dimanche 15 juillet 2012

Philippines ngừng phản đối sau khi tàu Trung Quốc rời khỏi Trường Sa

Bài đăng : Chủ nhật 15 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 15 Tháng Bẩy 2012 
 
Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario hôm nay 15/07/2012 tuyên bố sẽ không tiến hành thủ tục phản đối về mặt ngoại giao, sau khi một chiến hạm Trung Quốc đã được kéo lên tại khu vực bãi Trăng Khuyết tại quần đảo Trường Sa, do bị mắc cạn trong bốn ngày qua.  
 
Theo Ngoại trưởng Philippines thì vụ chiếc tàu hải quân Trung Quốc bị mắc cạn tuần qua tại bãi Trăng Khuyết thuộc Trường Sa, mà Philippines gọi là Hasa Hasa, có vẻ là một tai nạn. Ông nói : « Chúng tôi không tin rằng sự hiện diện của chiếc tàu này tại vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi là có dụng ý xấu », và cho biết có thể sẽ không kháng nghị về mặt ngoại giao.

Chiến hạm này được cho là đang thực hiện một « cuộc tuần tra thường lệ », khi bị mắc cạn hôm thứ Tư 11/7 tại bãi Trăng Khuyết. Bãi này cách đảo Palawan của Philippines 60 hải lý về phía tây, được Manila cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình. Trong khi đó Việt Nam cũng khẳng định chủ quyền tại bãi Trăng Khuyết, được Việt Nam xếp vào cụm đảo Bình Nguyên, thuộc quần đảo Trường Sa.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila loan báo chiếc tàu hải quân trên đã được « trục vớt thành công » trước hừng đông hôm nay. Ngoại trưởng Philippines nói rằng ông đã được thông báo là chiến hạm này đang trên đường quay về Trung Quốc, và ngỏ lời chúc thủy thủ đoàn trở về bình yên.

Trong nỗ lực làm hòa dịu, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin hôm nay nói rằng những người điều khiển chiếc tàu hải quân Trung Quốc có lẽ không nhìn thấy đá ngầm, chứ không có ý định xâm nhập lãnh hải.

Vấn đề chủ quyền tại Trường Sa luôn gây căng thẳng giữa các quốc gia liên quan, và mới đây Philippines cũng như Việt Nam đã lên án thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc. Việc tranh chấp này cũng là điểm nóng trong hội nghị thường niên các Ngoại trưởng ASEAN tổ chức tại Cam Bốt vừa qua, khi Manila tố cáo thái độ hai mặt và sự trấn áp của Bắc Kinh.

Tranh chấp lãnh hải đã làm chia rẽ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, với việc nước chủ nhà Cam Bốt đã bị Bắc Kinh mua chuộc, khiến hội nghị không ra được một thông cáo chung khi kết thúc.

tags: Biển Đông - Châu Á - Chủ quyền - Philippines - Trung Quốc - Trường Sa 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120715-philippines-ngung-phan-doi-sau-khi-tau-trung-quoc-roi-bai-hasa-hasa-o-truong-sa
 

samedi 14 juillet 2012

Lào : Cỗ xe khổng lồ Trung Quốc lắm khi gây ngờ vực và thù ghét


Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong ngày 11/07/2012.

(Le Monde) Chính tại một đất nước đang bị ảnh hưởng Trung Quốc đè nặng, mà bà Hillary Clinton đã viếng thăm chớp nhoáng hôm thứ Tư 11/07/2012. Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đến Lào kể từ chuyến viếng thăm của John Foster Dulles năm 1955, có thể ước lượng tại chỗ quyền lực của Bắc Kinh.

Trung Quốc đã đầu tư khoảng 4 tỉ đô la, trở thành một trong những đối tác chủ chốt của Lào, cùng với Việt Nam và Thái Lan. Từ năm 2011, Trung Quốc đã soán ngôi Việt Nam, tiến lên ngôi vị hàng đầu về đầu tư nước ngoài tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, chế độ cộng sản độc đảng lên nắm quyền từ sau chiến thắng của « cách mạng » năm 1975.

Nhưng sự xuất hiện của Trung Quốc, mà Washington không thể không nhận ra, cũng gây ra ngờ vực, thậm chí đôi khi là sự thù địch không che giấu. Điều này cũng minh họa cho sự nhập nhằng trong quan hệ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng Đông Nam Á khác, bị giằng xé giữa sự cần thiết phải giao thương với Bắc Kinh và phản xạ cảnh giác tự nhiên trước sự gần gũi đáng ngại về địa lý.

Tại Lào, Trung Quốc đè nặng lên đôi vai gầy của một quốc gia nằm lọt thỏm bên trong, thưa dân và đa chủng tộc. Ở thủ đô Vientiane, một trí thức không ưa mấy những chú « con trời », đã giễu cợt : « Khi người Tàu đi tiểu trên sông Mêkông, thì chính chúng tôi bị lụt… ». Khá căng đây!

Một trong những dự án lớn gây rất nhiều tranh cãi liên quan đến người Trung Quốc, là việc xây dựng một tuyến đường tàu cao tốc nối liền Côn Minh - thủ phủ tỉnh Vân Nam với Bangkok, chạy xuyên qua Lào. Tuyến đường này cho phép miền tây nam Trung Quốc có thể nhanh chóng nối với Malaysia và Singapore.

Đây là một dự án khổng lồ : phần nằm trên lãnh thổ Lào sẽ được Trung Quốc tài trợ 70%, khoảng 7 tỉ đô la. Tuyến đường này dài 480 km, trong đó có 200 km chạy qua các đường hầm và những cây cầu. Tuy vậy dự án này vào năm 2011 đã bị chính quyền Vientiane hoãn lại vô thời hạn. Có thể giải thích quyết định này qua những đòi hỏi của người Trung Quốc : họ đòi quyền sử dụng hàng trăm mét, thậm chí hàng chục kilomet đất tính từ hai bên đường tàu (trên suốt tuyến đường).

Mục đích của yêu sách này là lấy đất dùng cho nông nghiệp hay bất động sản, một thủ đoạn để thu hồi lại vốn bằng cách bóc lột trên lưng người Lào ! Hơn nữa, công trường xây dựng kéo theo việc hàng ngàn công nhân Trung Quốc tràn ngập vùng ngoại ô Luang Namtha, thủ phủ của một trong những tỉnh nằm gần biên giới.

Tại vùng giáp ranh Trung Quốc, một số nông dân đã biết được số phận đang chờ đợi họ một khi công trình xây dựng bắt đầu : « Tuyến đường sắt chạy ngang qua làng tôi, rồi con đường đằng kia sẽ chạy xuyên qua núi qua một đường hầm ». Bác Kumpan vòng tay diễn tả bao quát con đường nhựa, đồi núi với rừng rậm bao phủ xung quanh : « Nó sẽ đi xuyên qua đây, và chúng tôi sẽ phải di dời ».

Người Lào này là thành viên sắc tộc Khmou (11% dân số Lào), một người đàn ông 66 tuổi nhỏ thó. Ông sống ở Ban Guen, một ngôi làng nhỏ bé nép mình trong một thung lũng, sống bằng nghề làm muối. Kumpan tỏ ra lạc quan : « Người ta nói rằng chúng tôi sẽ được tái định cư ở bên kia, phía sau ngọn núi. Đối với tôi thì như vậy là ổn, cuối cùng tôi cũng được sống cùng gia đình trong một căn nhà chắc chắn… »

Luang Namtha
Tại Luang Namtha, các nhà buôn Trung Quốc đã có mặt đông đảo, làm chủ các cửa hàng trong một phần ngôi chợ nằm gần con đường chính, mang lại cho thành phố phương đông này dáng vẻ của một ngôi làng vùng Viễn Tây. Tại các thành phố trong khu vực, mặt tiền những cửa hiệu đầy những pa-nô chữ Hoa. Thip, một phụ nữ Lào đang coi tivi trong quầy hàng bán áo thun nhỏ bé nói : « Có cả một làn sóng các nhà buôn từ Trung Quốc sang, họ bán hàng điện tử, tivi, máy tính, điện thoại di động. Tôi vẫn chưa bị cạnh tranh nhiều, cho dù nhiều người Trung Quốc nhập khẩu một lượng lớn quần áo made in China ».

Ở khu vực « Tàu » trong chợ, các vị « thiên tử » đang ở đó, hàng chục vị. Trong một dãy các cửa hàng bán dụng cụ điện san sát nhau, ông Liu cho biết mình đến từ Hồ Nam, một tỉnh miền tây Trung Quốc. Với giọng pha thổ âm của quê hương Mao Trạch Đông, một chút ngờ vực trước người khách tò mò, ông ta nói : « Vâng, làm ăn được lắm… »

Vùng này đã bùng nổ công nghiệp cao su, và các công ty Trung Quốc hầu như là độc quyền. Một sự phát triển mà người dân địa phương không mấy ác cảm, cho dù một số chuyên gia lên án sự tham lam của các công ty Trung Quốc : họ buộc người Lào - thường không rành giá cả thị trường - bán mủ cao su cho họ với giá do họ ấn định.

Sen, một phụ nữ người Hmong (8% dân số Lào) 31 tuổi, sở hữu 1.000 cây cao su tại dãy đồi gần đó nói : « Người Trung Quốc đến đây và mua đủ mọi thứ, còn chúng tôi thì mua được hàng hóa Trung Quốc giá rẻ. Họ mang đến sự thịnh vượng ».

Kế hoạch khu vực của chính phủ Lào – theo như chuyên gia Danielle Tan ở Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đương đại (IRASEC) viết, thì nhằm « cố tình ve vãn Trung Quốc để tiết chế sự vượt trội của Thái Lan trong nền kinh tế Lào, và làm đối trọng trước sự lệ thuộc truyền thống về chính trị đối với Việt Nam ». Sự ủng hộ của Hà Nội, đồng minh của cách mạng Pathet Lào trong « cuộc kháng chiến chống Mỹ », mang tính quyết định trong sự sụp đổ của chính phủ Hoàng gia.

Chùa That Luang, nơi lưu giữ một sợi tóc được cho là của Đức Phật.
Tại thủ đô Vientiane, sự bùng nổ hiện diện của người Trung Quốc cũng làm dấy lên những làn sóng. Năm 2007, chính quyền ký hợp đồng với một tổ hợp quy tụ ba công ty Trung Quốc. Các công ty này sẽ xây dựng xung quanh một vùng đất sình lầy gần ngôi chùa nổi tiếng That Luang, biểu tượng của quốc gia, một phức hợp gồm nhà ở sang trọng, thương xá và nhà hàng. Vụ này gây dư luận ầm ĩ ngay cả trong một đất nước không có luật biểu tình - một số khu đất là sở hữu của các cán bộ đảng. Hậu quả là năm 2009 chính phủ đã phải hủy bỏ dự án.

Một doanh nhân Lào tâm sự : « Có những người đã bắt đầu nói rằng một số thành viên trong đảng đang bán rẻ đất nước cho người Tàu ». Một viên chức cao cấp cười ngất, bảo rằng : « Khi nghe nói về một China Town ở Vientiane, người ta chẳng ưa chút nào, chẳng ưa chút nào ! Nhưng chúng tôi sẽ tái thúc đẩy dự án, chỉ đơn giản không gọi nó là China Town nữa mà thôi ! »

vendredi 13 juillet 2012

Giảm lãi suất vay ngân hàng : Doanh nghiệp Việt Nam bớt phần khó khăn

Bài đăng : Thứ sáu 13 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 13 Tháng Bẩy 2012 
 
Vừa qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã yêu cầu các ngân hàng thương mại phải giảm lãi suất của các khoản vay cũ còn tối đa là 15%/tháng, hạn cuối là ngày 15/07/2012. Chủ trương này được đưa ra trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng rất thấp, trong khi các doanh nghiệp đang rất cần vốn, và thời gian qua lãi suất quá cao khiến nhiều doanh nghiệp không chịu đựng nổi đã phải giải thể.

RFI Việt ngữ đã trao đổi với tiến sĩ Lê Thẩm Dương, trưởng khoa Quản trị Kinh doanh Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh về vấn đề này.

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương - Thành phố Hồ Chí Minh
 
13/07/2012
by Thụy My
 
 
RFI : Kính chào tiến sĩ Lê Thẩm Dương. Tiến sĩ đánh giá động thái giảm lãi suất đối với các khoản cho vay cũ về mức trần 15% của các ngân hàng như thế nào ? Chủ trương này được các ngân hàng đang áp dụng ra sao ?

TS Lê Thẩm Dương : Để thực hiện điều hành vĩ mô của Việt Nam, thì buộc phải dùng đến công cụ lãi suất, và suốt từ năm 2011 đến 2012 là phải đưa lãi suất lên rất cao. Sau khi đưa lãi suất lên xong, thì Việt Nam đã đạt được mục tiêu là đẩy CPI (chỉ số giá cả tiêu dùng) xuống, theo kỳ vọng của mình.


Nhưng trong quá trình làm, thì mình thắt tiền tệ vào hơi quá tay, cho nên dẫn tới việc lãi suất cao gây ra hiệu ứng ngược… Kéo vào hơi nặng tay, nên dẫn đến hiện tượng doanh nghiệp ít nhiều bị đình trệ.

Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam đã hạ lãi suất liên tục và có những kỳ một tháng hạ đến ba lần. Đấy là đối với những khoản vay mới. Nhưng đồng thời chính phủ Việt Nam có nỗ lực là đối với những khoản vay cũ, thì có gia hạn đến ngày 15/07/2012 là hạn chót, các hồ sơ vay cũ - đặc biệt là dài hạn - sẽ được giảm lãi suất còn 15%, vì hồ sơ vay cũ đôi khi là 20%, hoặc 22%. Giảm lãi suất xuống thì lập tức giải quyết được mục tiêu GDP (tổng sản phẩm nội địa), tức là hỗ trợ các doanh nghiệp một cách rất là trực tiếp và thiết thực.

Những ngày qua, trong suốt hai tuần vừa rồi thì các ngân hàng đang lần lượt thực hiện điều đó, trong điều kiện vĩ mô của Nhà nước. Tất nhiên là trong quá trình thực hiện việc này thì cũng có những cái khó.

Cái khó thứ nhất là tại sao lãi suất cao ? Là bởi vì khi đó các ngân hàng nhận vào với lãi suất tiền gửi rất là cao, mà bây giờ bắt phải đưa xuống mức 15%, thì cái thiệt hại đó rơi vào phía ngân hàng không phải là nhỏ. Bởi vì họ nhận cao thì họ cho vay cao, bây giờ ép xuống phải cho vay thấp. Việc chia sẻ lợi nhuận giữa các bên hiện nay, nếu đứng về đạo lý thì rất đúng, nhưng ngân hàng cũng thiệt hại.

Cái thứ hai, việc một số ngân hàng người ta « lách ». Chuyện đó thì cũng có, nhưng thực tế không nhiều. Và đến ngày hôm nay thì cơ bản là các ngân hàng thực hiện điều đó rất tốt. Cho nên nếu làm được như thế thì sẽ dẫn tới kết quả đây là một biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp rất hữu hiệu. Và khi mà doanh nghiệp bật dậy được, thì lúc đó cơ sở để ngân hàng tồn tại cũng xuất hiện. 

Thế nên tôi đánh giá rất cao nỗ lực của chính phủ Việt Nam. Ngoài động thái giảm lãi suất cho các món vay mới, lại còn trợ giúp bằng lãi suất 15% đối với các món vay cũ. Đồng thời với chính sách thuế, còn kèm theo việc tái cấu trúc các khoản vay, để tạo điều kiện cho người ta vay. Bên cạnh đó là kích thích tiêu dùng để giải quyết tình trạng tồn kho, và giải quyết nợ xấu bằng thị trường mua nợ. Thành ra các nỗ lực của chính phủ là đúng, chỉ vướng là ở khâu thực hiện, thì mình chưa đạt nguyện vọng như mong muốn. Có một độ trễ, nhưng sẽ đạt được thắng lợi.

RFI : Về mặt thực hiện thì tiến sĩ thấy có khả thi không ?

Đứng về mặt khả thi, thì biện pháp này thực chất vẫn là biện pháp hành chính. Mà đã là hành chính thì có hiện tượng là nó sẽ bóp méo quan hệ thị trường. Đã là hành chính thì dứt khoát sẽ dẫn đến việc người ta « lách », vì nó không tuân theo quy luật thị trường - trong khi mình đang vận hành theo thị trường, nên công cụ phải là công cụ thị trường. Nhưng trong bối cảnh hiện nay thì Việt Nam phải dùng đến công cụ hành chính.

Thế nên về tính khả thi, đến giờ phút này có những biện pháp - như biện pháp lãi suất 15% - thì hoàn toàn khả thi. Có những giải pháp khác khả thi 50%, còn những giải pháp, ví dụ như việc mua nợ, thì có thể tính khả thi thấp hơn. Tóm lại như vậy có cái khả thi, có cái không khả thi, hoặc là tính khả thi ít.

RFI : Dạ, tiến sĩ có thể nói rõ hơn một chút về việc mua nợ không ?

Tại Việt Nam hiện nay, cái ách tắc của mình là nợ xấu. Nếu còn nợ xấu thì ngân hàng không dám cho vay, mà còn nợ xấu thì doanh nghiệp cũng không đủ điều kiện vay. Thế thì cái nút thắt đấy là cục máu đông nằm ở nợ xấu. 

Để giải quyết nợ xấu, cần có nỗ lực của doanh nghiệp và nỗ lực của ngân hàng. Nhưng nếu hai bên nỗ lực tối đa rồi vẫn chưa giải quyết được, thì bây giờ có hai biện pháp khả thi nhất. Một là phải kích cầu tiêu dùng để giải quyết tồn kho, thì nợ xấu sẽ giảm đi. Và biện pháp thứ hai là thiết chế một thị trường mua nợ xấu.

Mua lại nợ xấu thì mình đã có một cái thị trường, nhưng mà nó đang yếu. Cho nên Nhà nước có ý định nhẩy vào can thiệp, bằng cách chính Nhà nước sẽ là người mua cái nợ xấu này, thông qua một công ty mua nợ trực thuộc Nhà nước. Biện pháp này hiện nay còn đang tranh luận rất là quyết liệt. Và nếu như mà thành lập được, thì nó cũng hỗ trợ cho thị trường nói chung.

Nhưng có điều là hiện nay biện pháp này đòi hỏi độ dài. Cho nên đứng về mặt khả thi, thì có thể là nó khả thi trong một độ trễ nhất định, chứ hiện tại thì biện pháp này chưa tỏ ra khả thi trong trạng thái tức thì của nó.

RFI : Thưa tiến sĩ, có vẻ như là việc mua nợ còn mới mẻ đối với Việt Nam ?

Thị trường mua nợ thì có rất lâu rồi, đây là một khái niệm không mới. Nhưng trong vận hành thì nó còn yếu. Cũng giống như thị trường trái phiếu, nó có hiện diện, nhưng mà yếu, còn thiếu kinh nghiệm. Lạ lẫm thì không lạ lẫm lắm, nhưng mà chưa thành thói quen. Chưa thành một thị trường hoàn hảo, ngay từ môi trường luật trở đi, cho đến việc vận hành. Thành ra nếu gọi là mới mẻ thì cũng được.

RFI : Việc giảm lãi suất tiền vay có lẽ là một tin đáng mừng đối với doanh nghiệp, vì không ít đơn vị đã bị chết vì tiền lãi quá cao ?

Thực ra mà nói thì các đơn vị hiện nay, tổng tài sản của họ so với nguồn vốn thì không đến mức nào. Nhưng cái gay go là tài sản ấy được hiện thân bằng cái gì ? Bằng hiện vật. Mà cái gay của các doanh nghiệp bây giờ là tổng tài sản được biểu hiện bằng tiền, mà người ta gọi là dòng tiền - bằng tiền mặt - thì hiện nay là các doanh nghiệp « lâm trận » hết cả. Tất cả đều khó khăn.

Cho nên trong cái trạng thái họ đang thiếu thốn tiền mặt thế này, cộng với chi phí cao, tài sản bằng hiện vật không thoát ra được, việc hạ lãi suất xuống còn 15% cộng với các biện pháp khác nữa - ở đây phải chú ý tính đồng bộ của nó - thì có thể nói các doanh nghiệp đón nhận tin này với một tâm thế rất là phấn khởi. Và lãi suất thời gian qua thực sự cũng là một cản trở gần như là chính yếu, khiến cho các doanh nghiệp bị khó khăn về dòng tiền.

RFI : Xin chân thành cảm ơn tiến sĩ Lê Thẩm Dương, trưởng khoa Quản trị Kinh doanh Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, đã vui lòng nhận trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ hôm nay.

tags: Kinh tế - Ngân hàng - Phỏng vấn - Tiền tệ - Việt Nam 
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120713-giam-lai-suat-vay-ngan-hang-doanh-nghiep-viet-nam-bot-phan-kho-khan
 

jeudi 12 juillet 2012

Pháp muốn tránh xung đột với Trung Quốc

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius và Thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo
Bài đăng : Thứ năm 12 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 12 Tháng Bẩy 2012 
 
« Pháp muốn tránh xung đột với Trung Quốc », đó là tựa đề bài viết của thông tín viên nhật báo Le Monde tại Bắc Kinh, khi nhận xét về chuyến công du của Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius. Hồ sơ Syria và việc mở cửa thị trường các hợp đồng nhà nước là những vấn đề được hai bên đề cập đến.

Chuyến đi thăm Trung Quốc lần đầu kể từ khi nhậm chức của ông Laurent Fabius nhằm kế tục quan hệ đối tác chiến lược Pháp – Trung, nhưng với tân Ngoại trưởng Pháp thì với một cung cách đối thoại mới : Thẳng thắn, tìm kiếm cảm thông và đồng thuận thay vì đối đầu khi có những bất đồng.

Bên cạnh đó, ông Laurent Fabius cũng muốn làm quên đi thời kỳ gai góc hồi tháng Hai, khi đó ông là đặc sứ của ứng cử viên tổng thống François Hollande, đã không được bất kỳ nhân vật nào trong 9 thành viên Bộ Chính trị tiếp và đành phải rút ngắn chuyến đi. Lần này ông đã tiếp xúc hai khuôn mặt quan trọng nhất trong Thường vụ Bộ Chính trị, đó là Thủ tướng Ôn Gia Bảo và người sẽ kế nhiệm ông này là Lý Khắc Cường, mỗi cuộc hội đàm đều dài hơn dự kiến. Ngoại trưởng Pháp cho rằng Thủ tướng tương lai của Trung Quốc rất « cởi mở » và « sáng suốt » khi được hỏi, ông hình dung ra Trung Quốc như thế nào trong thập kỷ tới.

Ông Laurent Fabius cũng gặp gỡ người đồng nhiệm Dương Khiết Trì và cố vấn Quốc vụ phụ trách đối ngoại Đới Bỉnh Quốc. Là một nhà ngoại giao lão luyện, ông Đới Bỉnh Quốc cam đoan rằng nếu ông biết được, thì ông Fabius đã được tiếp đón tử tế hơn trong chuyến đi trước. Một cách để cho biết là thời kỳ đã qua là do một sự lạc điệu trong nội bộ chứ không phải Bắc Kinh muốn thế.

Cuộc hội đàm với ông Đới Bỉnh Quốc kéo dài hơn so với thời gian dự kiến là 45 phút. Nhiều đề tài nóng bỏng đã được đề cập đến, đặc biệt là hồ sơ Syria. Trong khi Bắc Kinh nêu ra nguyên tắc bất di bất dịch là không can thiệp vào chuyện nội bộ của nước khác, thì Paris cố gắng cho thấy vấn đề Syria có ảnh hưởng quốc tế. Chẳng hạn như tác động thấy rõ tại Liban, vụ chiếc chiến đấu cơ của Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn rơi, và như thế cần có sự can dự của các cường quốc, trong đó có Trung Quốc. Nhưng theo Le Monde, các lý giải này vẫn chưa thể làm lay chuyển được phía Trung Quốc.

Một đề tài chủ yếu nữa là thâm hụt thương mại : Pháp nhập siêu đến 27,2 tỉ euro từ Trung Quốc trong năm 2011, chiếm 40% tổng thâm hụt. Trong giai đoạn châu Âu đang bị khủng hoảng, ông Fabius chờ đợi phía Trung Quốc « mở cửa một số thị trường hợp đồng nhà nước » nhằm tái cân bằng các trao đổi.

Theo Tân Hoa Xã, thì ngược lại Phó thủ tướng Lý Khắc Cường đã yêu cầu Pháp bãi bỏ các hạn chế trong xuất khẩu các sản phẩm kỹ thuật cao. Bắc Kinh rất quan tâm đến ngành hàng không và nguyên tử, mà Paris luôn nhắc rằng Pháp nắm toàn bộ công nghệ từ đầu đến cuối. Trung Quốc cho biết rất sẵn sàng trong mọi hình thức hợp tác liên quan đến nhiên liệu nguyên tử.

Le Monde thắc mắc, vì sao trong những cuộc hội đàm kéo dài như vậy với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, mà số phận của Patrick Devillers lại không được đề cập đến ? Người kiến trúc sư Pháp có quen biết với vợ chồng ông Bạc Hy Lai đang bị chính quyền Cam Bốt giam cầm từ tháng Sáu cho đến nay theo yêu cầu của Bắc Kinh, trong khi không hề có cáo buộc chính thức nào được đưa ra. Theo phía Pháp thì do không có trong chương trình thảo luận. Có những chủ đề nhạy cảm vì đụng chạm đến bộ máy trung tâm quyền lực Bắc Kinh đang chuẩn bị chuyển giao cho thế hệ lãnh đạo mới.

Dù vậy, Pháp cũng nói rõ là cần bảo đảm các quyền của công dân nước mình. Hôm thứ Ba, chính quyền Phnom Penh cho biết Bắc Kinh yêu cầu đưa ông Devillers sang Trung Quốc để « giúp đỡ cho cuộc điều tra », và bảo đảm rằng ông sẽ không bị truy tố. Giải pháp này mở ra một lối thoát tránh các rắc rối ngoại giao, và Cam Bốt cho rằng giờ đây tùy ông Patrick Devillers quyết định.

Con gái cố Tổng thống Park Chung Hee ra tranh cử : Thatcher tương lai của Hàn Quốc ?

Cũng liên quan đến châu Á, Le Monde đề cập đến sự kiện bà Park Geun Hye, con gái của cố Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee (Phác Chính Hy) ra tranh cử tổng thống năm nay. Bà có được sự ủng hộ vững chắc so với các đối thủ, tuy đối với những người cấp tiến và giới trẻ thành thị, bà Park là hiện thân của phe bảo thủ kiên định nhất.

Thông tín viên Le Monde tại Tokyo cho biết, bà Park Geun Hye đã loan báo việc ra ứng cử, khẳng định tham vọng trở thành Tổng thống thay chân ông Lee Myung Bak không thể ra tranh cử nhiệm kỳ tiếp. Ngày 10/7 tại Seoul, bà long trọng tuyên bố : « Tôi có mặt ở đây hôm nay với quyết tâm hy sinh mọi thứ để biến Hàn Quốc thành một đất nước hạnh phúc, nơi mà mỗi giấc mơ của từng người trở thành hiện thực ».
Nếu chiến thắng, bà Park Geun Hye sẽ trở thành nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc. Bà hứa hẹn « dân chủ hóa nền kinh tế », « tạo các việc làm chất lượng cao » « thiết lập một hệ thống tương trợ xã hội theo kiểu Hàn Quốc ». Bà chỉ trích chính sách của Tổng thống đương nhiệm đối với Bắc Triều Tiên, và bày tỏ mong muốn « chấm dứt thời kỳ ngờ vực, đối đầu và bất định » giữa Seoul và Bình Nhưỡng để « xây dựng một bán đảo Triều Tiên tin cậy và hòa bình ».

Năm nay 60 tuổi, độc thân, nổi tiếng là kín đáo, dân biểu đảng Đại Quốc (GPN) – sau này trở thànhh Saenuri – tại đơn vị Daegu từ năm 1998, bà đã từng ra ứng cử tổng thống năm 2007 và chỉ thua phiếu ông Lee Myung Bak một ít. Việc ra ứng cử năm 2012 sẽ trở thành chính thức ngày 20/8 sau hội nghị sơ bộ của đảng, mà bà đang kiểm soát tuy không phải là chủ tịch, và hiện không có đối thủ. Hiện nay bà Park Geun Hye được đến 40% dân chúng ủng hộ, bỏ xa đối thủ đáng ngại nhất là Ahn Cheol Soo chỉ được có 20%.

Sự mến mộ của dân chúng dành cho bà, đa số là nhờ bà khéo duy trì được những hình ảnh đẹp trong quá khứ. Điều này không đơn giản, vì vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh người cha quá cố của bà. Là cựu sĩ quan trong thời kỳ Nhật chiếm đóng, ông Park Chung Hee đã lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 1961 và duy trì quyền hành cho đến khi bị ám sát năm 1979. Tuy điều hành đất nước với bàn tay sắt, nhưng cũng nhờ ông mà Hàn Quốc đã cất cánh về kinh tế.

Những người chống đối bà Park Geun Hye mỉa mai : « Để thu hút được sự hỗ trợ của công chúng, bà đã lợi dùng hình ảnh một cô bé mà cha mẹ đều bị ám sát, đơn độc và bị bỏ rơi ». Đối với thế hệ những người trên 50 tuổi, bà được xem như « một cô công chúa đã vượt qua được bi kịch ». Nhưng với giới trẻ thành thị, thì bà Park Geun Hye vẫn là « con gái một nhà độc tài », tiêu biểu cho phe bảo thủ kiên định nhất, như một Thatcher của Hàn Quốc.

Raul Castro và vòng công du các nước đồng minh cũ

Về chuyến công du mới đây của Chủ tịch Cuba, thông tín viên của nhật báo Le Figaro ở La Habana nhận định : « Castro kiếm chác nơi các đồng minh cũ ». Từ Bắc Kinh đến Matxcơva và trước đó vòng qua Hà Nội, vòng công du này có vẻ nặng ảnh hưởng của thời kỳ chiến tranh lạnh.

Tờ báo điểm qua : Trong bốn ngày lưu lại Bắc Kinh, Raul Castro đã gặp gỡ ông Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình, đạt được 8 hợp đồng kinh tế được ký kết và các món vay không lãi trong lãnh vực kỹ thuật và y tế. Cả hai chính phủ đều giữ bí mật về con số.

Tiếp đến, ông Raul Castro đến Việt Nam vào đầu tuần. Là đồng minh lịch sử của Cuba, nước sản xuất gạo quan trọng này là đối tác thiết thân đối với một đảo quốc mà thực phẩm chính của người dân là gạo. Sau đó ông đến Matxcơva để hội đàm với Vladimir Putin. Hai người đã đề cập đến việc hợp tác thương mại, kinh tế và đầu tư ; cũng như các dự án chung về năng lượng, giao thông và viễn thông.

Le Figaro nhận xét, chuyến đi của ông Raul Castro diễn ra vào thời điểm La Habana tìm kiếm một con đường đi, sau khi đã cho tự do hóa nền kinh tế vào tháng 9/2010. Nhiều nhà quan sát cho rằng lãnh tụ Cuba muốn đi theo mô hình của Trung Quốc hay Việt Nam. Ngược lại, Bắc Kinh lợi dụng quan hệ tốt đẹp của La Habana với các Nhà nước thiên tả tại Nam Mỹ để phục vụ cho quan hệ thương mại và nhu cầu năng lượng của mình.

Tờ báo nêu một vài ví dụ : ở Ecuador, Bắc Kinh tài trợ cho một nhà máy lọc dầu khổng lồ, còn tại Venezuela, xuất khẩu dầu sang Trung Quốc từ 39.000 thùng/ngày năm 2005 đã vọt lên 120.000 thùng/ngày trong năm 2008, và đến cuối năm nay có thể lên đến một triệu thùng ! Bắc Kinh đã cho Caracas vay 32 tỉ đô la trong năm 2010 và 2011, và Venezuela đã trở thành khách hàng mua vũ khí trung thành của Trung Quốc.

Đối với Nga, sau một thời kỳ lạnh giá, hai nước đồng minh cũ đã tiến gần lại từ chuyến viếng thăm La Habana của ông Dimitri Medvedev cuối năm 2008, và tiếp theo đó ông Raul Castro đã đến Matxcơva đáp lễ. Từ một năm qua, lượng du khách Nga đến Cuba tăng vọt, họ rất phô trương và ồn ào. Tuy nhiên người dân Cuba vẫn giữ lại ấn tượng tốt về người Nga và về thời kỳ Liên Xô cũ, đặc biệt là trong thập niên 80, khi họ vẫn còn được ăn uống đầy đủ và có thể đi nghỉ hè.

TRD Caribe, hệ thống siêu thị mini quốc doanh tràn ngập đầy hàng hóa Trung Quốc, từ các hộp thịt bò xay hiệu Jang Lui cho đến tivi hiệu Panda. Nhưng người Cuba lại tiếc nuối các sản phẩm « bôn-sê-vích » có chất lượng cao hơn. Một bác sĩ nhãn khoa ở La Habana cho biết : « Ông chú tôi vẫn sử dụng chiếc máy giặt Liên Xô cũ, và tôi có một quạt máy Liên Xô. Chúng rất bền, chứ không phải như hàng Trung Quốc. Tuần trước tôi mua một đôi giày hàng Tàu, ngay hôm sau gót đã bị gãy ngang, làm tôi thiệt mất 10 đồng peso chuyển đổi (8,30 euro), bằng phân nửa tháng lương của tôi ».

Tác giả mô tả, trong những chiếc guagua tức xe buýt, và taxi chở khách tập thể của thủ đô Cuba, những người ngoại quốc duy nhất là các cặp thanh niên Trung Quốc – có hơn một ngàn sinh viên Trung Quốc đến đây để học tiếng Tây Ban Nha.

« Đệ nhất tình nhân » Pháp đã kín tiếng hơn

Còn tại Pháp, nhật báo cánh tả Libération lại nói đến bà Valérie Trierweiler, người đang chung sống với Tổng thống Pháp François Hollande, hiện đang kín tiếng hơn. Trên tuần báo Le Point hôm qua, con trai của ông Hollande là Thomas Hollande đã khơi lại vụ xì-căng-đan mà bà đã gây ra.

Người luật sư 27 tuổi, con trai cả của ông François Hollande cho biết, Tổng thống Pháp đã sững sờ trước mẩu tin Twitter của bà Valérie Trierweiler ủng hộ đối thủ của bà Ségolène Royal trong kỳ bầu cử Quốc hội mới đây. Sự kiện này làm cho ông François Hollande rất đau buồn, đã phá hủy hình ảnh một con người bình dị mà ông đã dày công gầy dựng. Thomas Hollande tâm sự : « Tôi biết là thế nào cũng có ngày bà ấy gây ra một vụ gì đó, nhưng một cú kinh hồn như thế thì hoàn toàn không ngờ được. Thật là kinh dị ». Và anh nhận định về vai trò của bà Valérie Trierweiler, cho rằng bà cần phải chọn lựa : « Đó là một nhân tố bất ổn. Hoặc là bà ta làm công việc nhà báo, hoặc là đóng đô ở điện Elysée ». 

Libération nhận xét hiện nay bà Valérie Trierweiler đã vắng bóng trong các chuyến công du của Tổng thống Pháp, mà mới đây nhất là cuộc hội ngộ Nữ hoàng Anh hôm thứ Ba. Theo tờ báo thì ông François Hollande sẽ thổ lộ ít nhiều về xì-căng-đan vừa rồi trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình nhân Quốc khánh Pháp 14/7 tới đây.

tags: Châu Á - Chính trị - Ngoại giao - Pháp - Trung Quốc - Điểm báo 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120712-phap-muon-tranh-xung-dot-voi-trung-quoc
 

Cuba: Bước đầu tan rã của một Nhà nước toàn trị (3)


"Một Nhà nước toàn trị sẽ chết đi như thế nào ? Cho đến nay, thế giới đã biết đến nhiều kịch bản cho sự kết thúc này...Nếu tin vào các phóng sự về Việt Nam đăng trên báo Granma, hay chuyến đi châu Á gần đây của một nhóm các nhà kinh tế Cuba, đặc biệt là tại Việt Nam và Lào ; thì hiển nhiên là Cuba đã chọn lựa mô hình Trung Quốc : cải cách kinh tế và đóng băng vô hạn định tất cả các cải cách chính trị."

Trên một đường phố thủ đô La Habana (Vui lòng bấm vào ảnh để phóng to)
Đấu tranh ý thức hệ

Nhưng điều làm cho tôi sững sờ, là khi biết được nhiều bậc phụ huynh chi tiền học cho con cái đi học thêm môn toán và khoa học. Một điều mà tôi xin nhắc lại là không chỉ khó tưởng tượng nổi, mà nhất là vô ích, vào cái thời Nhà nước dành đến 15% tổng thu nhập quốc dân cho giáo dục. Một bà bạn có con gái vừa học xong trung học cũng ở trường cũ của tôi, một ngôi trường cho đến nay vẫn uy tín nhất Cuba, thổ lộ: “Nếu không làm vậy thì con bé khó thể chuẩn bị tốt cho kỳ thi đại học”. Bà bạn còn cho tôi biết thêm nhiều chuyện khác về trường, nhất là các vụ ăn cắp các tấm nệm ở ký túc xá và dụng cụ học tập đã tăng vọt.

Tổng thống Mỹ Obama loan báo giảm nhẹ trừng phạt kinh tế Miến Điện


Tổng thống Mỹ Barack Obama

(AFP) Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm thứ Tư 11/07/2012 thông báo ông đã ra lệnh giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt kinh tế áp đặt lên Miến Điện, nhìn nhận là đất nước này đã có những tiến bộ về dân chủ.

Trong thông cáo được phổ biến không lâu sau khi đại sứ Mỹ đầu tiên từ 22 năm qua tại Miến Điện là ông Derek Mitchell trình ủy nhiệm thư cho Tổng thống Thein Sein hôm 11/7, Tổng thống Obama cũng cảnh báo là các tiến bộ này vẫn chưa đầy đủ, và những ai « phá hoại tiến trình cải cách » luôn có thể là mục tiêu của trừng phạt.

mercredi 11 juillet 2012

Công dân Pháp, đối tượng ưa thích của bọn bắt cóc con tin

Bài đăng : Thứ tư 11 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 11 Tháng Bẩy 2012 
 
Theo một công trình nghiên cứu năm 2010 và đến nay vẫn mang tính thời sự, các công dân Pháp thuộc loại bị bắt cóc nhiều nhất trên thế giới, về số lượng thì chỉ đứng sau Trung Quốc. Nếu trong năm 2004, "chỉ" có hơn một chục người Pháp là nạn nhân của các vụ bắt cóc, thì năm 2008 con số này là 58 người, còn số lượng của các năm sau không được công bố.

Cho đến nay, vẫn còn sáu nhân viên của các tập đoàn Pháp Areva và Satom đang còn nằm trong tay Aqmi, tức Al Qaida ở Bắc Phi Hồi giáo. Có một điều chắc chắn là, « thương vụ » khủng bố hoặc mafia loại này rẩt khấm khá. Đây là kết luận trong cuộc hội thảo do trường thương mại cao cấp Edhec tổ chức, với chủ đề « Bắt cóc con tin : Các doanh nghiệp đứng trước mối đe dọa ngày càng tăng ». 

Có nhiều lý do khiến các công dân Pháp trở thành đối tượng được bọn bắt cóc con tin ưa thích. Trước hết, đó là vì ở hầu hết các nước trên thế giới đều có sự hiện diện của người Pháp. Hiện nay có khoảng một triệu rưỡi người Pháp sống ở ngoài lãnh thổ Pháp, và hàng năm có khoảng 50.000 người đi công tác nước ngoài. Tuy không phải là nước nào cũng nguy hiểm, nhưng quân nổi dậy và bọn mafia tại khoảng 15 nước rẩt chăm chỉ trong việc bắt con tin.

Nicolas Umana, người đã tham gia vào việc thương lượng trả tự do cho Ingrid Betencourt - ứng viên tổng thống Colombia mang hai quốc tịch Pháp-Colombia, bị bắt cóc và giam giữ suốt sáu năm trong rừng rậm Amazone – nhấn mạnh : « Về vấn đề bắt cóc, có hai điều đại kỵ là việc di chuyển thường lệ và vào giờ giấc cố định ». Còn Franck Chaix, người đứng đầu đơn vị can thiệp của lực lượng siêu cảnh sát GIGN, đã cùng với cơ quan tình báo Pháp lên kế hoạch chuộc chiếc tàu buồm Ponant bị hải tặc Somalia bắt cóc năm 2008 cho biết : « Một số công ty chấp nhận các rủi ro này, còn số khác thì hoàn toàn không ý thức được ». 

Giáo sư Bertrand Monnet của trường Edhec, chuyên ngành quản lý rủi ro từ tội phạm, phụ trách một ê-kíp hơn một chục người chuyên nghiên cứu về rủi ro của doanh nghiệp trong đó có nguy cơ nhân viên bị bắt cóc, giải thích tiếp các nguyên nhân khiến dân Pháp thường là nạn nhân của bọn bắt con tin.

Nguy cơ này là hiển nhiên trong một số lãnh vực như thăm dò, khai thác dầu khí. Tập đoàn Total chẳng hạn, không có chọn lựa nào khác, buộc phải hiện diện tại Nigeria hay Areva tại Niger, chưa kể đến những nhà thầu phụ của các tập đoàn trên. Một số khu vực cũng là nơi bọn tội phạm hoành hành như tại Mali, nơi người Pháp đã có mặt từ rất lâu. Bên cạnh đó báo chí Pháp cũng có truyền thống làm những phóng sự công phu, gởi các nhà báo đến những vùng nguy hiểm. Tương tự đối với các hiệp hội nhân đạo có quy mô lớn.

Theo giáo sư Bertrand Monnet, có nhiều dạng bắt cóc con tin khác nhau. Loại thứ nhất là bắt cóc vì đấu tranh cho một lý tưởng nào đó, như kiểu của tổ chức khủng bố Al Qaida, và đối với tổ chức này thì công dân Pháp được nhắm đến nhiều nhất. Tiếp đến là bắt cóc để « làm ăn » của các nhóm mafia chuyên biệt, như tại Somalia, tại vùng châu thổ Niger, hay tại Colombia.

Tại đây tất cả đều được chuyên nghiệp hóa. Việc rình rập con mồi có thể kéo dài nhiều tháng. Mọi sinh hoạt của nạn nhân đều được nghiên cứu tỉ mỉ, và vụ bắt cóc được thực hiện bởi một ê-kíp được huấn luyện kỹ càng, chỉ diễn ra trong vỏn vẹn hai phút đồng hồ. Tiếp đó, việc thương thảo để chuộc lại con tin ngày càng giống như thương lượng các hợp đồng thương mại, với các nhà thương thuyết đầy kinh nghiệm của bọn bắt cóc. Cuối cùng là các vụ bắt cóc đột xuất không dự tính trước. Đây mới là trường hợp nguy hiểm nhất, vì những kẻ bắt cóc thường không chuyên, dễ bị hoảng loạn dẫn đến manh động…

Làm thế nào để tránh bị bắt cóc theo kiểu này ? Giáo sư Bertrand Monnet khuyến cáo, các nhà tư vấn trẻ tuổi đi công tác nước ngoài, nên tránh việc người đón cầm tấm bảng ghi đầy đủ tên họ, chức vụ, tên công ty. Đi dạo với bộ com-lê tại Nigeria cũng rõ ràng là bất cẩn. Và nhìn chung với các công ty, sử dụng người tại chỗ đôi khi vẫn tốt hơn. Còn nếu hoàn cảnh không cho phép chọn lựa, thì tại những vùng đặc biệt, nên được hộ tống vũ trang. Tuy nhiên giáo sư Monnet không chủ trương thu mình trong các lô-cốt như người Mỹ, mà sống hòa mình với người dân địa phương cũng là một đảm bảo an toàn.

Còn khi điều tệ hại nhất đã xảy ra thì phải biết quản lý được tình huống. Trong đa số các trường hợp, có những hợp đồng bảo hiểm đặc biệt giúp các nhà thương thuyết có chỗ dựa, một khi vụ bắt cóc đã thực hiện xong. Có điều phức tạp là nhiều lực lượng tham gia thương lượng : các nhà thương thuyết của tư nhân, của chính phủ, những người phụ trách an ninh nội bộ của các công ty có thể dẫm chân lẫn nhau.

Bên cạnh đó còn có các nhân tố khác như thân nhân của nạn nhân, các phương tiện truyền thông. Các lực lượng bắt cóc chuyên nghiệp như Farc ở Colombia lại còn gây sức ép hết sức nặng nề, vì họ thừa sức cầm giữ con tin trong một thời gian rất dài. Còn tại vùng châu thổ Niger, bọn hải tặc thậm chí còn để cho con tin tự thương lượng tiền chuộc.

Đối với các công ty bảo hiểm, đây là một loại hình kinh doanh mới siêu bí mật, mà từ ngữ trong nghề gọi là « K & R » tức « kidnapping et rançon » (bắt cóc và chuộc mạng). Doanh số hàng năm trên toàn cầu của loại hình bảo hiểm này được ước lượng khoảng 450 triệu đô la, và người ta chỉ biết được có thế.

Thomas Beringer, giám đốc công ty Riskmedia, chuyên làm trung gian bảo hiểm cho các nhà báo cho biết : « Các hợp đồng của chúng tôi đều được mã hóa, chỉ có rất ít người trong công ty biết nội dung ». Mục tiêu là làm thế nào giữ bí mật tuyệt đối danh sách những người được bảo hiểm, kẻo nếu bọn bắt cóc biết được thì chúng sẽ tìm cách nâng số tiền chuộc lên.

Còn đối với Anthony Fienberg của trang web toutsurlassurance.com, thì tại Pháp có từ 1.000 đến 2.000 hợp đồng bảo hiểm loại này, và một hợp đồng có thể bảo hiểm cho nhiều người. Theo ông thì con số này còn ít so với nhu cầu. « Người Pháp đợi đến khi ngã bệnh mới chịu mua bảo hiểm y tế, và khi chưa thấy ai bị bắt cóc thì cho rằng mua bảo hiểm cho việc này là không cần thiết ». Tuy vậy nhu cầu cũng đang tăng lên : nếu trước đây công ty chỉ ký được một hợp đồng loại này một năm, thì nay lên đến 15 hợp đồng.

Nhìn chung phí « bảo hiểm bắt cóc” khoảng vài ngàn euro một năm, đôi khi năm, sáu ngàn euro. Một con số nhỏ bé so với số tiền chuộc có khi lên đến hàng triệu euro. Các hợp đồng này không đơn giản là chỉ bảo đảm trả món tiền chuộc mạng bị bọn bắt cóc đòi hỏi mà cả trường hợp bị mất mát. Hợp đồng tính cả việc huy động các nhà thương thuyết, khiến các tập đoàn lớn hài lòng vì giữ được bí mật. Còn theo kết luận của Bộ Ngoại giao Pháp, thì càng giữ kín vụ bắt cóc, thì cơ hội giải thoát được con tin lại càng cao hơn.

tags: Các vấn đề xã hội - Pháp 
http://www.viet.rfi.fr/phap/20120711-cong-dan-phap-doi-tuong-ua-thich-cua-bon-bat-coc-con-tin
 

Philippines cho đấu thầu ba lô dầu khí tại Biển Đông

Bài đăng : Thứ tư 11 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 11 Tháng Bẩy 2012 
 
Philippines sẽ mời thầu hợp đồng thăm dò ba lô dầu khí tại Biển Đông vào cuối tháng Bảy, dù đang căng thẳng với Trung Quốc về lãnh hải. Hãng tin Pháp AFP dẫn phát biểu của một viên chức cao cấp Philippines bên lề một diễn đàn về năng lượng tại Manila hôm nay cho biết như trên.

Thứ trưởng Bộ Năng lượng Philippines James Layug nói rằng cả ba lô này nằm ở ngoài khơi bờ biển phía tây đảo Palawan của Philippines, được cho là có nhiều hứa hẹn nhất về trữ lượng dầu khí. Ông Layug tuyên bố bên lề một diễn đàn năng lượng tổ chức tại Manila : « Tất cả các mỏ này đều thuộc quyền Philippines. Chúng tôi sẽ chỉ gọi thầu các khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi ». 

Theo ông James Layug, khu vực này được biết dưới cái tên lưu vực tây bắc Palawan, nằm ngay cạnh mỏ khí thiên nhiên hiện tại của Philippines, đã cung cấp đến 40% điện năng cho đảo chính Luzon. Cho đến nay, Philippines rất thành công trong việc thăm dò dầu khí ngoài khơi Palawan, và ba lô dầu khí mới này nhiều hy vọng sẽ có trữ lượng khá.

Thứ trưởng Năng lượng Philippines cho biết hợp đồng thăm dò ba lô này sẽ được mời thầu vào ngày 31/07/2012, và phía Trung Quốc không phản đối.

Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc đang tăng cao do tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông. Trọng tâm của xung đột mới nhất là khu vực bãi cạn Scarborough mà Philippines nhấn mạnh là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, trong khi Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền.

Một khu vực khác tại Biển Đông giàu tiềm năng dầu khí là Reed Bank cũng đang bị Trung Quốc tranh chấp. Năm ngoái Manila đã lên án Bắc Kinh quấy nhiễu một tàu thăm dò của Philippines tại vùng này.

Trung Quốc yêu sách chủ quyền hầu như trên toàn bộ Biển Đông, thậm chí những vùng cận kề bờ biển của các nước láng giềng. Các bộ trưởng và nhà ngoại giao của Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, trong đó có Philippines, hôm nay gặp gỡ tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN tổ chức ở Cam Bốt. Hội nghị bàn thảo về Quy tắc ứng xử tại Biển Đông nhằm tìm cách làm dịu bớt tình hình, nhưng theo AFP thì khó thể đạt đến thỏa thuận.

tags: Biển Đông - Châu Á - Philippines
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120711-philippines-cho-dau-thau-ba-lo-dau-khi-tai-bien-dong
 

Anh của Tổng thống Hàn Quốc bị bắt vì tội tham nhũng

Bài đăng : Thứ tư 11 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 11 Tháng Bẩy 2012 
 
Anh của đương kim Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak, là ông Lee Sang Deuk, sáu lần đắc cử dân biểu đảng bảo thủ, đã bị bắt và bị tống giam hôm nay 11/07/2012 vì các vụ bị cho là tham nhũng. Sự kiện trên đây có thể làm giảm đi cơ hội duy trì quyền lực của phe bảo thủ trong năm bầu cử này.

Tòa án quận trung tâm của Seoul đã chấp nhận yêu cầu của Công tố viên về việc bắt giữ ông Lee Sang Deuk, 76 tuổi, đã từng sáu lần được bầu làm dân biểu thuộc đảng bảo thủ. Ông bị kết tội là đã nhận 600 triệu won (tương đương 428.300 euro) của chủ tịch hai quỹ tiết kiệm đang gặp khó khăn là Solomon Savings Bank và Mirae Savings Bank, trong khoảng năm 2007 đến năm 2011. Đổi lại, ông Lee hứa hẹn sẽ giúp hai đơn vị này tránh bị kiểm toán và trừng phạt.

Hãng thông tấn Yonhap trích tuyên bố của thẩm phán Park Byoung Sam cho rằng : « Các tội phạm của ông Lee đã được xác lập, và có thể lo ngại một cách chính đáng là, nghi can với vị trí hiện nay và ảnh hưởng chính trị của mình, sẽ tìm cách thủ tiêu các chứng cứ ». Ông Lee Sang Deuk được xem là một thành viên có nhiều ảnh hưởng trong số các nhân vật thân cận của người em là đương kim Tổng thống.

Chính quyền Hàn Quốc đã buộc bốn quỹ tiết kiệm tạm ngưng hoạt động vào tháng Năm, trong đó có Solomon và Mirae, vì không phù hợp với các tiêu chuẩn chứng minh sự vững vàng về tài chính. Các quỹ này ngăn trở khách hàng rút tiền nhiều hơn một mức trần được ấn định.

Cơ quan quản lý tài chính đã tung ra một cuộc điều tra rộng rãi về các hành vi bất thường của nhiều quỹ tiết kiệm, từ khi quỹ lớn nhất là Busan bị cho ngưng hoạt động vào đầu năm 2011.

Cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc sẽ diễn ra vào tháng 12/2012, và Hiến pháp cấm Tổng thống Lee Myung Bak tái tranh cử sau nhiệm kỳ 5 năm vừa qua. Cả ba người tiền nhiệm của ông đều gặp rắc rối do các vi phạm của người thân. Cố Tổng thống Roh Moo Hyun (2003 - 2008) đã tự sát năm 2009 bằng cách nhảy xuống từ một mỏm núi, sau khi một cuộc điều tra về tham nhũng nhắm vào các cộng sự thân cận và thân nhân của ông được tiến hành.

tags: Châu Á - Hàn Quốc - Theo dòng thời sự 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120711-anh-cua-tong-thong-han-quoc-bi-bat-vi-toi-tham-nhung
 

Đại sứ Mỹ đầu tiên từ 22 năm qua đến Miến Điện

Bài đăng : Thứ tư 11 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 11 Tháng Bẩy 2012 
 
Đại sứ Mỹ đầu tiên được bổ nhiệm tại Miến Điện kể từ 22 năm qua, hôm nay 11/07/2012 trình ủy nhiệm thư tại thủ đô Naypyidaw. Đây là phần thưởng của Hoa Kỳ dành cho những cải cách sâu sắc của tân chính phủ Miến Điện, và nay thì vấn đề bãi bỏ các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã được công khai nêu ra.

Ông Derek Mitchell, chuyên gia nối tiếng về châu Á, đã được bổ nhiệm làm đại sứ Mỹ tại Miến Điện sau khi chính quyền được gọi là « dân sự » của Tổng thống Thein Sein, lên nắm quyền từ tháng 3/2011, đã đưa ra nhiều chính sách cải cách, cho phép lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi trở thành đại biểu Quốc hội.

Tân đại sứ Mỹ sẽ trình ủy nhiệm thư cho Tổng thống Miến Điện chiều nay. Một viên chức Miến Điện cho AFP biết như trên, và tin này được thông cáo của đại sứ quán Mỹ ở Rangun xác nhận. Về phần bà Aung San Suu Kyi đã nhận xét : « Ông Mitchell không chỉ quan tâm mà còn hiểu biết về Miến Điện rất nhiều, đây là một tin vui ». 

Hoa Kỳ đã triệu hồi đại sứ vào năm 1990, sau khi đối lập Miến Điện thắng cử nhưng tập đoàn quân sự cầm quyền từ chối công nhận kết quả, cũng như do việc đàn áp đẫm máu các cuộc biểu tình của sinh viên làm cho hàng ngàn người chết, hai năm trước đó. Nay Washington muốn hỗ trợ Miến Điện trong tiến trình cải cách, một tiến trình mà ông Derek Mitchell, vốn là đặc sứ Mỹ tại Miến Điện, cho rằng « không thể đảo ngược được ». 

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hồi tháng Giêng đã hứa hẹn sẽ tôn trọng các cam kết vào cuối năm 2011, trong chuyến viếng thăm lịch sử của bà tại Miến Điện, là đáp ứng « mỗi hành động (của chính quyền Miến Điện) bằng một hành động » có cấp độ tương đương, nói nôm na là « bánh ít đi bánh quy lại ».

Naypyidaw vừa trả tự do cho các tù nhân chính trị hàng đầu, việc ân xá này được xem là bằng chứng cho sự chân thành của tiến trình cải cách chính trị. Hồ sơ nóng bỏng hiện nay là các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Cho đến nay, các biện pháp này chỉ mới được giảm nhẹ ; và việc dỡ bỏ hẳn rất phức tạp về mặt luật pháp cũng như thủ tục lập pháp, nhưng ít nhất là cũng đã được công khai nêu lên.

Tại Siem Reap, Cam Bốt vào thứ Bảy 14/7 tới, bà Hillary Clinton sẽ gặp các doanh nhân Mỹ để trình bày các đường hướng chính trong việc giảm nhẹ trừng phạt Miến Điện. Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, thì vào giữa tháng Bảy hai bộ trưởng Mỹ cũng sẽ đến làm việc về hợp tác kinh tế và thương mại.

Hiện thời Hoa Kỳ cấm các doanh nghiệp Mỹ đầu tư và xuất khẩu dịch vụ tài chính vào Miến Điện. Nhưng nay đất nước này đang được xem là một vùng đất mới đầy tiềm năng du lịch và tài nguyên thiên nhiên, kể cả dầu khí. Một viên chức cao cấp Mỹ nhận định : « Cách đây mới một năm, Hoa Kỳ hầu như không có liên hệ nào với Miến Điện, nhưng bây giờ thì hai bên đang làm việc trong rất nhiều lãnh vực ».

Từ nay đến cuối tuần, bà Hillary Clinton sẽ lưu lại Cam Bốt ba ngày, trong khuôn khổ một hội nghị khu vực về an ninh châu Á. Theo nguồn tin chính thức Miến Điện, Tổng thống Thein Sein cũng có mặt tại đây, nhưng một cuộc gặp gỡ song phương Hoa Kỳ - Miến Điện chưa được xác nhận.

tags: Châu Á - Hoa Kỳ - Miến Điện - Theo dòng thời sự 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120711-dai-su-my-dau-tien-tu-22-nam-qua-den-mien-dien
 

Gấu trúc sơ sinh tại Sở thú Tokyo đã chết

Bài đăng : Thứ tư 11 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 11 Tháng Bẩy 2012 
 
Hôm nay 11/07/2012, Sở thú Ueno tại trung tâm Tokyo loan báo gấu trúc sơ sinh đã chết vì viêm phổi. Đây là một tin buồn cho cả nước Nhật, từng vui mừng khi chú gấu con được sinh ra vào tuần trước. 
 
Theo trang web của Sở thú này : « Các nhân viên bảo vệ đã tìm thấy bé gấu nằm ngửa trên bụng gấu mẹ Shin Shin, và nhận thấy tim của gấu trúc sơ sinh đã ngừng đập.Các nhân viên bảo vệ đã tìm cách làm hô hấp nhân tạo và các biện pháp cấp cứu khác, nhưng rốt cuộc đành phải xác nhận chú gấu con đã chết vào lúc 8g30 sáng » (tức 23g30 tối thứ Ba theo giờ quốc tế). 

Giám đốc Sở thú, ông Toshimitsu Doi, trong cuộc họp báo đã rơi lệ khi kể rằng : « Sữa mà bé gấu trúc sơ sinh bú đã bị tràn vào khí quản sáng nay, dẫn đến viêm phổi. Chúng tôi hết sức thất vọng ».

Kênh truyền hình quốc gia NHK đã cho ngưng chương trình để loan báo tin này, và các kênh truyền hình chủ yếu khác của Nhật đã liên tục đưa lại, với hình ảnh nhiều người dân Nhật đau buồn trước hung tin. Bản thân Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda, theo tường thuật của hãng thông tấn Jiji, cũng đã bày tỏ nỗi buồn, vì mọi người đều trông đợi gấu trúc sơ sinh lớn lên tại Nhật.

Bé gấu trúc đực mới sinh vẫn chưa được đặt tên, là gấu trúc đầu tiên được sinh ra tại Sở thú Ueno từ 24 năm qua. Hơn nữa đây là trường hợp sinh sản tự nhiên đầu tiên, vì chú gấu trúc con sinh năm 1988 trước đây là do thụ tinh nhân tạo.

Sự ra đời của gấu trúc sơ sinh hôm 5/7 đã được báo chí địa phương loan tin rộng rãi, và làm rất nhiều người Nhật vui mừng. Các bình luận viên nhấn mạnh, đây là một tin vui hiếm hoi trong một đất nước vừa bị thiên tai tàn phá, bị tai nạn hạt nhân và đang gặp phải các khó khăn kinh tế. Bản tin hàng ngày về sức khỏe của bé gấu sơ sinh, gần đây nặng 130 gam, cũng được các kênh truyền hình chính thường xuyên thông báo.

Tin gấu trúc ra đời tại Nhật Bản cũng được chính quyền Trung Quốc nhiệt liệt chào đón. Bắc Kinh là sở hữu chủ của cặp gấu cha mẹ, Ri Ri và Shin Shin, được Trung Quốc cho sở thú Ueno thuê với giá khoảng một triệu đô la một năm.

tags: Hệ động vật - Khoa học - Nhật Bản 
http://www.viet.rfi.fr/khoa-hoc/20120711-gau-truc-so-sinh-tai-so-thu-tokyo-da-chet
 

Ai Cập chìm trong khủng hoảng định chế

Bài đăng : Thứ tư 11 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 11 Tháng Bẩy 2012 
 
Hôm nay 11/07/2012, số phận của Quốc hội Ai Cập vẫn chưa được định rõ. Mười ngày sau lễ nhậm chức của Tổng thống đầu tiên kể từ khi chế độ Mubarak sụp đổ, sự đối đầu giữa Tổng thống phe Hồi giáo, quân đội và ngành tư pháp đã dẫn đến tình trạng khủng hoảng về định chế. Trận chiến quyền lực hiện nay đang xoay quanh bộ máy tư pháp.

Tòa Bảo hiến hôm qua đã phản công bằng cách đình chỉ một sắc lệnh của T ổng thống Mohamed Morsi ban hành hôm Chủ nhật 08/07/2012. Sắc lệnh này cho phép tái lập Quốc hội, đã bị Tòa Bảo hiến cho là bất hợp pháp hồi giữa tháng Sáu. Một nguồn tin tư pháp Ai Cập hôm nay khẳng định với AFP là Tòa Bảo hiến không chỉ ra lệnh đình chỉ sắc lệnh trên, mà còn buộc phải áp dụng quyết định trước đó của tòa.

Chủ nhật tuần rồi, Tổng thống Morsi xuất thân từ đảng Huynh đệ Hồi giáo vừa nhậm chức được 8 ngày, đã ban hành sắc lệnh hủy bỏ quyết định của Tòa Bảo hiến hôm 14/6, tuyên bố vô hiệu Quốc hội mà trong đó phe Hồi giáo chiếm đa số, do có sai sót trong luật bầu cử.

Để thách đố, Quốc hội đã bị giải tán sáng qua vẫn họp với sự hiện diện của các đại biểu thuộc đảng Huynh đệ Hồi giáo và phe chính thống salafiste. Đại biểu các đảng khác, nhất là đảng Tự do đã tẩy chay phiên họp, cho rằng sắc lệnh của Tổng thống Morsi là « đảo chánh về Hiến pháp ».

Trong buổi khai mạc phiên họp hôm qua, Chủ tịch Hạ viện Saad Al Katatni thuộc đảng Huynh đệ Hồi giáo đã đảm bảo là việc Quốc hội vẫn họp là không vi phạm luật, và cho biết đã chuyển vụ việc này sang Tòa Phá án. Huynh đệ Hồi giáo lên án phe quân đội đã tổ chức vụ giải tán Quốc hội để nắm lấy tư pháp, tố cáo đây là một vụ « đảo chánh ». Nhưng Tòa Bảo hiến khẳng định « không đứng về phe phái nào » và chỉ làm nhiệm vụ « bảo vệ » Hiến pháp.

Nhiều ngàn người tối qua đã tụ họp tại quảng trường lịch sử Tahrir ở Cairo, để ủng hộ ông Morsi và giương các khẩu hiệu thù địch với quân đội vốn rất quyền lực trong thời ông Mubarak, được cho là thông đồng với Tòa Bảo hiến. Hội đồng Quân đội Tối cao nắm quyền lập pháp sau khi Quốc hội bị giải tán giữa tháng Sáu, gây giận dữ cho những người muốn quân đội rời sân khấu chính trị, hôm thứ Hai đã kêu gọi « tôn trọng pháp luật và Hiến pháp ». 

Theo nhà văn Alaa Al Aswany, thì « Thông điệp rất rõ : Tổng thống được bầu lên không thể cầm quyền mà không có phe quân đội. Tòa Bảo hiến với các thẩm phán do ông Mubarak chỉ định đã tái lập sắc lệnh của Thống chế », tức Hussein Tantaoui, chủ tịch Hội đồng Quân sự Tối cao.

Được biết phe quân đội hôm 17/6 đã thông qua « Tuyên bố bổ sung về Hiến pháp » trong đó giảm nhẹ một cách đáng kể các quyền hạn của Tổng thống. Còn đối với một số người khác, thì việc tân Tổng thống cho Quốc hội tái hoạt động cho thấy ông Morsi không mấy tôn trọng ngành tư pháp.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton sẽ gặp gỡ Tổng thống Mohamed Morsi vào cuối tuần này, đã lên tiếng khuyến khích “một cuộc đối thoại cặn kẽ giữa tất cả các bên”. Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle bày tỏ sự tin tưởng là Ai Cập sẽ vượt qua được cuộc khủng hoảng.

tags: Ai Cập - Quốc tế - Theo dòng thời sự 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120711-ai-cap-chim-trong-khung-hoang-dinh-che
 

Tây Ban Nha đưa ra các biện pháp khắc khổ mới, để tiết kiệm thêm 65 tỉ euro

Bài đăng : Thứ tư 11 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 11 Tháng Bẩy 2012 
 
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy hôm nay 11/07/2012 vừa loan báo các biện pháp thắt lưng buộc bụng bổ sung trong đó có việc tăng thuế trị giá gia tăng, nhằm tiết kiệm thêm 65 tỉ euro và đáp ứng các yêu cầu của Bruxelles. Trước mắt, Tây Ban Nha tăng thêm thuế trị giá gia tăng (VAT) từ 18% lên 21%.

Trong một bài diễn văn trang trọng đọc trước Quốc hội hôm nay, ông Rajoy, khi báo cáo chi tiết về kế hoạch khắc khổ sẽ ảnh hưởng nhiều đến công chức và người thất nghiệp, đã tuyên bố : « Tôi phải áp dụng các biện pháp đặc biệt trước các tình huống đặc biệt trầm trọng. Các biện pháp này sẽ làm cho mọi người đều bị thiệt hại, khi giảm thu nhập và tăng thuế, nhưng chúng ta vẫn phải thực hiện ». 

Thủ tướng Mariano Rajoy cho biết, bộ trưởng Tài chính các nước khu vực đồng euro trong cuộc họp hôm thứ Hai 09/07 đã đồng ý linh hoạt hơn về mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách, đồng thời hoàn chỉnh kế hoạch hỗ trợ cho các ngân hàng Tây Ban Nha. Đổi lại, Madrid phải tiết kiệm thêm được 65 tỉ euro trong hai năm rưỡi tới, tức từ nay đến cuối năm 2014, bằng cách cắt giảm ngân sách và tăng thuế.

Ông Rajoy hứa hẹn « đây không phải là một sự hy sinh vô bổ », nhắc lại rằng Tây Ban Nha với tỉ lệ thất nghiệp 24,44%, trong quý I đã bước vào giai đoạn suy thoái mới, hai năm sau khi đã thoát được tình trạng này. Trong năm 2013, tổng sản phẩm quốc dân sẽ tiếp tục giảm « cho dù đã gần như tiến đến mức zéro ».

Biện pháp khắc khổ chủ yếu lần này là tăng thuế trị giá gia tăng (VAT) từ 18 lên 21%, theo đòi hỏi của Ủy ban châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế lâu nay, trong khi chính phủ bảo thủ trước đây vẫn từ chối. Một số sản phẩm được giảm thuế VAT nay từ tỉ lệ 8% sẽ tăng lên 10%, chỉ có các mặt hàng thiết yếu trong đó có thực phẩm được duy trì ở mức 4%.

Thủ tướng Mariano Rajoy cũng thông báo các cải cách hành chính, giúp tiết kiệm được 3,5 tỉ euro. Số lượng các doanh nghiệp nhà nước sẽ giảm xuống, và giảm 30% số lượng các đại biểu dân cử ở địa phương. Năm nay giới công chức sẽ không nhận được tiền thưởng dịp Noel. Trợ cấp cho những người mới đăng ký thất nghiệp, kể từ tháng thứ sáu chỉ còn 50% thay vì 60% như hiện nay. Chi tiêu của các bộ sẽ bị cắt giảm 600 triệu euro, và trợ cấp cho các đảng chính trị, công đoàn và tổ chức của giới chủ bị giảm đi 20%.

Các điều kiện này được Bruxelles áp đặt cho Madrid, để đổi lấy việc mục tiêu thâm hụt ngân sách cho phép năm nay là 6,3% so với tổng sản phẩm nội địa, tức là tăng thêm 1 điểm. Còn trong năm 2013 tỉ lệ thâm hụt cho phép sẽ là 4,5% thay vì 3%, và năm 2014 là 2,8%.

Song song đó, các bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro cũng thỏa thuận về kế hoạch giúp đỡ các ngân hàng Tây Ban Nha, và sẽ chuyển 30 tỉ euro cho Madrid vào cuối tháng này. Tổng cộng các ngân hàng Tây Ban Nha, đang nguy ngập vì quả bóng địa ốc bị vỡ vào năm 2008, sẽ được hỗ trợ tối đa 100 tỉ euro.

tags: Kinh tế - Tây Ban Nha - Theo dòng thời sự 
 http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120711-tay-ban-nha-dua-ra-cac-bien-phap-khac-kho-moi-de-tiet-kiem-them-65-ti-euro
 

mardi 10 juillet 2012

Cuba: Bước đầu tan rã của một Nhà nước toàn trị (2)


"Bác" Raúl Castro và thiếu nhi Hà Nội, ngày 8/7/12.
(LND: Nhân chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Cuba Raúl Castro, xin mời độc giả đọc tiếp bài phóng sự của nhà văn Cuba định cư tại Mỹ, José Manuel Prieto, để hiểu thêm về Cuba dưới cái nhìn của người trong cuộc. Một Cuba xã hội chủ nghĩa đang "giãy chết", buộc lòng phải đổi mới).

samedi 7 juillet 2012

Di sản văn hóa Pháp vào tay người nước ngoài

Lâu đài Sauvan
Bài đăng : Thứ bảy 07 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 07 Tháng Bẩy 2012 
 
Theo báo Le Figaro, các tòa lâu đài và các di tích lịch sử của nước Pháp được người ngoại quốc mua lại nhiều hơn là người Pháp, vì thuế má đánh lên các sở hữu chủ Pháp quá nặng. Và thế là có những di sản văn hóa khi vào tay người nước ngoài đã bị biến dạng, hay đóng cửa với công chúng.

Bài báo nêu ra trường hợp lâu đài Sauvan ở Provence, được xây dựng năm 1719 và được xếp hạng di tích lịch sử năm 1957. Chủ nhân của lâu đài là nữ bá tước Forbin-Janson, bạn thời thơ ấu của Hoàng hậu Marie-Antoinette và có ngoại hình rất giống Hoàng hậu, đã từng đề nghị thay bà lên đoạn đầu đài nhưng bị từ chối.
Lúc hai anh em Jean-Claude và Robert Allibert mua lại tòa lâu đài được xây cùng một kiểu với lâu đài Versailles, cách đây 31 năm, lâu đài Sauvan đang ở trong tình trạng hoang phế, không điện nước, trở thành nơi cư ngụ của loài dơi. Hai người đã cật lực làm việc để phục hồi lại tòa lâu đài, đầu tư cả gia sản vào đây, kể cả việc tìm mua lại từng món đồ đạc cũ đang nằm rải rác ở nhiều nơi.

Nay thì lâu đài Sauvan đã trở thành một địa chỉ độc đáo được nhiều bảo tàng thèm muốn, còn khu vườn rộng 15 hecta bao quanh cũng đã được xếp hạng. Ở lứa tuổi gần 70, anh em Allibert muốn tặng lại tòa lâu đài trị giá nhiều triệu euro cùng với các bộ sưu tập vô giá cho chính quyền địa phương, chỉ với điều kiện là có được ai đó thay chân họ bảo quản di tích này, và họ được ở lại đây đến mãn đời. Nhưng chính quyền Alpes-de-Haute-Provence lại tỏ ra ngần ngại, cho rằng với ngân sách eo hẹp, khó thể gánh lấy trách nhiệm này.

Người đứng đầu làng Mane tỏ ra lo ngại cho giới kinh doanh tại đây, mà 30 đến 40% doanh thu là từ khách du lịch. Chủ một khách sạn nhỏ cạnh lâu đài báo động : « Sẽ thật khủng khiếp nếu một tỉ phú Nga hay Liban mua lại lâu đài Sauvan. Họ sẽ cho xây một hồ bơi ở phía trước, và bãi đáp trực thăng ở phía sau, còn người dân địa phương chúng tôi thì mất đi một di sản ». Cũng vì thế mỗi khi chuyến viếng thăm lâu đài vừa kết thúc, Jean-Claude Allibert luôn kêu gọi khách tham quan : « Hãy kể về Sauvan cho những người xung quanh, để lâu đài luôn được trang bị, mở cửa cho những ai muốn thưởng lãm, và vẫn là của Pháp ».

Tại Pháp, phân nửa trong số 43.000 di tích lịch sử là thuộc sở hữu tư nhân. Chủ tịch hiệp hội Nơi cư ngụ lịch sử nhấn mạnh : « Đây không chỉ là tài nguyên văn hóa mà còn về kinh tế, vì nó góp phần phát triển du lịch và tạo công ăn việc làm. Nhưng đối với các sở hữu chủ, thì họ lại bị nghèo đi vì sưu cao thuế nặng ».

Patrice Besse, thuộc một công ty địa ốc chuyên về các công trình độc đáo xác nhận : « Các lâu đài thuộc sở hữu gia đình qua nhiều đời ngày càng ít dần. Do thuế đánh vào tài sản, vào quyền thừa hưởng gia tài, lớp trẻ ra nước ngoài làm việc…nên các tòa lâu đài thường cứ khoảng 5 năm lại đổi chủ ». Và những người chủ mới thường là người ngoại quốc.

Theo chủ tịch tập đoàn Daniel Féau chuyên về địa ốc hạng sang, thì « thị trường này chủ yếu là khách nước ngoài. Với cái giá trên 4 triệu euro, thì phân nửa số người mua là người ngoại quốc, còn từ 10 triệu euro trở lên thì tỉ lệ này lên đến 85% ». Vì muốn bảo vệ cuộc sống riêng tư, những người chủ mới thường đóng cửa không cho ai vào tham quan. « Họ chỉ lưu lại có vài ngày trong năm, và mang theo các gia nhân. Rất hiếm khi họ chịu bán lại di tích ».

Nhà nước Pháp đang cho bán một số tòa nhà tại Paris, và người ta cho rằng chỉ có các ông hoàng Qatar, triệu phú người Nga hay người Trung Quốc mua được. Chẳng hạn một tòa nhà thế kỷ 18 tại Paris của một thành viên Hoàng gia Pháp trước đây, vừa bán với giá 68 triệu euro, cộng thêm 20 triệu chi phí sửa sang dự kiến, là do một gia đình hoàng tộc vùng Vịnh mua lại. Nếu người mua là người Pháp, thì sẽ phải đóng thuế tài sản 850.000 euro.

Gia đình Vogué, chủ nhân lâu đài Vaux-le-Vicomte, một công trình kiến trúc bậc thầy vào giữa thế kỷ 17 cho biết trong những năm gần đây, họ đã được ba người muốn mua liên hệ. « Tất cả đều là người ngoại quốc, trong đó có Michael Jackson ! ».

Chủ tịch Hiệp hội bảo vệ thắng cảnh và vẻ đẹp nước Pháp Alexandre Gady muốn nhấn mạnh : « Tất nhiên không phải tất cả người nước ngoài đều thô bạo, nhưng họ không chịu hiểu là phải trân trọng các công trình văn hóa, trong khi một di tích lịch sử không thể mang lại những tiện nghi như một khách sạn Sofitel. Các hội đoàn đã thành công trong việc ngăn trở chủ nhân mới, là anh em của Tiểu vương Qatar cho khoan thủng trần khách sạn Lambert được sơn phết từ thế kỷ 17, để lắp đặt thang máy, nhưng không thể cản được họ phá lớp lát nền để thiết trí máy lạnh ».

Patrice Besse nhớ lại một người khách Nhật đã đến công ty ông nhờ tìm mua « bảy hay tám lâu đài », và do nghi hoặc, ông đã từ chối. Sau này người ta phát hiện, nếu Kiiko Nahara, con gái một tỉ phú Nhật trong thập niên 90 đã mua 9 di tích lịch sử Pháp, thì thực ra để bán đi toàn bộ đồ đạc cổ, thảm, tranh…của các lâu đài này.

Còn Jacques Guyot, người dành cả cuộc đời để cứu vãn các lâu đài ở Pháp báo động : « Bảo vệ di sản là nhiệm vụ của tất cả mọi người ». Ông vừa mua lại lâu đài Bridoire ở Dordogne trong tình trạng thảm hại. Lâu đài này do một công ty Sénégal đứng tên mua cho gia đình cựu Tổng thống Trung Phi Bokassa năm 1978, nhưng lại bị bỏ mặc hoang phế. Nhờ một công sức của hiệp hội, nay lâu đài Bridoire đã được xếp hạng công trình thời Trung cổ, và vừa mở cửa cho tham quan từ ngày 1/7, tuyển dụng 75 người làm việc toàn thời gian.

Tai nạn hàng không: Tự động hóa làm phản xạ con người không còn nhạy bén


Về an toàn bay, xã luận của nhật báo Le Monde mang tựa đề « Airbus, con người và máy móc » nhận định, nếu máy bay trở thành phương tiện vận chuyển an toàn nhất, đó là nhờ tất cả các tai nạn đều được phân tích kỹ lưỡng nguyên nhân để không lặp lại. Vì thế mà bản báo cáo về tại nạn chiếc Airbus trong chuyến bay Rio-Paris năm 2009 làm 228 người chết, cũng là một đóng góp theo hướng này.

Báo cáo nhắc lại, tai nạn không chỉ do một nhân tố gây ra mà là một chuỗi những xáo trộn, mà cả máy móc và người đều không thể khắc phục. Bản thân từng yếu tố như thời tiết xấu, máy đo vận tốc trục trặc, tổ bay phản ứng không thích hợp…có thể làm cho chiếc Airbus 447 bị rơi. Như vậy không nên tìm kiếm thủ phạm bằng mọi giá, hay lúc nào cũng đặt câu hỏi : tai nạn do máy móc hay do con người ?

Theo tờ báo, khi các nhà lãnh đạo Airbus năm 1992 chấp nhận thử thách mới là sử dụng hệ thống điều khiển bay tự động, họ đã làm một cuộc cách mạng về lái máy bay và về an toàn. Các lệnh của phi công được chuyển đến cánh lái và động cơ bằng các xung động điện, thông qua các máy tính được lập trình, nhằm ngăn trở các sai lầm khi điều khiển bay, vốn là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn.

Vấn đề là ở chỗ, việc cải thiện an toàn bay lại dẫn đến sự xuất hiện xung đột giữa máy móc và con người. Tự động hóa, vốn chính xác hơn con người rất nhiều trong hoàn cảnh bình thường, nhưng lại cần đến người thật trong những tình huống khẩn cấp. Thế mà những con người thường xuyên phó thác cho hệ thống lái tự động lại mất dần đi khả năng ứng phó trong trạng huống nguy ngập.

Le Monde cho rằng Airbus đã sai lầm khi có thời gian tuyên truyền rằng những chiếc máy bay được bán có độ tin cậy tuyệt đối. Điều này khiến cho cả công ty lẫn phi công đều mất cảnh giác, một phản xạ sống còn khi người ta bay trên độ cao 10.000 m, ở -60°C với vận tốc 980 km/giờ, và chỉ có vỏn vẹn vài phút đồng hồ để phản ứng trước sự cố.

Tờ báo kết luận, ngay cả nếu ngày mai hệ thống điều khiển của Airbus, và cả Boeing được cải thiện để thích ứng hơn với con người, thì vẫn không thể bỏ qua công tác huấn luyện kỹ càng để có thể làm chủ được tình hình khi nguy cấp.

Ngôi trường trong rừng rậm Miến Điện của phe nổi dậy Karen

Liên quan đến châu Á, Le Monde cho biết có một « Ngôi trường của phe nổi dậy trong rừng rậm Miến Điện ». New Generation School do Liên minh Quốc gia Karen (KNU) thành lập, đây là một phong trào du kích lâu đời nhất trên thế giới, thành lập từ năm 1949 và đến nay luôn đấu tranh chống lại chế độ Miến Điện.

Trường nằm sâu trong rừng rậm, khuất sau cây cối và một khúc sông. Căn nhà lớn nhất được dùng làm phòng ngủ, một căn khác là nhà ăn tập thể, và những gian nhỏ hơn được dùng làm phòng học, tất cả được làm bằng tre nứa và có đầy đủ toa-lét. Trường có 152 học sinh từ 16 đến 23 tuổi, được dạy các môn địa lý, lịch sử người Karen, tiếng Anh, Miến Điện và Karen, khoa học, vi tính. Đáng ngạc nhiên là trong khu rừng, không có điện cũng như các phương tiện thông tin, các pin quang điện đã giúp một phòng vi tính có thể hoạt động.

Cho dù đã ký kết thỏa thuận ngưng bắn, các lãnh tụ KNU và nhánh vũ trang KNLA vẫn luôn nghi ngờ chính quyền, vì họ chưa bao giờ thực lòng với các dân tộc thiểu số. Theo hiệu trưởng của trường, dù bàn cờ chính trị đã có thay đổi và tiến trình dân chủ hóa đang diễn ra trên đất nước, thì một chương mới đối với người Karen vẫn chưa thể mở ra. Họ muốn bản sắc Karen được công nhận, và lãnh địa của họ sẽ trở thành một bang tự trị trong Liên hiệp Miến Điện.

Cuba: Bảo tàng di động xe hơi cổ


« Cuba, bảo tàng di động », đó là tựa đề bài viết trên nhật báo công giáo La Croix, giới thiệu một phóng sự trên kênh truyền hình Arte nói về việc do bị cấm vận về xe cộ, người Cuba đành cố tân trang các loại xe hơi Mỹ có từ thập niên 50.

Kể từ khi Hoa Kỳ cấm vận thương mại năm 1962, Cuba không thể nhập khẩu được xe hơi, ngoại trừ một ít xe từ các nước anh em xã hội chủ nghĩa. Nhưng những chiếc Lada hay Volga không được tạo dáng sang trọng như xe hơi Mỹ dù cũ kỹ, và với thu nhập bình quân 25 đô la một tháng, người dân không có khả năng mua xe cá nhân.

Một số người Cuba trở thành những thợ cơ khí có bàn tay vàng, họ có thể tân trang một xác xe Studebaker đời 1953 với động cơ của Nga và bộ phận làm lạnh của Trung Quốc. Nhờ đó Cuba trở thành một bảo tàng di động của những người thích sưu tập các loại xe cổ, với những chiếc Chevrolet, Plymouth, Cadillac…đời 1950 bóng loáng di chuyển dưới ánh mặt trời La Habana. Có người còn dùng những chiếc Buick ra đời từ năm 1949 làm taxi, hay cho thuê đám cưới.

tags: Di sản - Pháp - Văn hóa - Điểm báo 
http://www.viet.rfi.fr/phap/20120707-di-san-van-hoa-phap-vao-tay-nguoi-nuoc-ngoai
 

vendredi 6 juillet 2012

Thành phố ma ở Angola do Trung Quốc xây dựng

(LaVieImmo & Le Figaro) Một thành phố mới toanh ở Angola do một công ty quốc doanh Trung Quốc xây dựng, đã bị bỏ hoang chỉ một năm sau khi hoàn thành. Angola đã trả các chi phí cho Trung Quốc bằng dầu lửa.


 

Sau châu Âu và Hoa Kỳ, bây giờ hiện tượng « thành phố ma » đã lan đến châu Phi. Dự kiến sẽ thu hút nửa triệu dân cư, nhưng những hình ảnh sau đây cho thấy thành phố mới toanh Nova Cidade ở Kilamba, Angola đã trở thành một thành phố ma đầu tiên ở lục địa đen. 

Trung Quốc phong chức một giám mục, bất chấp sự phản đối của Vatican

Bài đăng : Thứ sáu 06 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 06 Tháng Bẩy 2012 
 
Hôm nay 06/07/2012 Trung Quốc đã tấn phong một giám mục ở Cáp Nhĩ Tân, bất chấp sự phản đối của Tòa Thánh Vatican mà Bắc Kinh cho là “bất lịch sự và phi lý”.

Ông Dương Dư (Yang Yu), phát ngôn viên Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc do chính quyền quản lý, cho biết lễ phong chức giám mục cho linh mục Nhạc Phúc Sinh (Yue Fusheng), 48 tuổi, đã được tiến hành hôm nay tại thành phố Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ của tỉnh Hắc Long Giang ở miền đông bắc.

Trong tuần, Vatican đã cảnh báo việc phong chức này là bất hợp pháp, và đe dọa sẽ rút phép thông công vị tân giám mục cũng như các giám mục tham gia. Thông cáo hôm thứ Tư 4/7 của “Propaganda Fide”, tức Hội thánh truyền bá phúc âm cho nhân dân, cơ quan của Tòa Thánh phụ trách các nước không công giáo, nói rõ là việc tấn phong giám mục Nhạc Phúc Sinh “không được Đức Giáo Hoàng chuẩn y” và như vậy là “không hợp pháp”.

Theo Tòa Thánh Roma, thì việc tấn phong giám mục là một “vấn đề tôn giáo chứ không phải chính trị”. Vatican nhắc lại, trong bức thư gởi các tín đồ công giáo Trung Quốc năm 2007, Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI nói rằng Ngài “thông cảm việc chính quyền quan tâm đến sự chọn lựa” các giám mục, tuy nhiên “việc Đức Giáo Hoàng tấn phong các giám mục đảm bảo cho tính thống nhất của giáo hội”.

Nhưng hôm nay Ban Tôn giáo Nhà nước Trung Quốc đã phản công bằng một thông báo đăng trên trang web, cho rằng Tòa Thánh La Mã có “thái độ vô cùng bất lịch sự và phi lý”. Thông báo viết: “Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi Vatican từ bỏ các đe dọa rút phép thông công, và tái lập quan điểm thuận lợi cho đối thoại. Giáo hội Công giáo Trung Quốc đang rất cần tiếp tục chọn lựa và phong chức các giám mục để tiến hành phụng vụ, truyền giáo và quản lý giáo hội”. Thông báo cũng cho biết Giáo hội Công giáo Trung Quốc đã phong chức cho trên 190 giám mục, và nhiều giáo dân cũng như hàng giáo sĩ ủng hộ việc này.

Linh mục Nhạc Phúc Sinh được thụ phong vào năm 1988, là phó chủ tịch Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc đồng thời là đại diện của hội tại Hắc Long Giang. Lễ tấn phong giám mục Cáp Nhĩ Tân do giám mục Phòng Hưng Diệu (Fang Xingyao), chủ tịch Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc làm chủ tế, có sự tham dự của giám mục tỉnh Liêu Ninh là Bùi Quân Dân (Pei Junmin) vốn được cả Roma và Bắc Kinh chuẩn y.

Khoảng 400 người gồm các viên chức, linh mục và tín đồ đã tham dự buổi lễ. Trước đó, hôm thứ Tư 4/7 hai linh mục tại Cáp Nhĩ Tân chống đối lại vụ phong chức này là linh mục Triệu Hồng Xuân (Zhao Hongchun) và Trương Hy Thánh (Zhang Xisheng) đã bị bắt nhốt, và sau khi lễ tấn phong giám mục chấm dứt mới được thả ra. Theo hãng thông tấn công giáo AsiaNews, có sáu vị giám mục đã bị buộc phải tham dự lễ phong chức trên đây.

Giáo hội Công giáo Trung Quốc gồm có 5,7 triệu giáo dân, theo như thống kê chính thức, và 12 triệu giáo dân theo các nguồn độc lập. Bên cạnh giáo hội chính thức bị nhà nước kiểm soát, còn có giáo hội “ngầm” chỉ tuân phục Đức Giáo Hoàng.

tags: Châu Á - Công giáo - Trung Quốc - Vatican 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120706-trung-quoc-phong-chuc-mot-giam-muc-bat-chap-su-phan-doi-cua-vatican