sự với Matxcơva.

Trả lời hãng tin Nga về tình hình các cuộc thương lượng từ nhiều năm qua đã đi đến đâu, Phó đô đốc Viktoir Tchirkov, Tổng tham mưu trưởng Hải quân Nga khẳng định : « Chúng tôi tiếp tục hành động để lực lượng hải quân Nga có thể đóng quân ở ngoài biên giới Liên bang Nga. Trong khuôn khổ kế hoạch mang tính quốc tế này, chúng tôi đang nghiên cứu vấn đề thành lập các căn cứ hỗ trợ hậu cần và kỹ thuật tại Cuba, quần đảo Seychelles và tại Việt Nam ».

Cuộc phỏng vấn trên đây được đăng tải trong bối cảnh sắp diễn ra cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tại Sotchi, Hắc Hải trong ngày hôm nay.
Trước khi bước vào cuộc họp, Chủ tịch Trương Tấn Sang khi trả lời đài phát thanh Tiếng nói nước Nga đã tuyên bố : « Việt Nam đã từng có quan hệ hợp tác và đối tác chiến lược chặt chẽ với Nga trong một thời gian dài, và quan hệ đối tác này sẽ tiếp tục được triển khai ».

Ông Trương Tấn Sang nói thêm : « Đó là lý do vì sao chúng tôi ưu tiên cho Nga thuê căn cứ Cam Ranh, đặc biệt là trong mục đích hợp tác quân sự. Sau khi Nga chấm dứt sự hiện diện quân sự tại đây, Việt Nam đã quản lý toàn bộ cảng Cam Ranh và không hề có ý định hợp tác với quốc gia nào khác theo hướng sử dụng cảng Cam Ranh vào mục đích quân sự ». Chủ tịch Việt Nam nhấn mạnh : « Việt Nam có toàn quyền quyết định trên lãnh thổ của mình, và Cam Ranh là một cảng của Việt Nam ».

Cảng Cam Ranh nằm tại vịnh Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa của Việt Nam, là cảng nước sâu lý tưởng nhất Đông Nam Á, có vị trí chiến lược quan trọng. Sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam, đến năm 1979 cảng Cam Ranh đã được Hà Nội cho cho Matxcơva thuê với thời hạn 25 năm và trở thành căn cứ hải quân ở nước ngoài lớn nhất của Liên Xô thời đó.

Hồi năm 2001, lúc đó ông Vladimir Putin đã là Tổng thống Nga, đã loan báo việc chấm dứt hợp đồng, rời khỏi căn cứ hải quân Cam Ranh. Nga cũng rút khỏi Cuba, nơi có một trạm nghe trộm đặt ở Lourdes từ thời Liên Xô. Vào thời đó, Matxcơva giải thích các quyết định trên đây là do bàn cờ chính trị thế giới thay đổi, và sự cần thiết phải tập trung các nỗ lực để đối phó với mối đe dọa khủng bố.

Ngoài cảng Sébastopol tại Crimée ở miền nam Ukraina, nơi đặt căn cứ của hạm đội Hắc Hải, Nga chỉ giữ lại một « điểm tiếp liệu và hỗ trợ kỹ thuật » tại cảng Tartous thuộc Syria, được Hải quân Nga sử dụng từ thập niên 70.

Về phía Hoa Kỳ thì khẳng định không quan ngại trước khả năng Matxcơva và Hà Nội xích gần lại với nhau. Hôm nay ông George Little, phát ngôn viên Lầu Năm Góc nói với báo chí là : « Chính phủ Nga có quyền lợi ở nhiều nơi trên thế giới, và có quyền xúc tiến các lợi ích này. Bản thân Hoa Kỳ cũng có lợi ích quan trọng trong việc duy trì quan hệ quân sự tốt đẹp với Nga ». 

Trả lời câu hỏi, liệu đây có phải là đáp trả của Nga trước chiến lược mới của Mỹ hướng về châu Á – Thái Bình Dương nhằm phát triển quan hệ quân sự với các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam, phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho rằng « trong giai đoạn hiện nay, chưa thấy xu hướng nào cụ thể ». 
tags: Nga - Quân sự - Quốc tế - Việt Nam
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120727-nga-thuong-luong-mo-lai-can-cu-quan-su-o-viet-nam-va-cuba 

Alep : Trận quyết chiến của chế độ Assad và phe nổi dậy Syria

Các chiến binh phe nổi dậy Syria tại Alep.
Bài đăng : Thứ sáu 27 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 27 Tháng Bẩy 2012 
Hôm nay 27/07/2012 quân chính phủ Syria đã cho trực thăng bắn xối xả vào nhiều khu phố của Alep, nhiều đơn vị đã được điều động đến để chuẩn bị cho cuộc tấn công mang tính quyết định vào thành phố lớn thứ hai của Syria. Theo các nhà phân tích, trận chiến tại Alep mang ý nghĩa sống còn cho cả hai phe.

Một tuần sau khi mặt trận mới này được mở ra, các lực lượng đặc biệt đã được triển khai ở sườn phía đông của thành phố, và các đơn vị quân chính phủ khác cũng được tăng viện đến nhằm mục đích tổng phản công trong hôm nay hoặc ngày mai. Trực thăng của quân Assad bắn vào nhiều khu phố ở phía nam và tây nam thành phố Alep, một số trận đánh diễn ra tại khu trung tâm.

Về phía phe nổi dậy, trong khi chờ đợi đối phó với đợt tổng tấn công của quân chính phủ, đã chuẩn bị phòng thủ bằng bao cát quanh các vị trí chiến đấu, lập các cơ sở y tế cơ động dưới hầm các trường học và đền thờ Hồi giáo ở khu phố Salaheddine ở phía tây nam. Nhiều thường dân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em đã sơ tán. Quân nổi dậy được vũ trang bằng các khẩu Kalachnikov, súng liên thanh, rốc-két và bom tự tạo, cũng tấn công vào các đồn cảnh sát và cơ quan tình báo.

Hãng tin AFP dẫn nguồn tin an ninh nói rằng, khoảng 1.500 đến 2.000 quân nổi dậy đã đến tiếp viện cho 2.000 đồng đội tại Alep. Lực lượng nổi dậy đang chiếm giữ các khu ngoại ô phía nam và phía đông, cũng như đường đến sân bay. Một phát ngôn viên của phe nổi dậy cho biết, quân chính phủ đã đưa đến tăng viện 100 xe tăng và nhiều xe quân sự.

Theo nhà cựu ngoại giao Ignace Leverrier, thì « Đây là một trận đánh hết sức quan trọng đối với cả hai phe ». Chuyên gia này phân tích : « Đối với phe Assad, Alep là thành phố thương mại có nhiều cảm tình viên của chế độ, nhất là giới doanh nhân được Damas trông cậy nhằm tài trợ phần nào cho cuộc chiến. Còn với phe nổi dậy, thì Alep là chìa khóa để khống chế miền bắc Syria ».

Cũng theo chuyên gia Leverrier, nếu chiếm được Alep, thì có thể nói phe nổi dậy Syria sẽ viết lại được kịch bản của Benghazi ở Libya trước đây, tạo được một an toàn khu để có thể chữa trị cho những người bị thương, đón nhận các quân nhân đào ngũ cùng với gia đình họ.

Còn chuyên gia Riad Kahwaji, giám đốc Viện nghiên cứu Quân sự Cận Đông và vùng Vịnh (INEGMA) đặt ở Dubai nhận định, nếu kiểm soát Alep thì quân nổi dậy coi như kiểm soát được toàn vùng Idleb thuộc miền tây bắc. Tại đây họ có thể tổ chức lại hàng ngũ, huấn luyện và đón nhận những vũ khí cần thiết cho việc tổng tấn công quân chính phủ.

Hôm nay một dân biểu của Alep là bà Ikhlas Badaoui đã đào thoát sang Thổ Nhĩ Kỳ cùng với sáu người con, và sau đó sẽ sang tị nạn tại Qatar. Đây là dân biểu thứ tư tự tách khỏi chế độ Damas. Trước đó dân biểu Imad Ghalioune đã đào thoát sang Ai Cập, và hai dân biểu khác từ chức để phản đối việc đàn áp phong trào phản kháng.

Hoa Kỳ hôm qua bày tỏ lo ngại xảy ra thảm sát ở Alep, tuy vẫn gạt qua một bên giải pháp can thiệp quân sự. Còn Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho rằng Bachar Al Assad « không sớm thì muộn cũng sẽ bị lật đổ ».

Tại Paris, trưa nay một lá cờ khổng lồ của phe nổi dậy Syria đã được treo lên tháp Eiffel. Các thành viên hiệp hội France Syrie Démocratie đã treo lá cờ này tại địa điểm thu hút nhiều khách du lịch nhất ở thủ đô nước Pháp, nhằm « thu hút sự chú ý của thế giới về tình hình tại Syria ».

tags: Bạo động - Quốc tế - Syria
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120727-alep-tran-chien-quyet-dinh-doi-voi-che-do-assad-va-phe-noi-day-syria 

Trung Quốc : Một bác sĩ tố cáo Bắc Kinh cho vận động viên dùng doping trong thập niên 80-90

 
Bài đăng : Thứ sáu 27 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 27 Tháng Bẩy 2012 
 
Các vận động viên Trung Quốc, đặc biệt là những người được cử đi tranh tài tại các Thế vận hội trong thập niên 80 và 90, đã được Nhà nước tổ chức cho sử dụng chất kích thích. Một bác sĩ từng là trưởng đoàn y tế của đội thể dục quốc gia Trung Quốc hôm nay 27/07/2012 đã tiết lộ với báo chí Úc như trên.

Bác sĩ Xue Yinxian, bác sĩ trưởng của đội vận động viên thể dục quốc gia Trung Quốc trong thời kỳ đó kể lại rằng, hooc-môn tăng trưởng và kích thích tố nam nằm trong danh sách cần phải chuẩn bị cho các vận động viên thi đấu cấp cao.

Nữ bác sĩ khẳng định với tờ Sydney Herald Morning là “việc này rất phổ biến trong thập niên 80 ». Theo bà Xue Yinxian thì trong đa số trường hợp, các vận động viên không biết mình đã bị tiêm chất kích thích, và rất hiếm ai từ chối. Những người không muốn tiêm thuốc có thể bị trừng phạt hoặc bị phê bình.

Bác sĩ Xue Yinxian là người đầu tiên trong ngành thể thao đỉnh cao Trung Quốc dám công khai nói ngược lại với tuyên bố của chính quyền. Theo Bắc Kinh thì các trường hợp doping của vận động viên và huấn luyện viên chỉ là hành động sai trái cá biệt của các cá nhân.

Chính phủ Trung Quốc nói rằng đã có chấn chỉnh từ sau giải Vô địch bơi lội thế giới năm 1994, khi Bắc Kinh giành được 12 giải thưởng, gây ra nhiều nghi ngờ. Cùng trong năm này, bảy vận động viên bơi lội cũng bị phát hiện có sử dụng kích thích tố nam, khiến đội bơi của Trung Quốc tham gia Thế vận hội 1996 bị yếu hẳn.

Bác sĩ Xue kể là trong một cuộc họp năm 1978, người chịu trách nhiệm cao nhất của ngành thể thao Trung Quốc đã nói rằng các chất kích thích chỉ đơn giản là các sản phẩm mới được sử dụng. Viên chức này đưa ví dụ là « các hooc-môn tăng trưởng được xem là một phương pháp khoa học trong tập luyện ».

tags: Thể thao - Thế vận hội
http://www.viet.rfi.fr/the-thao/20120727-mot-bac-si-trung-quoc-to-cao-bac-kinh-to-chuc-doping-cho-van-dong-vien-trong-thap- 
 

mercredi 25 juillet 2012

Kim Jong Un đã có vợ !

Người đẹp bí ẩn: đồng chí Ri Sol Ju
Ôi, tan nát cõi lòng, chàng Kim Jong Un đã sang ngang… Thế là hết ! 

Cô nàng bí ẩn đã ba lần xuất hiện bên cạnh chàng Un vào tháng Bảy đúng là vợ chàng. Truyền hình Bắc Triều Tiên hôm nay 25/07/2012 đã loan báo tin này, được Bộ Thống nhất Hàn Quốc đưa lại. Theo nguồn tin trên thì « Nguyên soái Kim Jong Un đã dự lễ khai trương công viên giải trí Nungra cùng với phu nhân là đồng chí Ri Sol Ju». 

Tờ Le Monde nhận định rằng việc làm đậm hình ảnh nguời phụ nữ, mà tên tuổi lần đầu mới được công bố, cho thấy Bắc Triều Tiên đang cố tạo ấn tượng về một đất nước cởi mở hơn. Trước đó vợ của các lãnh tụ quá cố Kim Il Sung và Kim Jong Il, tức ông nội và cha của Kim Jong Un, rất hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Người phụ nữ có mái tóc cắt ngắn này đã từng hiện diện bên cạnh Kim Jong Un trong dịp lễ kỷ niệm Kim Il Sung và trong một buổi trình diễn văn nghệ hồi đầu tháng Bảy. 

Người đẹp lặng lẽ đứng phía sau, khi "Chú" Un đi thăm các cháu thiếu nhi.
Lần thứ ba và mới đây nhất, kênh truyền hình duy nhất của Bắc Triều Tiên chiếu cảnh cô gái bí ẩn ấy mặc chiếc váy màu vàng có chấm, áo vét trắng, đứng cạnh lãnh tụ trẻ tuổi trong dịp đi thăm một trường mẫu giáo, nhưng không cho biết ngày giờ cụ thể.