dimanche 5 juin 2022

Lê Nguyễn - Thương tiếc nhạc sĩ Cung Tiến

 

Hình như sau sự ra đi của nhà thơ Tô Thùy Yên, sự ra đi lần này của nhạc sĩ Cung Tiến mới lại gây ra một làn sóng cảm xúc ngập tràn như thế.

Nhất là với những người sinh ra và trưởng thành tại miền Nam từ những thập niên 1940-1950 trở đi, những người đang sống với bao hoài niệm cuối đời.

Ít có nhạc sĩ nào viết nhạc ở tuổi 16-17 mà tác phẩm lại khắc sâu vào lòng người, âm vang mãi trong những tâm hồn đa cảm, yêu nghệ thuật như Cung Tiến. Cũng không  có nghệ sĩ nào chỉ sáng tác một số nhạc phẩm ít ỏi mà tầm vóc và tiếng vang lại vút cao và lan rộng như thế.

Dù những năm sống ở Mỹ, ông đã làm được nhiều việc đáng nhắc nhở, song với những người còn ở lại quê nhà, tác phẩm trước 1975 của ông vẫn là những giá trị trường tồn. Vẫn luôn làm cho chúng ta chất ngất say sưa với từng giai điệu, nhẹ nhàng và sâu lắng như Hoài cảm, thanh nhã và sang trọng như Hương xưa, lâng lâng và lãng đãng như Thu vàng

Vĩnh biệt và thương tiếc nhạc sĩ Cung Tiến, nhiều người đã kể rõ về những chặng đời của ông, song có một vài chi tiết mà người viết bài này chưa thấy nhắc đến. Đó là trong hoạt động của nhiều thành phần xã hội ủng hộ Phật giáo và chống lại chính sách cứng rắn đối với tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm vào năm 1963, có tiến sĩ kinh tế Cung Thúc Tiến.

Tháng 9.1965, tôi cùng các bạn đồng môn tốt nghiệp khóa 10 Học viện Quốc gia Hành chánh Sài Gòn được gửi đi học khóa 21 trường Bộ Binh Thủ Đức, thì người được cử làm đại diện khóa này chính là Cung Thúc Tiến.

Song giữa chừng khóa học, có tin ông bị loại khỏi khóa và phải đi hạ sĩ quan. Việc này vẫn thường xảy ra với những sinh viên sĩ quan được khoác cho hai từ “ba gai” (pagaille), là một loại từ quen thuộc lúc bấy giờ dành cho những khóa sinh hay sinh viên sĩ quan không  phục tùng kỷ luật sắt của quân trường. Nghe đâu sau sự kiện này, ông được điều về làm văn phòng tại Tiểu khu Bình Định/ Qui Nhơn. Xin kể lại thông tin trên với sự dè dặt cần thiết.

Không biết với các bạn thì sao, chứ với tôi, sự ra đi của hai tài năng lớn Tô Thùy Yên và Cung Tiến đã làm sống lại trong lòng mình rất nhiều kỷ niệm của thuở thiếu thời. Tác phẩm của họ là nguồn cội của bao nhiêu hoài niệm, sau những thăng trầm dâu biển của một đời người. Cái đẹp trong tác phẩm của họ là cái đẹp không thể tái sinh, nó vĩnh viễn thuộc về một thế hệ vàng đã mất hút dần trong cõi nhân sinh, không tìm lại được nữa.

Có những hoài niệm làm cho lòng ta đau nhói, và mắt của ta nhòe đi. Để chiều nay, có người gục đầu với bao niềm tiếc nhớ khôn nguôi!

LÊ NGUYỄN 05.06.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.