vendredi 5 novembre 2021

Bùi Chí Vinh - Một nén nhang cho cố tổng thống Ngô Đình Diệm

 

Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị giết một cách tàn bạo trong cuộc chính biến quân sự 1-11-1963. Nhân ngày kỷ niệm sự đau buồn này, tôi xin trích đoạn hồi ký GIAI THOẠI CỦA THI SĨ phần liên quan của gia đình tôi về Tổng Thống, và thắp nén nhang thương tiếc ông qua một bài thơ định mệnh.

Chế độ Ngô Đình Diệm luôn dành sự ưu việt của nền giáo dục thời đó cho trẻ em nghèo. Tuy đất nước trong thời chiến, nhưng những đứa trẻ con chúng tôi mỗi buổi sáng đến trường không cần phải lấy tiền của cha mẹ, bởi trước khi vào lớp đều được nhận một phần ăn bánh mì phô mai và ly sữa bột nóng miễn phí. Đứa nào trốn xếp hàng nhận phần ăn sẽ bị cấm vào lớp học.

Chính vì thế con nít thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm hầu như không có chuyện thiếu dinh dưỡng bị còi xương. Thanh niên trưởng thành đều phát triển chiều cao sức khỏe đúng tiêu chuẩn khoa học, hợp với câu thành ngữ “Một tinh thần minh mẫn trong một thân xác khỏe mạnh”.

Chưa kể nhà trường còn chăm sóc, đến cuối năm đứa nào nghèo quá thì được lãnh phần thưởng “CÂY MÙA XUÂN” gồm quần áo sách vở, không hề phân biệt gia đình có hoạt động chống lại chế độ hay không. Cụ thể là gia đình “tù chính trị” nghèo mạt hạng của tôi luôn có thêm phần thưởng ấy.

Chưa kể học tiểu học được dạy môn Đức Dục, lên trung học có môn Công Dân đều là những môn dạy căn bản đạo lý làm người. Chính nhờ những môn học nhân văn bắt buộc ấy, mà từ trẻ em đến người lớn khi ra đường thấy đám ma đi ngang đều dừng lại cúi đầu chào, nghe tiếng quốc ca vang lên đều đứng yên phăng phắc. Đến ngã tư thấy đèn đỏ đều tự động dừng lại trước vạch vôi trắng, phát hiện người già người tàn tật băng qua đường đều tự giác dẫn họ qua.

Ở quận, phường khóm nào cũng có nhà thương thí, trạm y tế, nhà dưỡng lão, nhà nuôi trẻ mồ côi, nhà nghỉ cho đồng bào bệnh hoạn hoặc bất hạnh có chỗ nương thân. Và đặc biệt những nơi này hoàn toàn miễn phí không thu một cắc.

(Nếu tôi không quá chủ quan trong nhận định thì có thể nói thời điểm ông Diệm cầm quyền là thời kỳ vàng son nhất của miền Nam trên trường quốc tế). Thời điểm ấy nền kinh tế và dân trí Việt Nam Cộng Hòa sánh ngang với Nhật Bản, hơn Đại Hàn và tất nhiên hơn xa các nước vùng Đông Nam Á như Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương Quần Đảo. Thời điểm ấy Sài Gòn sạch sẽ như Singapore và được mệnh danh là HÒN NGỌC VIỄN ĐÔNG cũng không có gì thái quá.

Hai thành tích của tôi trong giai đoạn này là đoạt giải thưởng Hội Họa Thiếu Nhi Châu Á lúc mới 9 tuổi đang học lớp Ba 1 trường Tân Định, với bức tranh màu nước mang tựa “Quang Trung Hành Quân” và giải thưởng truyện ngắn Viết Trên Quê Hương Điêu Tàn của một nhật báo đối lập lúc 15 tuổi với truyện “Trái Đầu Lâu”.

Trong bức Quang Trung Hành Quân tôi vẽ cuộc tiến công thần tốc của Hoàng Đế Quang Trung ra Bắc bằng cuộc chuyển quân trên võng. Cảnh tượng cứ hai nghĩa quân Tây Sơn đi như chạy cáng võng một người nằm quả là hình ảnh đặc sản chỉ có ở con người Việt Nam và ở sự sáng tạo thần kỳ của Nguyễn Huệ.

Đầu năm 1963 Tổng Thống Ngô Đình Diệm đích thân mời người đối kháng với chế độ ông là cha tôi Bùi Văn Trình (từng bị ông nhốt tù chính trị) dẫn tôi vào Dinh Độc Lập nhận giải thưởng Hội Họa Thiếu Nhi Châu Á với sự có mặt của các vị Đại Sứ nước ngoài. Lúc đó tôi còn quá nhỏ nhưng cũng đủ bày tỏ lòng ngưỡng mộ ông, một vị Tổng Thống có tinh thần mã thượng biết quý trọng hiền tài không phân biệt xuất thân, lý lịch. Một Tổng Thống có vẻ ngoài hiền hậu nhưng lại có tầm nhìn xa thấy rộng, không cho phép người Mỹ can thiệp quân sự vào hiện tình đất nước Việt Nam.

Đáng tiếc là một Tổng Thống anh minh như thế lại bị chết oan ức, chết thảm khốc trong cuộc đảo chính quân sự 1-11-1963 do chính người Mỹ giật dây theo kịch bản của họ. Ông Diệm chết vài tháng sau khi đọc diễn văn khai mạc Trại Hè Thiếu Nhi Xuất Sắc Toàn Miền Nam tại Bà Rịa Vũng Tàu mà tôi là một đại biểu thiếu nhi được mời tham dự.

MỘT NÉN NHANG CHO CỐ TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM 

 

Hôm đó ở Dinh Độc Lập thằng bé 9 tuổi đứng bên cạnh ông

Được ông nắm tay như con cháu trong nhà thân thuộc

Chính ông cũng thừa biết bàn tay thằng bé có lửa từ người cha yêu nước

Người cha tên Bùi Văn Trình mà ông đã từng bắt bớ cầm tù

 

Nhưng không, Tổng Thống không hề thấy kẻ thù

Ông chỉ thấy văn minh và nhân cách

Ông thấy “rách cho thơm, nghèo cho sạch”

Ông thấy tài năng bẩm sinh thường xuất thân từ khu ổ chuột sình lầy

 

Hôm đó ở Dinh Độc Lập tôi đã dụi đầu vào ngực ông với tất cả thơ ngây

Dựa vào một nền giáo dục hoàn toàn dành cho trẻ con miễn phí

Dựa vào nhà thương không tốn tiền, với bánh mì phô mai sữa tươi dành cho học sinh không lừa mị

Dựa vào “tiên học lễ, hậu học văn” biết chào người lớn lúc ra đường

 

Tôi được ông dạy học làm người trước khi biết đến văn chương

Biết môn Đức Dục dạy giúp đỡ kẻ nghèo ra sao, biết môn Công Dân dạy cúi chào đám ma trên đường đến lớp

Biết nền Đệ Nhất Cộng Hòa trên đường đi không hề có rác

Con người tử tế với nhau như đang ở thiên đường

 

Vậy mà người ta nỡ quên câu “nhiễu điều phủ lấy giá gương”

Người ta hạ sát ông chỉ vì ông quá yêu tổ quốc

Ông không muốn thấy xã tắc biến thành trò chơi của Mỹ, Tàu, Nga những cái vòi bạch tuộc

Cái chết của ông giết luôn ước mơ một nước Việt hùng cường

 

Giết luôn ước mơ của tôi, một thằng bé rụt rè được ông săn sóc yêu thương

Cái nắm tay năm 9 tuổi của ông đến bây giờ còn ấm

Tôi chỉ biết khóc và thắp một nén nhang tiếc thương Tổng Thống

Tiếc thương số phận dân tộc tôi không thoát khỏi lời nguyền…

 

BÙICHÍ VINH 01-11-2021 

Một số bình luận :

Hồ Thị Cẩm Vân : Vậy mà mộ phần ông còn không được đề tên, một ngôi mộ nằm khuất lấp hẻo lánh giữa đám cỏ lau ngút đầu, đâu ai ngờ mộ một TỔNG THỐNG mà lại hoang phế như vậy. Trong khi thời còn sanh tiền tổng thống đã thể hiện tinh thần văn hóa, giữ gìn bản chất tốt đẹp của người Việt Nam bằng cách cho tôn tạo và giữ gìn ngội mộ ông Nguyễn Sinh Sắc cha của Hồ Chí Minh. Năm ngoái bọn tôi đã lên nhờ người làm cỏ cho các phần mộ của gia đình ông với sự giúp đỡ tài chánh của kiều bào. Thương cho Ông.

Cau Du Huu : Hồi nhỏ tôi học trường tiểu học ở quận 3. Mỗi sáng học sinh đều được phát nửa ổ bánh mì to tổ chảng kèm một ly sữa bột béo. Sau giờ ra chơi được phát hộp bánh thập cẩm giống lương khô khoảng 150 mg. Nếu ăn hết thì trưa về nhà no quá khỏi ăn cơm. Đến năm 68,69 gì đó thì không còn. Thời đó học sinh chỉ học một buổi. Không có thầy cô nào dạy thêm ngoài giờ. Đa số học sinh rất hào hứng tới trường và rất lễ phép. Hiếm có thời đại nào an trị như vậy.

Ken Nguyen : Thưa anh Vinh, tôi và gia đình tôi cũng là người phải đội ơn ông Diệm. Ba tôi lúc sinh tiền có kể cho tôi nghe, sau khi chấp chánh, nhân một lần đi kinh lý sang khu đầm lầy ổ chuột quận 4, ông Diệm vì thấy dân tình ở quận 4 quá nghèo nàn, nên sau khi về lại văn phòng, ông Diệm đã gọi điện thoại cho ông quận trưởng phải xây gấp rút một nhà thương thí bảo sanh ở quận 4 với hạn kỳ không quá bốn tháng. Ba tháng sau, một nhà thương thí với cái tên nhà thương thí Bảo Sanh Kho Muối ở quận 4 được hình thành, và tôi chào đời từ đây. Nhân ngày mất của ông Diệm 1/11/1963, cá nhân tôi xin thắp lên một nén hương lòng để tạ ơn và tướng nhớ đến Ông.

Truong Toan Nguyen : Nghe ba nói thời kỳ ông Diệm là thời kỳ thanh bình nhất của Việt Nam xưa và nay. Ngoài đường không ai nhặt của rơi, hoặc có nhặt thì đem tới một nơi chuyên giữ đồ rơi. Đêm ngủ không cần đóng cửa. Mỗi sáng Chúa nhật, ông hay vi hành ra các chợ dân sinh xem dân làm ăn mua bán ra sao, nhất là khu đường Hàm Nghi. Thật tiếc, sai lầm của ông là ra mặt chống đối thẳng thừng việc Mỹ đổ quân vào miền Nam + không tin tưởng số sĩ quan do Pháp đào tạo nên bị Mỹ loại bỏ.

Lien Nguyen : Tui đã khóc ngay từ lúc học lớp 3 trường làng, khi người ta vào lớp hạ hình tổng thống và câu khẩu hiệu "Ngô Tổng Thống muôn năm" xuống BCV à ! Giờ đọc bài thơ này tui xúc động và đồng cảm với bạn lắm lắm!

Nguyễn Long Chiến : Nhận định về tổng thống Ngô Đình Diệm của tác giả chuẩn xác: ông là vị lãnh đạo miền Nam xuất sắc nhất. Sau cái chết của anh em ông, không có nhân vật nào thay thế được. Lãnh đạo dân sự Nguyễn Ngọc Thơ, Phan Huy Quát, Phan Khắc Sửu không sánh được Ngô Đình Diệm. Lãnh đạo quân sự Dương Văn Mình, Nguyễn Khánh càng tệ hại hơn. Chỉ có Nguyễn Văn Thiệu khá hơn. Nhưng quyết định bỏ Tây Nguyên sau khi Ban Mê Thuột thất thủ để trắc nghiệm thái độ của người Mỹ là sai lầm chết người của ông Thiệu.

Sau khi tổng thống Diệm chết, tình hình chính trị, quân sự rối ren, người Mỹ buộc phải trực tiếp gánh vác việc ngăn chặn cộng sản ở Đông Nam Á. Họ không hiểu người Việt. Sự có mặt của họ có dáng dấp như sự có mặt của người Pháp khiến cho cuộc chiến ở Việt Nam thiếu chính danh vì bị tuyên truyền Mỹ xâm lược. Việc từ chối quân đội Mỹ của Ngô Đình Diệm là đúng, nhưng người Mỹ lại thiếu tin tưởng ông, thiếu tin tưởng người Việt, dẫn đến kết quả cuối cùng Mỹ thất bại ở Việt Nam. Chính vì ngộ nhận như thế, Mỹ bật đèn xanh cho đám tướng lĩnh bất tài lật đổ và giết chết anh em ông. Họ sợ ông nếu để ông sống. Đại sứ Mỹ ngỏ lời đưa ông ra ngoại quốc nhưng ông không chấp nhận. Bậc quân tử đáng kính.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.