Thủ tục trong khoa học ở Việt Nam khá nhiêu khê, đặc biệt là có « yếu tố nước ngoài ». Bất cứ khi nào tôi được mời nói chuyện trong một seminar (cho dù chỉ 60 phút) ở Việt Nam, ban tổ chức hoặc người mời sẽ khá vất vả với thủ tục.
Người mời sẽ phải xin phép ba nơi: Đại học hay bệnh viện, an ninh, và thông tin truyền thông. Và, tôi phải gởi các slide của bài nói chuyện cho người tổ chức để họ làm thủ tục xin phép.
Nếu lần sau và lần sau nữa, tôi quay lại nói chuyện, thì thủ tục trên được lặp lại. Đó là thủ tục khi mời một chuyên gia nước ngoài giảng bài, hay chỉ đơn giản là nói chuyện trong seminar. Rất mệt mỏi. Và, không cần thiết.
Tôi nghĩ đó là một rào cản mà ngài Tổng bí thư đề cập trong lần tiếp xúc gần đây với giới khoa học.
Còn ở nước ngoài thì sao? Chỉ nói trong vùng Á châu thôi để đối chiếu.
Tôi thường xuyên được mời nói chuyện trong các hội thảo khoa học ở Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật Tân, Singapore, Nam Hàn, Nhựt, Miến Điện, Tích Lan, Pakistan, Ấn Độ, thậm chí China, người ta không có cái thủ tục như trên. Vì nó không cần thiết.
Mấy ngày gần đây, tôi thấy ngài tổng bí thư nói rất thật và rất gần với thực tế. Chẳng hạn như ông nói các nhà khoa học bỏ ra quá nhiều thì giờ cho thủ tục hành chánh. Quá đúng.
Ông nói : « Các đề tài nghiên cứu không có đột phá, không đo đếm được kết quả ». Quá đúng luôn.
Thật ra, đa số nghiên cứu (chỉ nói y khoa) từ Việt Nam không có tác động gì đáng kể và chất lượng thấp. Quan điểm của tôi là Việt Nam cần ít nghiên cứu hơn, nhưng rất cần nghiên cứu có chất lượng cao và nghiên cứu vì những lý do chánh đáng.
Không nên đầu tư vào những nghiên cứu không có tiềm năng đem lại lợi ích.
Không nên đầu tư vào những nghiên cứu tào lao chỉ để đăng báo.
Không nên đầu tư vào những nghiên cứu chỉ vì lý do « thi đua ».
Nói về việc thu hút các chuyên gia ở nước ngoài về Việt Nam, tổng bí thư nói: « Trước đây người ta không dám về là vì chúng ta chưa thật sự sẵn lòng, còn nhiều rào cản về hành chính và các quy định, rất khó điều hành ».
Rồi ông nói : « Nay mọi thứ sẽ thuận lợi hơn rất nhiều ». Tôi hy vọng như vậy.
Ngài tổng bí thư mong muốn « Đến năm 2045, có đội ngũ trí thức đứng đầu khu vực, thuộc tốp đầu thế giới; có hàng trăm nhà khoa học có ảnh hưởng trên thế giới, đạt các giải thưởng quốc tế trên các lĩnh vực ».
Trong thể thao, cầu thủ nước ngoài về Việt Nam đầu quân và đã nâng cao vị thế của túc cầu Việt Nam trong vùng. Trong văn nghệ, phim ảnh, kinh tế, sự đóng góp của người nước ngoài, kể cả Việt kiều, đã cho thấy có hiệu quả.
Còn trong khoa học và giáo dục đại học thì sao? Chưa thấy có gì « đột phá ».
Ở bên China, chương trình « Thousand Talents Plan » đã giúp cho China nhanh chóng nâng cao vị thế khoa học trên trường quốc tế. Nếu có dịp nói chuyện, tôi đề nghị Việt Nam bắt chước China (bắt chước cái hay của họ), tức là thiết lập một chương trình như thế, có thể lấy tên là « Vietnam Ascend 1000 ».
Nhưng phải làm cẩn thận và có nghiên cứu (chớ không phải kiểu 168). Nếu không có nghiên cứu trước thì sẽ có nhiều ruồi muỗi vào. Phải có một danh sách cụ thể gồm những ai là « đối tượng » cần thu hút về Việt Nam. Nói chung chung không ăn thua. Những người « high profile » cần được mời; họ không bao giờ xin việc.
NGUYỄN VĂN TUẤN 15.01.2025 (Tựa bài do Thụy My đặt)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.