dimanche 13 avril 2025

Nguyễn Ngọc Chính - Người Việt tại Mỹ trong cơn lốc tài chính địa ốc

 

Cho đến nay, không ai có thể dự báo cuộc khủng hỏang tài chính – địa ốc tại Mỹ sẽ đi về đâu, dù chính phủ đã "bơm" vào thị trường một lượng tiền "giải cứu" lên đến 700 tỉ USD. Đời sống của người Việt bị ảnh hưởng như thế nào trong cơn lốc tài chính – địa ốc đang tàn phá thị trường vốn đứng hàng đầu thế giới này?

“... Một cụ già 90 tuổi đã bắn 2 viên đạn vào ngực vì không có tiền trang trải tiền nhà".“... Một người đàn ông có bằng cấp cao về tài chính nhưng bị thất nghiệp nên đã bắn chết vợ, mẹ vợ, ba đứa con rồi sau đó tự sát trong một căn nhà sang trọng.”

Những tin tức đại loại như trên đã xuất hiện ngày càng nhiều trên các phương tiện truyền thông tại Mỹ, khi cuộc khủng hoảng tài chính - địa ốc ngày càng trở nên gay gắt.

Những ‘”đại gia” trong ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm - Bear Stearns, Fannie Mae, Fredie Mac, Lehman Brothers, Merrill Lynch, AIG - ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên tin tức báo chí, nhưng chỉ toàn… tin xấu.

Trong ba thế hệ người Việt tại Mỹ, thế hệ thứ hai chiếm đa số trong việc “lăn lộn” với chứng khoán. Họ là những người trạc tuổi trung niên, có trình độ văn hóa, đa số có việc làm ổn định và coi việc tham gia vào thị trường chứng khoán là “nghề tay trái” để kiếm thêm... đồng ra đồng vào.

Nói chung, người Việt chơi chứng khoán tại Mỹ thường là “nhà đầu tư cơ hội” với số vốn ít ỏi so với các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Việc mua vào, bán ra diễn ra theo tính cách “mì ăn liền” với mục đích “đánh nhanh, rút gọn” để bảo toàn vốn.

Anh D., kỹ sư điện toán làm việc cho một hãng máy tính ở Silicon Valley (San Jose), tâm sự: “Nếu là dân đầu tư chuyên nghiệp, thay vì bán ra họ lại ôm vào cho đến khi giá cổ phiếu lên. Còn tôi thì luôn phập phồng, đầu óc chỉ nghĩ đến chuyện giá xuống sẽ mất vốn, nên chủ trương thà chịu lỗ một phần còn hơn mất hết”.

Tuy nhiên, trong thời kỳ “thăng hoa” của thị trường chứng khoán vào những năm 2005-2006, anh D. cũng kiếm được kha khá khi đầu tư vào cổ phiếu của các công ty internet mà người Mỹ gọi là các “công ty dot.com”.

Kể từ đầu năm 2008 với những diễn biến không thuận lợi của nền kinh tế Mỹ, anh D. đã “hạ cánh an toàn”, bỏ của chạy lấy người. Đó là tình hình chung của số người Việt chơi chứng khoán ít vốn cộng thêm bản tính “đa nghi” cố hữu. Họ sẵn sàng tháo chạy khi thị trường bị chi phối bởi màu đỏ nhiều hơn xanh. 

Anh D. kết luận: “Mua bán stock (chứng khoán) không phải là chuyện dễ vì càng đổ nhiều tiền vào thì càng nhức đầu, sợ hãi. Nỗi ám ảnh theo sát hàng ngày: Khi nào thị trường sụp đổ? Chỉ cần một tác động nào đó giá cổ phiếu sẽ xuống dốc không phanh vào thời điểm khủng hoảng kinh tế như hiện nay. Biết là nguy hiểm nhưng người ta vẫn cứ đâm đầu vào vì cái ma lực không cưỡng lại nổi...”

Tâm lý cố hữu của người Việt thường giữ một lượng tiền mặt khá lớn ngay tại nhà, nhất là những người thuộc thế hệ thứ nhất. Mặc dù phải gặp những rủi ro như khi cháy nhà hoặc bị trộm cướp nhưng theo cách suy nghĩ “đồng tiền đi liền khúc ruột” người ta vẫn thích giữ tiền “under the mattress”, nói nôm na là giấu tiền dưới nệm!

Cách giữ tiền này cũng có cái hay của nó: Trong trận bão Katrina và mới đây nhất là trận bão Ike nhiều người đã khéo xoay sở nhờ có sẵn tiền tại nhà, trong khi ngân hàng không hoạt động! Cơn bão tài chính hiện nay ngoài ảnh hưởng kinh tế chung chỉ tác động rất ít đến lượng tiền của người Việt, vì phần đông giữ tiền mặt trong nhà! 

Cuộc chiến giữa Wall Street (giới tài phiệt) và Main Street (người đóng thuế) ngày càng gay gắt đến độ chính phủ phải can thiệp. Main Street cho rằng với số tiền “giải cứu” 700 tỉ USD Wall Street đã “ăn cướp công sức và tiền bạc” của những người đóng thuế, trong khi giới tài phiệt lại cho rằng nếu không giải cứu thì tất cả sẽ “chết chùm” bất kể đó là Main Street hay Wall Street.

Anh Phong (Houston, Texas) cho biết: “Chính phủ bỏ ra 700 tỉ đô la để cứu ai? Ai là người được hưởng lợi nhiều nhất? Chắc chắn không phải là những người dân Middle Class (trung lưu) như tôi đây!”.

Theo anh, những người bị rơi vào tình trạng không đủ khả năng trả nợ mua nhà khiến các ngân hàng bị vỡ nợ, là những người có dư tiền để kinh doanh địa ốc theo phương thức lãi suất trôi nổi. Họ tính vay theo cách này sẽ được hưởng 5 năm đầu lãi suất thấp, sau đó mới theo lãi suất thị trường. Theo tính toán của họ, trong vòng 5 năm đầu họ sẽ bán lại nhà để hưởng chênh lệch.

Quang Hồ, một nhà mua bán địa ốc tại Philadelphia, cho biết thị trường bất động sản tại thành phố này vẫn còn tương đối tốt hơn so với cả nước Mỹ, nhưng nếu chính phủ không “bailout” (giải cứu) để giải tỏa nguồn tiền lưu động thì chắc chắn hệ thống tín dụng sẽ bị bóp nghẹt. Những thương vụ địa ốc và các hình thức kinh doanh khác sẽ không hoạt động được nên “kinh doanh lớn nhỏ đều chết chùm”.

Tại miền nam Cali, giá nhà vẫn cao vòi vọi. Đối với người Việt, nam Cali là địa điểm lý tưởng để định cư vì khí hậu ấm áp, và vì đây là nơi tập trung nhiều người Việt nhất nước Mỹ.

Trong thời buổi khủng hoảng, nhà cửa rao bán tại đây gia tăng gấp bội nên người mua nhà có nhiều cơ hội lựa chọn. Tuy nhiên, đa số nhà bán đều do ngân hàng xiết nợ, cho nên việc mua nhà phải thông qua thủ tục đấu giá. Cũng vì thế, đã có hiện tượng một căn nhà theo định giá của ngân hàng là 350.000 đô la nhưng rốt cuộc người cuối cùng mua được phải trả đến 400.000.

Làm chủ một căn nhà là niềm mơ ước của những người Việt định cư tại Mỹ với quan niệm “Sống mỗi người một nhà, chết mỗi người một mồ”. Trong cơn bão tài chính–địa ốc, người Việt có khuynh hướng co cụm theo kiểu “nhị đại đồng đường” chứ không được “tứ đại đồng đường” như khi còn ở Việt Nam.

Cha mẹ con cái thường ở chung nhà, không như người Mỹ cứ đến 18 tuổi là... tách hộ. Người Việt vốn nổi tiếng về việc dành dụm, chịu đựng kham khổ để dành tiền mua nhà, dù đó là một căn nhà nhỏ có đến hai, đôi khi đến ba thế hệ sống chung.

Việc chọn địa điểm của căn nhà cũng được người mua nhà tính đến trong thời kỳ khủng hoảng. Những ưu tiên được đặt ra trước đây như nhà ở Little Saigon, gần nơi thị tứ, gần chùa, gần nhà thờ đều không còn nằm trong danh sách săn tìm vì giá nhà lên quá cao. Họ nhắm đến những khu lân cận như Anaheim, Fullerton... nhà ở đây rẻ hơn hàng chục ngàn đô la so với Little Saigon.

Nếu có điều kiện, người Việt chọn nhà có 3 hay 4 phòng để có thể “share” với đồng hương, tiền cho thuê phòng được đóng góp vào phần trả góp hàng tháng cho căn nhà.

Tuy nhiên, trước khi mua cũng cần chú ý tham khảo kỹ người môi giới địa ốc. Đã có những trường hợp chủ cũ biến nhà để xe thành phòng ngủ mà không có giấy phép, đến khi các cơ quan chức năng phát hiện, người chủ mới không những bị phạt mà còn phải dỡ bỏ phần xây dựng không phép.

Thêm nữa, theo luật tiểu bang Cali, yếu tố về tiền sử căn nhà cũng đóng một phần quan trọng trong việc mua bán. Trong căn nhà có người chết trong vòng 3 năm trở lại, khi bán nhà người chủ phải cho người mua biết, nếu không người chủ mới có quyền kiện người chủ cũ trước tòa án.

Tình hình kinh tế suy thoái tại Mỹ nói chung chỉ tác động một phần nhỏ đến người Việt so với những hậu quả mà người bản xứ phải gánh chịu. Người ta có thể lý giải hiện tượng này qua những khía cạnh cần cù làm việc, sống đơn giản hơn người Mỹ và quan trọng hơn cả là sức chịu đựng vốn là truyền thống của người Việt.

NGUYỄN NGỌC CHÍNH 13.04.2025

(Bài đã đăng trên Tạp chí Việt – Mỹ)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.