Anh chồng ở Thái Bình mới cưới vợ được một năm, khi vợ đòi ly hôn đã yêu cầu vợ trả lại :
12 triệu đồng tiền ăn (1 triệu/ tháng); 5 triệu học phí; tiền 1 chỉ vàng mẹ chồng cho; tiền trả nợ (7 triệu); tiền khám chữa bệnh về sức khoẻ sinh sản; bình điện trong xe đạp điện mà anh ta lắp cho vợ anh cũng gỡ ra để cô ấy phải dắt bộ về nhà mẹ.
Tổng cộng cô vợ phải trả 42 triệu đồng thì anh ta mới ký đơn ly hôn.
Để buộc vợ trả tiền, anh này giữ tất cả bằng cấp và giấy tờ tùy thân của vợ.
Bí thế và muốn giải thoát, cô vợ đã trả tiền cho chồng trước sự chứng kiến của ban ngành đoàn thể ở thôn.
- Dù việc đòi tiền đúng hay sai, mọi sự tranh chấp nếu không thỏa thuận được phải đưa nhau ra tòa án. Việc giữ lại giấy tờ bằng cấp của vợ để làm áp lực buộc vợ đưa tiền là "dùng thủ đoạn khác" để chiếm đoạt tài sản. Theo Điều 170 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì "Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm”.
- "Thủ đoạn" trên của anh chồng còn vi phạm vào quyền tự do hôn nhân (tự do kết hôn hoặc ly hôn) được pháp luật bảo vệ.
Anh chồng có được đòi tiền ăn, học của vợ không ?
Chắc chắn là không, vì :
- Giữa họ không có thỏa thuận nào về việc người vợ phải trả tiền nếu ly hôn, trước khi gia đình chồng nuôi cơm hay đưa tiền cho cô vợ đóng học phí. Do đó việc chi phí cơm gạo và học phí được căn cứ theo Điều 23 Luật Hôn nhân và Gia đình "Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ tạo điều kiện, giúp đỡ nhau chọn nghề nghiệp ; học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội...". Không có lý gì anh "tạo điều kiện" đóng học phí giúp vợ rồi giờ đây đòi tiền.
Lạ lùng là cả đoàn thể và cán bộ thôn lại chứng kiến và đồng ý với việc chia tay đòi tiền mà không nói tiếng nào bảo vệ quyền và lợi ích của cô vợ.
Mình nghĩ anh chồng nên tìm cách trả lại tiền cho vợ đi. Chứ cô ấy tố cáo thì anh mệt và mấy ông bà cán bộ thôn cũng bẽ bàng.
NGUYỄN ĐỨC HIỂN 04.03.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.