1. Sáng ngày 13/01/2025, tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Tổng bí thư (TBT) Tô Lâm đã có bài phát biểu [1], mở đầu bằng:
“Ngày 18/05/1963, tại Hội trường Ba Đình lịch sử, Đại hội lần thứ Nhất của Hội Phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam được tổ chức, đánh dấu sự kiện quan trọng trong lịch sử khoa học và công nghệ nước nhà.
Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, trong bài phát biểu tại Đại hội, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phổ biến khoa học và kỹ thuật, coi đây là động lực để xây dựng và phát triển đất nước. Người căn dặn: “Khoa học phải gắn với sản xuất, phục vụ nhân dân.” Sự kiện này đặt nền móng cho những bước phát triển ứng dụng khoa học để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hơn sáu thập kỷ sau, hôm nay, Hội nghị toàn quốc lần thứ hai được tổ chức, với quy mô và tầm vóc mới, phản ánh quyết tâm của cả hệ thống chính trị và đất nước trong việc đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”.
Như vậy, đây là « Hội nghị toàn quốc lần thứ hai » về khoa học và kỹ thuật, sau hơn 60 năm kể từ « Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất » mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự và phát biểu. Điều này cho thấy lãnh đạo Đảng, Nhà nước hiện thời đặc biệt coi trọng vai trò của khoa học và kỹ thuật.
Cũng trong bài phát biểu sáng ngày 13/01/2025 [1], TBT Tô Lâm đã định hướng:
“Nhà nước có thể chọn thí điểm một số viện, hoặc trường để mời chuyên gia ở bên ngoài làm lãnh đạo. Nhất là trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, những người hiểu rõ văn hóa Việt Nam, trưởng thành ở các nước phát triển, am hiểu chuyên môn và quản lý, có sự kết nối quốc tế sâu rộng. Trước đây người ta không dám về là vì chúng ta chưa thật sự sẵn lòng, còn nhiều rào cản về hành chính và các quy định, rất khó điều hành. Nay mọi thứ sẽ thuận hơn rất nhiều”.
Như vậy, « Thí điểm mời chuyên gia bên ngoài làm lãnh đạo viện, trường » đã loại bỏ « yêu cầu phải là đảng viên » trong bổ nhiệm lãnh đạo.
Yêu cầu phải là đảng viên mới được bổ nhiệm làm lãnh đạo các cơ quan khoa học, giáo dục, chuyên ngành đưa đến ba nguy hại lớn sau đây.
- Không cho phép những người có chuyên môn giỏi nhưng không phải đảng viên đứng vào hàng ngũ lãnh đạo.
- Làm cho các nhà khoa học mất thêm thời gian đi học các chứng chỉ lý luận trung cao cấp không có lợi thiết thực cho công tác chuyên môn.
- Tạo kẽ hở cho những kẻ cơ hội không giỏi chuyên môn lọt vào hàng ngũ lãnh đạo, làm cho chuyên môn không được phát triển, dẫn đến tình trạng tụt hậu như hiện nay.
Tư duy mời chuyên gia nước ngoài làm lãnh đạo các cơ quan nghiên cứu khoa học giáo dục là đột phá. Chưa có Tổng bí thư nào trước đây thể hiện cách tiếp cận này.
Từ ý kiến của TBT Tô Lâm, với tinh thần quyết liệt "những quy định nào cần loại bỏ thì bỏ luôn” [1], cần:
- Bỏ tiêu chí yêu cầu đảng viên trong bổ nhiệm lãnh đạo đối với các cơ quan khoa học, các cơ quan giáo dục, các cơ quan chuyên môn.
Đây là hành động thiết thực để triển khai nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, là “cởi trói cho nội lực”. Hy vọng là Bộ Nội vụ và các cơ quan có thẩm quyền liên quan, quán triệt được tinh thần chỉ đạo của TBT Tô Lâm.
2. Trong buổi gặp mặt trí thức, nhà khoa học tại Hà Nội ngày 30/12/2024, TBT Tô Lâm đã từng đề cập đến mục tiêu đầy thách thức:
“Đến năm 2045, đội ngũ trí thức Việt Nam đứng đầu khu vực, thuộc tốp đầu thế giới; có hàng trăm nhà khoa học có ảnh hưởng trên thế giới, đạt các giải thưởng quốc tế trên các lĩnh vực” [2].
Chỉ trong vòng hai tuần TBT Tô Lâm đã có hai bài phát biểu quan trọng về khoa học kỹ thuật. Trong các bài phát biểu, TBT Tô Lâm xem khoa học là “chìa khóa vàng”, đổi mới sáng tạo là “cây gậy thần”, xác định “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là lựa chọn, mà là con đường sống còn” [1], đánh giá cao vai trò của nhà khoa học: “Đổi mới sáng tạo chính là “cây gậy thần” đạt tới thịnh vượng bền vững, với nhà khoa học giữ vị trí trung tâm”.
Tổng bí thư cũng đã nhìn thấy sự “chưa đạt được mục tiêu đề ra” của các Nghị quyết 20, 52, 36 trước đây:
“Từ Đại hội IV, khoa học và công nghệ đã được xác định là cuộc cách mạng, và đến nay, là quốc sách hàng đầu. Nhiều Nghị quyết quan trọng như Nghị quyết 20, Nghị quyết 52, Nghị quyết 36 đã được ban hành, mang lại kết quả tích cực, đóng góp vào sự phát triển của đất nước như ngày nay.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tổng thể, nghiêm túc và khách quan, kết quả thực hiện các Nghị quyết của Trung ương chưa đạt các mục tiêu đề ra, chưa được như mong đợi, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển” [1].
Giữa Nghị quyết và thực tiễn là một khoảng cách, có thể rất lớn. Mục tiêu đến năm 2030 có 100 sáng chế đăng ký ở Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản là khả thi. Chỉ trong năm 2023 Singapore đã có 1.487 bằng sáng chế đăng ký tại Cơ quan Sáng chế Hoa Kỳ (USPTO). Nên nếu đầu tư đúng hướng cho nghiên cứu và phát triển (R&D) thì đến năm 2030 Việt Nam sẽ có số bằng sáng chế nhiều hơn nữa. Một số lĩnh vực mà Việt Nam có nhiều cơ hội để có được các bằng sáng chế là:
• Công nghệ thông tin, truyền thông và trí tuệ nhân tạo.
• Công nghệ nông nghiệp và thực phẩm.
• Y học.
• Công nghệ sinh học và dược phẩm.
• Công nghệ năng lượng và môi trường.
• Công nghệ vật liệu và kỹ thuật.
• Điện tử, robot và tự động hóa.
• Giáo dục.
Và những người đứng đầu các bộ ngành liên quan có thể thúc đẩy phát minh sáng chế ứng dụng, với tổ chức hiện thời cụ thể là:
• Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ;
• Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo;
• Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ;
• Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông;
• Bộ trưởng Bộ Y tế;
• Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
• Viện trưởng Viện hàn lâm Khoa học Xã hội.
Nhân sự và môi trường là hai nhân tố quyết định trong việc tạo ra phát minh sáng chế mới. Trong nghiên cứu và phát triển (R&D) thì hiện thời Việt Nam chưa có môi trường tốt cho giai đoạn phát triển (D). Tạo dựng môi trường thì cần thời gian, nhưng lãnh đạo không đủ năng lực thì cần thay thế ngay.
Nếu mục tiêu 100 sáng chế đăng ký quốc tế đến năm 2030 là không khó, thì mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam “có hàng trăm nhà khoa học có ảnh hưởng trên thế giới, đạt các giải thưởng quốc tế trên các lĩnh vực” [2] là rất khó.
Hiểu thế nào là “nhà khoa học có ảnh hưởng trên thế giới”? “Uy tín quốc tế” rất khác với “ảnh hưởng thế giới”. Tầm cỡ như giải Nobel may ra mới dám nói “có ảnh hưởng trên thế giới”. Trong giai đoạn hiện nay, đối với Việt Nam, thì tăng thêm một tỉ phú USD trong danh sách Forbes dễ hơn có thêm một nhà khoa học “có ảnh hưởng trên thế giới”.
Để phấn đấu cho mục tiêu “đến năm 2045, đội ngũ trí thức Việt Nam đứng đầu khu vực, thuộc tốp đầu thế giới; có hàng trăm nhà khoa học có ảnh hưởng trên thế giới, đạt các giải thưởng quốc tế trên các lĩnh vực” [2] như TBT Tô Lâm đặt ra, thì chìa khóa là ‘môi trường làm việc’, mà các thành tố quan trọng là thể chế và một nền kinh tế thị trường đầy đủ.
Cần lắm một cuộc cải cách căn bản, sâu rộng, và toàn diện để đất nước vươn mình.
NGUYỄN NGỌC CHU 15.01.2025
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.