dimanche 3 janvier 2021

Nguyễn Văn Tuấn - "Cắn rứt lương tâm"


Buổi sáng nhâm nhi cà phê, đọc một bài báo bên Việt Nam có tựa đề "Phải làm sao để cán bộ làm gì sai là thấy lương tâm cắn rứt" [1] và nhìn cảnh cặp thanh niên thanh nữ vi phạm luật giao thông ở một khu phố Sydney, mà nghĩ lan man chuyện nhân tình thế thái.

Sáng nay đang ngồi nhâm nhi cà phê với bạn bè, tôi chú ý đến một sự việc có ý nghĩa. Một chiếc xe xịn đậu kịt một cái vào chỗ dành cho người khuyết tật (disable people), và hai cô cậu bước xuống xe. Họ bước đi khoan thai và vào quán cà phê tán gẫu như chẳng có chuyện gì xảy ra. Điều làm tôi chú ý là họ hay chửi thề theo phong cách miền ngoài.

Nếu cảnh sát phát hiện họ bị phạt khá nặng, nhưng cảnh sát không có mặt ở đó. Tôi nghĩ hai thanh niên đó thừa hiểu họ phạm luật, vì người 'bình thường' đậu nơi dành cho người khuyết tật là vi phạm luật lệ giao thông. Hình như họ không thấy cắn rứt lương tâm khi phạm luật như thế.

Câu chuyện làm tôi liên tưởng đến năm kia, khi cháu gái tôi (tên Elizabeth) ở California chở tôi đi chợ gần khu Hollywood, xe cộ và người qua lại khá tập nập. Khi xe băng ngang qua một cái vạch đường dành cho người đi bộ, nó nhìn kiếng chiếu hậu thấy có một người chờ băng qua đường. Vừa lái, nó vừa tự vấn mình và nói bằng tiếng Anh: 'Con thấy hối hận vì không dừng lại cho bà ấy băng qua đường.'

Tôi an ủi nó rằng 'nhưng bà ấy chưa đặt chân xuống đường mà,' nhưng nó vẫn cắm rứt nói “No, I should have stopped” (Không, đáng lẽ ra con phải dừng xe), rồi nó nói “I am sorry”. Tôi hỏi đùa 'Con xin lỗi ai? Ở đây chỉ có hai bác cháu mình.' Nó nói 'Con xin lỗi bà ấy cho dù bà không nghe.' Cháu tôi nó cắn rứt lương tâm.

Ở cả hai trường hợp, luật pháp đều không với tới. Trường hợp đậu xe sai quy định vì cảnh sát không có mặt ở đó, nên hai thanh niên kia ... thoát nạn. Trường hợp của cháu tôi thì dù nó chẳng phạm luật gì cả; nó chỉ thấy đáng lý ra nó làm tốt hơn để dành ưu tiên cho bà đi đường kia. Nhưng một trường hợp thì người ta thản nhiên xem như một sự may mắn. Còn một trường hợp thì cảm thấy lương tâm cắn rứt.

Cháu tôi sanh ra và lớn lên ở Mỹ, nó không có tiếp xúc nhiều về văn hóa Việt Nam. Gia đình nó thì ba má theo hai đạo khác nhau: Công giáo và Phật giáo. Nhưng nó một cách chánh thức không theo đạo nào. Thế nhưng nó lớn lên trong môi trường tôn giáo và xã hội Mỹ, và có lẽ đó là yếu tố giúp nó khả năng tự vấn lương tâm.

Tôi nghĩ tôn giáo rất quan trọng trong đời sống tinh thần. Luật pháp và quy định nói cho cùng chỉ 'sờ' được cái bề nổi hay cái phần ngoài, chớ không thể nào xâm nhập vào được cái phần trong tâm hồn, hay cái mà chúng ta gọi là 'lương tâm' (mà tiếng Anh gọi là 'conscience'). Chỉ có tôn giáo và những quy ước đạo đức tôn giáo mới xâm nhập vào tâm hồn, và giúp cho chúng ta phân biệt được đúng và sai mà không cần đến luật pháp. Đối với khoa học, các quy ước về đạo đức (xuất phát từ tôn giáo) giúp các nhà khoa học tinh khiết hóa việc làm của mình và tránh khỏi sai lầm từ chủ nghĩa tuyệt đối.


Bất cứ xã hội nào cũng cần tôn giáo - dù dưới hình thức tổ chức hay bán tổ chức. Điều này đúng vì luật pháp chỉ giải quyết những tội phạm và vi phạm đã xảy ra, còn tôn giáo thì có thể ngăn ngừa những ý tưởng mang tính tội phạm (trước khi tội phạm xảy ra). Luật pháp ngăn ngừa tội từ bên ngoài; tôn giáo ngăn ngừa từ bên trong. Người công an vô luân lý có thể thích tra tấn phạm nhân cho đến chết, hay sẵn sàng cầm súng bắn vào một ông cụ 80 tuổi đang nằm trên giường. Nhưng người công an có đạo lý và bị ràng buộc bởi tôn giáo thì không bao giờ dám nghĩ đến những hành động đó (chớ chưa nói đến thực hiện hành vi phạm tội).

Do đó, Napoleon nói rất đúng rằng tôn giáo là yếu tố kiềm chế không cho kẻ nghèo giết kẻ giàu ("Religion is what keeps the poor from murdering the rich"). Kẻ sát nhân có thể vô tội trước pháp luật, nhưng không thể vô tội trước 'tòa án lương tâm'.

Quay lại câu nói của vị quan chức trong chánh phủ ("Phải làm sao để cán bộ làm gì sai là thấy lương tâm cắn rứt ") tôi thấy hoang mang. Đã làm cán bộ, có khi là cán bộ cao cấp, mà còn hỏi câu hỏi này thì hoá ra thể chế đang có một lỗ hổng về đạo đức? Mà, có lẽ đúng như vậy thật, bởi vì nhìn vào tiểu sử của các cán bộ và quan chức cao cấp, chúng ta thấy phần "Tôn giáo: không".

Vì không theo một tôn giáo nào, nên người ta có thiếu các chuẩn mực đạo đức và không có cái 'la bàn đạo đức' (moral compass). Một quan chức thiếu chuẩn đạo đức có thể đưa tay nhận hối lộ từ người nghèo mà không thấy sai hay "cắn rứt lương tâm". Một quan tòa không có la bàn đạo đức có thể kết án tử hình oan cho bị cáo, và hình như trong thực tế điều này đang xảy ra trước mắt chúng ta. Thành ra, đáng lý ra người nói ra câu đó [1] nên tự vấn và cắn rứt lương tâm.

Xã hội và thể chế được xây dựng trên nền tảng của luật pháp, nhưng phần đạo đức con người và đạo đức xã hội thì được xây dựng trên nền tảng của tôn giáo. Không ngạc nhiên khi cựu tổng thống Mỹ Thomas Jefferson xem đạo đức cũng như tôn giáo như là những bổ sung vào luật pháp trong việc cai quản quần chúng ("I consider ethics, as well as religion, as supplements to law in the government of man").

Do đó, câu trả lời cho câu hỏi "Phải làm sao để cán bộ làm gì sai là thấy lương tâm cắn rứt" chính là tôn giáo. Và, tôi nghĩ những vấn nạn xã hội ở Việt Nam ngày nay một phần là do thiếu vai trò tích cực của tôn giáo.

NGUYỄNVĂN TUẤN 03.01.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.