Khuyến khích người dân tố giác những vi phạm giao thông để nhận tiền thưởng, chẳng khác nào hành động chỉ điểm mà các chế độ cộng sản sử dụng để kiểm soát và đàn áp xã hội.
Xử phạt những vi phạm giao thông là việc rất cần thực hiện. Thiết lập lại những quy định, khuôn phép và luật lệ giao thông là cấp bách nhằm tạo ra sự an toàn cho xã hội. Nhưng phải làm sao để người dân tự ý thức từ đó tôn trọng luật giao thông. Càng không thể đánh vào tâm lý “túi tiền” để làm cho người ta sợ hãi và kêu gọi sự tố giác lẫn nhau!
Để cho giao thông bừa bãi hàng chục năm rồi một sớm, một chiều muốn mọi người phải vào khuôn khổ, thì có lẽ nhà nước hơi quá tự tin.
Phạt và phạt. Theo dõi và tố giác nhau để nhận tiền thưởng, sẽ rất có thể khiến cho sự việc trở nên căng thẳng và một cách gián tiếp, khích động bạo lực trong xã hội.
Mức phạt như thế nào cho đích đáng? Chứ cái kiểu lạm dụng quyền lực và pháp luật để đưa ra những mức phạt quá nặng so với mức sống của người dân, với hy vọng răn đe, làm họ sợ, thì rõ ràng không khoa học và thiếu hẳn cái cốt lõi là xây dựng ý thức của họ.
Chưa kể, đòi phạt nặng những vi phạm nhưng lại gián tiếp chấp nhận, thậm chí khuyến khích những màn “đi bão” sau mỗi chiến thắng của đội tuyển Việt Nam. Giao thông ùn tắc, đua xe, tông xe dẫn đến các tai nạn giao thông đáng thương. Cơ quan chức năng ở đâu trong các màn ăn mừng chiến thắng ấy? Hay cứ vui chơi điên cuồng say mê về quả bóng đi, để bớt phản ánh, phản biện hay chỉ trích bao bất công, vấn nạn trong xã hội?
Cần đưa vào chương trình học ngay từ cấp tiểu học, luật giao thông, để trực tiếp xây dựng ý thức tốt nơi các công dân tương lai.
Đơn giản vì “nhà không móng, như bóng không người”.
LÂM BÌNH DUY NHIÊN 04.01.2025
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.