mardi 6 décembre 2011

Lầu Năm Góc : Bắc Kinh « có quyền » tăng cường hải quân nhưng phải minh bạch


Theo AFP hôm nay (6/12), phát ngôn viên Lầu Năm Góc tuyên bố, hải quân Trung Quốc vốn vừa được Chủ tịch Hồ Cẩm Đào yêu cầu sẵn sàng tác chiến, « có quyền » củng cố năng lực quân sự của mình, nhưng Bắc Kinh cần phải hành động hoàn toàn « minh bạch ».

Ông George Little, một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ đã phát biểu với báo chí như trên, và nhắc nhở rằng Washington vẫn thường xuyên kêu gọi Bắc Kinh nên « minh bạch » trong lãnh vực quân sự. Theo ông, khía cạnh này là cần thiết trong mối quan hệ mà Hoa Kỳ luôn muốn xây dựng với quân đội Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng kêu gọi phát triển quan hệ quân sự Mỹ - Trung. Phát ngôn viên Mark Toner khẳng định : « Chúng tôi luôn muốn được minh bạch hơn, đây là điều hữu ích để trả lời cho các câu hỏi về ý đồ của Trung Quốc ».

Còn đối với đại tá hải quân John Kirby, một phát ngôn viên khác của Bộ Quốc phòng, thì : « Không ai muốn tìm kiếm xung đột cả. Sự lớn mạnh của một nước Trung Quốc hòa bình là điều tốt cho khu vực và cho thế giới ».

Lời tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trước Quân ủy Trung ương được đưa ra trong lúc tham vọng trên biển của Bắc Kinh gây ra quan ngại ngày càng lớn cho các nước láng giềng và cho Hoa Kỳ. AFP ghi nhận, sự kiện này diễn ra sau một loạt các cuộc viếng thăm các nước trong khu vực của những nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Mỹ, từ Tổng thống Barack Obama, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta cho đến Ngoại trưởng Hillary Clinton. Tất cả đều khẳng định tầm quan trọng thiết yếu của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, được Hoa Kỳ đẩy lên hàng ưu tiên chiến lược.

Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc là đạo quân đông đảo nhất thế giới, hiện nay chủ yếu là lục quân. Nhưng hải quân nước này đang đóng vai trò ngày càng lớn, trong khi Bắc Kinh ngày càng lộ rõ tham vọng trên biển.

AFP nhắc lại, tại Thái Bình Dương, Việt Nam, Philippines và Đài Loan đã phải đụng độ với Trung Quốc khi đòi hỏi chủ quyền trên vùng quần đảo Trường Sa mà Bắc Kinh cho là của mình. Bắc Kinh và Hà Nội cũng tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa.

Cuối tháng 11, chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc đã tiến hành chạy thử lần hai, còn chiếc J-20, phi cơ đầu tiên của Trung Quốc dường như có khả năng tàng hình, cũng đã bay thử lần đầu vào đầu năm 2011. Lầu Năm Góc đã cảnh báo về ngân sách khổng lồ mà Bắc Kinh dành cho hải quân nước này, đặc biệt là để trang bị các loại vũ khí hiện đại.

Tái thúc đẩy kinh tế : Trung Quốc đã đạt ngưỡng giới hạn


Chuyên gia Valérie Niquet
(Dịch từ nguyệt san L’Expansion số tháng 12/2011 có chủ đề « Vì sao Trung Quốc gây sợ hãi »)

Đối với nhà Trung Quốc học Valérie Niquet, thì Trung Quốc với nền kinh tế dễ tổn thương, không có ý định và cũng không có phương tiện hỗ trợ cho châu Âu. Bắc Kinh chỉ giới hạn ở việc đầu tư mang tính cơ hội, chỉ nhằm phục vụ cho chính sách thương mại của mình mà thôi.

Valérie Niquet không giấu diếm sự hoài nghi trước những lời hứa hẹn của Trung Quốc. Là nhà nghiên cứu chịu trách nhiệm khu vực châu Á của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược, bà giải thích vì sao.

Người dùng internet Trung Quốc phẫn nộ trước nạn ô nhiễm

Bài đăng : Thứ ba 06 Tháng Mười Hai 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 06 Tháng Mười Hai 2011 
 
Hàng triệu người sử dụng internet tại Trung Quốc hôm nay (6/12) đã bày tỏ sự phẫn nộ và lo ngại cho sức khỏe của mình trước nạn ô nhiễm nặng nề . Đã nhiều ngày qua, thủ đô Bắc Kinh bị một màn sương mù dày đặc bao phủ, khiến nhiều chuyến bay bị hủy bỏ.

Chủ đề ô nhiễm hiện được đề cập nhiều nhất trên internet, và đến trưa nay đã có 4,5 triệu bài viết trên mạng Vi Bác. Internet đã trở thành kênh thông tin được người Trung Quốc ưa chuộng nhất để biểu lộ sự bất bình trước những lạm dụng và bất hợp lý trong một đất nước, mà môi trường thường bị hy sinh cho lợi ích kinh tế.
Một người đã mất đến 24 tiếng đồng hồ để đi từ Thâm Quyến đến Bắc Kinh, trong khi bình thường chỉ mất trên ba giờ, đã viết: “Tôi hết sức mệt mỏi, tất cả là do mây mù”. Một người khác chia sẻ: “Lại thêm một ngày đầy khói mù ở Bắc Kinh, sáng nay tôi phải đeo khẩu trang. Tôi không biết sẽ thọ được bao lâu nếu ngày nào cũng phải hít thở cái không khí độc hại này”. Một lời bình nữa cho rằng: “Không có gì ngạc nhiên khi những người giàu muốn ra nước ngoài sống để tránh thảm họa ô nhiễm”.

Trang web bán hàng taobao.com cho biết đã bán được 30.000 khẩu trang chỉ nội ngày Chủ nhật vừa qua, khi sương mù làm cho tầm nhìn bị giới hạn trong khoảng vài trăm mét. Hàng trăm chuyến bay tại Bắc Kinh đã bị hủy từ Chủ nhật đến thứ Hai, với lý do chính thức là vì “sương mù”. Trong khi đó theo đại sứ quán Mỹ tại đây, thì trong hai ngày vừa qua ô nhiễm không khí đã lên đến mức “nguy hiểm”. Đây là mức độ cao nhất trên thang bậc chỉ số được đại sứ quán Mỹ cập nhật hàng ngày, theo cách tính toán độc lập của cơ quan này. Chính quyền thành phố Bắc Kinh bị nghi ngờ là luôn ước lượng nguy cơ ô nhiễm ở dưới mức thực tế.

Hôm nay lại có thêm 89 chuyến bay nội địa và 11 chuyến bay quốc tế bị hủy, cho dù sương mù đã có giảm bớt. Bầu trời mây xám xịt bao phủ thủ đô Trung Quốc cũng đã khiến phải ngưng lưu thông tại nhiều giao lộ quan trọng ở phía bắc.

Nạn ô nhiễm ở Bắc Kinh càng thêm trầm trọng vì ngoài hoạt động của nhiều nhà máy điện chạy bằng than đá, còn phải kể thêm các nhà máy và số lượng xe hơi. Năm nay có thêm 240.000 chiếc xe hơi mới trên các đường phố thủ đô Trung Quốc, vốn đã có 5 triệu xe hơi tham gia lưu thông.

tags: Châu Á - Ô nhiễm - Theo dòng thời sự - Trung Quốc 
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20111206-athbv-fh-qhat-vagrearg-gehat-dhbp-cuna-ab-gehbp-ana-b-auvrz
 

Ba ngân hàng Việt Nam hợp nhất để tăng vốn và giảm phí

Bài đăng : Thứ ba 06 Tháng Mười Hai 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 06 Tháng Mười Hai 2011

Hôm nay (6/12) Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình đã công bố quyết định cho hợp nhất ba ngân hàng Đệ Nhất (Ficombank), Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Sài Gòn (SCB). Theo Ngân hàng Nhà nước, thì việc sáp nhập này là tự nguyện, nhằm hỗ trợ nguồn vốn cho nhau và tiết giảm chi phí hoạt động.

Cả ba ngân hàng này đều có trụ sở ở Sài Gòn, với tổng vốn điều lệ là 10.600 tỉ đồng Việt Nam, tổng tài sản 154.000 tỉ đồng. Trong thời gian qua, các ngân hàng thương mại cổ phần trên đây đã gặp khó khăn về thanh khoản, do dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cam kết: “Quyền lợi của người gởi tiền hợp pháp được đảm bảo, bởi thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ thanh khoản cho ba ngân hàng này, và sau hợp nhất cũng sẽ có sự tham gia của Nhà nước”. Quyền lợi của các cổ đông cũng được bảo vệ, còn khoản nợ của từng ngân hàng sẽ được giải quyết theo luật định.

Theo hãng tin Bloomberg, thì ông Bình cổ vũ cho việc sáp nhập các ngân hàng để củng cố lãnh vực tài chính đang bị thử thách trước các khó khăn về vốn, nợ xấu tăng cao, và mức lạm phát khoảng 20%. Vào tháng trước, phát biểu trước Quốc hội Việt Nam, Thống đồc Ngân hàng Nhà nước cho biết ý định đến năm 2015 có khoảng 15 ngân hàng lớn, chiếm 80% thị phần nội địa.

Bloomberg trích nhận định của ông Jean-Jacques Bouflet, người đứng đầu bộ phận thương mại và kinh tế của Liên hiệp châu Âu tại Việt Nam cho rằng: “Rõ ràng là Việt Nam cần phải củng cố lãnh vực tài chính, tăng cường sức mạnh và quy mô của các ngân hàng”. Theo ông Bouflet, thì các ngân hàng ngoại quốc cũng nên tham gia quá trình củng cố này, vì chỉ riêng nỗ lực trong nước thì không đủ.

Đây là ba ngân hàng đầu tiên được phép hợp nhất, kể từ khi công bố chủ trương tái cơ cấu toàn diện hệ thống ngân hàng vào tháng 10. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), một ngân hàng quốc doanh đứng thứ ba về tài sản, đã được chỉ định tham gia quản trị, điều hành ngân hàng sau hợp nhất, với tư cách là đại diện vốn nhà nước.

Theo báo chí trong nước, thì thị trường vẫn ổn định sau khi thông tin hợp nhất ba ngân hàng trên được công bố, không có hiện tượng người dân đổ xô đi rút tiền.

tags: Ngân hàng - Việt Nam
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/xvau-gr/20111206-ubc-aung-on-atna-unat-gnv-ivrg-anz-qr-gnat-athba-iba-in-tvnz-cuv 

S&P dọa hạ hai bậc chỉ số tín nhiệm của Pháp

Bài đăng : Thứ ba 06 Tháng Mười Hai 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 06 Tháng Mười Hai 2011 
 
Nước Pháp có nguy cơ bị mất chỉ số tín nhiệm AAA quý báu, khi cơ quan thẩm định tài chính Standard & Poors hôm qua (5/12) đã đe dọa sẽ đánh sụt xuống hai bậc. Cơ quan này đưa ra lời cảnh báo sẽ đánh tụt hạng toàn khu vực đồng euro, nhưng chỉ riêng Pháp là nước đang có chỉ số AAA có nguy cơ bị sụt đến hai bậc.

Hiện nay ngoài Hy Lạp bị coi là mất khả năng chi trả và Chypre đã bị cảnh cáo, tất cả 15/17 nước thuộc khu vực đồng euro đều đang bị Standard & Poors đặt dưới tình trạng tạm gọi là “sự giám sát tiêu cực”. Điều này có nghĩa trong vòng ba tháng tới, có đến 50% nguy cơ sẽ bị đánh sụt hạng. Tuy nhiên Pháp là quốc gia duy nhất trong số sáu nước châu Âu có điểm tín nhiệm cao nhất là AAA, bị đe dọa sẽ sụt xuống còn AA+ hoặc thậm chí AA. Standard & Poors còn cho biết sẽ có quyết định càng sớm càng tốt, sau hội nghị thượng đỉnh châu Âu ngày 9/12 tới.

Từ trước đến nay, nước Pháp luôn được cả ba cơ quan thẩm định tài chính quan trọng nhất là Standard & Poors, Moody’s và Fitch đánh giá thuộc hạng AAA, tức là có mức độ tin cậy cao nhất. Chỉ số này gây tin tưởng cho các nhà đầu tư, giúp chính phủ có thể vay nợ với lãi suất thấp.

Tuy nhiên theo nhận định của Standard & Poors, cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng euro đã làm suy yếu nền tài chính công của Pháp. Cơ quan này cho rằng tăng trưởng kinh tế của Pháp chỉ khoảng 0,5%, tức là chỉ bằng một nửa so với dự báo của chính phủ Sarkozy. Standard & Poors cũng lo ngại trước việc các ngân hàng Pháp đang gặp khó khăn trong huy động vốn từ nước ngoài.

Nếu Pháp bị đánh sụt hạng, thì đây sẽ là một thất bại nặng nề cho chính sách kinh tế của ông Nicolas Sarkozy, trước kỳ bầu cử Tổng thống vào tháng 4 và tháng 5 tới. Bộ trưởng Tài chính Pháp François Baroin cho biết chính phủ sẽ làm hết sức mình để bảo vệ tiền tiết kiệm của người dân, và giúp các ngân hàng có thể hỗ trợ các hoạt động kinh tế. Ông cho rằng việc loan báo này là quá vội vã, không tính đến sự đồng thuận giữa hai nguyên thủ Pháp – Đức về một hiệp ước mới cho 27 nước châu Âu, hoặc chỉ giữa 17 nước khu vực đồng euro, trong đó dự kiến việc “trừng phạt tự động” đối với các nước bị thâm hụt ngân sách.

Pháp và Đức cùng khẳng định quyết tâm giữ ổn định khu vực đồng euro

Sau khi Standard & Poors loan báo ý định đánh sụt hạng cả sáu nước châu Âu đang có chỉ số AAA, ngay tối qua (5/1) Paris và Berlin đã ra một thông cáo chung khẳng định quyết tâm sẽ tiến hành mọi biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo sự ổn định của khu vực đồng euro.

Việc Pháp và Đức, hai quốc gia đầu tàu của châu Âu bị sụt điểm tín nhiệm, sẽ ảnh hưởng tai hại đến Quỹ ổn định tài chính châu Âu, cũng đã bị tổ chức trên đe dọa hạ điểm. Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Junker thắc mắc vì sao ý định “quá đáng và bất công” này lại được loan báo trước khi hội nghị thượng đỉnh châu Âu diễn ra.

Về phía Đức, Thủ tướng Angela Merkel muốn làm giảm nhẹ tầm quan trọng của đe dọa trên, cam kết sẽ tiếp tục tiến trình cải cách. Còn Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble thì cho rằng nguy cơ bị hạ điểm sẽ có tác dụng tích cực để thúc đẩy các lãnh đạo châu Âu phải tìm ra giải pháp.

tags: Châu Âu - Kinh tế - Pháp - Quốc tế - Tài chính - Đức 
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/cunc/20111206-cunc-ov-fc-qr-qbn-qnau-fhg-unv-onp-phn-puv-fb-gva-auvrz-nnn
 

9 thành viên Greenpeace bị truy tố vì đột nhập vào nhà máy điện nguyên tử Pháp

Bài đăng : Thứ ba 06 Tháng Mười Hai 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 06 Tháng Mười Hai 2011 
 
Công tố viên thành phố Troyes ở miền đông bắc nước Pháp Alex Perrin hôm nay (6/12) loan báo, chín thành viên của tổ chức Greenpeace sẽ phải ra tòa vào ngày 20/1 tới. Những người này đã bị câu lưu hôm qua sau khi đột nhập được vào một nhà máy điện nguyên tử của Pháp.

Hôm thứ Hai, Greenpeace đã thực hiện được một hoạt động đấu tranh ngoạn mục, khi có 9 thành viên đột nhập được vào nhà máy điện nguyên tử Nogent-sur-Seine cách Paris 95 km, và hai người khác xâm nhập vào nhà máy điện hạt nhân Cruas ở miền nam. Họ muốn chứng tỏ rằng việc bảo vệ an ninh tại các cơ sở hạt nhân của Pháp không được chặt chẽ, trong khi Pháp lệ thuộc vào điện nguyên tử đến 75%. Chính quyền cho biết còn có các mưu toan đột nhập khác, nhất là tại hai nhà máy Cadarache ở miền đông nam và Blaye ở tây nam, còn Greenpeace nói rằng chiến dịch này hiện đã kết thúc.

Chín thành viên nam nữ của Greenpeace tuổi từ 25 đến 60, bị câu lưu vào tối qua, hôm nay đã được trả tự do nhưng bị đặt dưới sự giám sát của tư pháp. Họ bị cấm đến gần các nhà máy nguyên tử và cấm gặp gỡ nhau.

Những người này bị triệu tập ra trước tòa tiểu hình vì các tội danh “xâm phạm địa điểm chuyên môn”, “phá hoại tập thể các tài sản công ích”, do đã cắt phá hàng rào để đột nhập vào nhà máy Nogent-sur-Seine. Năm người trong số họ còn bị truy tố vì đã từ chối cho lấy mẫu ADN. Còn hai người khác đã vào được khu vực nhà máy nguyên tử Cruas sáng nay vẫn còn bị câu lưu vì “xâm nhập bất hợp pháp vào khu vực liên quan đến quốc phòng”.

Chính quyền bị bất ngờ trước chiến dịch chớp nhoáng này, đã hứa hẹn sẽ siết chặt các biện pháp an ninh tại 58 lò phản ứng nguyên tử trên toàn nước Pháp.

tags: An ninh - Môi trường - Nguyên tử - Pháp - Theo dòng thời sự 
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/cunc/20111206-9-gunau-ivra-terracrnpr-ov-gehl-gb-iv-qbg-aunc-inb-aun-znl-qvra-athlra-gh-cunc
 

lundi 5 décembre 2011

Bước đại nhảy vọt của quân đội Trung Quốc


(Dịch từ nguyệt san L’Expansion tháng 12/2011)

Phi cơ tiêm kích, hàng không mẫu hạm, hỏa tiễn…Với việc sao chép kỹ thuật của nhà cung cấp vũ khí là nước Nga, Bắc Kinh đã xây dựng nên một quân đội hiện đại, và một nền công nghiệp quốc phòng đầy tham vọng, đã bắt đầu làm cho Hoa Kỳ và châu Âu lo ngại.

« Chiếc tàu này sẽ trở thành một casino trên biển ». Đó là những gì người Trung Quốc đã nói khi mua lại chiếc hàng không mẫu hạm cũ của Ukraina, chiếc Varyag, hồi tháng 6/2000. Nhưng rồi chiếc mẫu hạm được đặt lại tên là Thi Lang đã được chạy thử lần đầu vào mùa hè này, không hề là thiên đàng của các đại gia rủng rỉnh tiền cho các trò đỏ đen. Nó đã trở thành một chiếc hàng không mẫu hạm mới toanh, hiện là niềm tự hào của hải quân Trung Quốc.

Uy tín của đảng Nước Nga Thống nhất sụt giảm qua cuộc bầu cử Quốc hội

Bài đăng : Thứ hai 05 Tháng Mười Hai 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 05 Tháng Mười Hai 2011

Tuy về đầu trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày hôm qua với gần 50% số phiếu, nhưng đảng Nước Nga Thống nhất đã mất đi đa số tuyệt đối để có thể sửa đổi Hiến pháp như trước đây. Tại nhiều địa phương, đảng của Thủ tướng Putin chỉ đạt được khoảng 30%, cho dù bị dư luận tố cáo là đã gian lận bầu cử bằng nhiều cách khác nhau thậm chí công khai.

Nhận định của thông tín viên Hoàng Dung từ Matxcơva:

http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/dhbp-gr/20111205-hl-gva-phn-qnat-ahbp-atn-gubat-aung-fhg-tvnz-dhn-phbp-onh-ph-dhbp-ubv

tags: Bầu cử - Nga - Phỏng vấn - Quốc hội - Quốc tế


dimanche 4 décembre 2011

Phim « Hoàng Sa, nỗi đau mất mát » và tâm tình của một người Việt gốc Pháp

Bài đăng : Chủ nhật 04 Tháng Mười Hai 2011 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 04 Tháng Mười Hai 2011 
 
Bộ phim tài liệu « Hoàng Sa, nỗi đau mất mát » (Hoang Sa, la meurtrissure) của ông André Menras, một người Pháp mang quốc tịch Việt Nam và có tên Việt là Hồ Cương Quyết, nói về cuộc sống của ngư dân huyện đảo Lý Sơn ở Quảng Ngãi, đã bị cấm trong buổi chiếu ra mắt dành cho một nhóm thân hữu ngày 29/11 tại Khu du lịch Văn Thánh, Thành phố Hồ Chí Minh.

Việc ngăn cấm này đến nay vẫn không rõ lý do, tuy bộ phim có sự hỗ trợ của đài truyền hình thành phố, và trước đó đã được Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh cấp giấy phép xuất nhập sản phẩm báo chí.

Trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ, ông André Menras đã nói lên những tâm tư chung quanh bộ phim này.

samedi 3 décembre 2011

Tổng thống Miến Điện chính thức ban hành Luật biểu tình

Bài đăng : Thứ bảy 03 Tháng Mười Hai 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 03 Tháng Mười Hai 2011 
 
Hãng tin AFP dẫn nguồn tin từ báo chí chính thức của Miến Điện hôm nay (3/12) cho biết, Tổng thống Thein Sein đã chính thức ký ban hành Luật biểu tình cho phép người dân được biểu tình một cách hòa bình nếu có xin phép. Đây là một trong hàng loạt các cải cách gần đây của chính quyền Miến Điện.

Theo tờ báo nhà nước Myanmar Ahlin, Luật biểu tình vừa được Tổng thống Thein Sein ký ban hành vào hôm qua. Luật này quy định người dân muốn biểu tình phải thông báo cho chính quyền trước 5 ngày về thời gian, địa điểm và lý do. Người biểu tình cũng phải báo trước là sẽ hô hào, ca hát những gì trong lúc xuống đường, cũng như lộ trình sẽ đi qua.

Luật biểu tình cấm làm tắc nghẽn giao thông hay gây rối trong cuộc tập họp. Những người nào biểu tình không xin phép có thể bị phạt đến một năm tù. Còn những ai quấy nhiễu những cuộc biểu tình hợp pháp có nguy cơ lãnh bản án hai năm tù giam.

Đạo luật này đã được Quốc hội Miến Điện thông qua vào tháng trước. Do đa số đại biểu Quốc hội đều thuộc đảng của ông Thein Sein và các đồng minh từ quân đội, nên việc được Tổng thống ký ban hành chỉ là thủ tục hình thức.

Các cuộc biểu tình hiếm khi xảy ra trong các quốc gia độc tài như Miến Điện. Những cuộc biểu tình đòi dân chủ tại đây vào năm 1988 và 2007 đã bị tập đoàn quân sự thẳng tay đàn áp. Riêng « cuộc nổi dậy của những chiếc áo cà sa » do các nhà sư dẫn đầu, đã thu hút trên 100.000 người tham gia vào năm 2007, là thử thách gay go nhất cho các tướng lãnh.

Quốc hội mới của Miến Điện chỉ bắt đầu hoạt động vào tháng Giêng năm nay, sau gần năm thập kỷ tập đoàn quân sự nắm quyền với bàn tay sắt. Cuộc bầu cử Quốc hội được tổ chức lần đầu từ 20 năm qua vẫn bị nhiều nhà quan sát cho là gian dối. Hồi tháng 10, Quốc hội Miến Điện đã thông qua một luật cho phép đình công và tham gia các nghiệp đoàn.

Các nhà lãnh đạo mới của Miến Điện đã làm cho dư luận ngạc nhiên với một loạt các biện pháp cải cách chỉ trong vòng một năm qua, có lẽ là nhằm chấm dứt tình trạng bị quốc tế cô lập. Miến Điện vừa đón tiếp Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong chuyến viếng thăm lịch sử kéo dài ba ngày, vừa kết thúc hôm qua.
Cũng trong hôm nay, chính quyền Miến Điện đã ký kết thỏa thuận hưu chiến với một nhóm nổi dậy chủ chốt của người thiểu số.

tags: Biểu tình - Châu Á - Miến Điện - Theo dòng thời sự 
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20111203-gbat-gubat-zvra-qvra-puvau-guhp-ona-unau-yhng-ovrh-gvau
 

Phụ nữ Đông Nam Á bị bán sang Trung Quốc ngày càng nhiều

Bài đăng : Thứ bảy 03 Tháng Mười Hai 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 03 Tháng Mười Hai 2011 
 
Tờ China Daily hôm nay (3/12/2011) dẫn lời một cán bộ cao cấp của Bộ Công an Trung Quốc cho biết, ngày càng có nhiều phụ nữ các nước Đông Nam Á bị đưa sang Trung Quốc một cách bất hợp pháp. Những phụ nữ này sau đó bị bán về nông thôn làm vợ hay bị buộc làm gái mại dâm.

Ông Trần Thực Cừ, giám đốc cơ quan chống buôn người của Bộ Công an khẳng định, số lượng phụ nữ người nước ngoài được đưa sang Trung Quốc bất hợp pháp đang tăng cao. Tuy nhiên ông không cho biết con số cụ thể nhằm đánh giá được tầm cỡ của tệ nạn này.

Theo tờ nhật báo tiếng Anh trên, đại đa số các phụ nữ này đến từ các vùng quê nghèo của Việt Nam, Lào và Miến Điện. Họ bị bọn buôn người dẫn dụ, hứa hẹn sẽ có được một việc làm lương cao, hoặc lấy được chồng giàu.

Ông Trần cho biết : « Các nạn nhân thường bị bán về các vùng nông thôn để làm vợ các nông dân địa phương, hoặc bị buộc phải làm gái điếm trong các nhà chứa tại vùng duyên hải hay dọc theo biên giới, nhất là tại Quảng Đông và Quảng Tây, hay tại Vân Nam ». 

Một cán bộ công an ở đồn Thụy Lệ giáp ranh Miến Điện cho China Daily biết, giá bán một phụ nữ từ 20.000 đến 50.000 nhân dân tệ (tương đương 2.350 đến 5.870 euro) tùy theo nhan sắc và quốc tịch. Một số phụ nữ Đông Nam Á đôi khi còn bị bán sang tận Hà Bắc, một tỉnh phía bắc bao quanh Bắc Kinh. Công an Hà Bắc từ năm 2009 đến nay đã giải thoát cho 206 phụ nữ người nước ngoài bị bán sang Trung Quốc.

Tại vùng nông thôn Trung Quốc, theo truyền thống thì nhà chồng thường phải cho gia đình nàng dâu một số tiền đáng kể. Những người đàn ông có túi tiền hạn chế sẽ tốn kém ít hơn khi lấy các cô vợ nghèo, thường do bọn buôn người mua từ quê nhà rồi đem bán lại.

Dân số Trung Quốc hiện nay nam giới nhiều hơn nữ giới. Do các thai nhi nữ thường bị phá, nên tỉ lệ hiện giờ là cứ 118,1 trẻ sơ sinh nam thì có 100 trẻ sơ sinh nữ. Trong khi đó theo Liên Hiệp Quốc, tỉ lệ sinh tự nhiên là 105 bé trai so với 100 bé gái.
tags: Châu Á - Trung Quốc - Xã hội 
 
http://www.pagewash.com///nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20111203-cuh-ah-qbat-anz-n-ov-ona-fnat-gehat-dhbp-atnl-pnat-auvrh
 

Năng lượng sạch: Các nghị sĩ Mỹ yêu cầu điều tra Trung Quốc phá giá

Bài đăng : Thứ bảy 03 Tháng Mười Hai 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 03 Tháng Mười Hai 2011 
 
Một nhóm 59 dân biểu và nghị sĩ Mỹ thuộc cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ hôm qua (2/12) đã gởi thư choTổng thống Obama, yêu cầu mở cuộc điều tra về việc Trung Quốc phá giá trong lãnh vực năng lượng sạch.

Lá thư viết : « Không thể củng cố an ninh năng lượng của chúng ta hay tạo ra công ăn việc làm, tạo nên tăng trưởng, nếu chúng ta thay thế việc nhập khẩu dầu lửa từ Trung Đông bằng các kỹ thuật có liên quan đến năng lượng xanh của Trung Quốc, trong khuôn khổ trao đổi không cân xứng ». 

Sự kiện này diễn ra sau khi Solar World Industries America đưa đơn kiện Trung Quốc bán phá giá tại Mỹ vào tháng 10. Công ty này là chi nhánh của công ty Đức Solar World, chuyên sản xuất các tấm năng lượng mặt trời, đã yêu cầu chính quyền Obama áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Bắc Kinh nhằm đối phó với sự cạnh tranh của Trung Quốc. Solar World Industries America lên án Bắc Kinh đã lạm dụng trong việc trợ giá cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc.

Các nghị sĩ và dân biểu Mỹ nói trên nhấn mạnh : « Chúng tôi đề nghị sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết để nhanh chóng điều tra về vấn đề trên, và đưa ra các quyết định tương xứng với kết quả điều tra ».

Về phía Trung Quốc, hôm thứ Ba vừa rồi, các nhà sản xuất tấm năng lượng mặt trời của nước này đã kịch liệt bác bỏ các cáo buộc của Solar World. Trước đó vào ngày 25/11, Trung Quốc đã loan báo tiến hành điều tra về việc trợ giá của Hoa Kỳ trong lãnh vực năng lượng tái tạo. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, cuộc điều tra này liên quan đến các thiết bị năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy điện, và sáu dự án tại các tiểu bang Massachusetts, Ohio, Washington, New Jersey, California.

tags: Châu Á - Hoa Kỳ - Năng lượng - Quốc tế - Theo dòng thời sự - Trung Quốc 
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20111203-pnp-qna-ovrh-zl-lrh-pnh-qvrh-gen-ir-ivrp-gehat-dhbp-cun-tvn-gebat-ynau-ihp-anat-yhba
 

Syria tiếp tục đàn áp, bất chấp sự lên án của Hội đồng Nhân quyền LHQ

Bài đăng : Thứ bảy 03 Tháng Mười Hai 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 03 Tháng Mười Hai 2011 
 
Hôm nay (3/12/2011) lại có thêm 18 người bị thiệt mạng ở Syria, cho dù hôm qua Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã thông qua một nghị quyết lên án chế độ Damas. Chính sách đàn áp tàn khốc của chính quyền Syria đã làm cho 4.000 người chết kể từ tháng Ba đến nay, trong đó có 300 trẻ em.

Bất chấp một loạt các biện pháp trừng phạt của quốc tế, chính quyền Assad vẫn tiếp tục chính sách trấn áp, với 18 người chết vào hôm nay, theo con số của tổ chức Quan sát Nhân quyền tại Syria (OSDH) có trụ sở ở Luân Đôn. Lãnh đạo Hội đồng Quốc gia Syria (CNS) đối lập với chính quyền hôm nay kêu gọi Hội đồng Bảo an thông qua một nghị quyết nhằm chấm dứt việc đàn áp đẫm máu thường dân, tuy vẫn loại trừ khả năng can thiệp quân sự.

Hôm qua, trong phiên họp đặc biệt về tình hình nhân quyền tại Syria, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã ra nghị quyết lên án Damas về các tội ác của chế độ này, với số phiếu thuận áp đảo là 37 phiếu trên tổng số 47 thành viên. Có 6 nước vắng mặt, và 4 nước bỏ phiếu chống là Trung Quốc, Nga, Cuba, Ecuador.
Hội đồng đã quyết định chuyển giao bản báo cáo của ủy ban điều tra quốc tế cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và tất cả các cơ quan hữu quan của tổ chức quốc tế này, để có các biện pháp thích đáng. Bên cạnh đó còn giao nhiệm vụ cho một báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền ở Syria.

Bà Navi Pillay, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền tuyên bố, nếu không chấm dứt việc đàn áp dã man của chính quyền Damas vào lúc này, thì Syria sẽ bị cuốn vào một cuộc nội chiến. Bà Pillay khuyến cáo Hội đồng Bảo an nên có báo cáo về các tội ác chống nhân loại tại Syria cho Tòa án Hình sự Quốc tế.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hoan nghênh nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền. Bà nhận định, nghị quyết này « cho thấy chế độ Assad nay đang bị cô lập hơn, và áp lực quốc tế đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết ». Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đang thăm Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh, chế độ Assad không chỉ là nguyên nhân gây mất ổn định tại Syria, mà còn kích động các xung đột tôn giáo trong khu vực. Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé kêu gọi nhanh chóng biến nghị quyết trên thành hành động, trước tình hình đặc biệt nghiêm trọng tại Syria.

Ngược lại, Matxcơva cho rằng nghị quyết của Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc là « không thể chấp nhận được », và tố cáo có thể là để ngầm mở đường cho việc can thiệp quân sự vào Syria. Còn tổ chức Human Rights Watch nhận định Hội đồng đã hành động quá mức cần thiết, và tỏ ý tiếc là đã không tìm kiếm sự hỗ trợ của Hội đồng Bảo an để các chuyên gia có thể vào được lãnh thổ Syria.

tags: Liên Hiệp Quốc - Quốc tế - Syria 
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/dhbp-gr/20111203-flevn-gvrc-ghp-qna-nc-ong-punc-fh-yra-na-phn-ubv-qbat-auna-dhlra-yud
 

vendredi 2 décembre 2011

Linh mục chánh xứ Thái Hà và khoảng 20 giáo dân bị công an Việt Nam câu lưu

Bài đăng : Thứ sáu 02 Tháng Mười Hai 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 02 Tháng Mười Hai 2011 
 
Sáng nay (2/12), các giáo dân và tu sĩ giáo xứ Thái Hà lại xuống đường lần thứ hai, đòi trả lại khu đất của tu viện Dòng Chúa Cứu Thế. Đây là cơ sở được chính quyền mượn làm bệnh viện từ lâu nhưng không trả. Công an Việt Nam câu lưu linh mục chánh xứ và khoảng hai chục giáo dân Thái Hà tham gia biểu tình.

Theo hãng tin Pháp AFP, hàng trăm người đã cố gắng tham gia tuần hành trước Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội để khiếu nại việc chính quyền tiến hành xây dựng một trạm xử lý nước thải tại khu đất trên. Luật sư Lê Quốc Quân đồng thời là giáo dân Thái Hà cho AFP biết, lực lượng an ninh đã can thiệp ngay lập tức. Linh mục chánh xứ Giuse Nguyễn Văn Phượng và khoảng 20 giáo dân đã bị câu lưu, khi họ đang tập trung ở khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm.

Trang tin nuvuongcongly.net nói rằng, đại diện giáo xứ Thái Hà vào nộp đơn cho Ban tiếp dân của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, những người còn lại tuần hành. Sau đó khi họ đang trên đường về thì công an bao vây và bắt khoảng 30 người lên xe buýt, đưa về hướng Trại phục hồi nhân phẩm Lộc Hà, thuộc huyện Đông Anh, một số giáo dân khác bị đánh đập.

AFP nhắc lại, cuộc biểu tình trước đây vào ngày 18/11 tập hợp khoảng 150 giáo dân Thái Hà cũng đã bị giải tán nhưng không sử dụng đến bạo lực. Cũng liên quan đến hồ sơ trên, hồi năm 2008, tám giáo dân Thái Hà đã bị xử tù treo với tội danh gây rối trật tự công cộng, phá hoại tài sản.

Sau khi giành độc lập vào năm 1954, chính quyền cộng sản đã tịch thu nhiều tài sản của giáo hội công giáo Việt Nam. Vấn đề nhà đất luôn là điểm nóng giữa Hà Nội và Vatican, vốn không có quan hệ ngoại giao nhưng đã tiến hành những cuộc đối thoại quan trọng trong những năm gần đây. Giáo hội công giáo Việt Nam với sáu triệu tín đồ, đứng hàng thứ hai tại Đông Nam Á, chỉ sau giáo hội Philippines.

tags: Tôn giáo - Việt Nam 
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/ivrg-anz/20111202-yvau-zhp-punau-kh-gunv-un-in-xubnat-20-tvnb-qna-ov-pbat-na-ivrg-anz-pnh-yhh
 

Đức nỗ lực thành lập Liên hiệp Ngân sách khối euro

Bài đăng : Thứ sáu 02 Tháng Mười Hai 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 02 Tháng Mười Hai 2011 
 
Thủ tướng Đức lại nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc chuyển đổi Liên hiệp Tiền tệ châu Âu thành một Liên hiệp Ngân sách, nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay. Bà Merkel cho rằng cuộc chiến chống khủng hoảng sẽ còn kéo dài nhiều năm.

Trong bài diễn văn đọc trước Quốc hội Đức, ngày 02/12/2011bà Merkel cho biết Liên hiệp Ngân sách đang được hình thành « với các quy định chặt chẽ, ít nhất là cho khu vực đồng euro ». Các quy định này phải được tôn trọng và được kiểm soát. Theo Thủ tướng Đức, thì nhân tố trung tâm của Liên hiệp sẽ là « một mức trần nợ mới của châu Âu ». Bà Merkel tái khẳng định quyết tâm thuyết phục các đối tác về sự cần thiết phải sửa đổi Hiệp ước châu Âu, để nhấn mạnh vấn đề kỷ luật ngân sách.

Trước khi đến Bruxelles tham dự hội nghị thượng đỉnh các nước châu Âu trong hai ngày 8 và 9/12/2011 Thủ tướng Đức sẽ đến Paris để bàn luận với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Ông Sarkozy trong bài diễn văn ngày 01/12/2011 ở Toulon, miền nam nước Pháp, đã hứa hẹn « kỷ luật hơn, liên đới hơn (…), một chính phủ kinh tế thực sự » tại châu Âu.

Vấn đề vai trò của Ngân hàng Trung ương châu Âu (BCE) đến nay vẫn là bất đồng lớn giữa Pháp và Đức. Berlin dứt khoát chống đối lại việc BCE can thiệp sâu hơn và cũng không chấp nhận phát hành trái phiếu chung cho các nước khu vực đồng euro.

Cuộc gặp gỡ của các lãnh đạo châu Âu vào tuần tới là giai đoạn nối tiếp của một loạt các hội nghị thượng đỉnh được xem là mang tính quyết định trong cố gắng kìm hãm cuộc khủng hoảng nợ, nhưng cho đến nay vẫn tỏ ra bất lực. Nhiều nhà phân tích và kinh tế gia không mấy hy vọng vào đây. Bản thân bà Merkel cũng đã nhắc lại rằng : « Không có một giải pháp dứt khoát cho mọi vấn đề. Phương thuốc cho các nguyên nhân gây ra khủng hoảng, như việc chỉnh đốn nền tài chính công và năng lực cạnh tranh yếu kém của một số nước, là cả một tiến trình, và tiến trình này có thể kéo dài nhiều năm ». Bên cạnh đó còn có áp lực xã hội phản đối các chính sách khắc khổ.

Nhưng thị trường thì đã tỏ ra lạc quan : chỉ số các thị trường chứng khoán châu Âu đều tăng lên trong phiên giao dịch ngày 02/12/2011. Các nhà đầu tư tỏ ra không bị ảnh hưởng bởi tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh là Bắc Kinh không thể sử dụng ngoại hối dự trữ để cứu trợ cho nước ngoài.

tags: Liên Hiệp Châu Âu - Đức 
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/dhbp-gr/20111202-guh-ghbat-qhp-ab-yhp-gunau-ync-yvra-uvrc-atna-fnpu-xuh-ihp-qbat-rheb
 

Thái Lan sẽ cấp lại hộ chiếu cho ông Thaksin

Bài đăng : Thứ sáu 02 Tháng Mười Hai 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 02 Tháng Mười Hai 2011 
 
Ngày 02/12/2011, ngoại trưởng Thái Lan chuẩn bị trả lại hộ chiếu cho cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, anh ruột của đương kim Thủ tướng Yingluck Shinawatra, hiện đang sống lưu vong. Phe đối lập ngay lập tức đã lên tiếng phản đối thông tin trên.
 
Tuyên bố trước báo chí, Ngoại trưởng Surapong Tovichakchaikul nói rằng, hiện còn phải kiểm tra lại một số chi tiết, nhưng hộ chiếu sẽ sớm được giao lại cho ông Thaksin. Ông Surapong nhấn mạnh, khi hộ chiếu của ông Thaksin bị hủy, không hề có lệnh từ tòa án hay cảnh sát. Vì vậy ông dùng quyền hạn của mình để trao lại hộ chiếu cho cựu Thủ tướng. Ngoại trưởng Thái Lan nói thêm : « Nếu đây là món quà mừng năm mới cho ông Thaksin thì sẽ rất tốt. Đó là một hộ chiếu phổ thông Thái Lan. Trước hết hãy là một hộ chiếu phổ thông hợp pháp, không cần thiết phải dùng một hộ chiếu ngoại giao ».

Ông Thaksin bị lật đổ sau cuộc đảo chánh năm 2005, hiện đang sống lưu vong để trốn tránh bản án hai năm tù vì tội trốn thuế. Chính quyền trước đây đã hủy hộ chiếu của ông vào năm 2009, nhưng ông Thaksin vẫn du hành được nhờ nhập quốc tịch Monténégro.

Trước đó, các thông tin trên báo chí vào tháng 11 cho biết chính phủ của bà Yingluck Shinawatra dự định xóa án cho ông Thaksin qua một nghị định ân xá, để ông có thể quay lại Thái Lan. Tuy chính quyền đã đính chính, nhưng phe đối lập đã phản ứng dữ dội. Lần này họ cũng tỏ ra phẫn nộ.

Parnthep Puapongpan, phát ngôn viên Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD), thường được gọi là phe Áo Vàng, tuyên bố không đồng tình với quyết định của Ngoại trưởng Thái. Ông Parnthep nói, ông Surapong phải hiểu rằng bản thân ông có nguy cơ phạm tội. Còn đảng Dân Chủ, đảng đối lập chủ yếu ở Thái Lan cho biết « không ngạc nhiên » với hành động trên, vì việc ông Surapong được cho làm Ngoại trưởng chỉ nhằm để hỗ trợ Thaksin. Phát ngôn viên đảng này là Chavanond Intarakomalyasut nhấn mạnh, Ngoại trưởng Surapong không biết ngoại ngữ nào và cũng không hề có kinh nghiệm về ngoại giao.

tags: Châu Á - Chính trị - Thái Lan 
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20111202-gunv-yna-gen-ynv-ub-puvrh-pub-phh-guh-ghbat-gunxfva
 
 

mercredi 30 novembre 2011

Công an Trung Quốc thẩm vấn vợ Ngải Vị Vị, kiểm tra tài khoản luật sư của nghệ sĩ

Bài đăng : Thứ tư 30 Tháng Mười Một 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 30 Tháng Mười Một 2011 
 
Hôm nay 30/11/2011, một luật sư có liên quan đến nghệ sĩ Ngải Vị Vị cho biết công an đã tiến hành kiểm tra tài khoản công ty luật của ông này. Còn hôm qua, bà Lộ Thanh, vợ của Ngải Vị Vị đã bị công an triệu tập đến để thẩm vấn. Công an Bắc Kinh đã từ chối bình luận về các sự kiện trên khi AFP đặt câu hỏi.

Ông Phố Chí Cường, luật sư của công ty Beijing Fake Cultural Development do ông Ngải Vị Vị thành lập, nói với hãng tin Pháp rằng hôm qua, công an đã đến công ty luật Huayi của ông. « Họ nói rằng họ muốn chúng tôi hỗ trợ họ để giải quyết một vụ việc, và đã sao chụp các tài liệu kế toán năm nay. Không có gì chứng tỏ là họ muốn nhắm vào chúng tôi ». Tuy nhiên luật sư Phố Chí Cường từ chối cho biết chi tiết, và nói thêm rằng ông không biết chắc là cuộc viếng thăm bất ngờ này có liên quan đến vụ Ngải Vị Vị hay không.

Cũng trong hôm qua, bà Lộ Thanh, vợ nghệ sĩ Ngải Vị Vị đã bị công an triệu tập đến thẩm vấn với tư cách « nghi can trong một vụ án hình sự », và ra lệnh cho bà không được rời khỏi Bắc Kinh. Bà Lộ Thanh là đại diện chính thức của công ty Beijing Fake Cultural Development, đơn vị bị cơ quan thuế Trung Quốc đòi nộp phạt 15 triệu nhân dân tệ (tương đương 1,7 triệu euro). Như vậy, vợ của nghệ sĩ Ngải Vị Vị là người thứ ba bị công an thẩm vấn, sau hai trợ lý của ông.

Nhờ làn sóng ủng hộ của 30.000 cảm tình viên trong thời gian kỷ lục, vào giữa tháng 11 Ngải Vị Vị đã nộp được số tiền bảo lãnh cần thiết, tương đương phân nửa số tiền phạt, để có thể kháng án về vụ này. Nghệ sĩ bày tỏ sự lo lắng cho vợ mình, ông nói rằng : « Nếu tôi có làm gì sai thì họ nên trực tiếp tìm đến tôi, chứ không phải bà ấy ».

Trước đây cũng đã có một số trường hợp các họa sĩ, nghệ sĩ tạo hình, kiến trúc sư, điêu khắc gia bị nhà nước Trung Quốc buộc tội trốn thuế. Còn Ngải Vị Vị sau khi bị áp đặt số tiền phạt thuế khổng lồ trên, hôm 18/11 lại bị điều tra vì tội khiêu dâm. Xin nhắc lại, người nghệ sĩ nổi tiếng thế giới này vốn không ngần ngại chỉ trích chính quyền Bắc Kinh, và đã từng tiến hành điều tra những vụ quan trọng, như các trường học xây dựng ẩu bị sụp đổ sau trận động đất ở Tứ Xuyên.

tags: Châu Á - Theo dòng thời sự - Trung Quốc 
 
http://www.pagewash.com//nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20111130-pbat-na-gehat-dhbp-gunz-ina-ib-atnv-iv-iv-xvrz-gen-gnv-xubna-yhng-fh-phn-atur-fv
 
 

Giám mục Trung Quốc dự lễ phong chức, dù không được Vatican thừa nhận

Bài đăng : Thứ tư 30 Tháng Mười Một 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 30 Tháng Mười Một 2011 
 
Hôm nay (30/11) Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc, tổ chức đặt dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản, đã tổ chức buổi lễ phong chức cho một giám mục được Đức Giáo hoàng Benedicto thứ 16 thừa nhận. Tuy nhiên một giám mục khác đã bị Vatican rút phép thông công lại hiện diện trong buổi lễ trên đây.

Linh mục Phêrô La Tuyết Cương, 47 tuổi, được chọn lựa trong giáo hội chính thức Trung Quốc, đã được phong làm phụ tá giám mục ở Nghi Tân, Tứ Xuyên. Một linh mục cho AFP biết, trong buổi lễ phong chức diễn ra sáng nay, có giám mục Phaolô Lôi Thế Ngân tham dự, tuy không tham gia dâng lễ. Vị giám mục này không được Tòa Thánh công nhận, và trước đó vào hôm thứ Hai, phát ngôn viên của Vatican đã cho biết mong muốn « Không một giám mục bất hợp pháp nào tham gia buổi lễ ».

Sự hiện diện của giám mục Lạc Sơn, Phaolô Lôi Thế Ngân, vị giám mục « bất hợp pháp » đã bị Tòa Thánh rút phép thông công vào tháng 6, càng làm xấu đi quan hệ giữa Bắc Kinh và Vatican.

Mối quan hệ này đã trở nên căng thẳng từ tháng 11 năm ngoái, khi Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc tự ý phong chức cho một giám mục đầu tiên mà không tham khảo ý kiến của Tòa Thánh. Tháng sau đó, một số giám mục bị buộc phải tham dự Đại hội Công giáo Trung Quốc lần thứ 8 do giáo hội chính thức tổ chức, khiến Vatican thêm giận dữ. Đến tháng 6 và tháng 7 năm nay, Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc lại tự ý phong chức giám mục cho hai linh mục, trong đó có giám mục Lạc Sơn nêu trên. Vatican đã phản ứng lại bằng cách rút phép thông công hai vị này.

Vatican và Trung Quốc không có quan hệ ngoại giao kể từ năm 1951, khi Tòa Thánh công nhận Đài Loan, đảo quốc vốn luôn bị Bắc Kinh coi là một phần lãnh thổ của mình. Quan hệ đôi bên càng tệ hại hơn khi Trung Quốc thành lập giáo hội công giáo riêng vào năm 1957.

Hiện nay tại Trung Quốc có 5,7 triệu người công giáo, theo số liệu chính thức, nhưng theo các nguồn độc lập thì số tín đồ công giáo lên đến 12 triệu người. Bên cạnh giáo hội công giáo chính thức do chính quyền điều khiển, còn có giáo hội « ngầm » chỉ tuân lệnh của Đức Giáo hoàng, nhưng các tín đồ thường bị đàn áp.

tags: Châu Á - Công giáo - Trung Quốc 
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20111130-gehat-dhbp-zbg-tvnz-zhp-ov-ingvpna-ehg-curc-gubat-pbat-ina-uvra-qvra-gebat-yr-cubat-
 

Đại sứ quán Anh tại Iran bị đập phá. Anh sơ tán nhân viên ngoại giao

Bài đăng : Thứ tư 30 Tháng Mười Một 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 30 Tháng Mười Một 2011 
 
Hôm nay 30/11/2011, Anh Quốc bắt đầu cho sơ tán toàn bộ ngoại giao đoàn tại Iran sang các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, sau khi đại sứ quán Anh tại Teheran bị những người biểu tình đập phá hôm qua. Dư luận quốc tế cũng như Liên Hiệp Quốc đã lên án mạnh mẽ sự kiện này, còn Iran cho biết "lấy làm tiếc".

Thông tín viên của RFI tại Teheran, Siavosh Ghazi cho biết thêm chi tiết :

« Một bộ phận của ngoại giao đoàn Anh quốc đã rời Iran đến Dubai, và số còn lại sẽ theo chân vào chiều nay. Anh quốc đã quyết định sơ tán toàn bộ các nhân viên ngoại giao, sau khi các sinh viên Hồi giáo tấn công dữ dội vào đại sứ quán và tư gia của các công dân Anh hôm thứ Ba 29/11.

Những người biểu tình đã đập phá các tòa nhà của sứ quán, đốt cháy các xe hơi. Cảnh sát chống bạo động đã phải mạnh tay can thiệp để giải tán đám đông biểu tình, nhưng mất đến nhiều tiếng đồng hồ mới lập lại được trật tự. Nhiều người biểu tình đã bị bắt giữ, và cảnh sát khẳng định những người này sẽ bị truy tố.

Từ hôm qua, Bộ Ngoại giao Iran đã cho biết rất lấy làm tiếc trước thái độ không thể chấp nhận được của một thiểu số người biểu tình, và hứa hẹn rằng những người liên can sẽ phải trả lời trước pháp luật.
Ngược lại, chủ tịch Thượng viện, nghị sĩ bảo thủ Ali Larijani đã trực tiếp bày tỏ sự ủng hộ các sinh viên, khẳng định rằng họ muốn biểu lộ sự phẫn nộ đối với Anh quốc và chính sách thống trị của nước này. Ông Larijani cũng chỉ trích Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vì đã lên án vụ tấn công trên ».

Theo AFP, thì lực lượng an ninh Iran đông đảo trước đại sứ quán Anh ban đầu đã làm ngơ cho hành động phá hoại của những người biểu tình, trong khi truyền hình Iran vẫn tường thuật trực tiếp.

Ngoại trưởng Anh hôm nay tuyên bố đã yêu cầu đóng cửa ngay lập tức đại sứ quán Iran tại Anh, và các nhân viên ngoại giao Iran từ nay cho đến thứ Sáu phải rời khỏi Anh quốc. Các đại biểu Quốc hội đã vỗ tay hoan nghênh quyết định đưa quan hệ ngoại giao đôi bên xuống mức tối thiểu trên đây.

Nhiều nước từ Hoa Kỳ cho đến Nga, Đức, Ý, Tây Ban Nha đều lên án hành động mà Tổng thống Pháp gọi là « một cuộc tấn công đáng xấu hổ, làm củng cố quyết tâm đưa ra thêm các biện pháp mới để trừng phạt Iran ». Na Uy đã tạm đóng cửa đại sứ quán ở Teheran, Roma đang nghiên cứu biện pháp tương tự, còn Đức triệu hồi đại sứ nước mình ở Iran về « để tham khảo ý kiến ». Các trường học của Pháp, Đức, Anh tại thủ đô Iran đều đóng cửa cho đến khi có lệnh mới.


tags: Anh - Iran - Quốc tế - Theo dòng thời sự
 
http://www.pagewash.com//nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/dhbp-gr/20111130-nau-fb-gna-auna-ivra-atbnv-tvnb-fnh-xuv-qnv-fh-dhna-gnv-grurena-ov-qnc-cun 
 

Công chức Anh tổng đình công

Bài đăng : Thứ tư 30 Tháng Mười Một 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 30 Tháng Mười Một 2011 
 
Hôm nay (30/11/2011) giáo chức, nhân viên y tế, viên chức thuế vụ, biên phòng… tại Anh được kêu gọi tham gia cuộc tổng đình công quy mô nhất kể từ hơn ba chục năm qua. Các nghiệp đoàn hy vọng huy động được hai triệu công chức cùng ngưng làm việc, để phản đối kế hoạch tăng tuổi về hưu của chính phủ, cũng như tình trạng sức mua bị giảm sút.

Đa số các trường học đều đóng cửa hôm nay, và hoạt động của các bệnh viện bị rối loạn. Theo Bộ Giáo dục Anh, có 58% trong số 21.700 trường công phải đóng cửa, 13% đóng một phần, và các trường học ở Scotland, xứ Galles, Bắc Ailen đều bị ảnh hưởng. Chính quyền đã tuyển những người tình nguyện từ các bộ để tạm thời trám vào những chỗ trống ở hải quan. Hoạt động hàng không sáng nay thì vẫn tương đối bình thường.

Cuộc tổng đình công này đã được dự kiến từ lâu, với lời kêu gọi của một liên minh tập trung khoảng ba chục tổng liên đoàn. Đây là sự kiện chưa từng thấy tại Anh kể từ sau « Mùa đông phản kháng » năm 1978 – 1979. Một số nghiệp đoàn tham gia lần này kể từ 10 năm nay chưa hề kêu gọi đình công, và các hiệu trưởng Anh cũng chưa bao giờ đình công từ 114 năm qua.

Thủ tướng David Cameron tố cáo việc đình công là « vô trách nhiệm », và cho rằng việc cải cách chế độ hưu bổng là cần thiết, vì tuổi thọ nay đã được kéo dài hơn. Chính phủ ước tính cuộc tổng đình công sẽ làm cho nền kinh tế quốc gia bị thiệt hại 500 triệu bảng Anh, nhưng các nghiệp đoàn cho rằng con số này là « tưởng tượng ». Ông Cameron kêu gọi các nghiệp đoàn tiếp tục thương lượng cho đến hạn chót là 31/12, tuy nhiên các đại diện công nhân viên chức nói rằng chính phủ không lắng nghe những yêu sách của họ.

Với dự báo tăng trưởng sẽ giảm mạnh, chính quyền Anh nhận định cần nhiều thời gian hơn để làm giảm bớt thâm hụt ngân sách. Do đó Luân Đôn quyết định kéo dài các biện pháp khắc khổ cho đến sau bầu cử 2015. Bộ trưởng Tài chính Anh loan báo lương công chức sẽ không tăng quá 1% từ năm 2013, tiền đóng góp cho quỹ hưu bổng tăng khoảng 3,2%, và tuổi về hưu kể từ năm 2020 sẽ là 68 tuổi. Trong khi đó việc thay đổi cách tính chỉ số lạm phát đã làm cho một số khoản trợ cấp bị giảm đi 15%.

Brendan Barber, Tổng thư ký Trades Union Congress, một tổng liên đoàn tập hợp khoảng 60 nghiệp đoàn cho rằng đây không phải là việc người lao động phải tạm thời hy sinh, nhưng mức sống của họ bị giảm mạnh và lâu dài. Còn Dave Prentis, lãnh đạo nghiệp đoàn Unison có đến 1,4 triệu công đoàn viên, cảnh báo sẽ có các cuộc đình công khác nếu chính quyền vẫn giữ nguyên quan điểm.

tags: Anh - Quốc tế - Theo dòng thời sự - Xã hội
 
http://www.pagewash.com//nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/dhbp-gr/20111130-pbat-puhp-nau-gbat-qvau-pbat