mardi 7 décembre 2021

Hoàng Hải Vân - Đến quốc ca còn dùng để trục lợi thì còn gì là không ?

 

Tối qua, khi phát hình tường thuật trận bóng giữa đội tuyển Việt Nam và Lào, trên một số kênh YouTube đã tắt tiếng phần chào cờ kèm theo dòng chữ "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường. Mong quý vị và khán giả thông cảm".

Dư luận phản ứng dữ dội, báo chí đang thi nhau bình luận.

Ấy là do có một công ty (hình như không chỉ có một) được cấp bản quyền bản ghi ca khúc Tiến quân ca làm của riêng. Ai sử dụng thì phải mua hoặc phải được họ cho phép. Vì vậy một số kênh phát sóng trận bóng đá, do không mua hoặc chưa xin phép phát bản Quốc ca có bản quyền này, đã phải tắt tiếng để tránh bị kiện.

“Có rất nhiều đơn vị sản xuất bản ghi Tiến quân ca, cả trong nước và ngoài nước. Theo Luật sở hữu trí tuệ, nếu bất kỳ ai bỏ tiền, thời gian, công sức, kỹ thuật ra sản xuất bản ghi (mà đã thanh toán quyền tác giả) thì là chủ sở hữu hợp pháp của bản ghi; bất kỳ ai sử dụng bản ghi đó thì phải xin phép nhà sản xuất", đại diện BH Media (một công ty được ủy quyền quản lý bản quyền của một bản ghi Quốc ca) nói với báo Tuổi Trẻ.

Nhiều người đang bảo vệ cho quyền của "bản ghi" này vì cho rằng nó không phải là tác quyền của bài hát. Tuy nhiên theo sự giải thích ở trên thì người ta chỉ có thể được cấp bản quyền một bản ghi Quốc ca sau khi “đã thanh toán quyền tác giả”.

Nhưng Tiến quân ca là ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao, khi nó được chọn làm quốc ca, chính nhạc sĩ và gia đình của ông đã hiến tặng ca khúc này cho nhà nước. Thế thì “thanh toán quyền tác giả” là thanh toán cho ai ? Tất nhiên không thanh toán cho gia đình nhạc sĩ Văn Cao rồi. Còn Nhà nước thì chỉ có một quyền duy nhất là dùng ca khúc đó làm Quốc ca, chứ đâu có quyền dùng nó để thu phí.

Báo Quân đội nhân dân cũng vừa đặt vấn đề : “Không ai được phép mang tài sản Quốc gia để trục lợi cho mục đích cá nhân”. Địa chỉ để truy ra sự trục lợi này chính là từ cơ quan nhà nước cấp bản quyền, vì quyền tác giả của Quốc ca đã thuộc về nhà nước.

HOÀNGHẢI VÂN 07.12.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.