mardi 6 décembre 2011

Tái thúc đẩy kinh tế : Trung Quốc đã đạt ngưỡng giới hạn


Chuyên gia Valérie Niquet
(Dịch từ nguyệt san L’Expansion số tháng 12/2011 có chủ đề « Vì sao Trung Quốc gây sợ hãi »)

Đối với nhà Trung Quốc học Valérie Niquet, thì Trung Quốc với nền kinh tế dễ tổn thương, không có ý định và cũng không có phương tiện hỗ trợ cho châu Âu. Bắc Kinh chỉ giới hạn ở việc đầu tư mang tính cơ hội, chỉ nhằm phục vụ cho chính sách thương mại của mình mà thôi.

Valérie Niquet không giấu diếm sự hoài nghi trước những lời hứa hẹn của Trung Quốc. Là nhà nghiên cứu chịu trách nhiệm khu vực châu Á của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược, bà giải thích vì sao.

Châu Âu muốn có sự giúp đỡ của Trung Quốc, nhưng phải chăng chính Bắc Kinh cũng đang trong giai đoạn khó khăn về kinh tế ?

Thực ra có một số nghịch lý. Những người có trách nhiệm của châu Âu không hình dung ra được những khó khăn kinh tế của Trung Quốc, cũng như việc các nhà lãnh đạo Bắc Kinh đang chú tâm đến việc chuyển giao quyền lực chính trị. Đại hội đảng lần thứ 18 sẽ diễn ra vào mùa hè tới, và không một ai muốn gánh lấy rủi ro cả. Công cuộc tái thúc đẩy nền kinh tế được tiến hành ồ ạt cách đây hai năm, nay đã đạt đến ngưỡng giới hạn. Kế hoạch này chủ yếu là bơm vào nền kinh tế một lượng tiền lớn. Các dự án đầu tư đã tỏ ra ít hiệu quả nhất là trong bất động sản và cơ sở hạ tầng, gây ra những quả bóng đầu cơ đang nuôi dưỡng cho nạn lạm phát.

Nhưng Trung Quốc rất mạnh về tài chính, vì không bị  mắc nợ ?

Số nợ công bố thật ra đã được làm giảm nhẹ đi, do không tính đến nợ nần của chính quyền các địa phương, rất đáng kể nhưng lại ít được biết đến. Một bộ máy thống kê chất lượng tồi cộng với thói quen che giấu đã khiến mọi việc trở nên mù mờ.

Về mặt chính thức thì các địa phương này không có quyền đi vay, nhưng họ đã lập ra những định chế tài chính hợp pháp hoặc không hợp pháp để vay mượn. Với số tiền vay được, họ đã lao vào việc phát triển ồ ạt cơ sở hạ tầng, để có dịp xơi những khoản hoa hồng rất lớn, tạo nên một nền kinh tế màu xám rất quan trọng song song với hoạt động kinh tế chính thức và gây ra những bất mãn lớn lao trong công chúng. Về vấn đề này, đừng quên rằng quần đảo Caïman là một trong những đích đến đầu tiên để đưa vốn ra nước ngoài, và hiện nay nguồn vốn đang chảy đi rất nhiều.

Bối cảnh xã hội hiện nay ra sao?

Nguy cơ xung đột xã hội rất quan trọng. Bởi vì các doanh nghiệp nhỏ vốn rất tích cực, đã làm nên sự năng động thực sự của Trung Quốc và mang lại hy vọng hình thành một lớp trung lưu mới, lại đang bị đe dọa. Các doanh nghiệp này hoạt động trong lãnh vực dệt may, giày dép và các ngành sản xuất truyền thống, là những lãnh vực bị bóp nghẹt do kinh tế châu Âu bị chậm lại và do lương công nhân trong nước tăng lên.

Lại còn nghiêm trọng hơn khi doanh nghiệp nhỏ gặp rất nhiều khó khăn trong việc vay ngân hàng. Hậu quả là họ phải cầu viện đến hệ thống tín dụng ngoài luồng được xem là bất hợp pháp, các kiểu như chơi hụi với lãi suất cắt cổ, có thể lên đến 3 hay 4% một tháng. Đây là lý do khiến gần đây xảy ra hàng loạt các vụ tự tử hay bỏ trốn.

Có nên nghi ngờ sự nghiêm chỉnh từ những cam kết của Trung Quốc tại châu Âu ?

Trung Quốc chơi trò một mũi tên bắn hai con chim. Thật là danh giá khi xuất hiện như một « đấng cứu rỗi » cho châu Âu. Nhưng rổt cuộc Bắc Kinh đã chẳng mua nợ giùm cho Hy Lạp, cũng không hề thử nhúng tay trợ giúp nước này. Họ chỉ lợi dụng để mua lại các cơ sở hạ tầng cần cho việc điều vận như các cảng, để giúp hàng Trung Quốc nhập khẩu vào châu Âu được thuận tiện hơn. Họ cũng sử dụng chiến lược tương tự tại Pháp. Nói chung, đầu tư của Bắc Kinh còn rất ít và tập trung hoặc vào lãnh vực năng lượng, hoặc trong các ngành kỹ thuật mũi nhọn, nhằm thu thập các kỹ năng và những bằng sáng chế mà họ không có được.

Còn tình hình trong nước như thế nào ?

Chế độ Bắc Kinh cần duy trì một tỉ lệ tăng trưởng thật cao. Để tránh các rối loạn xã hội, và cũng để mang đến cho dân chúng hình ảnh một đất nước hùng cường - như thể Bắc Kinh nuôi dưỡng cả hy vọng lẫn chủ nghĩa dân tộc. Nhằm đảm bảo một thị trường nội địa năng động hơn, Trung Quốc cần khuyến khích cho một sự phân phối của cải công bằng hơn, làm xuất hiện một giai cấp trung lưu thực sự, vân vân.

Nhưng muốn vậy cần phải cải cách về chính trị, mà điều này có vẻ không phải là chủ đề đang được Bắc Kinh quan tâm. Tỉ lệ tiêu xài của các hộ gia đình vẫn còn thấp, khoảng 30% tổng sản phẩm nội địa. Đây là một trong những tỉ lệ khá thấp trên thế giới, kể cả đối với những nước mới trỗi dậy.

Phải chăng có những bất đồng quan trọng trong giới lãnh đạo chóp bu của đảng và của nhà nước?

Thông tin rất hiếm hoi, cho thấy việc mở cửa chỉ chừng mực. Một số dường như nhận ra rằng đã đạt đến giới hạn của hệ thống, và phải chấp nhận những cải cách, kể cả về mặt chính trị. Nhưng họ đã thấy những gì từng diễn ra với Mikhaïl Gorbachev của Liên Xô cũ. Nỗi lo sợ bị mất quyền lực, và như vậy sẽ mất luôn quyền lợi vật chất song hành, đã khiến họ không chịu nhả ra một thứ gì cả.

Trung Quốc không bị kiểm soát chặt như cách đây 30 năm, nhưng những tuyên bố kích động dân tộc chủ nghĩa, những lời kêu gọi nắm lại trật tự trong hội nghị trung ương gần đây nhất cho thấy ý định siết lại là rất rõ.

Khả năng Trung Quốc cho châu Âu vay tiền, nếu có, chỉ là cho quyền lợi của chế độ. Bắc Kinh dựa vào việc tạo dựng hình ảnh một cường quốc để phục vụ cho lợi ích của mình ở nước ngoài và để thống trị trong nước. Tuy nhiên, đó là một đất nước mà điều chắc chắn duy nhất là chẳng có gì chắc chắn cả. Có vẻ như có quá nhiều các nhà bình luận phương Tây quên rằng những chế độ loại này có thể sụp đổ với tốc độ như thế nào.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.