Trưa cuối tuần, tranh thủ đi xem Địa Đạo. Ăn no, trời đẹp và khỏe mạnh, nên tiếp cận phim rất tập trung (tỉ lệ ngủ gật trong rạp của tôi vài năm qua chắc phải 7/10, chủ yếu vì mệt quá).
Màu phim Địa Đạo rất ổn, với tông nâu trầm và xám lạnh, cùng với các góc máy hẹp, các cú tracking và arch shot rất hiệu quả, thành công trong việc tái hiện bầu không khí ngột ngạt đến nghẹt thở dưới địa đạo Củ Chi.
Khó nhất của phim chiến tranh là phần vũ khí và các cảnh cháy nổ. Thì xin dùng một chữ Khéo cho phim Địa Đạo. Có tăng thiết giáp, trực thăng, máy bay ném bom, tàu tuần tra Riverine (PBR) cùng quân chính quy Mỹ. Không nhiều, nhưng khá chân thật và hiệu quả.
Duy có cái cảnh anh Tư Đạp kích nổ quả thủy lôi tự chế, thì không hiểu sao cái riverine lại không bục đáy mà nổ tung ở khoang lái, cháy đùng đùng. Cần nhớ là các phim chiến tranh Việt Nam sản xuất chủ yếu trong giai đoạn trong và ngay sau kháng chiến chống Mỹ, khi đó còn sẵn vũ khí với phục trang. Càng về sau làm càng khó và nhôm nhoam. Địa đạo làm 50 năm sau cuộc chiến mà được thế này là khá khéo rồi (thấy bảo được cả Bộ Quốc phòng hỗ trợ).
Về phục trang, hóa trang và kỹ xảo, Địa Đạo mời chuyên gia Mỹ. Tốt luôn. Xem gần như không bị sạn vì thấy giả. Tuy nhiên phối hợp giữa diễn viên và kỹ xảo còn hạn chế, cái này rất khó. Chẳng hạn trong đêm, các đường đạn địch bắn veo véo sát sàn sạt, nhưng diễn viên thì vẫn ngoan cường kiểu... đủng đỉnh.
Hóa ra phim này anh Chuyên viết kịch bản luôn (và đã dành tới hơn 10 năm để hội đủ điều kiện làm phim). Khả năng tạo ra sự căng thẳng nghẹt thở của Bùi Thạc Chuyên từ Sống trong sợ hãi vẫn giữ nguyên, và tất nhiên là chín hơn nhiều ở Địa đạo. Tuy nhiên, không rõ vì anh Chuyên tham hay vì yêu cầu từ phía nào, mà mạch phim bị dàn trải.
Các nhân vật xuất hiện khá tốt ở đầu, thì rơi bình bịch ở sau, hụt hẫng và tiếc nuối. Tiếc nuối đến mức, ngần ấy người lính, không có một sự hy sinh nào đáng tầm anh hùng. Tôi không nói rằng họ phải trúng đạn rồi vẫn hiên ngang thét đủ câu khẩu hiệu trước khi ngã xuống. Nhưng họ hy sinh... nhạt quá, nước mắt chưa kịp lăn ra khỏi mi khán giả, thì đã phải vội vã khô để cho cảnh tiếp theo diễn ra.
Và trong những hy sinh ấy, trường đoạn được dụng công nhất được dành cho chú Sáu, thì nó lại vô lý một cách trái ngang. Tiếc ơi là tiếc.
Tiếc ơi là tiếc, khi mà phim bị gãy ở những nút thắt rất đáng tiền. Người xem đã hồi hộp vì những địa đạo quanh co bí bức, thì hẳn nhiên cảnh sập hầm phải khiến người ta nghẹt thở luôn. Có sập hầm. Nhưng ngay sau tiếng la hét, là cảnh tất cả đi... xem phim, anh Bảy cho gà ăn. Ơ kìa?
Hoặc, Mỹ nó càn, anh Tư Đạp lôi mìn chống tăng mới chế tạo ra xài. Đáng nhẽ đào sâu diễn biến gay cấn, thì đạo diễn lại ngược về quá trình anh gỡ thuốc nổ ra sao, chế mìn thế nào. Để rồi khi quay lại mạch phim chính, nút thắt đã lỏng ra mất.
Những sự gãy như thế là quá đáng tiếc, đây không phải Chơi Vơi, phim chiến tranh thì mạch và nhịp cực kỳ quan trọng.
Tuy nhiên, sự dàn trải hơi tham lam trong xây dựng tuyến nhân vật lại có một ưu điểm, đó là cơ bản thì không ai là nhân vật chính. Mỗi người đóng một vai trò, dù là chỉ huy, dù là chiến sĩ, hay là một người cho tới phút cuối vẫn không minh bạch lý lịch đủ để được cho phép vào địa đạo. Không có anh hùng cá nhân kiểu Mỹ, đó mới là tinh thần của người lính Việt Nam. Mỗi người lính thản nhiên đối mặt với kẻ thù, nghiến răng chiến đấu vì đó là lẽ sống (ngay cả khi họ đều biết mình gần như không còn đường sống). Cho nên cảnh làm tôi ứa nước mắt, là khi đĩa cá được đưa xuống hầm để ăn cơm, và những người du kích reo lên.
Một điều rất hay mà Địa Đạo làm thành công, đó là người xem đồng cảm được với ý chí của những chiến sĩ, mà không cần phải căm thù. Không cần một tay chỉ huy địch mắt sâu râu rậm, phì phèo điếu thuốc, kính Rayban tổ chảng, châm zippo lên mái rạ, hay chôn sống một người cộng sản để thị uy. Địch có sức mạnh hủy diệt, và ta có ý chí kiên cường. Câu thoại hay nhất không phải "Tổ quốc sẽ biết, nhân dân sẽ biết" của chú Sáu. Mà là, "Tụi tôi đéo xin rút. Mà tôi muốn tụi nhỏ biết chúng nó chiến đấu hy sinh vì nhiệm vụ gì" (chắc thế, có thể tôi không nhớ chính xác).
Nhạc phim, thì tuyệt vời đấy. Tôi nói đến âm nhạc xuyên suốt và mang tới nhiều cảm xúc của Clovis Schneider - nhạc sĩ được đạo diễn Bùi Thạc Chuyên mời để làm nhạc cho Địa Đạo, với yêu cầu là phải sử dụng các nhạc cụ Việt Nam. Clovis Schneider đã làm rất tốt với dự án nhạc phim quốc tế đầu tay của anh, và phần việc này xứng đáng có giải thưởng.
Tóm lại, với tôi thì Địa Đạo là phim rất đáng xem và nên xem nó một cách công bằng, như bất kỳ bộ phim nào. Không phải vì 30/4, không phải vì lòng yêu nước tự tôn, không phải vì ủng hộ phim Việt v.v... Đó là một phim hay và nghiêm túc nỗ lực ở tất cả mọi khâu, thế thôi.
Giới trẻ nên tiếp cận Địa Đạo với sự khách quan như thế, cũng như cách các bạn đang tiếp cận với lịch sử không một chiều như thế hệ chúng tôi trở về trước.
Viết thêm vài ý không liên quan đến phim.
Lục lọi tìm đọc về Bùi Thạc Chuyên, thì lại đọc được một phát biểu của Trấn Thành khi nhận giải thưởng điện ảnh đầu năm 2024: "So với hai tiền bối là anh Victor Vũ và anh Bùi Thạc Chuyên, thực sự tôi chỉ là con tép thôi". Copy paste lại câu này của Thành với sự tôn trọng, và để đừng so sánh Địa Đạo với những phim doanh thu vài trăm tỉ của Trấn Thành để tạo tranh cãi. Thế là xấu bụng.
Công tâm mà nói, tôi không thích xem - nghe - đọc vì "người ta bảo...". Đấy là cách tiếp cận thiếu công bằng trước hết là với bản thân, sau đó là với bộ phim (dù đấy là bộ phim dở tệ dở hại đi nữa). Điểm IMDb, Rotten Tomatoes hay Metacritic đều đáng để tham khảo, nhưng sở thích và cả những thiên kiến cá nhân mới là thứ quyết định. Chẳng hạn, với tôi thì hai phim gần nhất của Martin Scorsese là The Irishman (2019) và Killers of the Flower Moon (2023) đều xếp hạng trung bình (và sẽ là trung bình yếu nếu so với những gì Martin đã làm như là Goodfellas hay Shutter Island).
Vì thế, bạn có đọc bài này thì cũng đừng để ảnh hưởng tới quyết định xem phim của bạn nhé.
PHẠM
GIA HIỀN 13.04.2025 (Tựa bài do Thụy My đặt)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.